Văn hóa thổ cẩm trong đời sống tộc người vùng trung du và miền núi phía Bắc


Văn hóa thổ cẩm truyền thống đã và đang góp
phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của đồng bào
trung du và miền núi phía Bắc. Bằng đôi bàn tay
khéo léo và sự cần cù, nhiều sản phẩm thổ cẩm độc
đáo đã và đang được các tộc người sáng tạo phục
vụ nhu cầu của bản thân và cộng đồng. Trải qua
thăng trầm của thời gian, các tộc người không chỉ
có ý thức gìn giữ nghề cổ truyền vốn có mà còn
tiếp tục nỗ lực học hỏi, cải tiến kỹ thuật để có
thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của
xã hội hiện đại, đưa danh tiếng của văn hóa thổ
cẩm nơi đây đến với các vùng miền khác trong cả
nước. Tuy nhiên, trước những đổi thay của đời sống
xã hội, bên cạnh những điều kiện thuận lợi để khôi
phục và phát triển, nghề dệt thổ cẩm cũng phải đối
mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc
gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Trung du và miền núi phía Bắc là vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất nước ta (chiếm  28,6% diện tích cả nước), bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Đây là khu vực cư trú của nhiều tộc người với sự đa dạng bản sắc văn hóa, trong đó nét văn hóa đặc trưng nhất chính là những ngôi nhà sàn và đặc biệt là văn hóa thổ cẩm truyền thống có mặt ở hầu khắp các tỉnh trong khu vực. Văn hóa thổ cẩm truyền thống được sáng tạo và duy trì từ rất lâu đời với các trang phục, vật phẩm bằng chất liệu thổ, trở thành một phần tất yếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào. Rất nhiều vùng đất thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã và đang lưu giữ di sản văn hóa thổ cẩm truyền thống của các tộc người Tày, Nùng, Thái, Cao Lan, Mông…, có lẽ phải kể đến nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Bắc Kạn và người Cao Lan ở Bắc Giang vốn nổi tiếng là hai trung tâm tiêu biểu của loại hình di sản độc đáo này.

Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Kạn có nghề dệt thổ cẩm của người Tày đang hoạt động tốt nhất ở thôn Pác Ngòi – mảnh đất nằm trọn trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể, bên bờ Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể với cảnh đẹp nên thơ cùng nhiều di sản văn hóa giá trị khác của tộc người là 36 ngôi nhà sàn đặc sắc hiện còn được lưu giữ. Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang – vùng đất sở hữu nhiều làng nghề truyền thống lâu đời lại nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan trên vùng rẻo cao Lục Sơn, huyện Lục Nam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghề dệt thủ công của các tộc người với những giá trị văn hóa bền bỉ đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa ở các bản làng khi những sản phẩm dệt truyền thống vẫn tiếp tục hiện hữu trong các nghi lễ quan trọng như ngày tết, lễ đầy tháng, cưới hỏi, tang ma… của cộng đồng. Tuy nhiên, trước những tác động của cuộc sống hiện đại, văn hóa thổ cẩm truyền thống các tộc người cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong hành trình gìn giữ và phát triển.

1. Văn hóa thổ cẩm trong đời sống tộc người

Có một điểm chung trong nghề dệt thổ cẩm của người Tày (Bắc Kạn) và người Cao Lan (Bắc Giang) là hiện không còn nguồn dữ liệu chính xác nào để biết được nghề dệt truyền thống của các tộc người có từ bao giờ, chỉ biết rằng những tấm chàm, vải thổ cẩm độc đáo ở chất liệu, màu sắc, hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt mang đậm sắc thái tộc người do chính đồng bào dệt đã có từ rất lâu và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đối với người Tày và người Cao Lan, kéo sợi dệt vải vốn được coi là thước đo đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ. Bất cứ người con gái nào cũng đều biết thêu thùa, dệt vải. Các em gái mới 13-14 tuổi đã biết tự tay dệt nên những tấm vải, thêu hoa văn, may thành những bộ trang phục truyền thống của tộc người: váy, áo, yếm, dải thắt lưng, khăn ngang, khăn vuông, xà cạp… Rồi đến khi trưởng thành, việc may vá, thêu thùa thực sự đã trở thành kỹ năng của người phụ nữ. Đường kim mũi chỉ càng khéo léo, càng chứng tỏ cô gái ấy là người vợ đảm đang, quán xuyến tốt công việc gia đình. Việc dệt may đều do người phụ nữ đảm nhận, họ tự tay dệt vải để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các thành viên trong gia đình: những bộ quần áo đi nương rẫy, trang phục đặc sắc của tộc người tham gia trong các ngày hội, màn, rèm cửa, địu con, tấm chăn mền đắp trong mùa đông giá rét, hay những sản phẩm như túi nải, khăn, thắt lưng, giày vải… để trao đổi mua bán trong những phiên chợ vùng cao… Chính vì công việc dệt vải được thực hành thường xuyên nên khung dệt là dụng cụ rất phổ biến trong các gia đình người Tày và Cao Lan. Phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi và dệt vải, thông thường trong mỗi hộ sẽ có từ 2-3 khung dệt vải để người phụ nữ trổ tài may vá. Có thể nói, nghề dệt vải đã từng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống các tộc người Tày, Cao Lan khi nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển, lúc này trang phục truyền thống của tộc người như một nguồn tài sản quan trọng, có giá trị nhất định trong việc phân định giàu nghèo, đồng thời được xem như một phần của hồi môn mà mẹ đẻ trao cho con gái khi đi lấy chồng.

Phụ nữ Cao Lan dệt vải – Ảnh: Lan Hương

Theo các nghệ nhân ở Pác Ngòi, trong truyền thống người Tày thực hành hai kiểu dệt là dệt trơn và dệt có hoa văn (dệt thổ cẩm), ở đó mỗi một sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh đều phải sử dụng nhiều công cụ và trải qua rất nhiều công đoạn như cán bông, bật bông, quấn bông, kéo sợi, hồ sợi, dàn sợi… Các sản phẩm truyền thống đều được dệt bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Còn đối với người Cao Lan, để có được tấm vải đẹp, người thợ dệt phải làm rất nhiều công đoạn, từ chọn đất trồng bông, chọn giống bông, cán bông, kéo sợi và dệt thành phại – vuông vải. Bông thường được trồng trên nương rẫy vào những ngày nắng ấm theo phương pháp vãi hạt, nới đất lấp hạt. Khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa thu hoạch bông. Bông thu hoạch về được đem phơi nắng thật khô, bóc vỏ, nhặt sạch rác, chờ đến lúc nông nhàn người ta mới cán để tách hạt ra khỏi bông, bật, lăn thành từng con bông to, se kéo thành sợi rồi sau cùng là dệt thành tấm vải. Vải đã dệt xong được đồng bào đem ra cắt thành từng tấm đủ để may một bộ quần áo nam hoặc nữ rồi nhuộm chàm. Công đoạn nhuộm cũng rất công phu, kéo dài tới hàng tháng trời và đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì để đảm bảo độ bền của màu vải, làm sao khi quần áo cũ rồi mà màu chàm vẫn đậm đà.

Hoa văn trên mỗi tấm vải dệt thổ cẩm chủ yếu đều bắt nguồn từ cuộc sống lao động hằng ngày rất gần gũi và gắn bó với tộc người như: hoa văn hình lá mía dùng làm rèm cửa, tã trẻ em; hoa văn hồ tiêu dùng khi làm khăn quàng; hay các loại hoa văn phổ biến khác chuyên dùng trên mặt vải địu, gối, chăn… Song, những hoa văn bình dị ấy chính là sự phản ánh tâm tư, tình cảm, ước mơ và khát vọng vươn tới cái đẹp của người phụ nữ. Từ những dụng cụ tự tạo thô sơ mang tính thủ công, bằng bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, chăm chỉ, những người phụ nữ Tày, Cao Lan đã tạo nên nhiều sản phẩm dệt phong phú, đa dạng có màu sắc và hoa văn đẹp mắt, độc đáo không chỉ hàm chứa những giá trị vật chất mà còn cả yếu tố tinh thần sâu sắc, và trên hết chúng còn phản ánh phần nào lịch sử phát triển của tộc người. Những tri thức về kỹ thuật dệt thủ công tinh xảo đã được các thế hệ phụ nữ Tày, Cao Lan bền bỉ tích lũy và gìn giữ trong quá trình lao động và sáng tạo lâu dài, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa bền vững của các tộc người. Ghi nhận và tôn vinh những giá trị ấy, năm 2014 nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ VHTTDL ghi danh trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

2. Văn hóa thổ cẩm truyền thống trước những khó khăn, thách thức hiện nay

Trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày và người Cao Lan có không ít nguy cơ dần bị mai một. Bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, suốt một thời gian dài hoạt động nghề của các tộc người đã không còn được duy trì thường xuyên, phổ biến và có nhiều biến đổi về nguyên liệu dệt, cơ cấu sản phẩm dệt so với truyền thống. Trước hết, đó là việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, đồng bào cũng nhận rừng để nuôi trồng, bảo vệ với cam kết không phát nương, làm rẫy trên địa phận rừng được quản lý. Do đó, các nương bông không được trồng nữa và hệ quả tất yếu là nghề dệt vải đi vào ngõ cụt bởi không còn nguồn nguyên liệu tự thân. Thêm vào đó, sợi bông tự nhiên và màu nhuộm sợi được tạo ra từ các loài cây cỏ thiên nhiên theo lối truyền thống giờ chủ yếu đã được thay thế bằng sợi vải công nghiệp với đủ loại màu sắc bán sẵn trên thị trường có ưu điểm dễ dệt hơn, giá cả lại hợp lý, không tốn nhiều thời gian, công sức, do đó người phụ nữ dệt vải cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Không chỉ với nghề dệt của người Tày Bắc Kạn và người Cao Lan ở Bắc Giang, thực trạng này hiện cũng được nhận thấy rất phổ biến trong nghề dệt thổ cẩm của nhiều tộc người ở các nơi khác như người Tày ở Cao Bằng, người Thái ở Sơn La, người Mông ở Yên Bái, nghề dệt Dèng của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế… Bên cạnh đó, sự tác động mạnh mẽ của đời sống/ lối sống hiện đại cũng khiến các tộc người ngày càng “mờ nhạt” với chính những trang phục truyền thống của mình. Ngoài ra, còn một vấn đề rất đáng quan tâm là số lượng các nghệ nhân biết dệt hiện còn rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi nên họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy nghề cho con cháu. Trong khi đó, lớp trẻ lại tỏ ra khá thờ ơ với nghề truyền thống, một mặt do họ chưa nhận thức rõ được các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc mình, mặt khác do họ có nhiều lựa chọn về ngành nghề, nhất là những ngành nghề hiện đại cho thu nhập tốt hơn. Hệ quả là ngay trên những mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa thổ cẩm như Pác Ngòi (Ba Bể, Bắc Kạn) hay Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) số lượng người theo học và thực hành nghề hiện nay không nhiều, còn rất ít hộ gia đình có điều kiện tiếp tục duy trì thường xuyên nghề truyền thống này.

3. Văn hóa thổ cẩm truyền thống với sự biến đổi để thích ứng

Kể từ năm 2005 trở lại đây, nghề dệt truyền thống ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu lại có cơ hội khởi sắc trở lại nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương khi nhận thấy tiềm năng gắn kết các giá trị văn hóa truyền thống với hoạt động du lịch ở địa phương. Theo đó, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn đã có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích nghề dệt thổ cẩm phát triển trở lại như: khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống bằng cách cho trồng bông trở lại; hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp đồng bào tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của thị trường; hỗ trợ mở các lớp dạy nghề dệt thủ công tại địa phương; triển khai dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống với nhà trưng bày sản phẩm văn hóa tộc người của địa phương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc trưng bày triển lãm và đặc biệt gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Có thể nói, trong khi nghề dệt thủ công tại nhiều địa phương ở cả nước gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ bị mai một thì nghề dệt ở thôn Pác Ngòi đã được khôi phục và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế, khi các sản phẩm dệt đã được định hướng gắn với phát triển du lịch của địa phương nhờ lợi thế lớn sở hữu cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng Hồ Ba Bể. Hiện nay, hướng hoạt động của nghề dệt truyền thống của người Tày ở bản Pác Ngòi đang có những sự thay đổi khá rõ nét. Nếu như trước đây, đồ dệt làm ra chỉ nhằm phục vụ cho đời sống tự cấp tự túc trong phạm vi bản làng thì ngày nay, các sản phẩm với sự phong phú, đa dạng về mẫu mã và chủng loại đã trở thành những vật phẩm hàng hóa thị trường mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày có giá trị kinh tế cao. Ngoài những sản phẩm truyền thống như: trang phục, vỏ chăn, màn, tay nải… đồng bào còn biết kết hợp các nguyên liệu dệt công nghiệp với nguyên liệu dệt thủ công truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của du khách như: túi xách, ba lô, ví, túi đựng điện thoại… Tùy theo sở thích và thị yếu của khách hàng, bà con sẽ dệt sản phẩm với nhiều loại bông mang nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau, chẳng hạn, những sợi bông được se nhỏ với nhiều hoa văn độc đáo chuyên phục vụ người nước ngoài, còn những sợi bông bản địa to, thô thì chuyên phục vụ du khách trong nước và dân địa phương. Thực tế, các sản phẩm dệt mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày ở bản Pác Ngòi đang là một trong những mặt hàng được nhiều khách du lịch đến Ba Bể yêu thích, bà con sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Đặc biệt, tại bản văn hóa du lịch cộng đồng của người Tày, khách du lịch đã được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ cần mẫn bên khung cửi dệt vải – là yếu tố quan trọng kích thích họ mua các sản phẩm dệt thủ công để làm quà lưu niệm. Có thể nói, nghề dệt thủ công truyền thống ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu được gắn với hoạt động phát triển du lịch tại địa phương đang là một hướng đi đúng đắn, nhiều triển vọng, không chỉ góp phần gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền của người Tày mà còn rất có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế tại địa phương.

Cũng tương tự như Bắc Kạn, tỉnh Bắc Giang trong những năm gần đây với chủ trương: khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người dân, mặt khác để lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh và tạo ra những sản phẩm đặc sắc của địa phương phục vụ phát triển du lịch, cùng với nguyện vọng của chính người dân, chính quyền các cấp đã cùng nhau góp sức để khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm và thêu hoa văn trang trí trên trang phục của người Cao Lan ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Với sức sống tiềm tàng của nghề truyền thống trong đời sống của bà con dân bản, nghề dệt đang hứa hẹn có nhiều tiềm năng khôi phục và phát triển. Suốt hơn chục năm qua, dù không thể hoạt động nghề thường xuyên do không có đầu ra nhưng nhiều nghệ nhân dệt vải vẫn đêm ngày đau đáu với khung dệt xưa, không chịu vứt bỏ như nhiều nơi khác mà vẫn gìn giữ cẩn thận như một thứ tài sản trong gia đình. Kỹ thuật khâu may, thêu thùa trang trí trang phục truyền thống vẫn được các nghệ nhân bảo lưu và có ý thức truyền dạy cho con cháu. Cách dệt hiện nay về cơ bản vẫn được giữ nguyên theo lối truyền thống song cũng có một số cải tiến nhằm vừa giữ lại truyền thống, vừa đảm bảo tính cạnh tranh với những sản phẩm hàng hóa trao đổi mua bán trên thị trường. Cụ thể, trên cơ sở những khung dệt xưa, một số bộ phận bằng chất liệu mới đã được thay thế để gia tăng độ bền và thuận tiện hơn cho việc sản xuất, ví dụ như hai thanh cuốn – tách sợi nhỏ làm bằng ống tre, nứa giờ được thay bằng ống thép không rỉ. Với khung dệt truyền thống, khổ vải vẫn giữ nguyên kích thước ban đầu, song hiện nay đồng bào đã biết cách phối hợp sợi nhiều màu trên cùng một khung dệt để có được những sản phẩm phong phú hơn về màu sắc. Tuy nhiên, những sản phẩm dệt có pha màu này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, đồng bào vẫn không hề dùng vải kiểu mới này để làm biến đổi trang phục truyền thống, vải may trang phục vẫn tuân thủ theo đúng bảng màu cổ truyền, cách thêu hoa văn trang trí cũng hầu như không thay đổi với việc dùng chỉ các màu đỏ, xanh, vàng, trắng được thêu trên từng miếng vải nhỏ rồi khâu đáp vào trang phục để tạo điểm nhấn. Cách thêu hiện nay của người Cao Lan ở Lục Sơn được cho là tương tự cách thêu hoa văn của người Dao hay người Mông. Cây bông vốn đã không còn được người Cao Lan trồng trên nương từ năm 1996 bởi trồng bông là phải trồng trên nương, mà đồi rừng – nơi được sử dụng làm nương thì nay đã được giao về cho từng hộ gia đình nhằm bảo vệ rừng nên không thể đốt nương trồng bông như trước được. May mắn là người dân trong bản vẫn còn nguồn bông dự trữ được từ những năm trước để tiếp tục dệt vải, đặc biệt nhiều người còn tự trồng bông trong vườn nhà để cố giữ lại giống bông tốt dệt được vải. Tuy nhiên, do nguồn bông tự nhiên có hạn nên hiện nay đồng bào Cao Lan phải đi mua sợi của Nhà máy sợi Nam Định. Khi cần sợi để dệt, đồng bào chỉ cần đặt hàng của chợ Thương – thành phố Bắc Giang để đặt hàng, khoảng 10 ngày sau có hàng về sẽ xuống tận nơi để lấy. Loại sợi mới của nhà máy được các nghệ nhân đánh giá là dai, bền hơn sợi bông tự nhiên và rất thuận tiện cho việc sản xuất vì đã được nhuộm sẵn khá nhiều màu như trắng, đen, đỏ.

Hiện nay, nhu cầu mặc trang phục truyền thống của người Cao Lan đang ngày càng lớn, đặc biệt yêu cầu mặc trang phục truyền thống khi trở về với tổ tiên, ông bà là gần như bắt buộc hay trong các ngày hội, các buổi biểu diễn văn nghệ, khi có khách đến thăm bản đã và đang được duy trì ở nhiều nơi. Đây cũng là một trong những nguồn tiêu thụ đáng kể cho các sản phẩm dệt của người Cao Lan ở Lục Sơn. Trong khi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện không còn nơi nào giữ được nghề dệt vải thì rõ ràng, nghề dệt thổ cẩm ở Lục Sơn đang có rất nhiều tiềm năng để duy trì và phát triển tốt. Với sự nỗ lực của chính quyền và đồng bào, hiện nay số người biết dệt trong toàn xã đang có xu hướng ngày càng tăng lên (trong đó chủ yếu tập trung tại bản Khe Nghè), hàng chục khung dệt trong các thôn bản lại được đóng mới và hoạt động thường xuyên không chỉ để đáp ứng cho nhu cầu ăn mặc của đồng bào ngay tại các thôn bản có nghề mà còn để phục vụ cho những đơn đặt hàng của các bản xung quanh, nhiều sản phẩm tiêu biểu được mang đi trưng bày và bán ở nhiều nơi trong tỉnh. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhận thấy những thế mạnh, tiềm năng của vùng đất Lục Sơn, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đã có chủ trương gắn kết việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa ở xã Lục Sơn với hoạt động tham quan du lịch vùng bảo tồn Tây Yên Tử. Công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường nhằm thu hút khách du lịch đến thăm quan các thôn bản. Hoạt động này chính là đòn bẩy cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cao Lan được mở mang, phát triển. Nắm bắt cơ hội này, một số gia đình có nghề dệt, nghề thêu trong thôn bản đã chủ động tổ chức sáng tác mẫu trang phục chàm phù hợp với thị hiếu của khách du lịch nh­ ư áo, mũ, khăn, túi đeo, tấm thêu hoa văn treo trang trí trên tường… Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan ở xã Lục Sơn hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định với chất lượng khá cao. Đến Lục Sơn bây giờ, có thể thấy tiếng thoi sợi đưa qua, đưa lại trên mặt khung dệt suốt ngày đêm, trở thành một công việc thường ngày của dân bản chứ không chỉ là hoạt động biểu diễn tượng trưng như giai đoạn trước đây.

Lời kết

Văn hóa thổ cẩm truyền thống của cộng đồng các tộc người trung du và miền núi phía Bắc là một phần quan trọng của di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng và di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, vốn di sản này đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng với nhiều thăng trầm lịch sử cùng sự bền bỉ, sáng tạo và gìn giữ bởi các thế hệ nghệ nhân. Hiện nay, trước những ảnh hưởng, tác động của xã hội hiện đại, nghề dệt và văn hóa thổ cẩm của các tộc người đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhìn chung, để văn hóa thổ cẩm truyền thống có thể khôi phục, tiếp tục duy trì và phát triển một cách bền vững, lâu dài trong đời sống cộng đồng các tộc người ở bối cảnh hiện nay, một số vấn đề chủ yếu cần được quan tâm là: tìm được đầu ra cho sản phẩm; truyền dạy nghề tạo nguồn kế tục; khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng) dựa trên nhận thức về sự đảm bảo hài hòa, cân đối lợi ích của mối quan hệ kinh tế – văn hóa. Tuy nhiên, để công cuộc khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống của các tộc người trung du và miền núi phía Bắc đạt thêm nhiều kết quả khả quan trong tương lai thì sự nỗ lực tự thân của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây là chưa đủ. Trên hết, rất cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương bằng những chủ trương, giải pháp đồng bộ và kịp thời; sự đóng góp của các nhà khoa học cùng trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành hữu quan và toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Báo ảnh dân tộc và miền núi, dantocmiennui.vn.

2. Nguyễn Thị Nga, Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống người Cao Lan tại bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, Đề tài nghiên cứu khoa học, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, 2009.

3. Phù Ninh, Nguyễn Thịnh, Văn hóa truyền thống Cao Lan, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.

4. Lâm Quý, Văn hóa Cao Lan, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.

5. La Công Ý, Đến với người Tày và văn hóa Tày, Nxb Khoa học xã hội, 2010

Tác giả: PGS, TS Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *