Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay,
bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển đều
phải quan tâm đến văn hóa. Bởi văn hóa được
coi là một phần tất yếu của quá trình phát triển
bền vững. Ninh Thuận là tỉnh có tầm quan trọng
chiến lược về an ninh quốc gia và phát triển
của đất nước. Là một trong những địa phương
giàu tiềm năng, nhưng thực tế văn hóa phát
triển chưa tương xứng với những giá trị nội tại
của nó, chưa trở thành động lực phát triển của
địa phương và cả nước. Bài viết đề cập đến vai
trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững,
thực trạng bảo tồn và phát triển văn hóa
1. Vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững
Văn hóa là cơ sở để dân tộc khẳng định sự tồn tại. Nói đến văn hóa là nói đến các giá trị. Các giá trị văn hóa dân tộc tồn tại khách quan đối với các thế hệ người được sinh ra. Truyền thống văn hóa dân tộc có chức năng định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Vì vậy, để phát huy được vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, các quốc gia, dân tộc, địa phương đều phải có cách đi riêng sao cho phù hợp với yêu cầu, bối cảnh lịch sử và đặc trưng văn hóa vùng, miền.
Chúng ta đã và đang xây dựng xã hội mới hướng tới sự phát triển hài hòa ở trình độ cao giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên là hướng tới một xã hội văn hóa – văn minh. Chính UNESCO cũng cho rằng: “Phân tích đến cùng sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa và sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao của sự phát triển”. Như vậy, văn hóa chính là mục tiêu của xã hội mà chúng ta muốn xây dựng. Vì thế, vai trò của văn hóa chính là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải có 4 yếu tố cơ bản như sau: cần coi sử dụng nguồn lực con người trong phát triển cũng chính là khai thác yếu tố văn hóa cho phát triển; vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển bền vững thể hiện ở tác động của môi trường văn hóa đối với quá trình phát triển; văn hóa là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển; văn hóa là động lực phát triển còn được xem xét ở trình độ lãnh đạo, quản lý kinh tế – xã hội. Như vậy, văn hóa không phải là yếu tố đứng bên ngoài mà là yếu tố bên trong, là nguồn lực nội sinh của quá trình phát triển bền vững. Quan tâm chăm lo cho văn hóa chính là quan tâm đến nền tảng tinh thần, đến động lực và mục tiêu của sự phát triển. Điều này cho thấy tính nhân văn sâu sắc, sự bao trùm của văn hóa lên mọi mặt của đời sống xã hội. Chúng ta không thể tách văn hóa ra khỏi quá trình phát triển, càng không thể phủ nhận vai trò to lớn của văn hóa trong quá trình phát triển bền vững.
2. Thực trạng phát triển văn hóa tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, có vị trí địa lý quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh duyên hải miền Trung.
Xây dựng con người và môi trường văn hóa
Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, kết quả gia đình văn hóa tăng hằng năm, năm 2000 đạt 51%, 2009 đạt 80,8%, năm 2012 đạt 82,6%, năm 2017 đạt 86%, năm 2019 đạt 88%. Đối với phong trào xây dựng thôn, khu phố, xã, phường văn hóa từ năm 1999 đến nay, tổng số thôn, khu phố văn hóa được công nhận là 179/368 đạt 48,6% so với số thôn, khu phố đã phát động xây dựng và 179/402 đạt 44,5% số thôn, khu phố hiện có trên toàn tỉnh; phường văn hóa được công nhận là 9/20, đạt 45% so với số đã tổ chức phát động xây dựng và 9/65 đạt 13,84% so với xã, phường có trên toàn tỉnh. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa đã được đẩy mạnh trong các sở, ban, ngành, đoàn thể, trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, trong lực lượng vũ trang, quân đội. Đặc biệt, đối với công tác cải cách hành chính, phong trào xây dựng cơ quan văn hóa đã mang lại những kết quả thiết thực. Hầu hết các cơ quan đã xây dựng quy chế làm việc, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, bộ máy hoạt động được tổ chức, sắp xếp khoa học, xử lý nhanh gọn và có hiệu quả theo công tác, nhiệm vụ được giao. Kết quả năm 2001 là 90,6%, 2002 là 92,4%, 2003 là 84,4%, 2005 là 89,3%, 2006 là 89,3%, 2007 là 95,8%, 2008 là 90%, 2009 là 96,2%, 2010 là 93,9%, 2011 là 94,8%, 2012 là 66%, đến năm 2019 là 75% (1) cho thấy:
Xây dựng con người và môi trường văn hóa ở các địa phương đang gắn liền với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, với phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là các chỉ tiêu về gia đình văn hóa, thôn/ làng/ ấp văn hóa, xã/ phường, đơn vị sự nghiệp văn hóa… Về bản chất, chúng ta cần phải đánh giá thực chất về phẩm chất của con người (cá nhân) trong những gia đình/ khu phố/ làng xã/ đơn vị. Khi đánh giá về vấn đề này, chúng tôi đã đưa ra 10 phẩm chất văn hóa, đạo đức, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy tỷ lệ lựa chọn phẩm chất yêu nước, phẩm chất văn hóa, đạo đức vẫn được coi trọng nhất, đi liền với nó là vai trò của giáo dục con người và môi trường gia đình.
Đánh giá về tình trạng tệ nạn xã hội ở địa phương, đa số người được hỏi trả lời rằng, hiện nay tình trạng tội phạm không quá trầm trọng, phổ biến nhất là cờ bạc, sau đó là lô đề và cá độ. Các yếu tố này liên quan đến việc đỏ đen, chỉ ảnh hưởng đến một số người nhất định và có sự chủ động của người chủ thể. Hình thức tệ nạn xã hội như: đánh nhau, nghiện hút, mại dâm ít. Qua kết quả phỏng vấn sâu tại một số phường/ xã ở Ninh Thuận, tuy chưa phản ánh hết phần nào thực trạng môi trường văn hóa hiện nay, nhưng cũng cho chúng ta thấy được một mức độ nào đó về môi trường xã hội ổn định hơn rất nhiều so với cách đây chục năm.
Phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật
Theo số liệu điều tra năm 2014 (2), toàn tỉnh Ninh Thuận có 47/281 thôn có các nghệ nhân biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền và diễn xướng dân gian. Số lượng nghệ nhân rất ít, thường từ 1-3 nghệ nhân (tính trên 7 đến 10 loại hình nghệ thuật cổ truyền và diễn xướng dân gian). Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh định kỳ 2 năm/ 1 lần tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh, việc duy trì phong trào được các đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đơn vị các cấp và cơ sở xã, phường, thôn, khu phố văn hóa duy trì thường xuyên. Mỗi làng văn hóa đều xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống theo đặc thù của vùng miền, dân tộc. Với những nguồn lực và tiềm năng về văn học nghệ thuật, Ninh Thuận không chỉ thể hiện ở sự giàu có, phong phú trong dạng thức văn hóa dân gian mà còn hùng hậu ở lực lượng sáng tác và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của quần chúng.
Phát triển công nghiệp văn hóa
Theo các tổ chức quốc tế như UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) thì khái niệm công nghiệp văn hóa là sự kết hợp của quá trình sáng tạo, sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa trong tự nhiên và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Khi đối chiếu các ngành công nghiệp văn hóa, rõ ràng Ninh Thuận đang phát triển một cách thụ động. Đối với điện ảnh và chiếu phim của nhà nước, phương tiện máy móc lạc hậu, xuống cấp, rạp chiếu phim chưa được đầu tư xây dựng. Nhưng tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức mạnh dạn đầu tư rạp chiếu phim tư nhân, đáp ứng được phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Đặc biệt, Ninh Thuận đã duy trì thường xuyên một số đội chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn (750 buổi chiếu/năm). Hiện nay, tỉnh có 6 câu lạc bộ nhiếp ảnh, mỹ thuật thuộc nhiều đơn vị khác nhau, chỉ hoạt động khi có các cuộc thi do Nhà nước tổ chức.
Lễ Ramưwan của người Chăm – Ảnh: Nguyễn Trung Bình
Về du lịch văn hóa, Ninh Thuận đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển đầu tư các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng… Liên kết vùng, địa phương xây dựng, khai thác tour, tuyến du lịch, phát triển các loại hình du lịch. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế như: chương trình kết nối điểm đến, phát động thị trường, các chương trình Road show. Quảng bá du lịch thông qua một số bộ phim nổi tiếng có cảnh quan đẹp tại Ninh Thuận.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc
Toàn tỉnh hiện có 149 di sản văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh. Ninh Thuận có nhiều đình, chùa mang phong cách kiến trúc, nghệ thuật tôn giáo riêng, tồn tại nhiều thế kỷ, đến nay vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của cộng đồng. Đặc biệt, đến Ninh Thuận, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng, khám phá hệ thống các đền tháp Chăm vẫn gần như còn nguyên vẹn gồm: quần thể tháp Hòa Lai (cuối TK thứ VIII), tháp Pô Klong Garai (TK XIII – XIV) và tháp Po Rome (TK XVI-XVII). Đây là những đền tháp Chăm có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo, thuộc vào loại đẹp nhất trong hệ thống đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, tháp Pô Klong Garai ở cách quốc lộ 27 khoảng 200m, nằm ở vị trí rất thuận tiện cho du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh còn tổ chức nhiều lễ hội như: Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển, Lễ bỏ mả của người Raglai, Lễ hỏa táng của người Chăm theo đạo Bà la môn… Trong đó, nổi bật nhất là Lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn, tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) để cầu sức khỏe, mùa màng tốt tươi, tạ ơn các vị thần có công với dân làng. Hiện nay, các nghi thức trong lễ hội còn được bảo lưu khá tốt, nhất là thủ tục tế/ nghi thức quan trọng trong lễ hội. Tuy nhiên, xu hướng “bắt chước”, na ná giống nhau giữa các thôn/ khu phố bắt đầu xuất hiện. Điều này sẽ làm giảm hoặc mất đi bản sắc của từng lễ hội. Trò chơi dân gian trong lễ hội bị suy giảm đáng kể, thay vào đó là các trò chơi mới hoặc thi đấu thể thao. Ngoài tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, Ninh Thuận đã xây dựng, đưa vào khai thác tour du lịch làng nghề khá hiệu quả với hai làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm là làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp, chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm.
Thực hiện các chính sách văn hóa
Thực hiện Nghị quyết 05/NQ-CP và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ về công tác xã hội hóa; thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, những năm qua tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể như: xây dựng 2 thư viện (tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và Bác Ái); 17 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 10 nhà văn hóa cấp thôn, khu phố; 84 câu lạc bộ và 345 tụ điểm luyện tập thể thao; cấp huyện có 8 công trình thể dục thể thao, 4 trung tâm văn hóa, thể thao đang hoạt động. Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn tăng mạnh trong những năm qua, từ 162 công trình (năm 2003) lên hơn 200 công trình (năm 2012); năm 2007 đầu tư xây dựng sân bóng đá xã Phước Hữu và 5 công trình khác ở xã Phước Tiến, Nhơn Sơn, Nhơn Hải, Lợi Hải và Thành Hải; năm 2008, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm xây dựng 2 sân quần vợt (Phường Mỹ Hương và Thanh Sơn) (3). Trên cơ sở quán triệt và để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 1105/KH-UBND ngày 30-3-2017 về việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội. Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 12-2-2015 Phê duyệt Quy hoạch về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài trời và trên sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch. Đội ngũ thiết kế quảng cáo ngày càng phát triển; khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động quảng cáo ngày càng được nâng cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 10 công ty, doanh nghiệp quảng cáo được trang bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động đáp ứng mọi phương diện đối với công nghệ quảng cáo mới của khu vực.
3. Bước đầu đưa ra định hướng và một số giải pháp phát triển văn hóa tỉnh Ninh Thuận
Định hướng phát triển văn hóa
Để phát huy các giá trị văn hóa – nguồn lực quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Ninh Thuận, chúng ta cần có những định hướng cụ thể như: xây dựng, ban hành các chính sách phát triển văn hóa bám sát vào các hướng dẫn, kế hoạch, chiến lược, các đạo luật, đề án của Chính phủ liên quan. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng và ban hành các quyết sách phát triển văn hóa phù hợp để khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh về văn hóa của địa phương với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, phát triển văn hóa, con người; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương là nguồn lực quan trọng của phát triển; chú trọng, đầu tư phát triển công nghiệp của văn hóa, trong đó du lịch là những thế mạnh trọng yếu.
Các nhóm giải pháp phát triển văn hóa
Một là, đổi mới cơ chế, chính sách. Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và văn hóa phi vật thể; các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Thực hiện các hình thức tôn vinh nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Đối với lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, cần phát huy các nhân tố tích cực trong đạo đức, văn hóa tôn giáo; khuyến khích những giá trị lành mạnh, hướng thiện, nhân đạo, có ý nghĩa tiến bộ. Tạo điều kiện cho những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp với văn hóa và lợi ích chung của dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc; đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu.
Về cơ chế, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật trong hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả và tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp văn hóa sang cơ chế thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách về văn hóa ở Ninh Thuận hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến những chính sách về quy hoạch đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới; hướng đến xây dựng ngành Văn hóa Du lịch bền vững; những đô thị, thành phố thông minh. Trong xây dựng đời sống văn hóa mới, cần tính tới các vùng đặc thù với những thế mạnh riêng như về du lịch, về nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, về phát triển kinh tế – xã hội, về an ninh quốc phòng, về lâm nghiệp, nông nghiệp với những nét độc đáo trong phong tục tập quán của đồng bào để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu mà thực tiễn đặt ra.
Hai là, nâng cao nhận thức. Trong phát triển văn hóa, trọng tâm là hướng đến xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, có lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nghĩa tình, đạo lý, có ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cũng như phát huy vai trò chủ thể của người dân trong sáng tạo, thực hành văn hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm đặc biệt đến cộng đồng người dân tộc thiểu số vùng giáp ranh với các tỉnh thành vùng Tây Nguyên, ở các huyện miền núi và đồng bào ven biển.
Đối với cộng đồng các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền cần làm tốt chính sách vận động, nâng cao nhận thức của các giáo dân, giáo xứ trong thực hành sinh hoạt văn hóa.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; thực hiện chế độ đãi ngộ nhằm tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi tham gia các lĩnh vực văn hóa; đầu tư đào tạo những tài năng nghệ thuật trẻ, bồi dưỡng thành nguồn lực cho các đoàn nghệ thuật sau này; mở các khóa đào tạo cho các loại hình nghệ thuật mới. Đầu tư và mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu và biểu diễn nghệ thuật về giảng dạy, đào tạo cho địa phương. Đào tạo cán bộ có kỹ năng giao tiếp với công chúng, thuyết minh về di sản và sản phẩm văn hóa của địa phương.
Với vai trò của mình, văn hóa chính là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển xã hội, khi đối chiếu với thực trạng phát triển văn hóa của tỉnh Ninh Thuận trong những năm qua, chúng ta có thể thấy, văn hóa Ninh Thuận với những giá trị, đặc trưng tiêu biểu chưa được phát huy đúng với tiềm năng sẵn có. Nhiều giá trị văn hóa, nhiều loại hình văn hóa truyền thống đang đối diện với nguy cơ mai một. Việc đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế. Hệ thống chính sách, thể chế, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân. Các hoạt động văn hóa chưa có chiến lược định hướng phát triển lâu dài. Vì vậy, nghiên cứu đã bước đầu đưa ra định hướng và giải pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tiếp theo.
__________________
1. Tổng kết Báo cáo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận từ năm 2000 đến năm 2019.
2, 3. Quy hoạch Phát triển ngành Văn hóa tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Tuấn Anh, Sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015.
2. Ngô Thị Chính, Tạ Long, Ảnh hưởng của các yếu tố tộc người tới phát triển kinh tế – xã hội của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.
3. Nguyễn Văn Giàu, Ninh Thuận sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển, Tạp chí Cộng sản, số 775, tháng 5-2007, tr.78- 80, 85.
4. Nguyễn Thị Ngọc Hân, Khai thác các giá trị văn hóa Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận, Luận văn Thạc sĩ Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2013.
5. Trần Thu Hương, Đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận văn Thạc sĩ Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2011.
6. Hoàng Thị Út Lan, Văn hóa nghệ thuật Ninh Thuận trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9-2001, tr.7-9.
7. Lê Nam Lữ, Vai trò của chính quyền với việc phát triển nguồn nhân lực người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2016.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.310.
9. Trần Văn Minh, Phát triển cộng đồng trong giảm nghèo bền vững từ thực tiễn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, Luận văn thạc sĩ Công tác xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học Xã hội, 2016.
10. Phạm Văn Muộn, Việc xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn mới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9-2001, tr.10-13.
11. Lý Hoàng Nam, Biến đổi kinh tế, văn hóa, xã hội của người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận (1975-2015), Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2002.
12. Võ Nguyễn Hoài Như, Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng đạo đức cho thanh niên tỉnh Ninh Thuận hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học Xã hội, 2016.
13. Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông, Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016.
14. Ủy ban Quốc gia, Thập kỷ quốc tế văn hóa vì phát triển, Bộ Văn hóa Thông tin, 1992.
Tác giả: TS Vũ Diệu Trung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%