Tiếp cận văn hóa Lạng Sơn từ chỉ báo phát triển bền vững văn hóa


Trong tàng thư của thế giới, hiện nay có hàng chục định nghĩa về phát triển bền vững (PTBV) đang được lưu hành. Trong đó, định nghĩa của Ủy ban Brundtland (1987) được coi là khái niệm khung mà các nước, các tổ chức căn cứ vào đó, kết hợp với bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, môi trường cụ thể của nước mình để đưa ra giới thuyết riêng về PTBV. Tuy nhiên, trong bài viết, chúng tôi chỉ quan tâm đến PTBV văn hóa từ chiều cạnh các chỉ báo PTBV.

1. Văn hóa thống nhất trong sự đa dạng của cộng đồng các tộc người

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc, có cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa với Trung Quốc. Lạng Sơn là mảnh đất hội tụ, giao lưu của 7 tộc người: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông. Với những lợi thế về địa lý và truyền thống văn hóa, văn hóa Lạng Sơn đã tạo nét chấm phá riêng, độc đáo, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Khi nói đến văn hóa Lạng Sơn, không thể không nhắc tới kho tàng dân ca, dân vũ như những khúc hát sli, khúc hát đồng dao tinh nghịch hay các đêm hát lượn của trai gái khi trưởng thành… Ngoài ra, nét văn hóa riêng của Lạng Sơn chính là lễ cấp sắc của người Dao, hội thi ném còn để chọn bạn trong ngày xuân,… Từ bao đời nay, dù cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các tộc người ở Lạng Sơn vẫn duy trì, vun đắp cho gia đình, cho cộng đồng một vốn văn hóa đầy bản sắc. Các tộc người đang sống trên dải đất Lạng Sơn đều có giá trị văn hóa với những sắc thái tộc người địa phương khác nhau. Các sắc thái và những giá trị văn hóa đó thường xuyên bổ sung cho nhau, làm phong phú thêm cho văn hóa Lạng Sơn. Hơn nữa, những thành tựu văn hóa của các tộc người Lạng Sơn đã góp phần củng cố sự thống nhất tộc người – cơ sở chủ yếu để giữ vững sự bình đẳng và duy trì, phát huy tính đa dạng văn hóa của các tộc người nơi đây. Sự thống nhất của văn hóa Lạng Sơn được thể hiện về tư tưởng, chính trị, thể chế và thiết chế văn hóa. Đồng thời phát huy và làm giàu thêm tính đa dạng của văn hóa, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng chống lại những âm mưu lợi dụng sự khác biệt về sắc thái văn hóa để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

2. Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Bản sắc văn hóa truyền thống Lạng Sơn là nội lực, truyền thống tốt đẹp, bệ phóng vững chắc đưa văn hóa Lạng Sơn lên tầm cao thời đại mới. Để giữ gìn bản sắc văn hóa Lạng Sơn, cần quan tâm phát huy và làm giàu thêm các yếu tố văn hóa:

Trang phục truyền thống: với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, cùng với những chính sách văn hóa còn hạn chế về tầm nhìn, vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng trang phục truyền thống có nhiều biến đổi từ chất liệu (hiện nay chủ yếu được dệt từ các chất liệu công nghiệp), màu sắc, hoa văn… và cũng đang dần bị thay thế bởi những bộ trang phục hiện đại. Vì vậy, để bảo tồn được trang phục truyền thống, mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người cần phải giữ gìn trang phục truyền thống mặc trong các ngày lễ hội và lễ tiết, đặc biệt là khi cần khẳng định bản sắc văn hóa tộc người mình với các tộc người khác.

Ngôi nhà truyền thống: hiện nay một số chi tiết, họa tiết kiến trúc trong ngôi nhà truyền thống của các tộc người có nhiều thay đổi: trước đây được kiến tạo bằng các vật liệu xây dựng cổ truyền (đất, gỗ…), nhưng ngày nay được thay thế bằng các vật liệu xây dựng mới, hiện đại (xi măng, gạch…). Những ngôi nhà còn giữ được kiến trúc truyền thống thường ở bản vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn.

Ẩm thực truyền thống: Lạng Sơn mang trong mình một dòng văn hóa ẩm thực đặc biệt với những món ăn hấp dẫn, mang đầy phong vị độc đáo như: phở chua xứ Lạng, thịt lợn quay, khâu nhục, vịt quay, rượu Mẫu Sơn… Đây là những món ăn truyền thống tạo nên thương hiệu cho vùng đất này, đồng thời cũng là tài nguyên để khai thác phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Nghệ thuật truyền thống: ở Lạng Sơn, các loại hình nghệ thuật như hát then – đàn tính của người Tày, Nùng, những điệu múa trong lễ cấp sắc của người Dao… được bảo tồn, phát huy thông qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản.

Lễ hội đền Kỳ Cùng, Tả Phù, Lạng Sơn – Ảnh: Nguyễn Tiến Thắng

Lễ hội truyền thống: lễ hội Lạng Sơn nhiều về số lượng, phong phú về nội dung, loại hình. Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa – du lịch sâu sắc. Đó là lễ hội Lồng Tông, lễ hội Bủng Kham, lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội chùa Tiên, lễ hội Quỳnh Sơn, lễ hội chùa Bắc Nga… Trong các lễ hội này, bên cạnh nghi lễ truyền thống còn có nhiều trò chơi, trò diễn chứa đậm bản sắc văn hóa tộc người như: trò sĩ – nông – công – thương, múa sư tử mèo, ném còn, đẩy gậy, biểu diễn võ với những bài quyền khỏe khoắn thể hiện sức mạnh, ý chí và tinh thần thượng võ của các tộc người; những làn điệu dân ca mượt mà như: hát sli – lượn, hát then – đàn tính, hát xắng cọ…

Làng nghề truyền thống: hiện nay, làng nghề truyền thống Lạng Sơn đang có những bước phát triển mạnh mẽ, mang đậm nét đặc trưng văn hóa Lạng Sơn. Tiêu biểu như: nghề làm bánh cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), nghề thổ cẩm ở xã Hòa Cư, nghề nấu rượu ở xã Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc), nghề làm ngói (âm dương) ở xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn)… Bên cạnh đó còn nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt, rèn, làm hương vẫn được các tộc người nơi đây duy trì để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế gia đình và sinh hoạt hằng ngày.

Như vậy, các yếu tố truyền thống như nhà ở, trang phục, nghề truyền thống… cần được chú ý, nhằm tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Cùng với đó, cần xây dựng các mô hình trình diễn tại các làng nghề truyền thống, thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

3. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Những di sản văn hóa Lạng Sơn tồn tại đến ngày nay luôn giữ vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Lạng Sơn, các tộc người Lạng Sơn. Nó không chỉ là tài sản của riêng vùng đất hay cộng đồng tộc người Lạng Sơn, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia; phản ánh một cách tiêu biểu nhất, tập trung nhất truyền thống văn hóa Lạng Sơn. Cùng với thời gian, những giá trị tinh hoa trong di sản văn hóa Lạng Sơn như một dòng chảy lặng lẽ, âm thầm, song có khả năng to lớn, là cội nguồn, nền tảng tạo nên hệ giá trị của văn hóa Lạng Sơn hôm nay và mai sau. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là tiến trình điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép, ghi âm, ghi hình, phục dựng các dạng thức văn hóa, những kỹ năng, tri thức do nghệ nhân sử dụng trong trình diễn các loại hình nghệ thuật hay chế tác, tạo dựng sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Là tỉnh biên giới phía Bắc, Lạng Sơn có tới 83% là đồng bào dân tộc, vì vậy, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn đã ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các tộc người. Khi hội tụ đủ sức mạnh tổng hợp, nhất định công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Lạng Sơn sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa các tộc người Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.

4. Văn hóa góp phần phát triển kinh tế xã hội

Đời sống của mỗi con người cũng như đời sống của cộng đồng tộc người, của xã hội hàm chứa hai mặt: vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất, đáp ứng nhu cầu vật chất của xã hội, thì văn hóa là nền tảng tinh thần, đáp ứng nhu cầu tinh thần của xã hội. Là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa biểu hiện sự hiểu biết, kiến thức, trí tuệ, lối sống, tình cảm, đạo đức, tâm hồn, thẩm mỹ… của con người trong mối quan hệ hài hòa với xã hội, với môi trường tự nhiên. Vậy, khả năng phát triển của một cộng đồng tộc người, dân tộc, vùng miền và quốc gia không chỉ dựa vào nền tảng vật chất (kinh tế) mà còn dựa vào nền tảng tinh thần (văn hóa) của xã hội… Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, nhiều thể loại văn hóa đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh Lạng Sơn, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, nhà đầu tư đến Lạng Sơn tìm hiểu, khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư. Nhận thức rõ những lợi ích, tiềm năng to lớn của văn hóa Lạng Sơn trong phát triển kinh tế, văn hóa, giao lưu, đối ngoại, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người đặc sắc và đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Cần phải xác định việc bảo tồn các giá trị văn hóa Lạng Sơn không chỉ bảo lưu được truyền thống tộc người, mà còn là động lực để phát triển kinh tế – xã hội của người dân nơi đây. Trên cơ sở đó, văn hóa Lạng Sơn phải góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng tộc người qua du lịch văn hóa và tri thức địa phương… Mặt khác, qua truyền thống tự quản, đoàn kết và tương trợ trong cộng đồng tộc người, văn hóa Lạng Sơn cần thể hiện rõ vai trò động lực trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và ổn định chính trị, an ninh quốc phòng ở Lạng Sơn.

5. Giữ gìn ngôn ngữ tộc người

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của xã hội loài người. Mỗi một cộng đồng xã hội hay tộc người khác nhau có những hình thức giao tiếp khác nhau. Ngoài tiếng mẹ đẻ được sử dụng trong những môi trường nhất định, nhiều tộc người còn sử dụng tiếng Kinh (Việt) với tư cách là ngôn ngữ quốc gia. Hơn nữa, ngôn ngữ còn là phương tiện của tư duy, biểu hiện và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc/tộc người. Hiện nay, tiếng nói của các tộc ở Lạng Sơn như: Tày, Nùng, Dao và một số tộc người khác đang có nguy cơ mai một. Việc sử dụng tiếng nói dân tộc/tộc người chỉ còn được duy trì ở vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, số người sử dụng tiếng dân tộc/tộc người trong sinh hoạt hằng ngày đang có xu hướng mất dần, nhất là thế hệ trẻ. Trước tình hình đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ ngôn ngữ tộc người như tổ chức các khóa học tiếng dân tộc ngoài giờ hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, mở chuyên mục phát sóng các bản tin, các chương trình ca nhạc bằng tiếng Tày, Nùng, Dao trên sóng phát thanh và truyền hình; chỉ đạo sử dụng ngôn ngữ tộc người trong sáng tác văn học nghệ thuật hoặc dịch các tác phẩm sang tiếng Tày, Nùng phục vụ độc giả. Tuy nhiên, việc bảo tồn ngôn ngữ tộc người còn gặp khó khăn do ý thức sử dụng của người dân chưa được nâng cao, dẫn đến tình trạng tiếng nói tộc người dần bị mai một, quên lãng. Do đó, việc giữ gìn ngôn ngữ tộc người là chỉ báo quan trọng của PTBV về văn hóa. Chỉ báo này được thẩm định qua việc sử dụng ngôn ngữ tộc người trong sinh hoạt xã hội, cộng đồng, gia đình, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống…

6. Tôn vinh và phát huy vai trò của các nghệ nhân và đội ngũ trí thức

Đội ngũ trí thức và các nghệ nhân là những người có uy tín trong cộng đồng tộc người và giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Lạng Sơn hiện nay. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Lạng Sơn cũng là bảo vệ đội ngũ trí thức và nghệ nhân – những người lưu giữ, kế thừa di sản văn hóa Lạng Sơn. Để bảo vệ những báu vật nhân văn sống, ngoài việc thừa nhận tài năng, Nhà nước và cộng đồng tộc người cần tôn vinh, động viên, khuyến khích kịp thời và tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần và vật chất để họ có thể phát huy mọi khả năng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Lạng Sơn. Đặc biệt, họ có ý thức sáng tạo, trao truyền các giá trị kết tinh trong văn hóa Lạng Sơn cho thế hệ tương lai.

Trong định hướng PTBV của nhân loại hiện nay, văn hóa đóng vai trò quan trọng, được xem như trụ cột thứ tư trong PTBV, có khả năng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. PTBV văn hóa là sự chia sẻ các ý tưởng, niềm tin, các giá trị; các chuẩn mực xã hội, tri thức, đạo đức, thẩm mỹ… Tất cả các điều này được thực hành trong cộng đồng, vùng miền. Theo đó, PTBV văn hóa là sự phát triển, làm mới và duy trì văn hóa để tạo ra những mối quan hệ tích cực và vững bền giữa con người với con người, con người với tự nhiên. Từ những nhận thức về PTBV văn hóa, chúng tôi đã trình bày những chỉ báo trong bộ công cụ để đánh giá mức độ PTBV văn hóa Lạng Sơn, đồng thời cũng là tiêu chí để hướng tới PTBV về văn hóa của cộng đồng các tộc người trên dải đất này.

Tác giả: Hà Đình Thành – Hà Diệu Thu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *