Từ trong môi sinh văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, nhân vật ông Hoàng Mười được sáng tạo và định vị cơ bản trong hệ thống thần điện từ cuối TK XV. Qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian, có thể nhận diện các lớp văn hóa được hòa trộn xung quanh nhân vật ông hoàng từ huyền thoại đến lịch sử hóa đích thực. Trong đó, gốc tích biển là lớp văn hóa nguyên thủy, tiếp theo là lớp văn hóa thờ thủy thần, thể hiện sự ứng xử của người dân với lũ lụt ở vùng sông Lam núi Hồng. Cuối cùng là lớp văn hóa gắn với lịch sử, có thể là nhân vật Lê Khôi, một danh tướng trấn giữ xứ Nghệ ở TK XV.
1. Sơ lược về điện thờ Mẫu của người Việt
Tín ngưỡng dân gian người Việt vốn nảy sinh theo quy luật nhận thức chung của hệ thống vũ trụ luận nhân loại. Trải qua quá trình tiếp biến, bản địa hóa với những yếu tố văn hóa Phật giáo, Đạo giáo và sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, kết hợp với điều kiện lịch sử – xã hội thích hợp, trong tín ngưỡng dân gian nói chung đã hình thành nên một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng nội tại, với vị thần chủ cao nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh. Vị thần chủ cao nhất này đã hóa thân vào hệ thống các thần linh phía dưới, tích hợp lại thành một điện thần hoàn chỉnh, mang dáng dấp cung đình, có sự phân chia thành các phủ, các hàng bậc cụ thể (hàng chầu bà, hàng quan, hàng ông hoàng, hàng chầu cô, chầu cậu…). Các vị thần từ cao xuống thấp được tái hiện qua những hình thức hầu đồng, các nghi thức thực hành tế lễ, phụng thờ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Tuy nhiên, trong hệ thống các bậc thần linh đó, sự hiện diện của những nhân vật trên điện thờ sau tam tòa thánh mẫu lại mang tính giới hạn: Bên cạnh ban thờ Ngọc Hoàng riêng biệt là các ban thờ ngũ vị quan lớn, tứ vị chầu bà, tam/ tứ vị quan hoàng, một ban thờ cô (đại diện cho thập nhị vương cô) và một ban thờ cậu (đại diện cho thập nhị vương cậu).
Có thể hệ thống các ông hoàng, khởi nguồn đã được sáng tạo và định vị cơ bản trong hệ thống thần điện của tín ngưỡng thờ mẫu từ cuối TK XV (căn cứ vào truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian gắn với thời điểm giáng sinh lần thứ nhất của thánh mẫu Liễu Hạnh xuống vùng đất Quảng Nạp, Ý Yên, Nam Định – 1434), chí ít là những hóa thân của tam tòa thánh mẫu (đại diện cho miền trời, miền đất và miền nước – theo giác độ quan niệm vũ trụ luận của người Việt đương thời). Trên tiến trình vận động của tín ngưỡng, một số nhân vật huyền thoại mang biểu tượng siêu nhiên trong hệ thống các quan hoàng đã được nhập vào vai các nhân vật lịch sử đích thực nhằm tạo độ tin cậy và tính thiêng cho các chủ điện thờ. Tiêu biểu như ông Hoàng Bảy (đại diện cho thần điện cai quản miền rừng núi, biên viễn), ông Hoàng Bơ (đại diện cho thần điện cai quản miền sông nước), ông Hoàng Mười (đại diện cho thần điện cai quản, khai phá, mở mang miền đất đai/ châu thổ). Việc xem xét, giải mã các biểu tượng, các lớp văn hóa từ truyền thuyết dân gian kết hợp với biểu hiện thực hành tín ngưỡng (nghi lễ) sẽ là cơ sở để trả lời cho câu hỏi: Các ông hoàng đó là ai?
2. Giải mã biểu tượng ông Hoàng Mười
Truyền ngôn về lai lịch của hệ thống thập vị quan hoàng đều giống nhau ở nguồn gốc xuất thân: Các ông hoàng đều là con của vua cha Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình, vốn giữ trọng trách của các thiên quan trên Đế Đình, thể theo nguyện cầu nơi trần thế, trong đó, một số ông được vua cha cho giáng trần, giúp dân, cứu nước! Khác biệt với thánh mẫu đứng trên đỉnh cao quyền lực, trông coi toàn cõi, các ông hoàng thường được hóa thân thành chủ điện thờ ở hầu khắp các vùng đất ven biển, hải đảo, cửa sông… Đa số các vị đều gắn với vai trò của thần biển, đều được người dân tri nhận và suy tôn là con cháu của Long Vương, Bát Hải Đại Vương hoặc Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương… Như vậy, truyền thuyết về gốc tích của mười vị quan hoàng lại gắn với biểu tượng thần biển và nhiều khi liên quan tới dấu vết của địa danh hồ Động Đình, nơi vốn được coi là trung tâm của đất Bách Việt xa xưa. Đây là biểu hiện mờ nhạt của tâm lý hướng tâm truyền thống, hướng về cội nguồn của cộng đồng dân tộc. Có thể coi gốc tích biển là lớp văn hóa nguyên thủy, tạo bệ đỡ cho sự hình thành nét đặc trưng chung huyền bí, hướng đến quá trình thiêng hóa từng chủ điện thờ ở cấp độ thần – thánh sau đó. Cũng chính vì thế, trải qua quá trình tiếp biến văn hóa trong tâm thức nhiều thế hệ người dân, các ông hoàng huyền thoại đã được lịch sử hóa: gắn với từng con người cụ thể (có tên tuổi, quê quán, lai lịch rõ ràng), chiếm vị trí quan lớn trong triều đình, với trọng trách của một tướng võ hay tướng văn, có công đánh giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi và chống lũ lụt, bảo vệ chúng sinh. Điều này sớm thể hiện quan niệm triết lý nhân sinh truyền thống của người Việt: “Sinh vi danh tướng, tử vi thần!”. Đây cũng là một thực tế mang nét tương đồng với thực hành shaman giáo trong văn hóa truyền thống của một số dân tộc Á Đông. Kèm theo quá trình thực hành nghi lễ là những chuỗi truyền thuyết có ý nghĩa góp phần minh giải, thuyết lý nhằm tạo lập niềm tin, căn cứ cho quá trình xuất thân cũng như hành trạng của các ông hoàng để được người dân tôn sùng, tri ân và thờ phụng.
Trở lại với nhân vật ông Hoàng Mười, người được truyền ngôn là con thứ mười của vua cha Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình, vị thần chủ đã và đang được tương truyền liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử đích thực, được tín mộ, phối thờ trong không gian tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại đền Chợ Củi – thuộc địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và đền Xuân An thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Bên trong đền ông Hoàng Mười
Làng Xuân An, Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An – Ảnh: Báo Nghệ An
Tiếp cận dưới giác độ địa văn hóa, có thể thấy rằng, vùng đất bao gồm không gian sinh thái của khu vực giáp ranh giữa hai huyện Nghi Xuân và Hưng Nguyên vốn có địa thế xung yếu ngay tại chân núi Hồng Lĩnh, liền kề sông Lam. Nhìn theo địa hình học, đây là khu vực của sự gấp khúc giữa sông Lam và núi Hồng, nơi đón lượng nước vốn đã lớn từ thượng nguồn đổ về vào mỗi kỳ mưa lũ, đồng thời lại cũng là nơi nhận lượng nước khổng lồ từ vòng cung núi Hồng Lĩnh phía Nam và núi Quyết phía Bắc hợp lực dồn xuống. Bởi vậy, địa bàn này thường xảy ra ngập lụt, vỡ đê, để lại những hậu quả tàn phá ghê gớm đến mùa màng và dân sinh trong vùng. Với địa thế bất lợi như vậy, cũng như vô vàn các địa bàn có tình trạng tương tự, ở vùng châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xưa kia, cộng đồng người Việt tất yếu phải ứng xử với sức mạnh lũ lụt, tự trấn an mình bằng cách lập miếu phụng thờ thủy thần, gửi gắm tâm thức tôn sùng sức mạnh tự nhiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn bình yên vô sự. Truyền thuyết dân gian Xứ Nghệ kể rằng, các danh tướng Lê Khôi và Nguyễn Xí có lần chinh phạt giặc Chiêm trở về, đã qua khu vực đền Củi bây giờ, dừng chân vào lễ tạ, dâng lễ cúng thần. Có thể suy rằng, đền Củi, nhìn về khởi nguyên, vốn đã được dân lập để thờ thủy thần. Thời điểm danh tướng Lê Khôi trấn thủ Nghệ An xứ, nơi đây chưa có dấu vết của sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ. Bởi lẽ, danh tướng Lê Khôi mất năm 1446, danh tướng Nguyễn Xí mất năm 1465, trong khi thánh mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất xuống đất Quảng Nạp (Ý Yên, Nam Định) năm 1434 và hóa năm 1473. Như vậy, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ chỉ có thể được hình thành, bồi đắp từ cuối TK XV và từ đó lan tỏa ra các vùng, miền cả nước. Và như thế, lớp văn hóa tín ngưỡng thứ hai hiện đang trộn lẫn trong truyền thuyết dân gian, gắn với gốc tích ông Hoàng Mười, chính là biểu tượng về tín ngưỡng thờ thủy thần hoặc một nhân vật tượng trưng cho vị thần chống lũ lụt của người dân bản địa. Biểu tượng này thường gắn với vùng đất hiểm yếu, hay xảy ra thủy nạn, lũ lụt, gieo rắc bệnh tật, hủy hoại đời sống dân sinh như khu vực tả – hữu sông Lam thuộc Nghi Xuân và Hưng Nguyên hàng trăm năm qua.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt đã sáng tạo và bồi đắp cho truyền thống văn hóa của mình bằng việc lựa chọn những nhân vật lịch sử có thật hoặc trong huyền thoại để tôn thờ trong những không gian thiêng, thông qua các hoạt động thực hành văn hóa đặc biệt. Đối với hình tượng ông hoàng nói chung và ông Hoàng Mười nói riêng, cộng đồng cư dân luôn thống nhất/ đồng thuận ở quan niệm hướng đến những biểu tượng/ hình mẫu quan tướng tài đức vẹn toàn, vì dân vì nước. Họ đã lựa chọn, đánh giá các cá nhân trong lịch sử và huyền thoại hóa các nhân vật đó thành thần – thánh, “rước” vào làm chủ điện thờ trong những không gian thiêng. Nhìn ở bình diện chung, trong hệ thống điện thần Tam/ Tứ phủ, hầu hết các ông hoàng đều là võ tướng triều đình, có công lao với quê hương, đất nước, dân chúng. Xuất phát từ ý niệm và tâm thức truyền thống mang tính đạo lý này, truyền thuyết dân gian về các ông hoàng, cụ thể là ông Hoàng Mười, đã bồi đắp thêm một lớp văn hóa mới: tri ân anh hùng dân tộc trong lịch sử.
Cho đến nay, khá nhiều người đã và đang cho rằng, nhân vật ông Hoàng Mười được truyền tụng trong dân gian và thờ phụng trong không gian tín ngưỡng thờ mẫu tại Nghi Xuân và Hưng Nguyên chính là Nguyễn Xí. Ông là người con xứ Nghệ, làm tướng dưới triều Hậu Lê, có công giúp vua đánh ngoại xâm, hết lòng vì dân trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa, giả thuyết ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí có sức nặng hơn cả. Trong số đó, có người lại cho rằng, xét về lịch sử, ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời với Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc khai quốc công thần dưới thời Lê, có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược, khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải, vươn đến phú quý, hưng thịnh. Tuy nhiên, soi vào chính sử và truyền thuyết dân gian cũng như thực hành tín ngưỡng phụng thờ ông Hoàng Mười, thì lại có những sai lệch nhất định. Một là, theo truyền thuyết dân gian, ông Hoàng Mười sinh thời vốn là quan trấn thủ Nghệ An xứ, có công với dân với nước, sau khi mất, ông hiển linh và được lập đền thờ. Chính sử cho biết, mặc dù là danh tướng khai quốc công thần triều Hậu Lê, nhưng Nguyễn Xí chưa bao giờ được triều đình cắt cử làm Trấn thủ Nghệ An xứ, trong khi đó, trên thực tế, chức này lại thuộc về danh tướng Lê Khôi. Hai là, nếu cho rằng ngôi đền Củi “được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời với Nguyễn Xí” là không hợp lý, bởi lẽ, Nguyễn Xí mất năm 1465, cách thời điểm dựng đền gần hai trăm năm, thì sao lại cho là “cùng thời” được? Ba là, tại không gian phụng thờ ông Hoàng Mười, hiện không có bài văn cúng tế nào liên quan đến danh xưng, tước hiệu của danh tướng Nguyễn Xí.
Từ hướng tiếp cận khác, không ít người lại cho rằng, ông Hoàng Mười thực chất là hóa thân của danh tướng Lê Khôi, bởi những tương đồng trên thực tế lịch sử với thực hành văn hóa dân gian trong không gian tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ phủ. Chính sử còn ghi rõ: Lê Khôi là nhân vật lịch sử có công tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược đầu TK XV. Ông làm quan dưới 3 đời vua (Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông) với nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ vương triều nhà Lê. Năm 1443, sách Bách thần sự tích đã chép: Vào đời vua Nhân Tông, Lê Khôi được phong thần hiệu Khâm sai Tiết chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa đẳng xứ, giữ chức Nhập nội thiếu úy, làm Đốc trấn Nghệ An. Trực tiếp làm quan cai trị trấn Nghệ An, danh tướng Lê Khôi đã tập trung công sức chăm lo đời sống dân sinh, chống đỡ mưa lũ, làm cho mùa màng tươi tốt, dân tình ấm no. Năm 1446, niên hiệu Thái Hòa thứ 4, Lê Khôi được lệnh đem quân bản bộ (từ trấn Nghệ An) cùng tướng Lê Khải tiến đánh phương Nam. Quân địch thua to, quân triều đình thừa thắng tiến vào đất Chiêm Thành (vùng Bình Định). Trên đường chiến thắng trở về kinh đô, ông lâm bệnh nặng và mất ngày mồng 3 tháng 5 tại núi Nam Giới, thuộc vùng biển Cửa Sót (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bây giờ. Đối chiếu với truyền thuyết dân gian về ngôi vị Trấn thủ Nghệ An của danh tướng được hóa thân thành ông hoàng Mười và nội dung bài văn tế tại đền Củi (xã Xuân Am) hiện nay thì thấy có sự trùng hợp: “Kính thỉnh Đức Thái úy quan Hoàng Mười tôn chủ, sắc hiệu Khâm sai Tiết chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa đẳng xứ, kiêm Thủy bộ chư doanh, Bình chương quân quốc trọng sự, Thái úy Vị Quốc công… Kính thỉnh… Tam tòa thánh mẫu, Kính thỉnh… Song Đồng Ngọc Nữ…”. Như vậy, có thể thấy rõ, những danh xưng trong lời thỉnh cúng này tương đồng với thần hiệu và chức sắc của danh tướng Lê Khôi.
Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt đã được phát tích và hình thành từ giữa TK XV, tích hợp từ nhiều nguồn văn hóa trong nước và khu vực, cấu thành nên một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc và độc đáo. Từ trong môi sinh văn hóa đó, ông Hoàng Mười trở thành một trong những vị thần chủ trong không gian văn hóa điện Mẫu, mang nhiều giá trị văn hóa – nhân sinh. Đối với giá trị hiện tồn của các di sản liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ/ Tứ phủ nói chung và ông Hoàng Mười nói riêng, để phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội và truyền thống văn hóa trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc, cách nhìn nhận hợp lý nhất là qua con đường tiếp cận văn hóa dân gian chứ không phải lịch sử. Có như vậy, giá trị của hệ thống truyền thuyết dân gian và thực hành tín ngưỡng thờ mẫu mới phù hợp với những nhận thức chung về giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại, cũng như phù hợp với quy luật sinh thành, trao truyền và tiếp biến di sản trên tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử lược (TK XIV, khuyết danh), bản dịch của Nguyễn Gia Tường, lời giới thiệu của Trần Ngọc Thêm, Nxb TP.HCM, 1993.
2. Thiền Uyển tập anh (Kim Sơn soạn năm 1337), bản dịch của Lê Mạnh Thát (theo bản in năm 1715), Nxb Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976.
3. Ngô Đức Thịnh chủ biên, Văn hóa dân gian các làng ven biển, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
4. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
5. Những ghi chép hiện đang được lưu giữ tại đền thờ ông Hoàng Mười ở đền Xuân Am thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Tác giả: Bùi Quang Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%