Quan điểm, định hướng, mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể ở Việt Nam


Di sản văn hóa vật thể (DSVHVT) của thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia được công nhận, quản lý bởi UNESCO. Tổ chức này lập danh mục, đặt tên, bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Những vị trí được đưa vào danh sách di sản thế giới có thể được nhận kinh phí từ Quỹ Di sản thế giới theo một số điều kiện nào đó. Ủy ban này được thành lập bởi Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, gọi tắt là Công ước Di sản thế giới, được Đại hội đồng   UNESCO chấp nhận ngày 16 – 11 – 1972. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá, lâu đời nhất.

 

Để được ghi vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, một tài sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn về văn hóa hoặc thiên nhiên theo Công ước Di sản thế giới đã được Ủy ban về Di sản thế giới của UNESCO duyệt lại.

Một di tích văn hóa phải xác thực, có ảnh hưởng sâu rộng hoặc có bằng chứng độc đáo đối với sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, hoặc di tích đó phải gắn liền với tư tưởng hay tín ngưỡng có ý nghĩa phổ biến, hoặc là điển hình nổi bật của một lối sống truyền thống, đại diện cho một nền văn hóa nào đó.

Một di chỉ thiên nhiên có thể điển hình cho một giai đoạn, các quá trình tiến hóa địa cầu, những biến đổi sinh thái học, bao gồm những vùng cư trú tự nhiên của các loài cực kỳ nguy cấp. Di chỉ thiên nhiên có thể là một khung cảnh đẹp khác thường, một cảnh quan ngoạn mục, một khu bảo tồn số lượng lớn các động vật hoang dã.

Cho đến cuối năm 2004, có 6 tiêu chí cho di sản văn hóa (DSVH), 4 tiêu chí cho di sản thiên nhiên. Đến năm 2005, điều này đã được sửa đổi để chỉ có một bộ 10 tiêu chí, trong đó 6 tiêu chí đầu thuộc về DSVH, còn 3 tiêu chí sau thuộc về di sản thiên nhiên. Tính đến cuối năm 2018, có 8 DSVHVT của thế giới ở Việt Nam, nằm trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình.

DSVHVT của thế giới nói chung, DSVHVT của thế giới ở Việt Nam nói riêng là tài sản quý báu của các thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. DSVH là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong thời gian qua, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH được Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm, coi trọng. Nhà nước đã đầu tư nhiều hơn, có trọng điểm, hiệu quả hơn để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các DSVHVT, nâng cấp cơ sở hạ tầng nơi có DSVHVT. Nhiều di tích quốc gia đã được phục hồi, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (hiện tại cả nước có 105 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt được UNESCO công nhận là DSVHVT của thế giới ở Việt Nam. Nhiều điểm tham quan du lịch mới được tạo ra xung quanh các khu di sản DSVHVT của thế giới ở Việt Nam. DSVHVT của thế giới ở Việt Nam đã góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cả nước cũng như du khách quốc tế, đã, đang đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, vùng, quốc gia.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với DSVH nói chung và DSVHVT thế giới ở Việt Nam nói riêng

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành, nhân dân được nâng lên. Nhiều DSVHVT, DSVH phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được cải thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa từng bước được phát triển. Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ tác động có hiệu quả tới con người, làm cho môi trường văn hóa lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một, mất bản sắc, truyền thống văn hóa… vẫn còn diễn ra ở không ít nơi chưa có nhiều cơ chế chính sách tốt về văn hóa; công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự coi trọng, quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ, trong một số trường hợp không sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, DSVH chậm đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Đầu tư cho văn hóa, DSVH chưa tương xứng, phân tán, dàn trải; chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng, có hiệu quả. Chưa quan tâm, coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý DSVH.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã nêu 5 quan điểm, trong đó nhấn mạnh quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nói chung, DSVHVT thế giới ở Việt Nam nói riêng có vai trò quan trọng trong công tác thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng ngang nhau của văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội.

Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: “Bảo tồn, phát huy DSVH dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa”. DSVH là một nguồn lực cho phát triển đất nước. Quan điểm là phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên, nhân văn. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong, ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên, văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của các vùng miền trong cả nước; tăng cường liên kết phát triển du lịch. Việc bảo tồn, bảo vệ DSVH là động lực cho sự phát triển đô thị, giữ lại được sự hấp dẫn của vùng, những nét văn hóa riêng biệt của các di tích, danh lam thắng cảnh.

Định hướng, mục tiêu

Vai trò, giá trị của di sản DSVHVT của thế giới ở Việt Nam chính là một phần quan trọng của nền tảng giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện rõ về con người, hình ảnh đất nước, là bộ phận của DSVH thế giới. Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, những giá trị của DSVHVT thế giới ở Việt Nam cần phải được quản lý bằng hệ thống chính sách, pháp luật đúng đắn, thông suốt, phù hợp với thực tiễn để nhằm hạn chế những thách thức do hội nhập mang lại, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bắt kịp với các quốc gia phát triển. Mục tiêu của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH là phát triển những khung pháp lý cơ bản, chung nhất cho việc bảo vệ những danh lam, thắng cảnh thiên nhiên, công trình kiến trúc lịch sử truyền thống, khôi phục chúng sao cho hài hòa với những công trình kiến trúc mới, những yếu tố kiến trúc cũ. Việc bảo vệ, bảo tồn DSVHVT của thế giới ở Việt Nam là hết sức cần thiết ở tất cả các cấp.

Định hướng về cơ chế, chính sách quản lý DSVHVT của thế giới ở Việt Nam cần phải được hoàn thiện trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam, bảo đảm tuân thủ những cam kết quốc tế. Việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVHVT của thế giới ở Việt Nam phải phù hợp, hiệu quả. Để thực hiện được những công việc đó, đòi hỏi phải nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm của quốc tế.

Công tác quản lý nhà nước về DSVHVT của thế giới ở Việt Nam trong thời gian tới cần phải tập trung vào những định hướng chính như sau:

Một là, cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về DSVHVT của thế giới ở Việt Nam.

Hai là, thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với các điều kiện đảm bảo thực thi, xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý các cấp một cách thống nhất, có hiệu lực.

Ba là, tổ chức bộ máy quản lý DSVHVT của thế giới ở Việt Nam phù hợp theo tinh thần Nghị định số 109/2017/NĐ – CP về bảo vệ, quản lý DSVH, thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, hoạt động đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết quản lý nhà nước với cơ chế đặc thù trong chuỗi DSVHVT của thế giới ở Việt Nam.

Bốn là, Nhà nước tiếp tục tạo ra các điều kiện để đầu tư, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ cho bảo tồn, phát huy giá trị DSVHVT của thế giới ở Việt Nam từ các cá nhân, tổ chức kinh tế. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cụ thể, khuyến khích việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội, từ chính quyền trung ương, địa phương cho đến các nhà nghiên cứu, giáo sư, nghệ sĩ, cộng đồng trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách, chiến lược, đảm bảo cho chính sách đáp ứng được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH đặc sắc của dân tộc, phát triển các công trình văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc, hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 20 DSVH thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu. Mong rằng, với những quan điểm, định hướng, mục tiêu hết sức rõ ràng, cụ thể của Đảng ta đối với bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nói chung, DSVH thế giới ở Việt Nam, đồng thời với sự hợp tác, giúp đỡ của tổ chức UNESCO, cộng đồng quốc tế, toàn xã hội, 8 DSVHVT của thế giới ở Việt Nam sẽ được bảo tồn, phát huy giá trị tốt nhất để lưu giữ lại không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.

 

Tác giả: Triệu Thị Ngọc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *