Vài nét về tác động của truyền thông đại chúng
Hầu hết các lý thuyết nghiên cứu về tác động của truyền thông đối với con người và xã hội đều cho rằng có mối liên hệ giữa nhu cầu thông tin và cách sử dụng truyền thông của các cá nhân trong xã hội với các hệ thống truyền thông cung ứng thông tin hằng ngày. Trước năm 1995, nhiều lý thuyết nghiên cứu về tác động của truyền thông đều mặc định rằng con người luôn thụ động trước truyền thông. Tuy nhiên từ năm 2000 trở lại đây, người ta quan tâm nhiều hơn đến sự tiếp nhận thông tin của công chúng và sản xuất các chương trình truyền thông hướng tới nhu cầu của con người và xã hội. Truyền thông tương tác dần xuất hiện trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mạng internet.
Hiện nay, trên nền tảng internet và nền tảng số hóa, hệ thống truyền hình và các mạng xã hội đã cơ bản chiếm lĩnh những “miền thông tin” của nhân loại để trao đổi hai chiều với mục đích cung ứng thông tin, tạo ra sự đa dạng của truyền thông, truyền hình TK XXI, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển, trong đó có sự đổi thay rất nhanh về văn hóa, con người. Khi một chương trình truyền hình xuất hiện, nó lập tức tác động đến hàng trăm triệu người và có thể tạo ngay ra một làn sóng nào đó. Văn hóa gia đình (VHGĐ) ở nước ta trong những năm đầu TK XXI chịu sự tác động mạnh mẽ của truyền thông, đặc biệt có sự tác động nhanh và mạnh của truyền hình. Hầu hết các gia đình đều xem truyền hình với mong muốn đa dạng, phong phú. Bên cạnh sự giáo dục của nhà trường và ông bà cha mẹ, trẻ em TK XXI đang lớn lên từ các chương trình truyền hình hướng tới gia đình. Tất nhiên còn phải kể đến ngoài truyền hình: đó là mạng xã hội đang bùng nổ dữ dội và có tác động nhiều chiều đến VHGĐ cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng về cơ bản, tác động của truyền hình đến VHGĐ vẫn là tích cực.
Khi tiếp cận cơ chế tác động của truyền hình đến văn hóa, con người, chúng ta cần nhìn tổng thể từ cơ chế tác động của truyền thông đại chúng (TTĐC) đến cuộc sống như đã trình bày ở trên. Thực tế cho thấy: cơ chế tác động của truyền hình có những nét tương đồng với cơ chế tác động của TTĐC đến con người và cuộc sống.
Theo các nhà nghiên cứu, những căn cứ để đánh giá tác động của báo chí đến với công chúng được biểu hiện ở nhiều mức độ, tính chất khác nhau, chủ yếu dựa trên ba phương diện: “Dựa vào chức năng nhiệm vụ của báo chí; Dựa vào tác dụng và kết quả của hoạt động; Dựa vào mục đích đạt được của hoạt động” (1). Đây là những căn cứ có tính chất cơ sở để xây dựng thang đo về tác động của báo chí đối với con người và cuộc sống xã hội.
Trước hết, về hoạt động thì hiệu quả tác động của báo chí biểu hiện trên hai phương diện:
Thứ nhất về mặt tinh thần: báo chí đã truyền tải thông tin tri thức, kiến thức, niềm tin, trạng thái tâm lý, góp phần thay đổi nhận thức, cách ứng xử cho con người và cộng đồng. Những thay đổi này có được là do ảnh hưởng của thông tin nhận được.
Thứ hai về mặt thực tiễn: báo chí làm thay đổi tính cách, quan niệm, lối sống, nhân sinh quan, thế giới quan, phong tục tập quán của công chúng.
Tuy nhiên, để có được sự thay đổi này cần có một quá trình tác động đều đặn và bền bỉ của báo chí. Trên thực tế, với nhiều hình thức, đề tài khác nhau, báo chí sẽ tác động đến văn hóa, con người một cách trực tiếp (bài báo đến thẳng với công chúng) và gián tiếp (dựa vào dư luận xã hội đã được tạo ra bởi báo chí sẽ tác động và làm thay đổi văn hóa, con người). Những yếu tố chi phối mạnh mẽ hiệu quả tác động của báo chí có thể kể đến như sau:
Một là đường lối, chính sách khoa học, đúng đắn của Đảng và Nhà nước là yếu tố tiên quyết quan trọng hàng đầu sẽ tạo nên định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thông tin cho báo chí trên phạm vi cả nước.
Hai là phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà báo: Đây là yếu tố nguồn lực con người (đội ngũ những người làm báo gồm: phóng viên, biên tập viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, nhân viên kỹ thuật… được đào tạo bài bản, có trình độ lý luận, nghiệp vụ chuyên môn chuyên nghiệp, có sự say mê nghề nghiệp và luôn trung thành với đường lối của Đảng, Nhà nước).
Ba là, trình độ của công chúng và khả năng tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng. Đây là đối tượng phục vụ của báo chí với đủ các tầng lớp, trình độ, ngành nghề, lứa tuổi… trên các vùng miền của đất nước.
Bốn là, phương tiện kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao của báo chí sẽ góp phần quan trọng quyết định chất lượng tác phẩm báo chí (như thiết bị, máy tính, máy ghi âm, máy ảnh, flycam, đèn chiếu sáng, đường truyền internet, kỹ thuật truyền dẫn phát sóng…). Các phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại như “cánh tay nối dài” cho nhà báo tác nghiệp.
Tổng hợp lại, có thể biểu diễn cơ chế tác động của TTĐC được mô hình hóa trong sơ đồ sau đây:
Chủ thể (nhà báo) → Tác phẩm báo chí (thông điệp) → Công chúng mọi lứa tuổi (ý thức xã hội) → Hành động của con người (Hành vi xã hội) → Hiệu quả xã hội (thay đổi thực tiễn cuộc sống xã hội và con người)
Chủ thể nhà báo sáng tạo ra tác phẩm báo chí chứa đựng thông tin quý giá về cuộc sống, theo đó thông qua hệ thống phương tiện truyền thông (phát thanh, truyền hình, internet…) truyền tải đến cho công chúng trong toàn xã hội, từ đó công chúng hành động và tạo ra hiệu ứng xã hội.
Khi tác phẩm được phát trên sóng truyền hình mà chứa đựng thông tin (thông điệp) thì đã mặc nhiên thể hiện khuynh hướng tư tưởng, quan điểm chính trị xã hội của chủ thể nhà báo.
Tính khuynh hướng tư tưởng, quan điểm chính trị xã hội của chủ thể nhà báo được thể hiện trong cách lựa chọn đề tài, chủ đề, nội dung cũng như hình thức nghệ thuật của tác phẩm báo chí truyền hình. Tuy nhiên, chủ thể nhà báo – những người làm truyền hình cũng có điều kiện bày tỏ chính kiến, quan điểm một cách trực tiếp trước các sự kiện thông tin có tính thời sự cao.
Trên thực tế, chất lượng tiếp nhận thông tin báo chí còn liên quan đến những yếu tố sau đây từ phía công chúng:
Thứ nhất là trình độ hiểu biết, tri thức, vốn sống, đặc điểm lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, quan điểm chính trị xã hội, các mặc cảm tín ngưỡng tôn giáo của công chúng được coi là yếu tố tiền đề cho hoạt động nhận thức về tác phẩm báo chí.
Thứ hai là sự quan tâm, chú ý của công chúng tập trung vào nguồn tin nào đó từ tác phẩm báo chí.
Thứ ba là thái độ và sự đánh giá của công chúng đối với nguồn thông tin thể hiện trong tác phẩm báo chí truyền hình. Đây là yếu tố nền tảng quan trọng dẫn đến việc công chúng có tiếp nhận thông tin hay không.
Thứ tư là sự thử nghiệm của đối tượng tiếp nhận thông tin sẽ có thật trên thực tế hay chỉ là trong trí tưởng tượng.
Thứ năm là công chúng tỏ thái độ thừa nhận và chấp nhận thông tin như thế nào; Công chúng sẽ vận dụng điều chỉnh hành vi xã hội của họ ra sao? Phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nào?
Mức độ tiếp nhận thông tin, thông điệp báo chí của công chúng là rất khác nhau, tùy theo tiền đề nhận thức của họ. Nhóm công chúng có tiền đề nhận thức cao và nhóm công chúng có khả năng nhận thức yếu… đều tiếp nhận thông tin lâu hơn mức bình thường (bởi lẽ: do nhận thức cao thì sẽ thẩm định, dò xét, luôn thận trọng và chọn lọc hơi kỹ về thông tin trước khi tiếp nhận; còn do nhận thức hạn chế và thiếu hiểu biết thì không đủ tự tin để lựa chọn được thông tin ngay). Tuy nhiên có một điều kỳ lạ là nhóm công chúng có tiền đề nhận thức trung bình, phổ thông thì lại dễ dàng, nhanh chóng hơn khi tiếp nhận TTĐC.
2. Hiệu quả tác động của truyền thông đại chúng
Hiện nay, truyền hình với những làn sóng truyền tin dồn dập hằng ngày liên tục tác động đến cuộc sống, con người và sẽ đạt đến những hiệu quả xã hội nhất định. Thông thường, hiệu quả tác động xã hội của truyền hình được thể hiện ở ba cấp độ như sau:
Thứ nhất là về hiệu quả tiếp nhận từ phía công chúng
Đây là cấp độ thấp nhất khi đánh giá tác động của truyền hình đối với xã hội. Thông qua những chỉ báo về số lượng, cách thức tiếp cận và chấp nhận nguồn thông tin của công chúng từ các phương tiện truyền hình. Chẳng hạn, người ta có thể thống kê về số lượng người truy cập vào ứng dụng VTVgo, thành phần người đọc, người truy cập ra sao, có thường xuyên hay không… từ đó có thể đánh giá hiệu quả tiếp nhận của tờ báo, của chương trình truyền hình nào đó. Chẳng hạn như đầu TK XXI, truyền thông Hàn Quốc đã tạo ra làn sóng Hallyu của nước này đã lan rộng ở cộng đồng người Hàn tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Năm 2013, bài hát “Gangnam Style” của Hàn Quốc đã gây sốt toàn cầu và trở thành video đầu tiên trên Youtube đạt trên 1 tỷ lượt xem (2).
Thứ hai là hiệu ứng xã hội tạo nên trào lưu dư luận rộng rãi của công chúng
Hiệu ứng xã hội là những biểu hiện của xã hội được hình thành do sự tác động của thông tin từ các phương tiện TTĐC. Trên thực tế, đã từng có chương trình truyền hình sau khi xuất hiện đã tạo nên một trào lưu xã hội của công chúng trong những phạm vi nhất định. Thậm chí, có thể tạo nên một số hành vi, thói quen, cách ứng xử của con người là kết quả của truyền thông hiện đại. Ví dụ như: phong trào nhảy hiphop thông qua truyền hình đã được phổ biến trong thanh niên khắp thế giới; phong cách chụp ảnh Hàn Quốc trở thành một trào lưu phổ biến trong giới trẻ nước ta đầu TK XXI.
Hiệu ứng xã hội của truyền hình được biểu hiện tập trung và tiêu biểu ở sự hình thành dư luận xã hội về các vấn đề thời sự bức xúc, bởi đây là một trong những biểu hiện rất cụ thể về tác động mạnh mẽ của TTĐC đối với cuộc sống và con người. Một phóng sự truyền hình chạm đến vấn đề thời sự nóng bỏng sẽ có thể làm bùng nổ một làn sóng quan điểm trong nhân dân. Dư luận xã hội chính là hiệu quả nhanh chóng do TTĐC tạo nên, thể hiện “nhịp đập” của cuộc sống hằng ngày. Nếu dư luận xã hội tích cực và có thiện chí xây dựng thì sẽ làm cho xã hội ổn định và phát triển.
Chính vì vậy, người ta thường quan tâm tới TTĐC và truyền hình với tác động hình thành dư luận tốt để có tác dụng dẫn dắt, điều chỉnh hành vi của con người, định hướng vận động cho các tiến trình xã hội. Chẳng hạn, trong thời gian qua, một loạt phóng sự truyền hình phê phán việc “hôi bia” của đám đông trước việc một xe tải chở bia đánh đổ hàng ra trên đường, thì sau đó, cũng gặp chuyện tương tự, công chúng lại gom nhặt và mua lại số bia đó, giúp đỡ tài xế giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Trên thực tế, các quy mô, tính chất của hiệu ứng xã hội bị quy định bởi quy mô, tính chất các thông điệp mà truyền hình đem đến cho xã hội. Các điều kiện tiếp nhận thông tin của các nhóm xã hội như kinh nghiệm sống, trình độ nhận thức, các trạng thái tâm lý, cảm xúc… cũng chi phối hiệu ứng xã hội của tác phẩm truyền hình. Tác phẩm truyền hình sẽ gây nên những hiệu ứng xã hội không đồng đều cho các vùng miền và các nhóm xã hội, thậm chí là các hiệu ứng xã hội ngoài mục đích của những người làm truyền thông.
Thứ ba là hiệu quả thực tế làm ra sự thay đổi nào đó trong công chúng
Đây là mức độ cao nhất của hiệu quả xã hội do truyền hình đem đến. “Hiệu quả thực tế của TTĐC là những thay đổi, vận động thực tế của đời sống xã hội dưới tác động của TTĐC. Hiệu quả thực tế là mục đích hướng tới cao nhất của hoạt động TTĐC. Đó chính là những vận động tạo nên biến đổi về số lượng, chất lượng của các tiến trình, các lĩnh vực trong đời sống xã hội” (3).
Trên thực tế, việc đo đếm về hiệu quả của TTĐC không hề đơn giản. Bởi lẽ, hiệu quả của TTĐC nói chung và truyền hình nói riêng được cho là gián tiếp theo quy trình: TTĐC (trong đó có truyền hình) sẽ tác động lên nhận thức của công chúng. Từ đó, công chúng sẽ có hành vi xã hội trong các tiến trình phát triển của cộng đồng xã hội. Nhìn chung, giới nghiên cứu đều thống nhất rằng TTĐC (mà tiêu biểu là truyền hình) tác động đến con người và xã hội bằng các chức năng chủ yếu sau đây:
Chức năng tư tưởng
TTĐC (đặc biệt là truyền hình) có sức mạnh to lớn trong quá trình giải quyết các vấn đề về tư tưởng của con người và xã hội. Thông qua việc truyền tin nhanh nhất, đầy đủ nhất, tin cậy, kịp thời đến nhiều người nhất về các sự kiện cuộc sống diễn ra hằng ngày, TTĐC sẽ hướng dẫn và hình thành dư luận xã hội đúng đắn trong nhân dân, hình thành những khuynh hướng tư tưởng tích cực, có tác dụng giáo dục tư tưởng chính trị đúng đắn cho con người và cộng đồng xã hội.
Trên thực tế, với quyền năng của báo hình kết hợp với báo nói và ngôn ngữ nghệ thuật của điện ảnh, truyền hình lại có ưu thế hơn trong việc tác động đến con người và cuộc sống. Dường như các chương trình truyền hình đặc sắc sẽ có tác động mạnh mẽ, làm đổi thay nhận thức và hành vi của các nhóm xã hội có liên quan nào đó và có thể sẽ tạo ra một trào lưu tư tưởng trong xã hội.
Chức năng giám sát và quản lý xã hội
Đây là chức năng đặc biệt của TTĐC với khả năng bao quát, nhanh nhẹn kịp thời, truyền thông (mà chủ yếu là truyền hình) đã thực hiện chức năng giám sát và quản lý xã hội, giám sát sự vận hành của các tiến trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phát hiện kịp thời và cảnh báo con người và cộng đồng về những nguy cơ, những khó khăn phức tạp đang tác động xấu đến quá trình phát triển của đất nước. TTĐC còn tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Gần đây, nhiều chương trình truyền hình phát sóng trên Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thực hiện rất tốt chức năng này, tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Hơn thế, TTĐC còn là diễn đàn dân chủ, bình đẳng động viên nhân dân tham gia quản lý xã hội, bàn bạc về các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chức năng văn hóa
TTĐC là lĩnh vực văn hóa thông tin trong xã hội hiện đại. Chức năng văn hóa của TTĐC chính là “việc nâng cao trình độ hiểu biết chung của nhân dân, khẳng định và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, hình thành và không ngừng hoàn thiện lối sống tốt đẹp trong xã hội” (4).
Truyền hình với tư cách là loại hình năng động của TTĐC sẽ chuyển tải lên sóng các sắc màu văn hóa của các dân tộc, vùng miền trên cả nước, giới thiệu nền văn hóa trong nước và quốc tế cho đại chúng.
Truyền hình có khả năng thực hiện chức năng văn hóa một cách đa dạng và toàn diện. Những tri thức, hiểu biết của con người được truyền hình giới thiệu cho công chúng mọi lứa tuổi, thiết thực góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay.
Chức năng kinh tế
Truyền hình tư vấn, giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm hàng hóa dịch vụ… Hiện nay doanh thu từ quảng cáo trên truyền hình là nguồn kinh phí khổng lồ. Quảng cáo là hàng hóa của truyền hình có giá trị kinh tế rất cao và thường xuyên được các doanh nghiệp hướng đến đặt hàng.
Chức năng giải trí
Các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí ngày càng phong phú trên sóng truyền hình đã đáp ứng nhu cầu rất lớn về phương diện này của cộng đồng xã hội. Từ đó giúp cho con người cân bằng các trạng thái tâm lý, tình cảm, thư giãn, tái sản xuất ra sức lao động.
Từ việc tiếp cận vấn đề TTĐC tác động đến cuộc sống xã hội, có thể suy luận về thang đo tác động của truyền hình đến văn hóa gia đình biểu hiện ở ba tiêu chí mức độ sau:
Thứ nhất: Mức độ truy cập của công chúng vào chương trình truyền hình theo các chủ đề liên quan đến VHGĐ đã phát sóng.
Thứ hai: Hiệu ứng dư luận về thái độ của công chúng từ các chương trình truyền hình gắn với VHGĐ đã phát sóng.
Thứ ba: Hiệu quả thực tế về sự thay đổi, phát triển của VHGĐ có nguyên nhân từ các chương trình truyền hình liên quan tới VHGĐ.
Trên cơ sở thang đo như vậy, có thể xem xét các mức độ tác động của TTĐC đến văn hóa, con người và cộng đồng xã hội. Từ đó, có thể điều chỉnh cơ quan báo chí truyền thông sáng tạo sản xuất và truyền dẫn tác phẩm. Nghiên cứu về cơ chế tác động của truyền thông đến cuộc sống giúp cho báo chí ngày càng đạt chất lượng cao và trở thành sản phẩm văn hóa có ý nghĩa, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa truyền thông, phát triển và hoàn thiện văn hóa dân tộc.
_________________________
1. Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang, Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.174.
2. Gangnam Style, vi.Wikipedia.org.
3, 4. Tạ Ngọc Tấn, Truyền thông đại chúng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.31, 42.
Ths NGUYỄN MINH THÔNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%