Múa sinh hoạt là hình thức vận động, kết hợp nhiều yếu tố: nghe – nhìn – nhảy – múa – ca hát, tất cả làm cho con người thêm nhanh nhẹn, hoạt bát, đồng thời góp phần giáo dục ý thức thẩm mỹ lành mạnh, tiến bộ cho mỗi cá nhân trong cộng đồng. Những màn múa, điệu múa trong sinh hoạt của người Tày nói chung và người Tày tỉnh Tuyên Quang nói riêng có sự tham gia của đông đảo dân bản địa, mang lại niềm vui và sự thỏa mãn cho người múa. Điều đó, được thể hiện rõ nhất qua các màn xòe.
Người ta cho rằng, lối sống chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp lúa nước đã khởi nguồn cho sự sáng tạo nên những điệu xòe của đồng bào Tày tỉnh Tuyên Quang. Hầu hết, các màn xòe đều mô phỏng theo hoạt động lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt. Các điệu xòe là sự kết hợp hài hòa giữa những bước đi nhỏ, cảm giác hơi vội, với bước hất vòng của bàn chân và nhịp nhún nẩy, dập dình – là sự hòa quyện nhịp nhàng của cánh tay khi thì đẩy ngang, khi lại vẽ vòng, lúc nâng lên cao, lúc hạ xuống thấp, cùng với dáng người nghiêng đổ theo hướng đi, cúi trước, ngả sau theo từng tư thế. Mọi người xích lại gần nhau, quây quần bên nhau, vui tươi, đầm ấm trong mỗi màn xòe, hòa với nhịp trầm bổng của tiếng đàn, tiếng trống, tiếng xóc nhạc, như báo cho trời – đất biết: “Ngày hôm nay dân làng mở hội”.
Khi được hỏi về các điệu xòe, màn xòe có từ bao giờ thì không ai có thể trả lời được, những nghệ nhân, cao niên trong thôn bản cũng chỉ biết rằng khi họ sinh ra thì xòe đã có rồi. Múa xòe là điệu múa đặc sắc của người Tày, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện tinh thần phấn khởi, vui tươi và sức mạnh của sự đoàn kết. Điều đặc biệt nhất trong múa xòe của người Tày Tuyên Quang chính là luôn múa trên nền nhạc của đàn tính.
Tương truyền, có thời gian, dân bản mất mùa nhiều năm, cây lúa ra bông lép trắng, cây ngô thì ra bắp không hạt. Người Tày nơi đây đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu mùa màng bội thu… Và năm ấy, trời mưa thuận gió hòa, cây lúa trĩu bông, cây ngô chắc hạt. Để cám ơn trời đất, người dân mở hội ăn mừng, trong ngày hội không ai bảo ai cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa và cùng hát:
“Xòe.. xòe… xòe…Cây lúa thành bông
Xòe… xòe… xòe… Cây ngô thành bắp
Xòe… xòe… xòe… Trai gái thành đôi”
Về sau, màn xòe được bắt đầu sau khi kết thúc nghi lễ cúng tế và ban lộc của thày cúng trong lễ hội. Thành phần tham gia không phân biệt tuổi tác, nam nữ, họ cùng hòa mình vào những điệu xòe trong tiếng đàn, tiếng trống, tiếng xóc nhạc rộn rã. Họ quây quần thành những vòng tròn lớn giữa bãi đất hay giữa cánh đồng bằng phẳng. Người Tày nơi đây múa xòe khi thì tay không, khi thì có thêm đạo cụ là xóc nhạc, đàn, quạt, khăn, nón.
Dưới đây là thống kê và miêu tả một số màn múa xòe đặc sắc và độc đáo trong múa sinh hoạt của người Tày:
1. Xòe Đàn
Trong ngày xuân hay các ngày lễ hội trọng đại của bản làng, Xòe Đàn là màn múa không thể vắng bóng. Với người Tày, Xòe Đàn là một biểu trưng gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh tập thể. Xòe Đàn gắn với đàn tính – một loại nhạc cụ đặc trưng nhất của người Tày, được làm từ những vật liệu rất đơn giản, dễ kiếm bởi đó là những thứ quanh năm gắn bó với cuộc sống của đồng bào. Bầu đàn, còn gọi là bầu vang, được làm từ nửa quả bầu khô, cần đàn thường được làm bằng gỗ dâu. Đàn có ba dây, dây đàn làm từ sợi tơ xe. Chỉ bao nhiêu ấy mà tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt cho câu hát, điệu múa của các lễ hội ngày xuân. Cây đàn tính cùng một chùm xóc nhạc đeo ở tay những người biểu diễn đã tạo nên một âm thanh rộn ràng, rạo rực, mang đến không khí tươi vui, náo nức cho những người tham dự lễ hội và cũng chính đặc điểm độc đáo của âm thanh đàn tính đã làm nên nét đặc trưng, khiến cho người ta dễ dàng nhận biết sự khác biệt của xòe Đàn với các điệu xòe của các dân tộc khác.
Thiếu nữ Tày múa xòe Đàn – xòe Quạt trong lễ hội Lồng Tông
huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang – Ảnh Thùy Linh
Nhờ giai điệu dứt khoát của tiếng đàn mà các động tác xòe của người Tày theo đó cũng trở nên mạnh hơn, dứt khoát hơn. Trong điệu xòe Đàn, khi thì xuất hiện của tất cả trai làng, gái bản; khi lại tách riêng, các chàng trai cùng nhau đua tài trong điệu lăn đàn, các cô gái Tày duyên dáng, uyển chuyển khoe sắc trong tà áo chàm với làn điệu then mượt mà. Lăn đàn tính là điệu múa thể hiện tinh thần thượng võ mà nhiều người nói vui rằng chỉ ở đó, các chàng trai Tày mới thể hiện được hết sức mạnh và sự khéo léo của mình. Cũng chính vậy mà lăn đàn tính được người Tày sử dụng nhiều trong những ngày lễ tết của dân tộc mình. Các chàng trai căng tràn sức trẻ, vừa gảy đàn vừa thực hiện những động tác dứt khoát mà uyển chuyển, lăn người theo điệu tính. Khi múa, tay vẫn gảy những giai điệu quen thuộc, chân bước theo nhịp đàn, rồi xoay, nhảy. Múa lăn đàn tính có rất nhiều động tác, được thực hiện ở 5 tư thế: đi, đứng, ngồi, nằm, đặc trưng nhất là lăn. Ở bất kỳ một tư thế nào, người múa vẫn ung dung tự tại, tay gảy đàn tính. Khi lăn người, đầu và đàn tính không được chạm đất, tất cả sức bật được dồn vào hai chân và cơ bụng rắn chắc, khiến cho điệu múa vừa mềm mại lại vừa khỏe khoắn. Theo lời kể của dân bản: “Trước kia, người Tày thường múa lăn đàn tính cùng với 12 chén rượu đặt ở sàn múa, người múa lăn qua, lăn lại làm sao không được đổ rượu”. Chính vì vậy, khi di chuyển, người múa phải tính toán bước múa sao cho khi lăn mình xuống sàn, phần gáy và đầu bằng với khay chén, không thấp hơn cũng không cao hơn. Nếu không khéo léo, người múa có thể làm đổ rượu hoặc phần đầu chưa tới được chén rượu, như thế sẽ không đẹp. Múa lăn đàn tính không hạn chế số lượng người múa, có thể một hoặc nhiều cặp cùng múa, tùy thuộc vào quy mô sàn múa.
Trong lúc các chàng trai đua tài, các cô gái chỉ đóng vai trò quan sát, cổ vũ chứ không tham gia chính trong điệu múa. Sự xuất hiện của các cô gái Tày trong điệu múa lăn đàn tính được ví như một chất xúc tác, khiến các chàng trai thêm sức mạnh để thể hiện tài năng của mình thật hay, thật khỏe, thật dẻo dai. Cứ như vậy, các chàng trai nhảy múa thay nhau trong tiếng đàn, tiếng xóc nhạc nhịp nhàng, sôi động. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người hào hứng, say sưa để rồi tất cả trai gái trong bản cùng tay trong tay múa điệu xòe, cầu phúc cho bản làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Âm thanh lúc liên tục dồn dập, lúc trầm, lúc bổng, làm nhộn nhịp trái tim bao chàng trai cô gái cùng xòe, cùng cầu cho mùa màng tươi tối, cho bản làng yên bình, cho lứa đôi hạnh phúc.
2. Xòe Khăn
Trong màn xòe Khăn, người thể hiện chính là các cô gái, hai tay cầm một đầu chiếc khăn vuông, mỗi người đều đeo trên tay chùm xóc nhạc, không hạn chế số lượng người tham gia. Vì vậy, chỉ nguyên với âm thanh phát ra từ những chùm xóc nhạc theo nhịp rung của bàn tay và bước chân nhún nhẩy, dập dình của các cô gái khiến cho không khí trong màn xòe vốn đã tưng bừng, nhộn nhịp càng trở nên náo nhiệt, rộn rã hơn. Mỗi lúc, âm thanh ấy lại vang hơn và như một lời mời gọi dân bản cũng như du khách thập phương hòa chung vào màn xòe. Với màn xòe Khăn, khi múa, tay các thiếu nữ tung khăn sang ngang, nâng lên cao, hạ xuống thấp uyển chuyển, thướt tha như những cánh hoa bay theo nhịp bước và nhún của chân, toát lên vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại của các thiếu nữ Tày. Đội hình trong màn xòe này rất linh hoạt, có thể di động sang phải, sang trái, tiến chéo theo đường zíc zắc, chuyển đổi đội hình ngang – dọc – tròn- chéo tùy vào hoàn cảnh và sự ngẫu hứng của dân bản.
3. Xòe Nón
Trước kia, người Tày đội nón được đan bằng tre nhưng nay, đội nón lá như người Việt. Họ dùng nón lá để múa trong màn xòe Nón. Các thiếu nữ tay cầm chiếc nón lá che trước ngực e ấp, xoay sang phải, xoay sang trái nhịp nhàng theo nhịp bước và nhún của chân, đôi lúc đưa nón lên trên đầu hoặc sau gáy rồi nghiêng – ngả phần thân trên, múa đối từng đôi trên hàng ngang, hàng dọc và chụm vào nhau thành vòng tròn lớn, xoay xoay nhẹ nhàng, đều đều như những cọn nước bên bờ suối, trông rất đẹp mắt.
4. Xòe Quạt
Các thiếu nữ sử dụng quạt để biểu diễn màn xòe này. Mỗi người cầm một chiếc quạt hoặc một đôi quạt (trước kia dùng quạt làm bằng giấy, nay dùng quạt làm bằng vải, nhiều màu sắc), háo hức trong không khí vui tươi của ngày hội. Bước vào với màn xòe Quạt, ban đầu là những vòng tròn lớn chụm vào rồi mở ra rất nhịp nhàng, càng về sau, màn xòe càng trở nên hấp dẫn hơn với cách tách ra thành nhiều vòng tròn nhỏ, trông xa như những bông hoa rực rỡ hoặc thành những cụm nhỏ với những cánh tay mở, đóng quạt với độ cao thấp khác nhau một cách linh hoạt.
Nét đẹp trong các điệu xòe đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của người Tày. Các điệu xòe còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo. Tham gia múa các điệu xòe không chỉ là cách để các chàng trai cô gái Tày thả sức thể hiện tài nghệ múa hát, mà còn là nơi thu hút các dân tộc anh em khác trong vùng cùng đến dự hội, giao lưu, trao đổi với nhau về những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong công việc mùa màng, để rồi khi ra về, mỗi người dân thêm yêu đời, yêu người, tự tin bước vào một ngày mới tốt đẹp hơn.
Mỗi đêm xòe diễn ra không đơn giản chỉ là những điệu múa trong các cuộc vui mà mỗi động tác, dáng đi, dáng đứng, cách xếp đội hình, cách chuyển động đều là những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xòe mang theo. Dư âm của những đêm xòe rạo rực ấy như dòng suối chảy mãi từ mùa xuân này tới mùa xuân khác, từ mùa lúa này tới mùa lúa khác và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó trường tồn cùng thời gian, như một biểu tượng của hồn dân ca, dân vũ của người Tày tại Tỉnh Tuyên Quang.
Tác giả: Hoàng Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%