Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã
phê duyệt Chiến lược phát triển các
ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030 (1), khẳng định vị trí quan
trọng của các ngành công nghiệp văn
hóa trong thúc đẩy phát triển kinh tế
đất nước giữa bối cảnh hội nhập ngày
càng sâu rộng với thế giới. Trong lĩnh
vực này, có thể nói nhân vật có khả
năng gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng
đến công chúng rộng rãi đồng thời kết nối các phân ngành của công nghiệp văn hóa để cùng phát triển chính là những thần tượng. Họ là ngôi sao nhạc nhẹ, ngôi sao điện ảnh, truyền hình, và hình ảnh của họ được các thương hiệu lớn mời làm đại diện quảng cáo, đem tới những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho tất cả các bên cũng như làm hài lòng công chúng rộng rãi. Thông qua khảo cứu ban đầu, bài viết dưới đây góp thêm quan điểm: thần tượng – một sản phẩm của công nghiệp văn hóa và truyền thông – là một trong những khía cạnh góp phần hình thành và thúc đẩy sức mạnh mềm văn hóa của mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trong những năm gần đây, hâm mộ thần tượng ở giới trẻ trở thành một hiện tượng ngày càng thu hút sự chú ý khi các ngôi sao, người nổi tiếng liên tục được xuất hiện trên các kênh truyền thông; những nội dung liên quan đến các thần tượng và sự hâm mộ thần tượng trở thành một phần quan trọng của việc sản xuất truyền thông trên toàn thế giới. Công nghiệp văn hóa và truyền thông ngày càng thể hiện “sức mạnh mềm” không chỉ đối với mỗi quốc gia, dân tộc mà trên phạm vi toàn cầu.
Sức mạnh mềm văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa là một sự liên thông ngày càng tăng giữa các xã hội và các yếu tố của nó do quá trình đan xen văn hóa kết hợp với sự gia tăng, bùng nổ của giao thông và các công nghệ truyền thông, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa. Đây được coi là quá trình “quốc tế hóa” mọi giá trị nhân loại, là sự phụ thuộc qua lại không ngừng giữa các quốc gia và cá nhân. Toàn cầu hóa về văn hóa diễn ra song song và có mối quan hệ qua lại với toàn cầu hóa về kinh tế. Trong bối cảnh này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sức mạnh và quyền lực mỗi quốc gia không chỉ thể hiện ở sự áp chế về quân sự mà còn cần được nhìn nhận ở các khía cạnh khác.
Khái niệm sức mạnh mềm/ quyền lực mềm (Soft Power) xuất hiện lần đầu tiên trong một chính sách đối ngoại năm 1990 của Joseph Nye. Theo Nye, quyền lực mềm là khả năng khiến người khác tự nguyện làm theo những điều mình muốn mà không phải bị ép buộc hoặc mua chuộc. Quyền lực mềm của một quốc gia được tạo ra từ sức hấp dẫn của văn hóa và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của nó, trong việc có ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước. Nye lập luận rằng, sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, bản chất của quyền lực đang thay đổi do cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin, và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra. Trong khi sức mạnh/quyền lực cứng (Hard Power) bao gồm các hành động ép buộc, trong đó có quyền lực quân sự, thì sức mạnh mềm liên quan đến các ý tưởng, các giá trị. Trong khi các nguồn lực hữu hình, về cơ bản là lực lượng quân sự, có liên quan đến sức mạnh cứng thì nguồn tài nguyên vô hình như các thể chế, giá trị và văn hóa có liên quan đến sức mạnh mềm. Tác động của sức mạnh mềm là trong dài hạn, sức mạnh cứng chỉ trong ngắn hạn (2). Quyền lực mềm là chiều hướng mới của quyền lực hiện nay, nơi sức mạnh được hình thành dựa trên sự thuyết phục do khả năng thu hút hơn là cưỡng chế.
Trong những yếu tố tạo nên sức mạnh mềm, có thể nói, văn hóa đại chúng (Popular Culture) bao gồm phim ảnh, chương trình truyền hình, nhạc phổ thông, thể thao,… là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn bởi nó tác động đến nhóm đối tượng đông đảo, thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội. Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như hiện nay, văn hóa đại chúng được sử dụng như một công cụ trong việc thúc đẩy sức mạnh mềm dựa trên những thông điệp mà chúng tạo ra. Để được coi là một nguồn lực mềm, văn hóa phải hấp dẫn đối với những người khác.
Ban nhạc BTS Hàn Quốc – Ảnh: pinterest.com
Trong mấy chục năm trở lại đây, sự vươn lên của các trào lưu văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc có thể nói là tiêu biểu cho sự nổi lên của châu Á bởi mức độ lan tỏa mạnh mẽ của chúng đến các quốc gia khác, đặc biệt, văn hóa đại chúng được sản xuất, quảng bá và xuất khẩu bởi ngành công nghiệp văn hóa của mỗi quốc gia này. Chính nhờ các sản phẩm của văn hóa đại chúng như phim ảnh, truyện tranh, âm nhạc… mà người dân ở nhiều quốc gia có xu hướng coi Nhật Bản, Hàn Quốc là các nước phát triển, ưu việt và hiện đại (3).
Sức mạnh mềm của văn hóa thông qua ảnh hưởng của các thần tượng
Thần tượng (idol) được coi là hình mẫu lý tưởng, đầy sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý và có tác động, ảnh hưởng đến thị hiếu, ý thức hệ của những người hâm mộ. Mỗi thời đại đều có những người được coi là hình mẫu của số đông xã hội – những người được người khác ngưỡng mộ dựa trên sự nổi trội về ngoại hình, phẩm chất hay tài năng của họ. Những mẫu hình lý tưởng ấy không chỉ phản ánh giá trị của thời đại mà còn có thể đại diện cho quốc gia, dân tộc, thậm chí có những người mà tầm vóc của họ đạt tới giá trị phổ quát của nhân loại, như các danh nhân văn hóa, lãnh tụ cách mạng, nhà khoa học…
Thần tượng theo cách hiểu của đa số giới trẻ hiện nay là những người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí; họ là những sản phẩm nổi bật của văn hóa đại chúng. Trong khi đó, văn hóa đại chúng lại được coi là một công cụ chính trị mạnh mẽ bởi vì nó có thể tạo ra và làm rõ những ý nghĩa, cảm xúc có khả năng tác động đến danh tính, tư duy và hành động chính trị của mỗi cá nhân. Do vậy, các thần tượng và hiện tượng hâm mộ thần tượng không đơn thuần chỉ thuộc về khía cạnh giải trí mà còn liên quan đến văn hóa, chính trị của mỗi quốc gia. Những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, thể thao…, với những thành tựu nổi bật, được công nhận bởi người hâm mộ của họ – là những đại sứ quảng bá quyền lực mềm cho quốc gia của họ.
Nhờ sự lan truyền nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, những người nổi tiếng, thần tượng không chỉ được biết đến trong phạm vi những người/nhóm người hâm mộ ở quốc gia của họ mà còn ở cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều này có thể nhìn thấy qua sự lớn mạnh của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu). Đặc biệt, sự nổi bật của các thần tượng K-Pop gần đây đã cho thấy sức mạnh mềm của văn hóa đại chúng Hàn Quốc có ảnh hưởng rộng rãi đến không chỉ người hâm mộ mà cả cộng đồng quốc tế.
Một ví dụ khá điển hình là trường hợp nhóm nhạc BTS Hàn Quốc, thông qua âm nhạc, vũ đạo, lời bài bát, BTS đã truyền tải các thông điệp có ý nghĩa cũng như hình ảnh về đất nước của họ tới công chúng toàn thế giới một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Không chỉ truyền đi những thông điệp về lối sống, về việc khẳng định và yêu lấy bản thân đối với giới trẻ, việc BTS sử dụng nhiều chất liệu mang đậm nét văn hóa cổ truyền Hàn Quốc như trang phục, vũ đạo và âm nhạc, trước hết, bày tỏ niềm tự tôn dân tộc và như lời khẳng định, họ sẽ luôn nhớ đến nguồn cội dù đang nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây cũng là thông điệp mà BTS đã nhấn mạnh trong sự kiện của Liên hiệp quốc vào 24-9-2018 (4). Theo đó, sự nổi tiếng của nhóm nhạc này đã giúp quảng bá hình ảnh và tên tuổi của đất nước Hàn Quốc một cách đầy hiệu quả, giúp nâng cao hình ảnh các sản phẩm Hàn Quốc ra nước ngoài, đặc biệt trong việc thúc đẩy du lịch. Cụ thể, BTS đã thu về 4,65 tỷ USD từ các hoạt động của mình, đóng góp đến 0,3% tổng GDP của Hàn Quốc trong năm 2018. Độ phủ sóng của BTS tràn ngập khắp các sản phẩm trên thị trường, từ chiếc bút bi, vòng tay, cuốn vở, chăn, gối đến mũ, áo… đều có in hình ban nhạc. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng tiến hành khảo sát tại 111 quốc gia/vùng lãnh thổ về chủ đề “sự yêu thích K-Pop thu hút khách du lịch đến Hàn Quốc”. Kết quả là có 9/10 người hâm mộ K-Pop muốn đến Hàn Quốc du lịch vì BTS. Năm 2018, nhóm đã thu hút cho du lịch Hàn Quốc khoảng 800.000 du khách (5).
Thậm chí, BTS đã được Văn phòng Tổng thống khen thưởng vì đóng góp vào việc lan truyền văn hóa, ngôn ngữ Hàn Quốc. Mới đây nhất, khi MV Dynamite của nhóm đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng âm nhạc Billboard (một bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của Mỹ), Tổng thống Moon Jae-in đã đăng lời chúc mừng tới nhóm trên trang Facebook cá nhân của mình. Tất cả những điều này cho thấy chính phủ Hàn Quốc đã nắm bắt những cơ hội để lan truyền văn hóa nghệ thuật, giải trí – sức mạnh mềm của đất nước mình đi khắp thế giới.
Ở Việt Nam, việc hâm mộ những thần tượng giải trí chỉ trở thành một hiện tượng được xã hội chú ý như hiện nay từ khi có sự du nhập ồ ạt những sản phẩm văn hóa nước ngoài, đặc biệt trong vòng 20 năm qua, khi hình ảnh các diễn viên, ca sĩ của làn sóng Hàn Quốc tràn ngập trên phương tiện giải trí trong nước. Như vậy, sự phổ biến của các thần tượng nước ngoài ở Việt Nam là kết quả của quá trình du nhập các làn sóng văn hóa đại chúng nước ngoài – như một minh chứng cho sức mạnh mềm văn hóa của các quốc gia này.
Sơn Tùng M-TP – ca sĩ hàng đầu của V-Pop hiện nay và cộng đồng fan của ca sĩ này. Tên tuổi của Sơn Tùng đã vượt khỏi phạm vi Việt Nam, được biết đến không chỉ ở trong nước mà ở cả một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brasil, Chile, Hoa Kỳ… Đã có không ít fan là người nước ngoài tới Việt Nam để mua vé tham dự show diễn Skytour của Sơn Tùng vào tháng 8-2019. Mới đây nhất, bộ phim tài liệu về dự án âm nhạc Skytour Movie của Sơn Tùng đã được công chiếu trên Netflix ở 190 quốc gia (6). Bộ phim đã nhanh chóng lọt top phổ biến trên toàn thế giới sau 24 giờ đầu tiên. Qua hình ảnh thần tượng như Sơn Tùng M-TP, những hình ảnh, dấu ấn của Việt Nam theo cách nào đó, sẽ đến được với các quốc gia khác nhiều hơn. Tháng 7 – 2018, Sơn Tùng M-TP còn được Sophia – robot đầu tiên được công nhận quyền công dân trên thế giới nhắc đến trong bài phát biểu tại Hà Nội về Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam. Sự nổi tiếng của Sơn Tùng phần nào minh chứng cho sự lan tỏa của công nghiệp văn hóa như là một nguồn lực của sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh đương đại.
Từ một vài ví dụ nêu trên có thể thấy, qua thần tượng và các thực hành hâm mộ thần tượng, những thông điệp văn hóa được truyền đi, những giá trị văn hóa của các quốc gia được kiến tạo và lan tỏa. Công nghiệp văn hóa vì thế đã “dọn đường” cho những chiến lược gia tăng ảnh hưởng đối với thế giới của mỗi quốc gia; Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc là những quốc gia đã rất thành công ở chiến lược này.
Sức mạnh mềm của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Có thể nói rằng, sự phát triển của văn hóa thần tượng gắn liền với thời đại của truyền thông và công nghiệp văn hóa. Thông qua việc thúc đẩy ngày một phong phú hơn các thực hành giải trí và tiêu dùng liên quan đến sự hâm mộ thần tượng ở giới trẻ, các sản phẩm đa dạng của văn hóa đại chúng như phim ảnh, âm nhạc, thể thao… được sản xuất liên tục, khiến cho công nghiệp văn hóa ngày càng được coi là một ngành công nghiệp mũi nhọn ở nhiều quốc gia. Sự gia tăng ảnh hưởng của những người nổi tiếng, thần tượng như hiện nay cho thấy ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia nào càng phát triển thì quyền lực mềm của quốc gia ấy càng được củng cố và có tác động lớn đối với các nền văn hóa khác.
Công nghiệp văn hóa và truyền thông đã thể hiện một sự “thống soát” (hegemony – từ dùng của Gramsci) đối với đời sống các cá nhân trên phạm vi toàn cầu. Sau Đổi mới, đặc biệt từ khi có internet ở Việt Nam (từ năm 1997), kinh tế – văn hóa – xã hội ở nước ta có những chuyển biến vượt bậc. Những tiến bộ về công nghệ thông tin đã mở đường cho sự phổ cập các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới. Bên cạnh đó, mối quan hệ ngoại giao văn hóa cũng được thiết lập, vun đắp để phát triển bằng sự mở đường về giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngôi sao nước ngoài, âm nhạc và phim ảnh đại chúng du nhập vào Việt Nam cũng như tạo cơ hội để văn hóa Việt Nam có thể vươn ra thế giới.
Ở Việt Nam, nền công nghiệp giải trí ở Việt Nam được hình thành và vận hành từ cuối những năm 1990 với việc ra đời các nhóm nhạc, các ca sĩ, cầu thủ, diễn viên và sự nghiệp của họ gắn liền với các ông bầu, các công ty quản lý. Nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đang dần diễn ra theo hướng chuyên nghiệp hóa. Các ngôi sao, thần tượng như một “sản phẩm” văn hóa, được “sản xuất” ra theo những quy trình bài bản, với những tiêu chuẩn riêng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời cũng là những người hâm mộ.
Hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đã gia nhập mạnh mẽ vào dòng chảy toàn cầu của kinh tế, văn hóa, chính trị. Văn hóa đại chúng và truyền thông ngày càng phổ biến, đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người Việt. Việc người dân tiêu thụ ngày càng nhiều những sản phẩm của văn hóa đại chúng và truyền thông là một biểu hiện của lối sống tiêu dùng toàn cầu, đồng thời là minh chứng cho sức mạnh mềm của văn hóa. Trong bối cảnh này, giữa rất nhiều các cường quốc về công nghiệp văn hóa, con đường nào cho nền công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể lan tỏa sức mạnh của mình?
Trước hết, cần có nhận thức đúng đắn về việc coi nhu cầu giải trí, tiêu dùng là nhu cầu quan trọng, cần thiết của con người, đặc biệt giới trẻ, trong bối cảnh hiện nay. Việc xác định đúng về vai trò và chức năng của giải trí, tiêu dùng trong cuộc sống cũng như trong việc định hướng hệ giá trị của giới trẻ sẽ giúp nắm bắt tốt hơn những thị hiếu, nhu cầu về giải trí, tiêu dùng của giới trẻ ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Giới trẻ hiện là người tiêu thụ các sản phẩm đa dạng của công nghiệp văn hóa trong và ngoài nước, nhưng đồng thời họ cũng là người góp phần sáng tạo và thúc đẩy những trào lưu văn hóa mới.
Công nghiệp văn hóa cần được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn khi mà nhu cầu giải trí, tiêu dùng của người dân ngày càng cao; cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể học tập được kinh nghiệm của những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh trong khu vực hiện nay, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Tất nhiên, cần phải “Việt hóa” được những kinh nghiệm, mô hình của các quốc gia này để phù hợp với văn hóa và truyền thống Việt Nam.
Cần có chiến lược bài bản, cụ thể, chi tiết trong việc phát triển, đẩy mạnh công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, cần gia tăng mối liên hệ mật thiết giữa công nghiệp văn hóa và truyền thông nhằm thúc đẩy các loại hình thuộc nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển, bắt kịp với khu vực và thế giới. Ở nhiều nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển, các công ty giải trí chuyên nghiệp có chiến lược cụ thể trong việc đào tạo nên những ngôi sao hàng đầu về âm nhạc, điện ảnh. Sự nổi tiếng toàn cầu của các ngôi sao này là kết quả của quá trình đào tạo bài bản để chuẩn bị cho sự xuất hiện, ra mắt (debut) của họ, giúp cho hình ảnh của họ được phủ sóng liên tục trên nhiều kênh truyền thông đại chúng. Sự kết hợp này tạo ra hiệu ứng rất lớn trong việc xây dựng, kiến tạo nên hình ảnh thần tượng. Truyền thông cũng là phương tiện đắc lực hỗ trợ hiệu quả cho kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm văn hóa sang những quốc gia lân cận và hướng đến thị trường toàn cầu. Cần phải xác định đây là một kế hoạch đòi hỏi sự kiên trì, dài hơi.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các ngành sản xuất và công nghiệp văn hóa cũng cần được gia tăng dựa trên lợi thế về tính thực chứng (celebrity endorsement) của những thần tượng đối với những sản phẩm mà họ làm đại diện thương hiệu hoặc tham gia quảng bá. Để phát huy sức mạnh mềm, công nghiệp văn hóa hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế sản xuất phát triển thông qua việc lồng ghép quảng cáo các sản phẩm hàng hóa qua phim ảnh, âm nhạc. Có thể thấy rõ hiệu quả của chiến lược này qua việc lồng ghép những hình ảnh hàng hóa nổi bật trong các bộ phim truyền hình và các video ca nhạc của Hàn Quốc. Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, những ngôi sao bóng đá, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng luôn là những gương mặt được các thương hiệu lựa chọn để tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, song song với việc tận dụng hình ảnh ngôi sao thần tượng để quảng bá sản phẩm, các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa ở Việt Nam cũng cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có khả năng “giữ chân” khách hàng lâu dài, đồng thời có thể gia tăng được sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.
Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho sự phát triển của văn hóa nghe nhìn nói chung cũng như sự phát triển của âm nhạc, phim ảnh, thể thao nói riêng. Văn hóa giải trí cần được chú ý để khai thác bởi đây luôn là lĩnh vực dễ dàng thu hút được một lượng công chúng lớn cả trong và ngoài nước. Để có thể tiến những bước dài hơn ra thị trường quốc tế, bản thân nền công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng cần có những quy định cụ thể nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, coi đây là thế mạnh đặc trưng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hiện nay, việc gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa các nước trên thế giới thường tập trung vào giới trẻ và thông qua việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, gắn với các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông. Các công ty giải trí của Việt Nam cần tận dụng công nghệ và truyền thông hiện đại để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa đối với thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Đây cũng là cách thức để nền công nghiệp giải trí ở Việt Nam không đi lệch khỏi xu thế chung của nền công nghiệp giải trí trong khu vực và trên thế giới.
Thần tượng – người nổi tiếng, qua chiến lược của các nhà sản xuất, nhà tiếp thị truyền thông, ngày càng trở thành “sản phẩm hàng hóa đặc biệt”, mang đến những cảm xúc phong phú, trải nghiệm mới, đa dạng cho cuộc sống các cá nhân, thu hút đông đảo người hâm mộ đồng thời cũng là những người tiêu dùng văn hóa. Các thần tượng này, cùng với sự lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt hình ảnh, cảm xúc của họ trong xã hội, cũng có thể trở thành những đại sứ văn hóa của mỗi quốc gia. Do vậy, cần phải nhìn nhận một cách xác đáng vai trò của công nghiệp giải trí nói chung và văn hóa thần tượng ở giới trẻ nói riêng trong việc xây dựng, thúc đẩy công nghiệp văn hóa như một nguồn lực của sức mạnh mềm ở Việt Nam; từ đó áp dụng những chiến lược và cách thức phù hợp, hiệu quả để gia tăng nguồn lực này.
______________
1. Quyết định 1755/QĐ-TTg, ban hành ngày 8-9- 2016.
2. Nye, Joseph S. Jr., Soft Power (Quyền lực mềm), Foreign Policy, số 80, tr.153-171, Washington Post, Newsweek Interactive, LLC, 1990.
3. Kozhakhmetova, Dinara, Soft Power of Korean Popular Culture in Japan: K-Pop Avid Fandom in Tokyo (Quyền lực mềm của văn hóa đại chúng Hàn Quốc – fan cuồng Kpop ở Tokyo), Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đông và Đông Nam Á, Đại học Lund, Thụy Điển, 2012.
4. Lan Phương, Vì sao BTS là nghệ sĩ Kpop duy nhất phát biểu tại Liên hiệp quốc, zingnews.vn, ngày 29-9-2018.
5. Thanh Đào, BTS thu hút khách du lịch đến Hàn Quốc, thanhnien.vn, ngày 17-7-2020.
6. Netflix là dịch vụ xem video trực tuyến có trả phí của Mỹ, nội dung chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình, rất phổ biến ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Hiện ở Việt Nam mới chỉ có 14 bộ phim được chiếu trên Netflix, bao gồm cả Skytour Movie của Sơn Tùng M-TP, được khởi chiếu từ ngày 2-9-2020. Đây không chỉ là phim tài liệu âm nhạc đầu tiên của Việt Nam được phát hành tại 190 quốc gia mà còn là phim tài liệu âm nhạc thứ hai của châu Á được Netflix cho phép phát sóng trên toàn cầu.
Tác giả: Đinh Việt Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%