Văn hóa ứng xử là một lĩnh vực sinh động, phong phú trong đời sống văn hóa của con người, diễn ra hằng ngày, luôn gắn liền với mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội cũng như sự tồn tại, phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp, là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi dân tộc. Với sự phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ, mạng xã hội đã trở thành một kênh giao tiếp, sáng tạo, trao đổi chiếm ưu thế trong đời sống hiện nay. Bài viết tập trung vào việc nêu bật những nét đặc trưng của văn hóa ứng xử trên mạng xã hội và những vấn đề đặt ra đối với văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của đội ngũ cán bộ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Văn hóa ứng xử là hệ thống thái độ và hành vi của mỗi cá nhân và cộng đồng nhằm xử lý một cách tối ưu các mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình. Về cơ bản, văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng bao gồm hai thành tố chính là: thái độ và hành vi ứng xử đối với môi trường, cộng đồng xung quanh. Tùy vào góc độ tiếp cận, các cơ quan, đơn vị có thể biến đổi để xây dựng nên văn hóa ứng xử phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích của mình.
Ngoài mặt tích cực, cũng cần nhiều những nghiên cứu cụ thể về tác động đa chiều của mạng xã hội để hạn
chế những ảnh hưởng xấu lên người dùng đặc biệt là giới trẻ – Ảnh: chinhphu.vn
Mạng xã hội được hình thành trong những năm cuối của TK XX, đánh dấu bằng sự ra đời của Classmates.com (1995), SixDegrees (1997), kế đến là sự nở rộ của một loạt các trang mạng khác như: Friendster (2002), Myspace, Bebo, Facebook (2004), và ở Việt Nam là Yobanbe (2006), Zingme (2009). Từ năm 2000 trở đi, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế cao ở mức ổn định từ 5,7%-7,5% hằng năm, và trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế (sau Trung Quốc) (1). Mức độ tăng trưởng kinh tế đáng mơ ước này làm gia tăng thu nhập cho người dân, và tỷ lệ thuận với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, mở đường cho sự đầu tư và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ở mức độ cá nhân và tổ chức. Theo số liệu thống kê Internet Việt Nam của vnetwork (2), tính tới tháng 1-2020, Việt Nam đã có 68,17 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới 70% dân số; 65 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm 67% tương đương với 2/3 dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội.
Những năm gần đây, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến năm 2019, nước ta có khoảng gần 60 triệu tài khoản Facebook, chiếm 64,5% dân số và là một trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng Facebook lớn nhất thế giới (3). Về khía cạnh văn hóa, mạng xã hội trở thành môi trường giao lưu, tiếp nhận, sáng tạo văn hóa chủ yếu đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay. Nhiều xu hướng, trào lưu văn hóa được nảy mầm, hình thành, phát triển và lan tỏa rộng rãi, nhanh chóng trên mạng xã hội.
Đặc điểm nổi bật nhất của mạng xã hội là nội dung do người dùng tạo nên. Đây chính là điểm khác biệt giữa các trang thông tin truyền thống với các nền tảng dịch vụ mạng xã hội. Vì do người sử dụng tạo ra, nên những nội dung trên mạng xã hội có những điểm đặc trưng so với những nội dung được xuất bản theo cách truyền thống, gồm ba đặc trưng chính như sau (4).
Thứ nhất, nội dung trên mạng xã hội chỉ cần một chút khả năng sáng tạo ở mức vừa đủ, không cần trau chuốt cầu kỳ đến hoàn hảo như nội dung theo kiểu truyền thống. Đặc điểm này do người tạo ra nội dung trên mạng xã hội không phải là người làm truyền thông chuyên nghiệp, chuyên sáng tạo ra sản phẩm truyền thông. Người tạo nội dung trên mạng xã hội không làm việc theo yêu cầu khắt khe của xuất bản định kỳ như truyền thông theo cách truyền thống.
Thứ hai, chính quyền, các cơ quan, tổ chức ít có khả năng kiểm soát, quản lý, kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội, như cách họ quản lý thông tin theo kiểu truyền thống. Bởi người sử dụng mạng xã hội đông gấp nhiều lần người làm truyền thông chuyên nghiệp, họ có thể nói những điều họ muốn, và có ít hành lang pháp lý để ràng buộc.
Thứ ba, nội dung do người sử dụng tạo ra trên mạng xã hội có tính chất cộng hưởng, tương tác với nội dung của người khác, khuyến khích chia sẻ, hợp tác để cùng tạo ra hiệu ứng lan truyền, cùng tạo ra thông tin, ý tưởng, cách hiểu, ý kiến, kiến thức, và hợp lại thành một nguồn thông tin thách thức chức năng “chọn lọc” thông tin của truyền thông chính thống. Chính vì đặc trưng này, mạng xã hội có nhiều khả năng tạo thành diễn đàn mở, khuyến khích tranh luận, trao đổi ý tưởng liên quan nhiều đến chính trị, văn hóa, xã hội, và có khuynh hướng tự do thông tin, khó kiểm soát hơn.
Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, nếu người dùng chủ quan sẽ bị mất định hướng, có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý phát tán những thông tin xấu, độc, gây hại cho cộng đồng, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Việc tham gia mạng xã hội ở mức cao, chiếm quá nhiều thời gian, có thể dẫn đến nguy cơ giảm sút sức khỏe, hiệu quả học tập, công tác và giao tiếp, thậm chí làm rạn nứt quan hệ ngoài đời thực.
Từ góc độ văn hóa, có thể thấy văn hóa ứng xử trên mạng xã hội chính là hệ thống thái độ và hành vi của người dùng mạng xã hội đối với những người dùng khác, với cộng đồng mạng và với những nội dung thông tin đa dạng mà họ tiếp cận trên mạng xã hội. Người dùng mạng xã hội vừa là người sử dụng thông tin, đồng thời cũng chính là người trực tiếp tạo ra thông tin trên mạng xã hội. Thái độ, hành vi của mỗi người dùng, thông qua Internet, có thể lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng và có thể tác động mạnh mẽ đến cộng đồng mạng.
So sánh, đối chiếu với văn hóa giao tiếp, ứng xử theo truyền thống của xã hội Việt Nam, có thể thấy văn hóa ứng xử trên mạng xã hội nói chung có những đặc trưng đối lập nhau hoàn toàn:
Một là, về khoảng cách và thứ bậc của các chủ thể trong giao tiếp, người giao tiếp trên mạng xã hội không quan tâm tới tôn ti, trật tự, thứ bậc. Họ đối xử với người dùng mạng xã hội khác như cùng vai phải lứa với mình. Đặc điểm mối quan hệ theo chiều ngang gây ra những đứt gãy trong mối quan hệ xã hội theo chiều dọc của xã hội Việt Nam.
Hai là, về tư tưởng vị kỷ đối lập với vị tha. Truyền thống văn hóa Việt Nam mang đậm tư tưởng vô ngã, vị tha của Phật giáo, coi trọng hòa hợp, tránh tranh cãi, đối đầu. Ngược lại, mạng xã hội là diễn đàn để lan tỏa những tranh luận về mọi mặt trong đời sống, là nơi người dùng mạng xã hội khẳng định, tranh luận, bảo vệ ý kiến cá nhân.
Ba là, văn hóa Việt Nam dựa nhiều vào bối cảnh, “ý tại ngôn ngoại”, ý nghĩa của giao tiếp đến nhiều từ tín hiệu phi ngôn ngữ, cử chỉ, nét mặt, sự sắp đặt trong môi trường xung quanh. Ngược lại, giao tiếp trên mạng xã hội phụ thuộc vào chữ viết, và ít có ảnh hưởng từ tín hiệu phi ngôn ngữ để thấy tâm trạng, môi trường xung quanh người viết mạng xã hội.
Bốn là, văn hóa Việt Nam là văn hóa tập thể, trong khi bản chất mạng xã hội là phân chia cá nhân vào từng nhóm tùy theo mối quan tâm. Mạng xã hội giúp cá nhân giữ và phát huy đặc điểm riêng của từng người dùng mạng xã hội.
Đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ta hiện nay là đội ngũ kế cận, trở thành một lực lượng xã hội to lớn, đóng vai trò quyết định, là nguồn lao động quý giá, đầy tiềm năng để xây dựng đất nước văn minh, hiện đại. Hòa chung trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự gia tăng không ngừng của mạng xã hội tại Việt Nam, đội ngũ cán bộ trẻ nói riêng và giới trẻ nói chung là những người chiếm đại bộ phận thành viên của mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận, giao lưu và truyền tải các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đang hằng ngày phải đối mặt với những tác động đa chiều, ảnh hưởng đến cả nhận thức lẫn hành vi trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay là giữ vững bản lĩnh, rèn luyện nhân cách, nâng cao trình độ, xây dựng lối ứng xử có văn hóa trong cuộc sống cũng như trên mạng xã hội.
Thực tế hiện nay cho thấy, với tuổi đời trẻ, được đào tạo bài bản cả về chuyên môn và kỹ năng, đội ngũ cán bộ trẻ nước ta về cơ bản nhanh nhạy trong việc tìm hiểu, nắm bắt và thích ứng tốt với sự phát triển của khoa học công nghệ. Đặc thù môi trường làm việc đòi hỏi họ cần khai thác nhiều nguồn thông tin khác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã trở thành một kênh thông tin cập nhật, hiệu quả, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nhờ có kỹ năng tin học, họ tìm hiểu, nằm bắt và khai thác mạng xã hội cũng như các nền tảng khác trên Internet để phục vụ cho công việc và phát triển cuộc sống của mỗi cá nhân; chủ động, tích cực tìm hiểu về Cách mạng 4.0, các ưu điểm, hạn chế, đồng thời với việc tìm hiểu, nắm bắt, vận dụng Luật An ninh mạng, các quy định, quy tắc về sử dụng cũng như ứng xử trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay sử dụng internet và mạng xã hội hằng ngày phục vụ công việc và cuộc sống riêng. Nhờ có trình độ hiểu biết khá tốt, họ biết cách làm chủ thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội; ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội, chủ yếu là ngôn ngữ phi chính thức, thể hiện bản sắc, dấu ấn, tính sáng tạo cá nhân; quan tâm, có nhận thức khá tốt về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ về truyền thống văn hóa cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, do đó, phần lớn cán bộ trẻ đều có ý thức trong việc ủng hộ, phát triển, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo định hướng của cơ quan chủ quản, phản đối các quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản đối các nội dung thông tin sai lệch, tiêu cực, gây hiểu lầm, chia rẽ trong cộng đồng mạng thông qua tài khoản định danh của mình. Họ có ý thức tìm hiểu, đánh giá khá xác đáng về độ tin cậy của các loại thông tin trên mạng xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực trên, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ta hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Một bộ phận nhỏ cán bộ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mạng xã hội, bị cuốn vào sống ảo, không quan tâm đến nội dung thông tin đăng tải và ngôn ngữ sử dụng, chỉ cốt làm sao thu hút được nhiều lượt tương tác trên trang của mình. Đây là tình trạng hết sức đáng báo động bởi chỉ cần một cán bộ trẻ đi chệch hướng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả làm việc của cả đội ngũ cán bộ, đến uy tín của cơ quan, đơn vị; có thể bị các thế lực thù địch lôi kéo, sử dụng vào các mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định trật tự chính trị – xã hội của nước ta.
Phần lớn cán bộ trẻ là người có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị khá cao, thành thạo trong sử dụng các ứng dụng công nghệ, nhưng sử dụng mạng xã hội chỉ để phục vụ nhu cầu cá nhân, chưa đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hay góp phần tích cực vào việc xây dựng văn hóa công sở. Tình trạng thiếu kỷ luật phát ngôn của cán bộ trẻ vẫn diễn ra lẻ tẻ ở một số trường hợp, dù đã được chấn chỉnh kịp thời, nhưng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới không khí làm việc, tới sự đoàn kết, nhất trí, làm ảnh hưởng tới uy tín của một số cá nhân, tổ chức, tới môi trường phát triển chung của cơ quan, đơn vị. Thậm chí, có tình trạng một số cán bộ, công chức sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị. Cá biệt, có trường hợp còn nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí bằng cách cắt xén ý kiến của người khác, rồi suy diễn thành nhận định chủ quan, mang tính công kích, phản bác thiếu khách quan. Thực tế này cho thấy việc xử phạt các sai phạm trên không gian mạng nói chung, và việc truy cứu trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm khi tham gia mạng xã hội nói riêng cần phải nghiêm khắc, kiên quyết hơn nữa, để mỗi người luôn ý thức rằng bản thân là cán bộ, công chức thì càng phải có trách nhiệm cao trong việc tự giác điều chỉnh nhận thức và hành xử đúng đắn trên môi trường mạng.
Mạng xã hội đã và đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, nhất là với giới trẻ nói chung, đội ngũ cán bộ trẻ nói riêng. Việc sáng tạo, giao lưu, trao truyền, lan tỏa văn hóa trên mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu hằng ngày đối với cán bộ trẻ trong bối cảnh cách mạng công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức rõ những ưu điểm, hạn chế và những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ trẻ hiện nay để mạng xã hội không chỉ là một nền tảng internet hữu ích mà còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa hiện đại của giới trẻ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
__________________
1. Xem tổng hợp các tài liệu Thyer, A. & Mai, C. 2010, Vietnam, Beauty Biz, 2001; và dự báo của HSBC về tăng trưởng kinh tế Việt Nam: vtv.vn.
2, 3. vnetwork.vn.
4. Mạch Lê Thu và Chris Nash, Social media versus Traditional Vietnamese journalism and social power structures, (Truyền thông xã hội so với Báo chí truyền thông Việt Nam và cơ cấu quyền lực xã hội) Asian Journal of Journalism & Media Studies, Vol.2, 2019, p.1-14, doi.org.
Tác giả: Hà Đỗ Quyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%