Bàn về khái niệm môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa

Môi trường văn hóa (MTVH) có vai trò quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Vấn đề xây dựng MTVH là chủ đề được bàn luận và thực hiện rất nhiều. Từ thời phong kiến, các thiết chế văn hóa truyền thống; các quy định trong lệ làng, hương ước; các nghi lễ, phép tắc trong gia giáo, gia phong; truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường… đã góp phần không nhỏ tạo dựng nên những MTVH tốt lành. Từ khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhất là với văn hóa Pháp, giới trí thức Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng MTVH từ cách tiếp cận của các khoa học xã hội và nhân văn, tuy nhiên các thành tựu đạt được còn khá khiêm tốn, nhỏ lẻ, chưa mang tính hệ thống.

Việc xác định cơ sở lý luận về xây dựng MTVH đạt được những bước tiến quan trọng trong giai đoạn đất nước ta giành được độc lập hoàn toàn, chủ yếu kế thừa quan điểm lý thuyết của các nhà nghiên cứu trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học được tiến hành trong thời kỳ này, góp phần làm rõ cơ sở lý luận về xây dựng MTVH gắn với đặc thù của từng vùng miền, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực… Dưới ảnh hưởng của cách tiếp cận này, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, mà chủ yếu là xây dựng các thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa đã được quan tâm; nhiều phong trào văn hóa như: xây dựng làng/ bản/ khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, công sở văn hóa, nếp sống văn hóa… đã được triển khai.

Bên cạnh nhiều kết quả khả quan đã đạt được, có thể thấy, cách tiếp cận này cũng đang dần dần bộc lộ những khiếm khuyết, hạn chế, dẫn đến công cuộc xây dựng MTVH đạt hiệu quả chưa cao, đôi khi còn trở thành hình thức, bề nổi, duy ý chí, không thực sự đi vào cuộc sống, vì vậy rất cần có sự xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa.

1. Về khái niệm môi trường văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946), nêu rõ: Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân đân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập (1). Từ tư tưởng bao quát của Người đã đặt ra những vấn đề cụ thể cho việc xây dựng MTVH.

Khoảng vài thập niên trở lại đây, cơ sở lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa và MTVH ở nước ta là vấn đề được các nhà khoa học bàn thảo nhiều. Khi bàn về khái niệm MTVH và nội hàm của nó, nhóm tác giả biên soạn công trình về Quản lý hoạt động văn hóa (1998), đã cho rằng: MTVH “là một tổng thể các sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa, hành vi văn hóa, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa… mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời mình và có ảnh hưởng qua lại với mình” (2).

Nhấn mạnh văn hóa là thiên nhiên thứ hai do là một trường văn hóa nuôi dưỡng đời sống con người, tác giả Hoàng Vinh trong công trình Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta (1999) đã bàn về môi trường văn hóa: “Các sản phẩm văn hóa (…) phối kết với mạng lưới hoạt động văn hóa của con người hình thành môi trường văn hóa. Đó là thiên nhiên thứ hai, là cái vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người” (3). Quan điểm của tác giả Hoàng Vinh xuất phát từ việc luận giải nhu cầu văn hóa trong mối quan hệ với nhu cầu tinh thần, và xem đời sống văn hóa là sự phản ánh của các hoạt động mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ và nhân văn. Hay tác giả Trần Văn Bính trong Đề cương bài giảng lý luận văn hóa (cho hệ đào tạo cao học và nghiên cứu sinh), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, (2000) xem MTVH được hình thành bởi các giá trị mà hoạt động của con người tạo ra.

Trong công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (2001), nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm tiếp cận văn hóa từ cấu trúc hệ thống và loại hình văn hóa đã làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường văn hóa. Văn hóa được quan niệm là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của mình. Tác giả khẳng định rằng: cộng đồng người (chủ thể văn hóa) hiển nhiên tồn tại trong quan hệ với hai loại môi trường – môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Với mỗi loại môi trường, các chủ thể văn hóa đều lựa chọn cho mình một cách xử thế phù hợp: đó là sự tận dụng môi trường và ứng phó đối với môi trường. Cũng trong các môi trường đó, bằng quá trình giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa, mỗi dân tộc đều cố gắng tận dụng các thành tựu của các dân tộc, quốc gia lân bang để làm giàu thêm cho nền văn hóa của mình; đồng thời lại phải lo đối phó với họ trên các mặt trận quân sự, ngoại giao… Như thế tiến trình lịch sử và văn hóa của con người được diễn ra trong môi trường sống với mối quan hệ hữu cơ.

Tác giả Văn Đức Thanh trong cuốn Về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở (2001), đã đặt ra yêu cầu nhận thức và vận dụng đúng đắn những vấn đề phương pháp luận trong quá trình xây dựng MTVH cơ sở.

Trần Lê Bảo và các tác giả trong cuốn Văn hóa sinh thái nhân văn (2001), xem xét vấn đề văn hóa, MTVH từ góc độ quan hệ hữu cơ của con người với tự nhiên, với môi trường sinh thái (MTST) của nó, coi đó là cơ sở để giải quyết vấn đề MTST – nhân văn, cũng là MTST – xã hội đang trở nên bức xúc hiện nay.

Đỗ Huy trong công trình nghiên cứu Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học (2001), đã tiếp cận MTVH theo thước đo giá trị lịch sử – xã hội, làm hiện diện bản chất của MTVH như một di sản có nhiều năng lượng quý hiếm mà tất cả các thế hệ tiếp nối đều phải gìn giữ và sáng tạo tiếp. Từ đó đề ra việc đánh giá MTVH phải được dựa vào một hệ chuẩn nhất định. Từ góc nhìn giá trị học, tác giả Đỗ Huy định nghĩa: “MTVH chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất, tinh thần của mình” (4). Bản chất của MTVH được nhấn mạnh: MTVH tức là cái cơ sở, cái điều kiện để con người tồn tại và giao tiếp, lao động, sản xuất, sinh hoạt và sáng tạo, là môi trường nhân hóa, là sản phẩm của hoạt động người. MTVH vì thế cũng chính là thước đo trình độ ứng xử và giao tiếp trong lao động, sáng tạo của con người trong mối quan hệ tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Trong tác phẩm Xây dựng môi trường văn hóa – Một số lý luận và thực tiễn (2004) của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, các nhà nghiên cứu cho rằng xây dựng MTVH tức là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với tự nhiên, với xã hội và với bản thân mình. Công trình cũng đưa ra những vấn đề thực tiễn khá quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương V, đó là sự tổng kết những kinh nghiệm bước đầu trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

Một số tác giả có những bài viết trên các tạp chí, hội thảo khoa học bàn về môi trường văn hóa, đời sống văn hóa như: Nguyễn Trọng Chuẩn Xây dựng MTVH lành mạnh để có con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên Tạp chí Cộng sản, số 864 (2014), cho rằng trong bối cảnh hiện nay xã hội muốn đi lên, đất nước muốn phát triển thì không thể thiếu những con người “phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, giàu tinh thần yêu nước, trong sáng, lối sống trong sạch… những con người như thế chỉ có thể hình thành trong MTVH lành mạnh.

Trong bài viết Mấy vấn đề lý luận về môi trường văn hóa và đời sống văn hóa (2015), tác giả Đỗ Huy đã bàn đến khá cơ bản về mối quan hệ giữa con người, văn hóa và môi trường văn hóa. MTVH được xem là một trong những kiểu, dạng của môi trường xã hội, cả hai loại môi trường tự nhiên và môi trường xã hội có liên hệ bản chất với nhau thông qua hoạt động của con người. Theo tác giả, môi trường tự nhiên là tổng hợp những gì tồn tại khách quan không phải do con người sáng tạo ra, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, dù con người là một bộ phận của môi trường tự nhiên. MTVH về phương diện nào đó là sự thể hiện ứng xử của con người với môi trường tự nhiên – nhưng không thể đồng nhất với mối quan hệ của con người với tự nhiên, với hệ sinh thái. Bởi khái niệm môi trường đã bao hàm cả môi trường xã hội và môi trường tự nhiên trong đó môi trường xã hội là một bộ phận cơ bản và quan trọng của MTVH.

Ở bài viết Bàn về môi trường văn hóa đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 334 (2012), tác giả Mai Hải Oanh cho rằng MTVH không bao hàm cả những giá trị vật chất, mà chủ yếu chỉ bao hàm lĩnh vực tinh thần. MTVH được tác giả định nghĩa: “MTVH là tổng hòa các loại điều kiện văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể và tác động tới hoạt động chủ thể, yếu tố chủ yếu tạo thành MTVH là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống”. Tác giả nhấn mạnh: MTVH với tư cách là một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc, tất nhiên gắn liền với sự biến đổi của cơ sở hạ tầng, nhưng nó có tính độc lập tương đối. MTVH có xu hướng ổn định, bền vững hơn so với sự biến đổi sôi động của môi trường xã hội.

Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa (2015) do Viện Văn hóa – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức có các bài viết bàn về xây dựng đời sống văn hóa, MTVH với các bài viết của các tác giả như: Nguyễn Hữu Thức đã đồng tình với quan điểm về MTVH của các nhà nghiên cứu văn hóa Nga (Liên Xô cũ) trong bài viết Bàn về khái niệm đời sống văn hóa và môi trường văn hóa nói về hai thành tố quan trọng của MTVH, đó là: những yếu tố vật thể (vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo) và nhân cách (có thể hiểu là hành vi văn hóa biểu hiện ở cộng đồng người và cá nhân). Từ đó tác giả cho rằng, nội hàm của MTVH rộng hơn đời sống văn hóa. Đời sống văn hóa đề cập đến những điều kiện hành vi văn hóa của con người xuất phát từ nhu cầu đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể của đời sống, nhằm thỏa mãn khát vọng hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Còn MTVH đề cao vai trò chủ động của con người với tư cách là sản phẩm của văn hóa đồng thời là chủ thể sáng tạo văn hóa trong các mối quan hệ ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tạo sự ổn định, phát triển, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, không ngừng nâng cao chất lượng sống của con người. Khái niệm MTVH theo tác giả, được định nghĩa: “MTVH được hiểu với nghĩa rộng nhất của nó là sự hiện hữu các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể do con người tái tạo ra; sự hiện hữu của cả những yếu tố vật thể tự nhiên bao quanh con người, trở thành khung cảnh và điều kiện tồn tại của con người; sự hiện diện của các nhân cách văn hóa trong không gian, thời gian xác định, quan hệ, tác động lẫn nhau hướng con người tới những chuẩn mực giá trị xã hội”. Các yếu tố văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, môi trường tự nhiên và trên hết là những con người hiện diện văn hóa… đã tạo nên MTVH. Một ý kiến khác của tác giả Nguyễn Văn Cần trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa (2015) cũng đồng tình quan điểm này, bởi cùng từ xuất phát cho văn hóa hình thành và phát triển trước hết trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, đồng thời chủ yếu nhất là kết quả của mối quan hệ giữa con người trong các hoạt động sống. Và MTVH chính là sự “đan bện” rất đa dạng giữa các trường với nhau, tạo ra sự tác động tổng hợp, đồng bộ, nhiều chiều vào mỗi con người cá nhân và xã hội, góp phần trực tiếp tạo các giá trị trong nhân cách – con người văn hóa. Trên cơ sở đó, định nghĩa được tác giả đưa ra: MTVH “là tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định, trong một thời gian và không gian cụ thể. Ở đó, các cá nhân tác động lẫn nhau, quan hệ trực tiếp giữa các cá thể và cộng đồng, có vai trò quyết định đến nhân cách con người trong quá trình sống”. Ngoài ra, Hội thảo còn có các bài viết khác liên quan đến vấn đề lý luận xây dựng đời sống văn hóa, MTVH như: Góp bàn về khái niệm đời sống văn hóa và môi trường văn hóa của Lê Quý Đức; Khái niệm đời sống văn hóa của Đinh Thị Vân Chi; Những vấn đề về xây dựng môi trường văn hóa và xây dựng văn minh môi trường hiện đại – Mai Hải Oanh; Môi trường văn hóa và đời sống văn hóa từ mối quan hệ biện chứng đến giải pháp xây dựng môi trường văn hóa nâng cao đời sống văn hóa – Nguyễn Minh San…

Tác giả Nguyễn Thị Hương với bài viết Xây dựng môi trường văn hóa để phát triển văn hóa và con người, phát triển bền vững đất nước (2016), đã làm rõ thêm định hướng của Đảng về xây dựng MTVH, khái niệm và bản chất của MTVH, nội dung nhiệm vụ xây dựng MTVH trong giai đoạn hiện nay. Từ đây tác giả cũng đưa ra khái niệm MTVH như sau: MTVH là tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, các yếu tố đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác đối với con người, nhằm phát triển, phát huy vai trò con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể văn hóa. Nội dung xây dựng MTVH chính là xây dựng cái bao quanh, cái có thể tác động đến con người để trong đó con người vừa là sản phẩm vừa tự hoàn thiện mình với tư cách là chủ thể. Hay nói cách khác, xây dựng MTVH là tạo các điều kiện bên ngoài – cái có thể góp phần vào sự hình thành, hoàn thiện nhân cách, để không phải là cái có thể tha hóa nhân cách. Xây dựng MTVH là tạo các điều kiện để phát huy vai trò của con người trong các mối quan hệ ứng xử. MTVH bao gồm tổng thể các loại sản phẩm văn hóa; những cảnh quan văn hóa; các thiết chế văn hóa; hệ thống những ứng xử văn hóa; diện mạo những phạm vi MTVH (văn hóa gia đình, cơ quan, đơn vị, bản, làng…). Nội dung MTVH cần tập trung Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, gắn với hệ giá trị, chuẩn mực cụ thể; Xây dựng đời sống văn hóa; Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; Tạo điều kiện để người dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Tác giả Từ Thị Loan trong bài viết Môi trường văn hóa, đời sống văn hóa – một số vấn đề lý luận và thực tiễn trên Tạp chí Văn hóa học, số 1 (23) (2016) đề cập cùng với môi trường sinh thái và môi trường xã hội, MTVH giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Môi trường văn hóa, đời sống văn hóa là một trong những tiêu chí chính đánh giá sự công bằng xã hội và tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, việc xây dựng một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, một MTVH lành mạnh, hài hòa đang đặt ra một cách cấp thiết. Bài viết đã góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng đời sống văn hóa, MTVH ở Việt Nam hiện nay.

Nguyễn Thanh Tuấn (2015) với bài viết Cơ sở lý luận về đời sống văn hóa và môi trường văn hóa đề cập có ý kiến cho rằng ở Việt Nam đã có hai giai đoạn tiếp cận về MTVH (thường gắn với đời sống văn hóa): giai đoạn những năm 80 của TK XX và giai đoạn từ khoảng đầu thập niên của TK XX trở lại đây. Các nghiên cứu về đời sống văn hóa và MTVH được xem xét từ các góc độ triết học, xã hội học, lịch sử, tâm lý và kinh tế… nhưng hiện nay thì các tiếp cận triết học, xã hội học và văn hóa học là những hướng tiếp cận chủ yếu.

Hồ Sỹ Quý đã đề cập đến hai nội dung cơ bản: MTVH và MTVH ở Việt Nam hiện nay (5). Theo tác giả, việc sử dụng lý thuyết MTVH là một cách kiến giải mới, một phương án tư duy mới về những vấn đề quen thuộc. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng một lượng thông tin rất phong phú để lý giải MTVH Việt Nam từ các phương diện: tư tưởng – lý luận, kinh tế – xã hội, đời sống tinh thần xã hội. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra kết luận rằng, nét chủ đạo của MTVH Việt Nam hiện nay là tốt đẹp và lành mạnh.

Theo tác giả Trần Văn Bính trong Xây dựng môi trường và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa (6), nói MTVH là nói đến những giá trị, những chuẩn mực trong hành vi, ứng xử, lao động, tổ chức, lãnh đạo và quản lý xã hội đang tồn tại quanh ta, thường xuyên tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta nhằm thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa con người với con người, nhằm phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Nếu hiểu MTVH là nơi lưu giữ các giá trị, chuẩn mực để giúp con người tự hoàn thiện bản thân, để phát triển và phát huy những năng lực bẩm sinh hướng tới chân, thiện, mỹ, thì phải hình thành cho được những giá trị, những chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực cuộc sống mà mỗi con người phải trải qua; đó là gia đình, nhà trường, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị công tác…

Như vậy, chúng tôi cho rằng, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về MTVH, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi quan niệm: MTVH bao gồm các yếu tố xung quanh chủ thể văn hóa, tác động đến chủ thể văn hóa như cảnh quan và thiết chế văn hóa, giá trị và chuẩn mực văn hóa, cũng như hoạt động và sản phẩm văn hóa.

2. Khái niệm xây dựng môi trường văn hóa

Khái niệm MTVH chỉ mới được chính thức đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng VIII (1996): Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng MTVH lành mạnh cho sự phát triển xã hội. Trong Văn kiện, MTVH mới được nhận thức như là nhiệm vụ, nội dung của phát triển văn hóa.

Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, nhận thức về MTVH mới được làm rõ về quan niệm, nội dung xây dựng MTVH, cụ thể: Về khái niệm, Nghị quyết xác định MTVH là môi trường chứa đựng những giá trị văn hóa và diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người. Mục đích xây dựng MTVH là để đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Về nội dung xây dựng MTVH gồm: Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội…) đời sống văn hóa lành mạnh… Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam… Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong xây dựng nếp sống văn minh… Thu hẹp khoảng cách đời sống văn hóa giữa các trung tâm đô thị và nông thôn… Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở; đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm… Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy, theo Nghị quyết Trung ương 5, nội dung xây dựng MTVH gồm 5 nội dung chính: xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ sở; xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ.

Những nội dung trên được tác giả Nguyễn Hữu Thức thể hiện một lần nữa trong bài viết Bàn về khái niệm đời sống văn hóa và môi trường văn hóa, tại Kỷ yếu Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn (2015), và cho rằng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), chúng ta đã có bước tiến trong nhận thức về xây dựng MTVH, nhưng nội dung xây dựng MTVH chưa đầy đủ, như Nghị quyết xác định. Những nội dung trên đây chưa làm rõ mối quan hệ, vai trò của MTVH với phát triển nhân cách văn hóa và môi trường tự nhiên trong phát triển. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi xem xét mối quan hệ với đời sống văn hóa và thực tiễn MTVH về phương diện quản lý.

Đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước), đã có sự bổ sung mới cả về lý luận và thực tiễn về xây dựng MTVH Việt Nam.

Mục tiêu là xây dựng MTVH lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng MTVH, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Về quan điểm xây dựng đồng bộ MTVH, trong đó cần chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Về nhiệm vụ xây dựng MTVH lành mạnh: Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một MTVH lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng MTVH với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, tốt đời, đẹp đạo. Khuyến khích các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, từ thiện, nhân đạo.

Như vậy, theo quan điểm của Đảng về nội dung, xây dựng MTVH phải gắn với không gian, điều kiện và chủ thể của mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị; thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; chú trọng giá trị văn hóa tín ngưỡng tôn giáo trong xây dựng MTVH; gắn kết xây dựng MTVH với bảo vệ MTST; xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt vấn đề quy chế dân chủ, lối sống, nếp sống, hệ thống thiết chế văn hóa và tính tự quản của người dân trong các hoạt động…

Chúng tôi cho rằng xây dựng MTVH gồm: xây dựng các thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa; xây dựng đạo đức, lối sống; bảo tồn và phát huy các giá trị của phong tục, tập quán; phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Như vậy, xét trên cơ sở sự tương đồng với khái niệm MTVH gồm 3 yếu tố: cảnh quan và thiết chế văn hóa, giá trị và chuẩn mực văn hóa, hoạt động và sản phẩm văn hóa, khái niệm xây dựng MTVH phân tách xây dựng giá trị và chuẩn mực văn hóa thành 2 nội dung để dễ định lượng gồm: xây dựng đạo đức, lối sống và bảo tồn, phát huy các giá trị của phong tục, tập quán.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định, MTVH là những yếu tố văn hóa bên ngoài, ảnh hưởng đến sự hình thành văn hóa của cá nhân, cộng đồng, tổ chức. Xây dựng MTVH lành mạnh giúp hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam. Đây chính là mục đích của sự phát triển văn hóa, con người nói chung.

MTVH có mối quan hệ biện chứng với các môi trường chính trị, kinh tế – xã hội… Chính vì thế, trong nghiên cứu về MTVH, chúng ta cần phải xem xét đến tác động qua lại này nhằm bảo đảm cho việc nghiên cứu mang tính toàn diện, tổng thể.

3. Kết luận

Xây dựng MTVH chính là một trong những nội dung quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Khi chúng ta hình thành được một MTVH lành mạnh cũng có nghĩa là chúng ta đã hình thành được những yếu tố nền tảng, thuận lợi giúp hình thành nhân cách tốt của mỗi cá nhân. Vì vậy, xác định một cách rõ ràng các yếu tố xây dựng MTVH sẽ giúp chúng ta nhận diện tốt hơn những việc cần làm, những giải pháp cụ thể để hoàn thiện nhân cách con người, từ đó, tạo điều kiện hình thành văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

___________

1. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

2. Phan Văn Tú, Nguyễn Văn Hy, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên, Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.

3. Hoàng Vinh, Mấy đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta , Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999.

4. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.

5. Hồ Sỹ Quý, Về môi trường văn hóa và môi trường văn hóa ở Việt Nam, philosophy.vass.gov.vn, 22-3-2021.

6. Trần Văn Bính, Xây dựng môi trường và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa, nhandan.com.vn, 22-3-2021.

Tác giả: PGS, TS Bùi Hoài Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *