Vai trò quản lý của cộng đồng với lễ hội truyền thống


Quản lý và tổ chức tốt lễ hội truyền thống là việc tăng cường tính tự quản của cộng đồng trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội. Bài viết đề cập đến vai trò của lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại, vai trò quản lý của cộng đồng và yếu tố tự quản của người tham gia hành lễ, từ đó đề xuất biện pháp dung hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong việc quản lý lễ hội truyền thống.

 

     1. Vai trò của lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại

     Hiện nay, hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Hằng năm, trên cả nước diễn ra khoảng 8.000 lễ hội, trong đó có 322 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, hơn 7.000 lễ hội dân gian. Việc giữ gìn, phát huy giá trị của lễ hội là việc làm đúng đắn và cần thiết. Đối với mỗi địa phương, lễ hội truyền thống trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, là phương tiện hữu hiệu để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người, vùng đất quê hương với du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội truyền thống đã trở thành một loại hình văn hóa đặc sắc, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi người dân.

     Lễ hội Việt Nam là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Lễ là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống (1). Lễ hội là từ ghép, có mỗi quan hệ biện chứng với nhau. Lễ hội truyền thống hình thành từ nhu cầu niềm tin (tín ngưỡng), biểu hiện cụ thể thông qua các nghi lễ thờ thần, thánh. Tín ngưỡng chính là cơ sở nảy sinh và tích hợp các sinh hoạt văn hóa, tạo nên hiện tượng tổng thể của lễ hội truyền thống.

     Lễ hội truyền thống (lễ hội cổ truyền) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tổng hợp, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực cúng tế, các trò chơi, trò diễn dân gian… Việc tổ chức lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, giúp con người có ý thức kết nối với cội nguồn dân tộc, với cộng đồng mình đang sinh sống, từ đó họ có trách nhiệm đóng góp công sức trong việc tôn tạo, tu bổ di tích và việc giao lưu, trao đổi, sáng tạo văn hóa. Chính vì vậy, lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong việc lưu truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

     2. Vai trò quản lý của cộng đồng đối với lễ hội truyền thống

     Quản lý là hoạt động nhằm đảm bảo sự vận hành của hệ thống theo chức năng của nó. Quản lý văn hóa nói chung và quản lý lễ hội truyền thống nói riêng là sự tác động của chủ thể (các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ cấu dân sự, cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (mọi thành tố làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục đích mong muốn. Có thể quy thành 5 phương diện chính trong số nhiều phương diện của quản lý lễ hội, đó là: nội dung hoạt động lễ hội, tài chính, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ cơ sở thờ tự và khu di tích.

     Chủ thể của lễ hội truyền thống là cộng đồng (làng, nghề nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng, thị dân, quốc gia dân tộc). Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội. Từ thực tiễn tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống ở các địa phương hiện nay, có thể thấy mỗi lễ hội có một phương thức quản lý và cách thức tổ chức khác nhau tùy thuộc vào quy mô, loại hình, mục đích, địa bàn tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, có thể quy thành 4 mô hình quản lý lễ hội truyền thống, đó là: Cộng đồng tự quản; Cộng đồng tự quản, kết hợp với sự trợ giúp của Nhà nước; Có sự can thiệp sâu của Nhà nước và tư nhân quản lý, điều hành.

     Trong các lễ hội do cộng đồng tự quản thì vai trò tự chủ của cộng đồng được hiện diện ở các khâu: hoạch định nội dung và tiến hành lễ hội; thực hành nghi lễ, tổ chức các hoạt động hội; quản lý các nguồn thu, chi; trùng tu, tôn tạo di tích; bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh xã hội. Có thể kể đến lễ hội đền Đô (Bắc Ninh), hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) thể hiện rõ tính tự quản của cộng đồng. Lễ hội do cộng đồng tự quản có những ưu điểm không thể phủ nhận. Đó là bảo lưu tốt các yếu tố truyền thống, ít bị mai một, pha tạp, người dân thực sự là chủ thể của lễ hội, có ý thức trân trọng di sản… Trong hoạt động lễ hội thường không có sự dàn dựng hay can thiệp của nhà chuyên môn hay các diễn viên chuyên nghiệp, không có sự sân khấu hóa. Lễ hội dạng này cũng ít xảy ra các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội. Về phương diện tài chính, lễ hội không những tự nuôi được mình mà còn có nguồn thu khá ổn định, thậm chí năm sau cao hơn năm trước, do đó, có nguồn kinh phí để tái đầu tư tôn tạo, bảo vệ di tích và tiến hành các hoạt động từ thiện, công ích. Tuy nhiên, lễ hội dạng này chỉ khả dụng với quy mô nhỏ hoặc vừa, đậm chất truyền thống, có bản sắc và được cộng đồng tích cực bảo tồn.

     Lễ hội có sự kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước thì việc tổ chức các hoạt động vẫn do cộng đồng quyết định, thực hiện; các ban, ngành chính quyền và đoàn thể chỉ tham gia chỉ đạo, định hướng, tài trợ một phần kinh phí tổ chức. Sự hỗ trợ của chính quyền thể hiện rõ nhất ở khâu an ninh, trật tự với sự tham gia của các lực lượng công an, cảnh sát, y tế. Ngoài ra, chính quyền cũng can thiệp vào việc quản lý các nguồn kinh phí thu được từ lễ hội, như: lễ hội đền Trần (Nam Định), Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)… Ưu điểm nổi trội của mô hình này là vừa phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng, tận dụng tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời có sự giám sát, điều chỉnh kịp thời của các cơ quan chức năng khi có những vấn đề bất trắc xảy ra. Mô hình này rất phù hợp với các lễ hội có quy mô lớn, khách thập phương đông, kéo dài nhiều ngày.

     Lễ hội có sự can thiệp sâu của Nhà nước thường được tổ chức với quy mô vùng miền, quốc gia, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, mục tiêu giáo dục, tuyên truyền như: lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), lễ hội chiến thắng Như Nguyệt (Bắc Ninh)… Dạng thức tổ chức lễ hội này được sự hậu thuẫn tối đa của các cơ quan Nhà nước về kinh phí, chuyên môn, nhân lực. Nội dung hoạt động lễ hội có sự dàn dựng, lên kịch bản của các đạo diễn sự kiện chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi mức độ sân khấu hóa, đơn điệu hóa, quan phương hóa ngày càng cao thì tính thiêng của lễ hội truyền thống cũng phai mờ dần. Hơn thế, từ vai trò chủ thể, người dân trở thành diễn viên đóng vai phụ, thụ hưởng thù lao theo công việc được phân công. Việc hỗ trợ kinh phí từ chính quyền dẫn đến sự ỷ lại vào nguồn lực bên ngoài, lễ hội không tự thân hoạt động được, thu không đủ bù chi.

     Lễ hội do tư nhân quản lý, điều hành là lễ hội do một gia đình, dòng họ cai quản. Những người thân trong gia đình nắm vị trí trọng yếu, tuyển thêm người ngoài từ cộng đồng sở tại, có sự phối hợp nhất định với chính quyền địa phương. Tiêu biểu là dạng thức quản lý lễ hội phủ Dày (Nam Định). Ưu điểm của mô hình này là tập trung nhanh chóng các nguồn lực để tu bổ di tích và bảo tồn tín ngưỡng, triển khai tổ chức lễ hội linh hoạt, hiệu quả, ít biểu hiện tiêu cực. Tuy nhiên, nếu vai trò đứng đầu này thuộc về người không đủ đức, đủ tài, lợi dụng tôn giáo và tín ngưỡng để trục lợi thì việc tổ chức, quản lý lễ hội sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nan giải.

     3. Yếu tố tự quản của người dân trong thực hành lễ hội truyền thống

     Tính tự quản của người dân trong khi thực hành lễ hội truyền thống là yếu tố cần được quan tâm nhìn nhận một cách nghiêm túc bởi tâm thế thực dụng, trần tục hóa của người đi trảy hội, do chưa nắm được ý nghĩa thiêng liêng, giá trị biểu trưng của lễ hội.

     Thực tế, nhiều lễ hội đang diễn ra hiện nay chưa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Vẫn còn đó những hiện tượng như người dân không chấp hành quy định của nhà chùa (cúng đồ mặn), tệ tranh cướp lộc, chen lấn xô đẩy nhau, giẫm đạp lên bệ thờ, nhét tiền “hối lộ” vào tay thần thánh, xả rác khắp nơi, nạn buôn thần bán thánh chẳng khác gì chợ trời… Lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) vào ngày 17-02-2019 buộc phải dừng nghi lễ cướp phết để đảm bảo trật tự, an ninh, tránh cảnh tranh cướp, xô đẩy rất dễ xảy ra tai nạn. Hàng nghìn người dân tập trung tại khu vực cổng chùa Phúc Khánh (Hà Nội) để làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm vào tối ngày 18-02-2019 làm ách tắc giao thông nhiều giờ. Lễ hội Bà chúa kho 2019 chứng kiến cảnh nhiều người cố tình nhét tiền qua khe cửa cung sau khi bái vọng; có nhiều du khách bức xúc vì bị đội ngũ khấn thuê làm phiền trong lúc lễ bái. Dịp lễ hội đầu xuân, rất nhiều điểm du lịch văn hóa, tâm linh, khu vui chơi giải trí… không chỉ chịu lượng khách quá tải mà còn phải “gồng mình” vì rác thải bừa bãi. Những hạn chế đó là bài học tự thân những người tham gia lễ hội cần rút ra để điều tiết các hành vi lệch chuẩn của mình, sao cho lễ hội truyền thống diễn ra một cách thú vị mà vẫn giàu tính nhân văn.

     Có thể nói, lễ hội truyền thống đã góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho địa phương và quốc gia. Bên cạnh việc duy trì, phục dựng hoạt động lễ hội thêm phong phú, hấp dẫn, thì việc quản lý, tổ chức lễ hội cũng cần được quan tâm. Việc bảo tồn và phát triển lễ hội phải đi đôi với việc nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa lịch sử và ý thức về việc giữ gìn hệ sinh thái nói chung. Đặc biệt, cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý của cộng đồng, từng bước trao quyền tự quản cho người dân địa phương. Tùy theo quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội mà mức độ can thiệp của Nhà nước nhiều hay ít, tuy nhiên, Nhà nước chỉ nên chú trọng quản lý về mặt hành chính, định chế pháp luật, định hướng, còn việc tổ chức cụ thể phải để cộng đồng tự chủ và chịu trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện tốt các quy chế, quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý và thực hành các nghi thức. Có như vậy mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự nguyện của cộng đồng. Phát huy tính tự quản của cộng đồng thực chất là đề cao tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong quản lý và tổ chức lễ hội. Quy tắc này dường như bất biến qua thời gian và là yếu tố quan trọng cần phải xem xét đến trong việc ban hành văn bản quy phạm trong công tác quản lý lễ hội.

     Theo quan điểm của UNESCO, lễ hội cần được duy trì và phát triển tự nhiên trên cơ sở quyền của cộng đồng; cần trao quyền và hỗ trợ người dân xác định bản sắc của họ, tự thực hành lễ hội truyền thống mà không áp đặt chủ quan để thương mại hóa. Quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và những người tham gia lễ hội phải được phân định hợp lý, minh bạch. Điều này làm cho người dân cảm thấy lễ hội thực sự mang lại lợi ích khi họ là chủ thể thực hành tín ngưỡng, khích lệ họ chung sức, đồng tâm, hiệp lực làm cho lễ hội ngày càng lan tỏa.

______________

     1. wikipedia.org

 

Tác giả: Nguyễn Thanh Tùng – Trần Thị Quyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *