Thị trường văn hóa – kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở đối với Việt Nam


Sự mở rộng, lan tỏa của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đến từ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc đã từ lâu thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là tại các quốc gia giàu tài nguyên văn hóa, nhưng chưa giải quyết được một số rào cản thể chế để thúc đẩy thị trường văn hóa phát triển như Việt Nam. Bài viết bước đầu tìm hiểu cơ sở lý luận về thị trường văn hóa, đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm thành công của các quốc gia trong phát triển thị trường văn hóa nhằm tìm ra những gợi mở về chính sách phát triển thị trường văn hóa, từ đó biến công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Thị trường và thị trường văn hóa

Thị trường

Theo nghĩa rộng, thị trường là nơi chuyển giao quyền sở hữu sản phẩm hoặc tiền tệ, nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của hai phía cung và cầu (về một loại sản phẩm nhất định) theo các thông lệ hiện hành, từ đó xác định rõ số lượng và giá cả cần có của sản phẩm. Theo nghĩa hẹp, có thể hiểu thị trường là tổng thể các khách hàng tiềm ẩn cùng có một yêu cầu cụ thể nhưng chưa được đáp ứng và có khả năng tham gia trao đổi để thỏa mãn nhu cầu đó (1). Trong nền kinh tế thị trường, thị trường giữ vị trí trung tâm của mọi hoạt động kinh tế. Thị trường vừa là mục tiêu, động lực, vừa là môi trường của các hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế. Thị trường là khâu trung gian, là cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng hàng hóa dịch vụ.

Thị trường có 3 đặc trưng cơ bản nhất: quan hệ cung cầu, quan hệ giá cả và cạnh tranh. Các vấn đề có liên quan đến sự phân bố sử dụng các nguồn tài nguyên sản xuất khan hiếm về cơ bản được quyết định bởi các quy luật kinh tế thị trường mà cốt lõi là quy luật cung cầu. Tất cả các mối quan hệ kinh tế thị trường đều được tiền tệ hóa. Động lực chính phát triển kinh tế được biểu hiện tập trung ở mức lợi nhuận thu được. Tự chọn phương án sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm từ hai phía cung và cầu. Cạnh tranh là môi trường, động lực, phương tiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Nhà kinh doanh là nhân vật trung tâm và khách hàng chi phối người bán trên thị trường. Hoạt động kinh doanh trên thị trường tạo nên chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.

Thị trường văn hóa

Sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho hoạt động sáng tạo văn hóa dần trở thành hoạt động sản xuất văn hóa. Các sản phẩm văn hóa muốn trở thành hàng hóa được lưu thông rộng rãi trên thị trường, cần sản xuất hàng loạt và có các phương thức quảng bá giới thiệu tới công chúng. Do đó, kinh doanh văn hóa ra đời và cần có một thị trường văn hóa là điều tất yếu. Thị trường văn hóa chính là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi giữa người mua và người bán mà các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chính là hàng hóa. Thị trường văn hóa cũng như thị trường, đều chịu sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường là quan hệ cung – cầu, quan hệ giá cả và cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường văn hóa có tính chất đặc thù hơn các thị trường khác, bởi các sản phẩm của thị trường văn hóa thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Đối với một loại sản phẩm văn hóa cụ thể, không phải bất cứ đối tượng nào, ở trình độ nào cũng có thể tiêu dùng, sử dụng được. Mặt khác, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là sản phẩm thuộc về tư tưởng, tinh thần nên chịu sự điều tiết của định hướng văn hóa tiêu dùng quốc gia. Vì vậy, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn gắn liền với trình độ nhận thức, trình độ dân trí và điều kiện địa lý, chính trị của từng địa phương. Hiểu rõ quan hệ cung – cầu thì sẽ xác định được các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hướng tới tại mỗi địa phương khác nhau. Đặc trưng về giá cả: thị trường văn hóa tuân theo quy luật giá cả của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có những đặc thù riêng, nên giá cả của những mặt hàng này cũng mang những nét riêng biệt. Các sản phẩm của thị trường văn hóa phải trải qua quá trình lao động sáng tạo, miệt mài của các nghệ sĩ, chứ không phải các sản phẩm hàng loạt thông thường. Do vậy, để định giá các sản phẩm văn hóa cần cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể. Cạnh tranh là bản chất vốn có của thị trường. Cạnh tranh trong thị trường văn hóa rất đặc biệt. Nếu như các sản phẩm dịch vụ hàng hóa thông thường cạnh tranh nhau có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến thị trường, các sản phẩm văn hóa khi cạnh tranh nhau còn tác động lên cả lĩnh vực an ninh, kinh tế, quốc phòng… Nếu như các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau không lành mạnh sẽ tác động sâu sắc đến lối sống, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng văn hóa. Trong những năm gần đây, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, nhưng có một bộ phận không nhỏ các trò chơi đưa các hình ảnh thiếu thuần phòng mỹ tục hay dữ kiện lịch sử sai lệch, đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, nhận thức, lý tưởng của một bộ phận người tiêu dùng văn hóa, cụ thể là giới thanh thiếu niên Việt Nam. Do đó, để có một thị trường văn hóa lành mạnh, cần phải có sự định hướng và quản lý của nhà nước.

Kinh nghiệm phát triển thị trường văn hóa của một số nước trên thế giới

Thị trường văn hóa ra đời từ khá sớm cùng với các thị trường khác, gắn liền với sự ra đời và sản xuất của nền kinh tế hàng hóa. Ở phương Tây, sản xuất hàng hóa tồn tại từ thời chiếm hữu nô lệ, phong kiến, nhưng đến khi kinh tế hàng hóa thời kỳ tư bản chủ nghĩa ra đời kéo theo ngành công nghiệp văn hóa ra đời. Các loại hình văn hóa và sản phẩm văn hóa cũng được hình thành và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, thị trường văn hóa trên thế giới phát triển mạnh mẽ và sôi động. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa đã đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho nhiều quốc gia.

Thị trường văn hóa Trung Quốc

Nghiên cứu thị trường văn hóa Trung Quốc cho thấy, thị trường văn hóa Trung Quốc ngày càng phát triển bùng nổ và gia tăng nhanh chóng qua các năm. Năm 2016, Ủy ban Trung ương CPC Trung Hoa đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Trong kế hoạch này, mục tiêu làm phong phú các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, hoàn  thiện cơ bản về dịch vụ văn hóa công cộng, làm cho công nghiệp văn hóa trở thành ngành trụ cột trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt 3.873,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,3 lần so với năm 2004, và tốc độ gia tăng giá trị công nghiệp văn hóa bình quân hằng năm từ 2005 đến 2018 là 18,9%, cao hơn mức tăng trưởng GDP hiện hành là 6,9% so với cùng kỳ; tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế quốc dân gia tăng hằng năm, GDP tăng từ 2,15% năm 2004 lên 3,36% trong năm 2012 và lên 4,30% vào năm 2018 (2). Có thể thấy, tổng lượng kinh tế văn hóa của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, thị trường văn hóa có nhiều khởi sắc.

Các cơ quan văn hóa Trung Quốc có xu hướng giảm nhưng quy mô thị trường công nghiệp văn hóa tăng nhanh chóng. Năm 2014-2017, các cơ quan văn hóa và du lịch tăng trưởng thấp, đến năm 2018 số lượng các cơ quan giảm đáng kể, giảm 15,48% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, Trung Quốc có 376.500 cơ quan văn hóa thì tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc chỉ còn 318.200 đơn vị văn hóa và du lịch (3). Ngược lại với sự sụt giảm các cơ quan, đơn vị văn hóa, quy mô thị trường văn hóa Trung Quốc có xu hướng tăng liên tục với tốc độ cao. Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến năm 2018, quy mô thị trường công nghiệp văn hóa tăng dần qua các năm, tốc độ phát triển tương đối nhanh, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13,55%. Năm 2018, quy mô thị trường công nghiệp văn hóa Trung Quốc tăng 12,28% (4). Có thể thấy, nền công nghiệp văn hóa của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển nhanh chóng.

Thị trường văn hóa công nghiệp Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia phát triển, với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…). Đóng góp cho sự nhẩy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc không thể thiếu vai trò quan trọng của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc mà mũi nhọn của nền công nghiệp này là xuất khẩu văn hóa ra thế giới.

Chính sách văn hóa của Hàn Quốc được phát triển liên tục trong vài thập kỷ gần đây, trong đó thể hiện rõ đường lối chung và các mục tiêu quốc gia cho từng giai đoạn. Được đề xướng từ năm 1973, Kế hoạch tổng thể phát triển văn hóa 5 năm lần thứ nhất đánh dấu như một chính sách văn hóa dài hạn đầu tiên trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc. Qua nhiều giai đoạn phát triển, mặc dù các mục tiêu văn hóa của từng thời kỳ có thay đổi nhất định, tùy thuộc theo hoàn cảnh cụ thể của đất nước, nhưng các mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc là: Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa, nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, các chính sách của Chính phủ như Hàn Quốc sáng tạo (2004), C-Korea 2010 và Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn Sức mạnh của nghệ thuật (2004) đều thể hiện một tầm nhìn, trong đó văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy, định hướng cho sự phát triển xã hội của quốc gia và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Theo Cục Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), năm 2011, ngành công nghiệp K-Pop đã thu về 3,4 tỷ USD; doanh thu tại nước ngoài cũng lên tới 180 triệu USD, tăng 112% so với năm 2010; và tăng liên tục với tốc độ gần 80% hằng năm kể từ năm 2007 đến nay. Năm 2017, KOCCA chỉ ra rằng, xuất khẩu K-Pop đã đưa âm nhạc nước này thành một ngành trị giá khoảng 5 tỷ USD. Năm 2018, thu nhập từ xuất khẩu phim ảnh của nước này đã đạt 2 tỷ USD. Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì có thêm 395USD hàng điện tử như điện thoại di động hay ti vi được xuất khẩu. K-Pop đang trở thành một biểu tượng của Hàn Quốc, bên cạnh điện thoại di động hay công nghệ Internet. Nhiều chuyên gia cho rằng, văn hóa Hàn Quốc đang trở thành “hiện tượng” của văn hóa khu vực và thế giới. Đó chính là sức mạnh mềm của Hàn Quốc trong TK XXI (5).

Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã đạt được thành tựu to lớn và đáng ngưỡng mộ. Làn sóng Hallyu đã lan tỏa không chỉ ở Hàn Quốc mà mở rộng ra Hồng Kông (TQ), Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á rồi lan sang Trung Cận Đông, Đông Âu, Tây Âu, châu Mỹ. Hallyu ban đầu chú trọng phát triển các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc trong các lĩnh vực: Phim truyền hình (K-Drama), phim điện ảnh (K-Movie), âm nhạc (K-Pop). Sự bùng nổ của Internet từ năm 2005 đã mở lối cho công nghiệp văn hóa Hàn Quốc sang một trang mới. Công nghiệp văn hóa đã được mở rộng thành công nghiệp sáng tạo với một nội hàm rộng lớn hơn bao gồm một số mảng như: điện ảnh, game, phim và trò chơi truyền hình, phần mềm, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, thời trang.

Thị trường công nghiệp văn hóa Nhật Bản

Tại Nhật Bản, theo thống kê của Bộ Kinh tế và Công nghiệp năm 2004, doanh thu của ngành công nghiệp này chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công lao động trên toàn quốc. Năm 2013, nếu chỉ tính riêng thị trường nội địa của ngành công nghiệp nội dung số đã đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên. Xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt 550 tỷ USD. Với mục tiêu mở rộng thị trường tại khu vực châu Á, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ đạt 75,8 tỷ USD vào năm 2020. Từ năm 2009 đến 2014, tổng kim ngạch của riêng ngành công nghiệp nội dung số tăng 5,4% từ 13,3 nghìn tỷ yên lên 14 nghìn tỷ yên, năm 2015 có giảm sút nhưng vẫn đạt khoảng hơn 12 nghìn tỷ yên. Chỉ riêng doanh số bản quyền ngoài nước liên quan tới Manga và Anime đã lên tới 3 nghìn tỷ yên (khoảng 26 tỷ USD) năm 2005. Cũng trong năm này, doanh thu vé và DVD của phim hoạt hình lên tới 5,2 tỷ USD trên toàn thế giới. Cụ thể hơn, riêng doanh thu từ phim hoạt hình Pokemon và các sản phẩm liên quan trên thị trường toàn thế giới tính đến tháng 12-2011 đã đạt 3,5 nghìn tỷ yên (6).

Theo Hiệp hội Anime Nhật Bản (AJA) đã công bố trong Báo cáo Ngành công nghiệp Anime 2015, tổng doanh thu thị trường của ngành công nghiệp Anime năm 2014 đạt 1.629,9 tỷ yên (trong khi đó GDP năm 2014 của Nhật Bản đạt 489,6 nghìn tỷ yên, Việt Nam đạt 18,4 nghìn tỷ yên (184 nghìn tỷ USD). Năm 2016, doanh thu ngành này đạt 2 nghìn 900 tỷ yên (GDP năm 2016 của Nhật Bản là khoảng 528 nghìn tỷ yên, doanh thu từ thị trường ngành công nghiệp Content đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên). Đây là ngành công nghiệp được Bộ Công nghiệp và Kinh tế; Bộ Văn hóa, Giáo dục Nhật Bản nhận định là một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa hiện nay. Theo báo cáo năm 2016 và 2017 của Hiệp hội Phim ảnh Nhật Bản, quy mô thị trường Anime của Nhật Bản năm 2002 đạt 1.094,8 tỷ yên (tổng thu nhập từ: kênh truyền hình, phòng vé (rạp), video, các đại lý, sản phẩm liên quan đến Anime, âm nhạc, xuất khẩu, trò chơi liên quan đến Anime, các hình thức giải trí có liên quan). Năm 2003 thị trường Anime có giảm xuống 1.118,7 tỷ yên. Năm 2006 đạt 1.379,8 tỷ yên. Năm 2009 giảm xuống 1.254,2 tỷ yên. Từ năm 2010, quy mô thị trường Anime liên tục tăng đến năm 2016 đạt 2.000,9 tỷ yên (7). Như vậy, Nhật Bản đã xác định đúng các ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của mình và tạo ra một thị trường văn hóa phát triển, mang lại những nguồn lợi lớn cho nền kinh tế quốc dân của Nhật Bản.

Thị trường công nghiệp văn hóa một số nước châu Âu

Trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở châu Âu đã dần trở nên quan trọng hơn trong các ngành kinh doanh. Hiện nay, các ngành này được công nhận là động lực chính cho tăng trưởng và đổi mới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu. Theo nghiên cứu của TERA – diễn đàn A’ Vignon năm 2014, các ngành này đang dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế ở châu Âu với 558 tỷ Euro trong GDP (chiếm 4,4% tổng GDP của EU) và xấp xỉ 8,3 triệu công việc toàn thời gian (3,8% tổng số lực lượng lao động EU) (8).

Theo báo cáo đóng góp giá trị gia tăng của ngành công nghiệp văn hóa vào lĩnh vực thị trường năm 2011, giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp văn hóa tại Pháp chiếm 2,6% trong thị trường, so với mức trung bình của châu Âu là 2,3%. Pháp đứng thứ ba ở châu Âu, sau Anh (3,2%) và Ba Lan (2,7%), trong khi đóng góp giá trị gia tăng thấp nhất của ngành công nghiệp văn hóa vào khu vực thị trường từ Slovakia, Slovenia và Lithuania (khoảng 1%), Pháp vượt xa Đức (2,1%) và Ý tăng khá cao (1,7%) (9). Năm 2015, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Pháp đã tạo ra doanh số trên 74 tỷ Euro. Năm 2017, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã tạo ra 1,4 triệu việc làm, chiếm 5% tổng số việc làm tại Pháp (10). Trong 9 thị trường văn hóa và sáng tạo của Pháp, lĩnh vực nghệ thuật đồ họa và tạo hình đã tạo ra nhiều việc làm, có doanh số cao nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tiếp đó là các loại hình: nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, truyền hình, radio, game video, sách, báo chí, báo và tạp chí.

Các ngành công nghiệp văn hóa của Đức có phần khác biệt hơn. Đức là quốc gia đóng góp cao nhất vào giá trị gia tăng do thu âm và xuất bản âm nhạc tạo ra, tập trung 61% giá trị gia tăng của châu Âu cho ngành này (trong khi chiếm 21% giá trị gia tăng cho tổng thể các ngành công nghiệp văn hóa). Doanh thu hằng năm của ngành xuất bản âm nhạc Đức được ước tính là 1,5 tỷ Euro vào năm 2013, gấp ba lần so với doanh thu xuất bản âm nhạc của Pháp. Với 9% thị phần, ngành công nghiệp âm nhạc Đức đứng thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ (29%) và Nhật Bản (27%) (11).

Ngành công nghiệp sáng tạo là thương hiệu của nước Anh. Theo số liệu thống kê, các ngành công nghiệp sáng tạo của Anh đóng góp gần 90 tỷ Euro năm 2016 và chiếm 1/11 công ăn việc làm tốt nhất, tốc độ tăng nhanh hơn so với tất cả các ngành khác của nền kinh tế và nằm trong số nhóm ngành có khả năng ít bị cạnh tranh nhất. Các ngành công nghiệp sáng tạo đang phát triển nhanh hơn so với bất cứ lĩnh vực kinh doanh khác ở nước Anh, theo số liệu năm 2016 với 47 “cụm sáng tạo” rải rác trên khắp đất nước. London vẫn chịu trách nhiệm 40% các công việc thuộc ngành công nghiệp sáng tạo và 1/3 các doanh nghiệp sáng tạo, cụm nhỏ hơn đang phát triển mạnh trên toàn quốc. Ngành công nghiệp sáng tạo là động cơ tăng trưởng của các thành phố như London, Bristol, Manchester, Edinburgh và Cardiff… Năm 2015, việc làm trong các ngành công nghiệp sáng tạo chiếm khoảng 7% tổng số lao động Anh so với 3,5% cho các ngành công nghiệp tài chính. Ngành công nghiệp sáng tạo chiếm khoảng 9% GDP của Anh Quốc trong năm 2016 (12).

Một vài gợi ý phát triển thị trường văn hóa Việt Nam

Nghiên cứu về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể thấy, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998), Đảng ta đã đưa ra quan điểm chỉ đạo cơ bản trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế” (13). Hội nghị đưa ra các giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn kết giữa chính sách văn hóa và chính sách kinh tế, giữa các hoạt động văn hóa với các hoạt động kinh tế. Điều này không chỉ đảm bảo cho văn hóa thể hiện rõ vai trò, vị trí trong các hoạt động kinh tế mà còn đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế phát triển một cách có chiều sâu và bền vững. Tiếp đến, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2004) và Nghị quyết số 23 – NQTW (tháng 6-2008) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nhận định: “các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá mạnh đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước…” (14). Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã một lần nữa khẳng định sự tồn tại của thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33, trong đó nêu rõ mục tiêu xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa. Đây là một chủ trương đổi mới của Việt Nam về văn hóa, có định hướng tác động trực tiếp đến việc hình thành một thị trường văn hóa với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững mọi mặt của đất nước.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm. Chiến lược đề ra mục tiêu chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Thị trường văn hóa Việt Nam trong thời gian gần đây có một số loại hình sản phẩm văn hóa đã bước đầu đạt được những thành tựu nhất định như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, phim truyền hình… Tuy nhiên, có thể thấy, so với thị trường công nghiệp văn hóa ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia ở châu Âu thì thị trường công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và cần học hỏi trong các lĩnh vực như cơ chế quản lý, đầu tư, cần đưa các chính sách hoạch định cho phát triển công nghiệp văn hóa. Do vậy, để có một thị trường văn hóa phát triển, tác giả đưa ra một vài gợi ý như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần nhận thức rõ về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa. Chỉ có xác định rõ vai trò, vị trí của thị trường văn hóa, mới có thể đưa ra các phương hướng phát triển đúng hướng, khai thác được lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ đem lại lợi nhuận to lớn, thu hút được lực lượng lao động đáng kể.

Thứ hai, từ việc nhận thức đúng vị trí, vai trò của thị trường văn hóa sẽ xây dựng được chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra khung pháp lý và khuyến khích hỗ trợ công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, cần xây dựng các chế tài quản lý, cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao các sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Ngoài ra, cần hoàn thiện Luật Quyền sở hữu trí tuệ; có chiến dịch quảng bá, tuyên truyền cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, cần xác định phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra một thị trường văn hóa phát triển cũng chính là tạo thêm sức mạnh mềm cho quốc gia, tạo nên khả năng tự vệ dân tộc, tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nên các hiệu ứng tốt để phát triển kinh tế. Có thể thấy, nếu Việt Nam không mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong các chính sách văn hóa sẽ rất dễ dàng bị “xâm lăng văn hóa”, giới trẻ Việt Nam sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi Hallyu hay J-Pop…

Thứ tư, ngành công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa Việt Nam mới bước đầu được quan tâm và phát triển còn hạn chế nên cần phải tìm ra những lĩnh vực mũi nhọn để tập trung khai thác, tạo ra bước đột phá. Gần đây, thị trường phim truyền hình Việt Nam hay các show truyền hình thực tế ở Việt Nam đã được đầu tư và phát triển, thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, hầu như các bộ phim truyền hình dài tập hay các Show truyền hình thực tế đều phải mua bản quyền của nước ngoài. Do vậy, mới chỉ thu hút được lượng khán giả trong nước, còn khán giả nước ngoài thì rất ít. Do đó, khi lựa chọn thế mạnh, lĩnh vực mũi nhọn để phát triển cũng cần thể hiện được sức mạnh cạnh tranh quốc tế.

Kết luận

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, xây dựng thị trường văn hóa là tiền đề hết sức quan trọng để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đảng và Nhà nước ta coi việc xây dựng văn hóa phải đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Hai việc này phải nâng đỡ bổ sung cho nhau. Việt Nam muốn hiện đại hóa không những phải có sự phồn vinh về kinh tế mà còn phải có sự phồn vinh về văn hóa. Cho nên công nghiệp văn hóa lấy phương thức sản xuất hiện đại hóa làm đặc trưng là quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu này.

______________

1. Đỗ Thị Quyên, Thị trường văn hóa, khái niệm và đặc trưng, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 400, tháng 10-2017.

2, 3, 4. Phân tích thị trường công nghiệp văn hóa Trung Quốc năm 2019, Quy mô kinh tế văn hóa tăng dần hằng năm, quy mô thị trường duy trì xu hướng phát triển

nhanh, bg.qianzhan.com.

5. Nghiêm Thị Thanh Thúy, Chiến lược phát huy “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc và ý nghĩa tham chiếu đối với Việt Nam, tapchicongsan.org.vn, 22-6-2020.

6. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thắm, Hạ Thị Lan Phi, Công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (105), 2016.

7. Hạ Thị Lan Phi, Báo cáo về Công nghiệp Anime năm 2016 2017, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, cjs.inas.gov.vn.

8. TERA, diễn đàn A’ Vignon, 2014.

9. Ngành Công nghiệp văn hóa ở Pháp và châu Âu, Những điểm được nhắc tới và so sánh, Tạp chí Cuture Chiffres, quyển 7, số 7, tháng 12-2014, tr.1-20, cairn-int.info.

10. Hồng Quyên, Đến 2020, doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% GDP, thoibaotaichinhvietnam.vn, 25-10-2016.

11. Nguồn: Liên đoàn các nhà xuất bản báo chí Đức BDZV.

12. Sung Tích (tổng hợp), Ngành công nghiệp sáng tạo Anh quốc và tác động của Brexit, review.siu.edu.vn.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1998, tr.55.

14. Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Tạp chí Thông tin Văn hóa và Phát triển, số 17, 2008.

Tác giả:Ths Phạm Thị Nhung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *