1. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đến hoạt động bảo tàng
Ứng dụng công nghệ trong quản lý hiện vật và sưu tập hiện vật
Theo cách thức truyền thống, việc quản lý theo dõi hiện vật thường sử dụng hình thức viết tay vào sổ kiểm kê, các loại phiếu, lý lịch hiện vật… mất nhiều thời gian, lượng thông tin về hiện vật hạn chế, khai thác hồ sơ hiện vật khó khăn. Đến nay, việc ứng dụng công nghệ số hóa hiện vật và sưu tập hiện vật của bảo tàng, nhằm hiện đại hóa phương thức quản lý, khai thác và phát huy giá trị hiện vật, sưu tập hiện vật phục vụ công chúng đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhiều bảo tàng trên thế giới đã tiến hành số hóa các bộ sưu tập hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật nhằm phục vụ công chúng trong và ngoài nước. Ví dụ như Bảo tàng Nghệ thuật Staedel – Frankfurt số hóa được 25.000 hiện vật và xây dựng được 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội, đã thu hút hàng ngàn lượt truy cập, theo dõi (1).
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để hệ thông bảo tàng Việt Nam tồn tại và phát triển
trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước – Ảnh: baotanghochiminh.vn
Ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng được quan tâm từ khá sớm. Năm 2004, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin hiện vật trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, có thể coi đây là bước đi đầu tiên và cơ bản cho các bảo tàng Việt Nam trong việc số hóa thông tin hiện vật. Tuy nhiên, đây chỉ là trang thông tin chung về hiện vật, chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước, nên mới chỉ tập trung được phần nào nội dung thông tin hiện vật (2). Hiện nay, nhiều bảo tàng đang tiến hành số hóa hiện vật bằng những công nghệ khác nhau. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã áp dụng công nghệ tin học, công nghệ số để từng bước triển khai công tác số hóa, tư liệu hóa vào việc quản lý hiện vật. Quy trình thực hiện qua các công đoạn chính: số hóa các hiện vật; lập trung tâm dữ liệu để quản lý, khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa; tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu; trưng bày ảo phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng internet và các phương tiện khác (3).
Việt Nam hiện có 128 bảo tàng công lập và 55 bảo tàng ngoài công lập. Đến nay, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ và chính xác những bảo tàng đã số hóa được bao nhiêu tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật, nhưng thực tế, các bảo tàng đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ ở nhiều cấp độ và mức độ khác nhau, tùy theo năng lực và thế mạnh của mỗi bảo tàng. Hiệu quả của ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tàng đang làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và cách thức hoạt động truyền thống, trong đó đáng ghi nhận là hoạt động truyền thông, quản lý thông tin hiện vật, cơ sở dữ liệu hiện vật và các bộ sưu tập, lưu trữ thông tin, khai thác tư liệu số, truyền dữ liệu, số hóa ảnh tư liệu, tư liệu lịch sử, văn hóa (4).
Ứng dụng công nghệ số trong trưng bày bảo tàng
Ứng dụng công nghệ số trong trưng bày và giới thiệu trưng bày bảo tàng không còn xa lạ trên thế giới, nhưng vẫn khá mới ở Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cho giải pháp trưng bày. Năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Đến nay, Bảo tàng đã thực hiện thêm nhiều chuyên đề khác phục vụ công chúng. Tuy nhiên, bước đột phá trong ứng dụng công nghệ 4.0 phải kể đến Bảo tàng Viettel và Khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Bảo tàng Viettel mặc dù ra đời khá muộn, nhưng đã có sự đầu tư và trở thành bảo tàng đứng đầu với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại ở Việt Nam hiện nay. Với công nghệ tương tác không chạm sử dụng thiết bị nhận dạng hoạt động của tay, qua đó có thể ứng dụng tương tác trực tiếp để tìm hiểu thông tin, hay tương tác với hiện vật đã được số hóa 3D một cách trực quan gây ấn tượng với khách tham quan (5). Khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được thể hiện theo cách diễn giải, mô hình liên hệ dễ hiểu, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, mới và hấp dẫn du khách. Các ứng dụng công nghệ được chú trọng tới điều kiện tương tác cho khách tham quan. Đây là một xu hướng có hiệu quả trong nghệ thuật trưng bày ngày nay (6).
Ứng dụng công nghệ số vào trưng bày đang trở thành xu hướng trong hoạt động bảo tàng ở Việt Nam. Hiệu quả của ứng dụng công nghệ sẽ đem lại những nhận thức mới về hoạt động bảo tàng không chỉ với giới chuyên môn mà với cả nhận thức của xã hội, nhất là với khách tham quan. Sự thay đổi nhận thức này sẽ là yếu tố quan trọng góp phần tác động, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hoạt động của bảo tàng trong đáp ứng yêu cầu hội nhập đổi mới.
Ứng dụng công nghệ số trong thuyết minh bảo tàng
Việc ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động trưng bày đang là xu hướng và nhu cầu tất yếu của hệ thống bảo tàng, qua đó tạo mối liên hệ mật thiết giữa bảo tàng với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam. Đặc trưng nổi bật của ứng dụng công nghệ số trong thuyết minh là sử dụng công nghệ thông minh thay thế cách thức thuyết minh bảo tàng truyền thống. Nội dung thuyết minh được số hóa và truyền tải thông tin qua nhiều phương thức ứng dụng công nghệ như trưng bày ảo, tham quan tương tác 3D, thuyết minh tự động, tham quan qua kính thực tế ảo (7).
Ở Việt Nam, công nghệ nhận diện hiện vật bằng sử dụng mã QR Code cũng đã được áp dụng ở một số bảo tàng, như Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Với công nghệ này, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi miễn phí tại bảo tàng, du khách cài ứng dụng quét mã QR Code rồi mở ứng dụng chiếu camera quét lên các mã tem QR Code được dán cạnh các hiện vật, toàn bộ thông tin liên quan đến hiện vật sẽ hiện lên màn hình điện thoại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật kết nối đã được sử dụng ở một số dự án bảo tàng, nhất là trong giai đoạn cách ly do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Công nghệ tham quan bảo tàng và di tích trong không gian ảo được áp dụng giới thiệu ở di sản Hoàng thành Thăng Long và trong Khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội (8).
2. Một số hạn chế, bất cập trong ứng dụng công nghệ đối với hoạt đông bảo tàng
Các bảo tàng đang ứng dụng công nghệ theo hướng tự phát, phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và khả năng tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của mỗi bảo tàng mà dung lượng, số lượng công nghệ được đưa vào các bảo tàng có mức độ, quy mô khác nhau.
Về cơ sở hạ tầng, chỉ một số ít bảo tàng có thể đáp ứng được hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, còn lại hầu hết các bảo tàng chưa đủ năng lực cơ sở hạ tầng, không có sự kết nối hệ thống về cơ sở dữ liệu để xây dựng chiến lược bảo vệ, phát huy và quản lý chung, đảm bảo an ninh và an toàn dữ liệu trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Nguồn nhân lực bảo tàng Việt Nam hiện chưa đủ năng lực chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để thích nghi và đáp ứng được yêu cầu của bảo tàng hiện đại, hoạt động trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Các bảo tàng và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực bảo tàng chưa có sự chủ động phối hợp để kịp thời cập nhật, bổ sung đầy đủ lý thuyết và phương pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động bảo tồn, quản lý và khai thác giá trị di sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính các bảo tàng.
3. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực bảo tàng Việt Nam nhằm thích ứng yêu cầu CMCN 4.0
Từ góc nhìn quản lý vĩ mô, cần xây dựng chiến lược cơ sở dữ liệu quốc gia kết nối vạn vật trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Đây là xu hướng công nghệ của hiện tại và tương lai, khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún và không thống nhất trong xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về bảo tàng và di sản trong phạm vi cả nước.
Cập nhật, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý thuyết bảo tàng học và các phương pháp, cách tiếp cận khoa học đối với việc khai thác thành tựu của cuộc CMCN 4.0 ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tàng, tránh tình trạng bảo tàng ứng dụng công nghệ tràn lan, làm sai lệch nhận thức về bảo tàng và trưng bày bảo tàng theo hướng lạm dụng công nghệ, tái tạo di sản quá mức trở thành giả di sản. Các bảo tàng chủ động, sáng tạo đề xuất công nghệ theo hướng tiếp cận bảo tàng học, hạn chế sự phụ thuộc, điều phối, dẫn dắt bởi các hãng công nghệ (9).
Các bảo tàng cần nâng cao năng lực để thích ứng với CMCN 4.0, chủ động mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực, phải có chính sách đào tạo; đào tạo lại và đào tạo nâng cao thường xuyên để cập nhật kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực di sản, bảo tàng và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bảo tàng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phối hợp với các cơ sở đào tạo, các trường đại học trong quá trình đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực ngành Di sản nói chung và nhân lực cho bảo tàng nói riêng. Như vậy sẽ có cơ hội để lựa chọn những sinh viên, học viên tốt nhất bổ sung cho nguồn nhân lực của bảo tàng.
Đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực bảo tàng trong tương lai gần và xa hơn. Đánh giá năng lực đội ngũ nhân lực bảo tàng, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trong tương lai của ngành. Xác định nguồn nhân lực bảo tàng cần được đào tạo không chỉ là sinh viên, mà bao gồm học viên đến từ các bảo tàng hay phù hợp lĩnh vực khác.
Cần đổi mới mô hình đào tạo bảo tàng phù hợp với hội nhập CMCN 4.0. Các cơ sở đào tạo cần đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn. Đặc biệt, đổi mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tham gia thỉnh giảng.
Đổi mới hoạt động giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ giảng viên phải có năng lực sáng tạo và những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Bên cạnh các hoạt động đào tạo, cần tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, gắn nghiên cứu với các hoạt động thực tiễn.
Cần có sự kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với hệ thống bảo tàng trong đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và những bảo tàng, viện nghiên cứu trực tiếp thực hành các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tạo cơ hội trải nghiệm thực tế cho sinh viên, giúp họ từng bước tích lũy kinh nghiệm thực tế, rút ngắn khoảng cách kiến thức giữa trường đại học và hoạt động thực tiễn. Mô hình của Bảo tàng Cố Cung (Bắc Kinh, Trung Quốc) là một ví dụ điển hình của việc hợp tác này. Hằng năm, Bảo tàng Cố Cung đã phối hợp với Hiệp hội bảo tàng quốc tế ICOM tổ chức nhiều khóa học ngắn hạn, chuyên đề cho các chuyên gia trẻ đến từ bảo tàng các nước thành viên ICOM, trong đó Việt Nam cũng đã cử một số chuyên gia tham gia những khóa học này (10). Các cơ sở đào tạo cần xây dựng những trung tâm đổi mới sáng tạo gắn chặt với các bảo tàng. Nhờ những trung tâm đó, sinh viên được học tập trong môi trường thực tiễn và các bảo tàng sẽ thuận lợi liên kết với các trường để tìm nguồn nhân lực tương lai.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực bảo tàng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước có kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực, cử cán bộ giảng viên đi học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới từ thực tiễn sinh động ở các nước có hệ thống bảo tàng phát triển, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên.
Các giải pháp trên được triển khai đồng bộ, có lộ trình thích hợp sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực bảo tàng và hoạt động của bảo tàng Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0.
________________
1. Tâm Huệ, Số hóa bảo tàng – xu hướng và lựa chọn, baothuathienhue.vn, ngày 5-9-2021
2. Vũ Tiến Dũng, Tin học với công tác trưng bày bảo tàng tàng, Tạp chí Di sản văn hóa, 2008.
3. Hồng Bắc, Ứng dụng công nghệ 3D vào bảo quản bảo vật quốc gia, vov.vn, 15-8-2015.
4, 8, 9. Phạm Văn Dương, Đào tạo nguồn nhân lực, bảo tàng trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Kỷ yếu hội thảo Đại học Văn hóa, Hà Nội, 2021.
5, 7. Nguyễn Thị Thu Hoan, Ứng dụng công nghệ số trong trưng bày tại các bảo tàng Việt Nam, baotanglichsu.vn, 20-4-2021.
6. Bùi Minh Trí (chủ biên), Viện Nghiên cứu Kinh thành chặng đường và dấu ấn, Nxb Hà Nội, 2021.
10. Lê Thị Thu Hiền, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực di sản văn hóa ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội, 2021.
PGS, TS NGUYỄN SỸ TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%