Theo nghĩa chung nhất, an ninh môi trường là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để đảm bảo điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó. Mất an ninh môi trường có thể làm suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh. Giữ vững ninh môi trường là một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống. “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp” (1). Vì vậy, việc “bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân” (2).
Vùng Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích trên 5,64 triệu ha với 4,5 triệu dân (2016). Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 63%, hơn 80% dân số thuộc khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Tây Bắc là một phức hợp của những bồn địa lớn, nhỏ nằm xen kẹp giữa các dãy núi cao bao bọc xung quanh. Nếu tính từ phía Bắc xuống, có dãy Pu La San, Pu Đen Đin chạy từ phía khu vực thượng lưu sông Đà đến Điện Biên Phủ. Song song với chúng là dãy Pu Sam Sao chạy dọc biên giới Việt Nam – Lào. Đặc điểm địa lý cơ bản là vùng núi cao, địa hình chia cắt nhiều tầng trên một nền địa chất phức tạp và sự phân hóa khí hậu sâu sắc. Độ dốc chiếm phần lớn diện tích, thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Khí hậu Tây Bắc cũng khá phức tạp, mùa khô hạn kéo dài cộng với lượng gió Tây khô nóng gây khó khăn cho cây trồng và vật nuôi. Vào tháng 12 đến tháng 1 thường xuyên có sương muối và băng giá, vào đầu mùa mưa thường có gió lốc, mưa đá và lũ ống, lũ quét gây ra sự tàn phá bất thường đối với đất đai, sản xuất và đời sống.
Vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc ở nước ta có đặc trưng là: trình độ lực lượng sản xuất thấp kém, không đồng đều và người dân tộc thiểu số sống chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc mất an ninh môi trường. Lúa là nguồn lương thực chính, ngô, sắn, kê là lương thực phụ. Kinh tế ở trình độ tự cung, tự cấp, sống dựa vào điều kiện tự nhiên, môi trường là chính.
Ngoài những đặc điểm dân tộc, môi trường hiện nay cũng đang tác động, gây ảnh hưởng tới môi trường sống các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nước ta, được biểu hiện cụ thể ở một số vấn đề sau.
Biến đổi khí hậu đe dọa môi sinh và quá trình sản xuất
Trong 30 năm qua, cả nước liên tiếp xảy ra những thiên tai lũ lụt, ngập úng lớn, lũ quét, hạn hán, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống dân cư, hạ tầng cơ sở, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số. Lũ lụt ở nước ta, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc biểu hiện ngày một thường xuyên hơn, ác liệt hơn gây tác động trên diện rộng hơn. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ xảy ra vừa qua trên địa bàn Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Tổng thiệt hại về vật chất lên tới hơn 610 tỷ đồng. Cùng với đó là có 33 người chết và mất tích (3). Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang dẫn tới tình trạng tị nạn môi trường do mất nơi ở, thiếu đất sản xuất, môi trường biến đổi hoặc do bệnh tật và nghèo đói.
Xung đột môi trường nước
Việt Nam có khoảng 2/3 tổng lượng nước là từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào. Việc sử dụng nước phía thượng nguồn, việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện của các quốc gia trên thượng nguồn các sông lớn (sông Hồng, sông Cửu Long) sẽ là một khó khăn rất lớn cho chúng ta trong sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu sẽ làm suy thoái tài nguyên nước, trong khi nhu cầu dùng nước của các quốc gia đều tăng lên, làm tăng các bất đồng và xung đột có thể có trong sử dụng chung nguồn nước.
Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước của đồng bào dân tộc thiểu số, lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi, có khi trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh việc thiếu nước sạch sinh hoạt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sản xuất.
Xâm lược sinh thái đe dọa sự sống và sự tồn tại
Những năm gần đây, an ninh sinh thái do sự nhiễu loạn của nhiều hệ sinh thái, sự xâm lấn của các sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gen khá phổ biến ở Việt Nam, gây ảnh hưởng tới vùng dân tộc thiểu số trong đó có các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Chẳng hạn, năm 2000, chuột hải ly đã được nhập khẩu nuôi thử nghiệm ở Việt Nam. Đây lại là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Loài chuột hải ly mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da… gây bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến các động vật khác. Mặc dù khi phát hiện tác hại tới môi trường sinh thái, chuột hải ly đã bị tiêu hủy nhưng vẫn còn và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước ta hiện nay. Tôm hùm đỏ, gián đất, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, chồn nhung đen… là những sinh vật ngoại lai có thể gây hậu quả nghiêm trọng nằm trong danh sách cấm nhập khẩu không được kinh doanh tại Việt Nam nhưng hiện nay vẫn còn và gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái.
Việc những người dân vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc sống dựa vào rừng, dựa vào tài nguyên sinh thái, nay phải sang các nước khác để kiếm sống đang được hiểu là mất an ninh môi trường. Bởi vì, suy thoái môi trường dẫn đến tị nạn môi trường. Những cộng đồng sống dựa vào tài nguyên, khi mất các dịch vụ sinh thái, không còn mưu sinh được, họ trở thành tị nạn môi trường ở các khu đô thị khác hoặc sang nước ngoài để kiếm kế sinh nhai.
Tự hủy diệt đe dọa an ninh môi trường
Đó là do sự yếu kém về nhận thức và trách nhiệm của mỗi con người. Đặc biệt ở các dân tộc thiểu số nói chung và vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc nói riêng, không có trình độ về khoa học tự nhiên và xã hội nên sử dụng tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, lãng phí và xả vào môi trường nhiều chất độc hại nguy hiểm cho sự sống. Người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc vẫn còn duy trì nếp sống theo thói quen, tập tục như chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, khi gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước; nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn làm ô nhiễm môi trường sống của các thành viên trong gia đình; nhà vệ sinh tạm bợ làm gần nhà hoặc đi đại tiện tự do trên đồi rừng, khi gặp mưa bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hoặc phát sinh ruồi, muỗi gây bệnh tật.
Một thói quen chung mà các vùng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc thường gặp là người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ dại…). Một điều dễ nhận thấy là sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số rửa bình bơm và đổ thuốc thừa bừa bãi; bao bì, chai lọ chứa hóa chất độc hại vứt bỏ quanh nhà, quanh mương, máng hoặc trên nương rẫy… làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt hằng ngày và tạo mầm mống phát sinh các loại bệnh tật gây ra từ chính môi trường sống xung quanh mình. Một số người dân vùng dân tộc thiểu số bị nhập viện trong tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu do uống nước suối ở Lào Cai, Sơn La thời gian qua… đã cho thấy điều này.
Người dân vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc cũng chưa có ý thức thu gom và vứt rác vào đúng nơi quy định. Rác thải như túi ni nông, xác động vật nuôi bị chết, các đồ dùng phế thải của gia đình… vứt bừa bãi cùng với phân gia súc, gia cầm vương vãi càng làm cho môi trường sống ô nhiễm nặng.
Cũng do lực lượng sản xuất thấp kém nên lao động phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc là giản đơn. Cùng với đó, quá trình gia tăng dân số nhanh kéo theo những đòi hỏi, yêu cầu về sinh hoạt, đào tạo, giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở, việc làm… làm gia tăng sức ép đối với môi trường, ảnh hưởng tới an ninh môi trường vùng dân tộc thiểu số.
Trước tình hình bị ảnh hưởng từ mất an ninh môi trường tới vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc hiện nay, Đảng, Nhà nước và toàn dân cần tích cực thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, cần xây dựng năng lực giám sát, cảnh báo khí hậu, thiên tai thông qua việc mở rộng, phát triển, hiện đại hóa hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn theo hướng kết hợp với giám sát, cảnh báo khí hậu; tăng cường phát triển hệ thống thông tin dữ liệu về khí hậu và biến đổi khí hậu phục vụ hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu công bố trước thời kỳ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội để lồng ghép, điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
Hai là, nghiên cứu và hướng dẫn người dân vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng dân tộc thiểu số và địa phương nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng dân tộc thiểu số, tăng cường hệ thống bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, cây công nghiệp các vùng dân tộc thiểu số do biến đổi khí hậu.
Ba là, Việt Nam cần chủ động và có biện pháp cụ thể hợp tác tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng với Trung Quốc và hợp tác khai thác sông Mê Kông với các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, tiến tới xây dựng các hiệp định, quy chế quản lý, chia sẻ và bảo vệ tài nguyên nước đối với các sông quốc tế, nguồn nước xuyên quốc gia.
Bốn là, quán triệt quan điểm đầu tư phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn, các hàng rào kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc có hiệu quả, không để lọt các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất lạc hậu, các dự án đầu tư tiêu tốn tài nguyên, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta, đặc biệt là vào các vùng, khu vực nhạy cảm về môi trường.
Năm là, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là trong việc áp dụng các công cụ, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm tra, thanh tra, quan trắc, giám sát nguồn thải… bảo đảm các công cụ, biện pháp này phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra môi trường.
Sáu là, nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường sống đối với người dân vùng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc bằng các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân nêu cao ý thức vệ sinh môi trường, giúp chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không được thả rông gia súc… Về lâu dài, cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số theo Thông tư số 105/2017/TT-BTC thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 3-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020.
_____________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 42.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72.
3, 4. Phương Thảo, Nước sạch và những con số biết nói, vnepress.net, 23-5-2013.
Tác giả: Đặng Thị Kim Dung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%