Xòe Thái Tây Bắc


Sau một ngày lao động miệt mài, khi mặt trời khuất dạng dưới dãy núi, những chàng trai, cô gái Tây Bắc lại ngồi với nhau bên đống lửa bập bùng để cùng cất lên những câu hát và dập dìu với điệu xòe Thái. Xòe Thái như men say vô ảnh của người dân nơi đây, một điệu múa làm đắm say biết bao trái tim khao khát tìm về cội nguồn, một nét phác thảo văn hóa đậm đà như hương rượu cần hòa quyện với sắc thái dân tộc độc đáo của người Thái Tây Bắc trên đất Việt. Hiện, nghệ thuật xòe Thái đang được cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Người Thái và điệu xòe miền Tây Bắc

Nhóm ngữ hệ Thái ở Việt Nam bao gồm 8 tộc người với số dân 1.328.725 người (chiếm 1,74% dân số cả nước), sống chủ yếu ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Dân tộc Thái ở Việt Nam cư trú khá tập trung trên giải đất liền toàn tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái còn chia làm 2 nhánh là Thái đen (Tay đăm), Thái trắng (Tay đón, Tay khao). Trong khi Thái đen là một khối thống nhất cao hơn về nhiều mặt, lĩnh vực cư trú liền nhau từ Mường Lò (Yên Bái) đến Mường Theng (Điện Biên), choán hầu hết tỉnh Sơn La, nửa phía Nam tỉnh Điện Biên, Đông Nam tỉnh Lai Châu, Tây Bắc tỉnh Yên Bái; thì nhánh Thái trắng lại chia thành các nhóm địa phương nhỏ hơn, địa bàn cư trú không liền nhau, gồm: Mường Lay, Phong Thổ, Quỳnh Nhai, Mường Tấc, Mường Sang.

Tuy có sự khác nhau ấy nhưng người Thái có chung một nền văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng. Ngôn ngữ của các phương ngữ, chữ viết là hệ chữ thống nhất với một số chi tiết mang tính địa phương, có chung một nền nghệ thuật, văn học đã phát triển khá cao. Người Thái Tây Bắc đã trải qua một quá trình lao động để không ngừng biến đổi tài nguyên thiên nhiên thành những sản phẩm cần thiết, nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu về ăn, ở, mặc, đi lại… Trên cơ sở đó, các loại hình kinh tế đã sớm hình thành, giúp cho con người có thể thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên để phát triển đời sống cá nhân, tập thể.

Đời sống tinh thần của người Thái Tây Bắc rất phong phú, với những nét đặc sắc của người vùng cao. Trong đó, múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái. Từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa, người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa, hội cưới. Linh hồn của xòe Thái nằm trong 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân người Thái coi là nguồn gốc của nghệ thuật dân vũ. Trong đó, mỗi dáng đi, dáng đứng, cách xếp đội hình múa xòe đều mang những cung bậc cảm xúc, ý nghĩa tình cảm của con người.

Đầu tiên, phải kể đến điệu khắm khen, nắm tay nhau vòng tròn, điệu xòe cơ bản của dân tộc Thái, biểu hiện tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Mỗi khi có niềm vui, người Thái lại cùng nhau nhảy múa, hay khi khó khăn hoạn nạn vẫn nắm chặt tay cùng chung sức vượt qua. Điệu múa tỏ lòng yêu quý, mến khách trong văn hóa giao tiếp của người Thái là khắm khăn mơi lảu nâng khăn mời rượu. Điệu phá xí, nghĩa là xòe bổ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, tình đoàn kết trong cộng đồng người Thái. Dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì con người vẫn luôn nghĩ về nhau, cùng hướng về cội nguồn. Một điệu xòe rất tưng bừng, sôi nổi khác là điệu nhôm khăn, hay còn gọi là điệu tung khăn. Cùng với những chiếc khăn piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái thể hiện niềm vui vô bờ mỗi khi làng bản có đám cưới, mừng nhà mới hay mùa bội thu… Điệu đổn hôn, điệu múa với những bước tiến, lùi nhịp nhàng, uyển chuyển trong cung vòng tròn, biểu trưng cho tình cảm son sắt của người Thái. Dẫu trời đất có giông bão, sóng gió, cuộc sống có lúc gặp khó khăn, trở ngại nhưng ý chí, tình cảm con người vẫn luôn keo sơn, bền chặt. Điệu ỏm lọm tốp mư, vòng tròn vỗ tay, điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, chất chứa niềm hân hoan, hòa cùng nỗi bịn rịn trong không khí chia tay. 6 điệu xòe cổ với những thế chân, thế tay cơ bản nhất của nghệ thuật múa dân tộc Thái đã phát triển thành 36 điệu xòe miền Tây Bắc Việt Nam.

Múa xòe là yếu tố thúc đẩy lao động sản xuất phát triển. Người Thái quan niệm rằng múa xòe phải vui, càng đông càng vui, như vậy cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả, đêm đêm dưới ánh trăng, bên ngọn lửa bập bùng, tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi bạn xòe đến quây quần, người dân nơi đây lại cùng nhau cười vui quên đi mệt nhọc, lo toan.  

Những đặc trưng không thể trộn lẫn của xòe Thái Tây Bắc

Nói đến xòe Thái, điều đầu tiên cần lưu ý là trang phục và đạo cụ phục vụ cho điệu múa xòe. Chiếc áo được những nghệ nhân múa xòe mặc được gọi là áo cóm, thường có màu trắng, xanh, đen, đỏ, được cắt may ôm sát người, gấu viền đỏ ở phía trong. Chiếc áo dài chui đầu được mặc cùng có tên poncho, màu đỏ hoặc đen, đường thêu được chọn lọc tinh tế, đặc sắc. Đầu của người múa đội khăn piêu, thêu hoa văn chim, thú, cây cỏ công phu. Quanh thắt lưng người múa đeo xà tích bằng bạc, tay cầm nón hoặc quạt. Tất cả tạo nên một chỉnh thể ấn tượng, tôn lên vẻ duyên dáng, mềm mại, thướt tha của các cô gái Thái. Có một điểm đáng chú ý, ở xòe Thái Phong Thổ, các vũ công mặc trang phục nghi lễ Sở Luông màu đen hoặc bộ váy áo cóm màu trắng với hàng hoa cúc bướm bạc, đôi khi kèm thêm thắt lưng có trang trí hoa văn sặc sỡ. Những trang phục này tạo nên một tổng thể bắt mắt và không thể trộn lẫn của nghệ nhân múa xòe, tăng thêm tính hấp dẫn cho điệu múa vùng cao.

Về sau, khi có sự tiếp biến, cũng là lúc văn hóa cổ truyền nói chung, xòe Thái nói riêng có những bứt phá mới trong chính môi trường diễn xướng, nơi sản sinh ra nó. Tác giả Phan Mạnh Dương đã phân chia xòe Thái làm 3 loại: xòe vòng, là điệu xòe cổ, được lưu giữ lâu nhất, là điệu xòe cộng đồng thể hiện sự bình đẳng; xòe nghi lễ, là điệu xòe đã phân tầng trong nghi lễ Kin pang then, xé lảng, xé pén; xòe biểu diễn, là điệu xòe mới xuất hiện vào khoảng nửa đầu TK XX (1). Tác giả nhận định 3 trung tâm văn hóa xòe Thái lớn nhất được biết cho đến ngày nay là: Phong Thổ (Lai Châu), Mường Lay (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La). Ở mỗi vùng đất, điệu xòe Thái lại mang cái hồn của chính nơi nó được diễn xướng, nhưng tựu chung, vẫn toát lên được những nét đặc trưng vốn có của bản thân di sản.

Các loại hình múa xòe tiêu biểu của người Thái Tây Bắc

Có nhiều tư liệu đã đề cập đến vấn đề phân chia các điệu múa xòe Thái Tây Bắc. Theo phần lớn các nhà nghiên cứu, điệu xòe Thái được chia thành 4 điệu xòe có đạo cụ, gồm: xòe khăn, xòe quạt, xòe quả nhạc, xòe nón.

Xòe khăn được ra đời khoảng những năm 1914, khi Đèo Văn Ân ở Phong Thổ cùng một số thanh niên tập hợp nhau lại, tiếp thu hầu hết những điệu múa lễ thức của Kin pang then (chủ yếu là múa khăn), rồi biến đổi cho phù hợp với yêu cầu, đặc trưng của nghệ thuật trình diễn. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hình thức múa tục được cải biên từ các điệu múa thiêng của Kin pang then, gồm có: chầu pô, nả lăng, tăng txả, nhụm hơ, ca ớk, khóa hô, tủm xoong tơ, quát bó héo, thể hiện kỹ thuật múa khăn của người Thái, biến những động tác sinh hoạt hàng ngày thành những động tác múa duyên dáng, nên thơ.

Xòe nón có 6 động tác cơ bản nhưng không có tên cụ thể mà chỉ mô phỏng động tác như: khắm cúp (cầm nón), phá cúp (hai người cầm nón đi thẳng về phía nhau), úp cúp (úp nón vào nhau), nho cúp tang lăng (nâng nón đằng sau lưng). Ngoài ra, múa nón còn có các động tác như đưa nón sang hai bên, nhún ngang đưa nón sau gáy, nghiêng nón hai bên đầu, lao nón, xoay nón trên đầu, ngồi chống nón trước mặt…

Đại xòe – Ảnh Thanh Hà

Xòe quả nhạc, còn có tên gọi là phá má hính, mô phỏng điệu múa đi thẳng, múa đan xen, có thể múa 8 hoặc 4 người. Đội hình, động tác, tuyến múa của múa nhạc tạo ra cho điệu múa này tính cách tương phản của nam và nữ. Có thể múa đan xen hoặc múa vòng tròn, người múa đeo chùm nhạc vào ngón giữa, quả nhạc nằm trên mu bàn tay. Khi múa, hai tay chồng lên nhau, tay phải nằm trên, rồi đánh quả nhạc ra hai bên, sau đó hai tay múa như vuốt nhẹ trở vào, rồi về tư thế ban đầu. Hình thức nữa của xòe quả nhạc là múa ngồi, đứng tại chỗ, nhảy đổi chỗ cho nhau, động tác bước vội…

Xòe quạt là điệu múa gồm 2 kiểu: múa 1 quạt (vi kỵ) và múa 2 quạt (vi đôi). Múa quạt thường đi cùng múa khăn, người múa cầm quạt xòe ở tay phải, khăn gập đôi ở tay trái. Múa hai quạt thì cầm quạt xòe ở hai tay, quạt cũng có khi xòe khi gập. Quạt múa được trang trí thành hình tròn giấy bạc ở giữa, thường đi cùng múa khăn. Động tác múa được gọi theo luật động, gồm có: vi hấp (quạt gập), vi khay (quạt xòe), vi hấp vi khay (quạt gập quạt xòe), vi vây (quạt vẫy), vi lạy (quạt lạy), vi tốp (quạt vỗ), vi pản (vừa rung, vừa quạt, vừa xoay người).

Đặc trưng của những nơi sản sinh ra xòe đạo cụ

Như đã đề cập, xòe Thái Tây Bắc nổi bật với 3 loại hình: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, được gọi chung là xòe đạo cụ. Nói đến xòe đạo cụ, không thể không nhắc đến 3 trung tâm, nơi đỉnh cao của nghệ thuật xòe: Phong Thổ, Lai Châu, Quỳnh Nhai.

Đạo cụ được sử dụng chủ yếu trong múa xòe Thái ở Tây Bắc là đàn tính. Đây là loại đàn bao gồm có bầu vang (bộ phận tăng âm), làm bằng nửa quả bầu khô cắt ngang. Kích cỡ bầu vang có thể thay đổi tùy theo quả bầu lớn nhỏ, song đường kính thường từ 15 – 25 cm. Để có độ vang, âm sắc chuẩn người ta thường chọn quả bầu tròn, dày đều để làm bầu vang. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng xẻ mỏng khoảng 3 phân. Trên mặt đàn có khoét 2 lỗ hình hoa thị để thoát âm (trước kia 2 lỗ hoa thị được khoét ở phía sau bầu đàn). Ngựa đàn tương đối nhỏ nằm trên mặt đàn. Cần đàn bằng gỗ, thường là gỗ dâu hay gỗ thừng có tính chất mục, nhẹ, thẳng. Cần đàn dài khoảng 9 nắm tay của người chơi đàn. Theo kinh nghiệm dân gian, số đo cỡ nào thì hợp với cỡ giọng hát của người có số đo ấy. Phần dưới của cần đàn xuyên qua bầu vang, còn phần trên cùng là đầu đàn uốn cong hình lưỡi liềm hoặc đầu rồng, đầu phượng… Mặt cần đàn trơn, không có phím như đàn tam. Hốc luồn dây có 2 hoặc 3 trục dây. Dây đàn trước đây làm bằng tơ xe, nay là nilon. Tính tẩu có loại 2 dây, loại 3 dây tùy theo từng vùng, từng chức năng âm nhạc. Loại mắc 2 dây phổ biến ở tính tẩu của người Thái, Tày, thường được chỉnh cách nhau 1 quãng bốn hay quãng năm tùy theo hàng âm của giai điệu hoặc bài nhạc múa. Loại có 3 dây thường do người Tày sử dụng, có thêm 1 dây trầm giữa 2 dây kia. Âm thanh của dây trầm thấp hơn dây cao 1 quãng tám. Loại 3 dây được gọi là tính then (đàn then) thường dùng trong nghi lễ then để phân biệt với loại 2 dây là tính tẩu dùng để đệm hát, múa. Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát. Khi phát ra âm cao gần giống với tiếng đàn tam. Âm trầm hơi mờ ảo. Theo cách đánh đàn xưa, người diễn không dùng que gảy mà chỉ gảy bằng ngón tay trỏ của tay phải. Ngón cái, ngón giữa giữ cần đàn ở nơi gần sát bầu đàn. Ngón trỏ gảy xuống, hất lên luân phiên khi chơi giai điệu nhanh. Còn nếu giai điệu chậm thì ngón trỏ chỉ gảy xuống.

Phong Thổ là nơi khai sinh ra xòe đạo cụ. Đội xòe Phong Thổ đã trải qua nhiều biến động, lúc thịnh, lúc suy, song bao giờ cũng giữ được vẻ đẹp riêng, mộc mạc, giản dị, tự nhiên của buổi ban đầu. Phong Thổ còn là nơi sản sinh ra nhiều điệu xòe mới. Ngày nay, nói đến nơi này, người ta thường nhắc tới điệu xòe nón Phong Thổ, một điệu múa đẹp được gắn tên với quê hương của xòe đạo cụ. Xòe Phong Thổ được múa bởi những cô gái xòe (xào xẻ), những chàng trai đàn (báo khỏa), là những con người xinh xắn, khôi ngô, ngoan ngoãn, được lựa chọn kỹ lưỡng. Đặc biệt, xòe đạo cụ ở Phong Thổ thì điệu múa tính tẩu, điệu múa cùng đàn tính là đặc trưng nhất. Tính tẩu được coi như linh hồn của xòe Phong Thổ. Nhạc cụ độc đáo này góp phần quan trọng vào việc định hình âm nhạc, phong cách của múa xòe Phong Thổ.

Lai Châu lại nổi tiếng với xòe nón Mường Lay. Xòe Lai Châu thu hút người xem bởi những đường lượn vòng, đưa đẩy, chao đảo, hát nẩy nhẹ nhàng, luyến láy của tấm khăn, quả nhạc, chiếc nón, cái quạt. Kỹ thuật xòe của nghệ nhân nơi đây thành thục, nhuần nhuyễn, điêu luyện. Đây là một trong những điệu xòe đạt được đến đỉnh cao của xòe đạo cụ Thái. Xòe nón Mường Lay là sự kế thừa của xòe nón Phong Thổ, với bước kép là phổ biến, cùng tiết tấu nhạc múa nón nhanh. Xòe Mường Lay cũng sử dụng tính tẩu như với xòe Phong Thổ, nhưng chủ yếu là giai điệu nhanh với cách gảy sử dụng chủ yếu vào ngón trỏ của nghệ nhân.

Quỳnh Nhai tuy là đội xòe sinh sau, đẻ muộn, nhưng đã trưởng thành rất nhanh, với nhiều sáng tác mới, độc đáo, đậm chất địa phương. Nghệ nhân Điêu Chính Ngâu là người có công lớn nhất trong việc tổ chức, sáng tác, đạo diễn, đóng góp những tác phẩm xuất sắc cho xòe Quỳnh Nhai, nâng tầm đội xòe này lên ngang trình độ của những đội xòe đi trước. Tuy vậy, xòe Quỳnh Nhai cũng không có nhiều điểm mới so với xòe Phong Thổ, Mường Lay trong nhạc cụ, phương thức, môi trường diễn xướng, cũng như điệu bộ của nghệ nhân thực hành, biểu diễn. Người Thái có câu:

          Không xòe lúa không trổ bông

          Không xòe trai gái không thành đôi

Qua đó, phần nào thấy được tầm quan trọng của xòe Thái đối với dân tộc sản sinh ra nó. Điệu múa này không đơn thuần là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, mà nó còn là kho tàng lưu trữ cả phần hồn dân tộc, minh chứng cho sự kiêu hãnh của cả một nền văn hóa Thái Tây Bắc. Trong bối cảnh xâm nhập của văn hóa ngoại lai đang ngày càng trở nên phức tạp, việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa cổ truyền như xòe Thái là điều cần thiết, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, địa phương phối hợp.

Cùng chung tay bảo vệ di tích phi vật thể xòe Thái với các địa phương sở hữu điệu xòe này, tỉnh Yên Bái cũng xúc tiến những quy hoạch, đưa những ý tưởng để phát huy loại hình xòe Thái tại địa phương. UBND tỉnh Yên Bái hiện đang phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái đệ trình UNESCO ghi danh nét văn hóa độc đáo này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, việc hướng sự chú ý của dư luận vào nhận thức bảo vệ di sản quốc gia là một điểm cần lưu ý. Bà Lò Thị Huân, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Yên Bái online, cho biết: “Trong chiến lược phát triển văn hóa du lịch Mường Lò, xòe là một đặc sản mời gọi, níu chân du khách. Do đó, thời gian qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh Yên Bái, các cấp quản lý ở thị xã Nghĩa Lộ, nghệ nhân đã lập những kế hoạch để bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái Mường Lò. Đây cũng là loại hình nghệ thuật dân gian đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hiện nay, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” (2).

_______________

1. Phan Mạnh Dương, Điều tra thực trạng nghệ thuật xòe của người Thái ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đề tài nghiên cứu khoa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2015.

2. Đắm say xòe Thái Mường Lò, đăng trên Yên Bái online, ngày 12 – 5 – 2017.

Tác giả: Trịnh Phương Thu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *