Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch lớn nhất cả nước. Từ năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có những thuận lợi rất cơ bản nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Một trong những khó khăn đó chính là những vấn đề thuộc về lối sống, nhất là đối với lực lượng thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội (TNNTNTHN) như: việc làm, nghề nghiệp, khả năng – năng lực ứng phó với những biến đổi nhanh chóng của thực tại cuộc sống. Vấn đề xây dựng lối sống thanh niên trong những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, lối sống THNTNTHN trong quá trình CNH, HĐH và ĐTH mạnh mẽ như hiện nay dường như lại chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất những nội dung liên quan đến xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực cho TNNTNTHN hiện nay là một nhiệm vụ cấp thiết để lực lượng này phát triển, đảm trách xứng đáng vai trò nguồn nhân lực quan trọng của sự nghiệp phát triển thủ đô, đất nước. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể đề cập một cách toàn diện những nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng lối sống của TNNTNTHN mà chỉ tập trung vào một số xu hướng vận động của nó dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát ở một số địa bàn như: huyện Đông Anh, huyện Chương Mỹ…
1. Trân trọng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc
Trong giai đoạn đổi mới, có nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ thanh niên hiện nay đang quay lưng lại, chối bỏ, phủ nhận những giá trị văn hóa, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều này cũng đã được ba nghị quyết chuyên đề về thanh niên của Đảng trong thời kỳ đổi mới, văn kiện của Đoàn TNCSHCM và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đề cập đến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng của nhiều nhóm dân cư, trong đó có TNNTNTHN vẫn luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, các truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc.
Trong giới hạn bài viết, chúng tôi không tập trung vào những giá trị phổ quát như lòng yêu nước, đoàn kết, cộng đồng, tình nghĩa, cần cù, giản dị… (mặc dù tất cả những giá trị đó ở những mức độ khác nhau, đều có tác động điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của thanh niên) mà tập trung vào kiểm chứng thái độ của thanh niên đối với sự phục hồi, phát triển lễ hội và một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống giàu tính thực hành; sự đề cao vai trò, giá trị của gia đình…
Những năm gần đây, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những kết quả rất quan trọng. Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống bấy lâu nay vì lý do khách quan hay chủ quan bị dẹp bỏ hoặc lãng quên, nay đã có dịp được khơi dậy và sống lại. Cùng với việc tôn tạo phục dựng, xây mới và xếp hạng các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, hiện nay, phong trào phục hồi và phát triển lễ hội đang cuốn hút nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có sự tham gia tích cực của thanh niên. Mở hội là dịp để mọi người cùng nhau trở về cội nguồn, biểu hiện lòng tôn kính với các bậc tiền nhân, tình yêu với quê hương. Đây cũng là dịp thể hiện và thỏa mãn các nhu cầu tinh thần của người dân, mong ước một cuộc sống no đủ bình yên, hạnh phúc, giải tỏa những lo lắng, buồn phiền, vất vả trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để củng cố và nâng cao tinh thần cộng đồng, ý thức tập thể và trách nhiệm đối với làng xóm quê hương. Mặc dù còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh, sửa sai, song phong trào phục hồi các lễ hội truyền thống đang phát triển rộng khắp hiện nay đã phản ánh nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân về đời sống văn hóa tinh thần, đời sống tâm linh.
Ở ngoại thành Hà Nội, một hiện tượng khá nổi bật trong giai đoạn hiện nay là sự tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của nam nữ thanh niên ở mọi độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, một số làn điệu dân ca cổ đang được khôi phục, nhận được sự quan tâm ủng hộ của công chúng như: quan họ, chèo, tuồng, hát xẩm, hát văn… Nhiều ca khúc hiện đại mang âm hưởng nhạc dân gian được công chúng, nhất là thanh niên, đặc biệt yêu thích.
Đối với vấn đề gia đình, TNNTNTHN hiện nay đang có sự thay đổi về cách nhìn nhận giá trị gia đình và vai trò của các mối quan hệ gia đình. Trong truyền thống, gia đình của người Việt về cơ bản là gia đình kiểu Nho giáo. Các giá trị văn hóa về giáo dục tri thức và nhân cách con người theo tư tưởng hiếu, lễ, nghĩa, tuân thủ theo gia lễ, gia phong, thực hành theo tập tục, hôn, tang, tế theo mô hình nho giáo. Bước vào xã hội hiện đại và hội nhập thế giới, gia đình truyền thống đang có sự biến đổi mạnh mẽ, chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Ngày nay, hầu hết TNNTNTHN vẫn quan niệm rằng, hôn nhân và gia đình là vấn đề quan trọng nhất đối với cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, người chồng ngày càng có ý thức chia sẻ với vợ trong các công việc gia đình. Đó là một xu hướng biến đổi lớn trong xã hội nông thôn. Điều đó chứng tỏ sự bình đẳng về giới ngày càng được coi trọng hơn, quan hệ trong gia đình giữa vợ và chồng ngày càng đồng thuận và bình đẳng hơn. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ cả vợ và chồng cùng quyết định hoặc cùng thực hiện các công việc lớn của gia đình ngày càng gia tăng. Như vậy, một nguyên tắc ứng xử mới trong gia đình đang hình thành. Đó là nguyên tắc dựa trên sự dung hòa giữa lợi ích của từng thành viên với lợi ích chung của gia đình.
Như vậy, có thể thấy, thanh niên ngày càng tham gia đóng góp nhiều hơn vào sự phục hồi, phát triển những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống, đồng thời đề cao vai trò cá nhân trong quan hệ gia đình. Đó là một minh chứng rõ ràng cho một trong những xu hướng của lối sống lành mạnh, tích cực của TNNTNTHN hiện nay cần phải được phát huy.
2. Quan tâm đến những vấn đề thiết thực của cuộc sống
Xu hướng quan tâm tới những vấn đề thiết thực của cuộc sống (hay thực tế, thực dụng) trong xã hội nói chung và trong thanh niên nói riêng đang được đánh giá khác nhau, tùy theo cách tiếp cận hay góc nhìn của người đánh giá. Một trong những cách đánh giá thường thấy hiện nay là phê phán, coi là biểu hiện tiêu cực, ích kỷ… Thậm chí, ngay trong cách đánh giá của không ít các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước và Đoàn TNCSHCM thì lối sống thực dụng vẫn được coi là một trong những hạn chế lớn về lối sống của một bộ phận thanh niên hiện nay.
Chúng tôi cho rằng, quan tâm tới những vấn đề thiết thực của cuộc sống là một giá trị văn hóa đạo đức. Vấn đề này có tính hai mặt (tích cực và tiêu cực), trong hoạt động sống cụ thể thì mặt nào của vấn đề này được hiện thực hóa. Nếu mặt tiêu cực được đề cao thì lối sống cá nhân vị kỷ là hệ quả tất yếu. Nếu mặt tích cực được coi trọng thì sẽ góp phần giúp thanh niên khắc phục được tư duy duy ý chí, cách hành xử cảm tính và lối nghĩ viển vông, không thực tế. Trên cơ sở đó, việc quan tâm tới những vấn đề thiết thực của cuộc sống sẽ giúp thanh niên có được sự lựa chọn tỉnh táo, đối diện với những thách thức, khó khăn của cuộc sống. Họ sẽ tự biết mình muốn gì, cần phải làm gì và làm như thế nào để có hiệu quả thực tế, đặc biệt với những vấn đề có tính chất quyết định như lập thân lập nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, công ăn việc làm, sức khỏe… Cần tiếp cận theo hướng như vậy mới thấy được giá trị của lối sống coi trọng những vấn đề thiết thực của cuộc sống là một xu hướng lối sống tích cực của thanh niên trong bối cảnh hiện nay.
Qua khảo sát, có thể thấy những vấn đề được thanh niên nông thôn quan tâm nhất hiện nay lần lượt là: gia đình, việc làm và thu nhập, sức khỏe, môi trường, bạn bè, học vấn… Đây đều là những vấn đề cốt yếu, thiết thực nhất đối với thanh niên hiện nay. Kết quả này là cơ sở để đi đến nhận định rằng, ngày nay thanh niên nông thôn chủ yếu dành sự quan tâm của mình tới những vấn đề bức thiết có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Tìm hiểu kỹ hơn về thái độ của thanh niên đối với một số vấn đề cụ thể, ví dụ như việc làm, sự thay đổi phương thức mưu sinh từ nghề nông sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác đã làm thay đổi quan niệm, nhận thức của thanh niên về giá trị việc làm. Họ quan tâm tới vấn đề thiết thực nhất để đảm bảo cuộc sống, đó là mức thu nhập cao (75,9%), sau đó là việc kế thừa ngành nghề của thế hệ cha ông để lại (37,5%), do người thân định hướng công việc (33%), lựa chọn nghề theo năng lực bản thân (32,1%)… Cũng như vậy, khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn bạn đời của thanh niên nông thôn hiện nay, kết quả cho thấy: ngoài tình yêu, còn có các tiêu chí: công việc ổn định, ngoại hình, trách nhiệm, biết chia sẻ, sức khỏe… Đây đều là những giá trị cốt yếu, thiết thực nhất đối với giá trị gia đình hiện nay.
Như vậy, xu hướng lối sống thực tế này là sản phẩm chủ yếu của môi trường sống hiện đại ngày nay. Trong thời kỳ trước đổi mới, chế độ tập trung quan liêu bao cấp đã nảy sinh lối sống thụ động, trông chờ, duy ý chí của phần đông dân cư, bởi lẽ, dù họ có thực tế đến đâu thì cơ chế đó cũng không cho phép họ hiện thực hóa. Từ khi đất nước đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, môi trường sống mới đã mang lại cho thanh niên nhiều lựa chọn hơn, cùng với đó là nhiều cơ hội, rủi ro, thách thức. Môi trường đó tất yếu sản sinh ra lối suy nghĩ, cách ứng xử và lối sống thực tế, thực dụng, bởi không những nó đưa lại cho người ta những lựa chọn đa dạng, mà tuân theo quy luật của kinh tế thị trường.
3. Năng động sáng tạo, khả năng thích nghi cao
Thanh niên trong mọi thời đại luôn là một nhóm xã hội – dân cư vừa mới, trẻ trung, vừa mạnh mẽ, năng động, là lực lượng lao động chính trong xã hội. Thanh niên cũng là độ tuổi đang củng cố, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Đây là giai đoạn mà mỗi cá nhân đang thử nghiệm đề tìm con đường cho riêng mình.
Cũng như các xu hướng đã trình bày ở trên, xu hướng năng động sáng tạo bao gồm cả mặt tích cực (sự nỗ lực tìm tòi ra những cái mới thiết thực và hữu ích); cả những mặt tiêu cực (những hành vi lệch chuẩn, những năng động theo nghĩa phá cách, quậy phá và những sáng tạo đôi khi chỉ là sự học đòi, bắt chước một cách máy móc, thiếu chọn lọc phê phán). Do vậy, sự năng động sáng tạo rất cần được định hướng.
Tìm hiểu về tính năng động, sáng tạo của TNNTNTHN, chúng tôi nhận thấy họ đã có ý thức cầu tiến, tinh thần sáng tạo, ham học hỏi – đó là những phẩm chất then chốt cho sự thành công trong một môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Phần lớn thanh niên được hỏi cho rằng họ có ý thức học tập để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn của bản thân. Con đường học hỏi chủ yếu thông qua phương thức tự học là chính, hoặc qua sách vở, internet, đặc biệt qua hoạt động thực tiễn trong lao động sản xuất. Đây là con đường học tập thiết thực, dễ tiếp thu nhất, lại đỡ tốn kém đối với thanh niên nông thôn. Có thể thấy, tính năng động, sáng tạo của TNNTNTHN đang hướng mạnh vào phát triển sản xuất, hình thành phong cách làm ăn mới, vươn lên làm giàu mạnh mẽ. Khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội cũng là nơi có nhiều doanh nhân tiêu biểu, thành đạt trong hoạt động kinh doanh. Họ không những làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách của Nhà nước, tạo ra việc làm và thu nhập cho rất nhiều người lao động, đồng thời tham gia làm từ thiện… Lối sống vượt lên hoàn cảnh khó khăn để thoát nghèo và vươn lên làm giàu của TNNTNTHN ngày càng mạnh mẽ và rõ nét.
Cùng với xu hướng lối sống năng động, sáng tạo, lối sống của TNNTNTHN còn bộc lộ rõ khả năng thích nghi cao với cơ chế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tinh thần tự chịu trách nhiệm và coi trọng đoàn kết cộng đồng. Làm việc tại các doanh nghiệp, công ty, sống trong môi trường công nghiệp, có sự đa dạng về văn hóa đòi hỏi thanh niên phải biết cách hòa nhập, thích nghi tốt với môi trường văn hóa mới để có thể hoàn thành tốt yêu cầu trong quá trình lao động sản xuất.
Xu hướng lối sống năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, với công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế của thế hệ TNNTNTHN hiện nay chính là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa thành phố Hà Nội. Chính sách phát triển kinh tế – xã hội đồng đều trong cả nước của Đảng và Nhà nước trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, tăng cường sự liên kết giữa các vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững, khắc phục tình trạng chia cắt, khép kín về địa giới hành chính sẽ tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn ly nông, bất ly hương. Đây chính là cơ sở để phát triển bền vững nông thôn, khắc phục tình trạng di dân quá đông vào đô thị như hiện nay. Chính những chủ thể nông thôn mới này là người sẽ quyết định quá trình đổi mới văn hóa ở nông thôn trong hiện tại và tương lai.
Những kết quả đạt được trong khoảng gần chục năm trở lại đây từ hoạt động của Đoàn TNCS HCM là một minh chứng rõ ràng nhất cho không chỉ tính năng động, sáng tạo mà còn là khả năng thích nghi của tuổi trẻ nông thôn ngoại thành Hà Nội. Từ những năm đầu tiên của TK XXI, Đoàn TNCS HCM, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội đã phát động nhiều cuộc vận động lớn, trong đó có cuộc vận động Thanh niên nông thôn thi đua thực hiện 4 nội dung mới nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên nông thôn tham gia đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Thủ đô. Tính năng động, sáng tạo và khả năng thích nghi của TNNTNTHN đang hướng mạnh vào việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh; phát triển ngành nghề mới, khôi phục và mở rộng nghề truyền thống tại địa phương; tham gia xây dựng và phát triển thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa.
Có thể nói, sự bộc lộ mạnh mẽ xu hướng năng động, sáng tạo, khả năng thích nghi cao của thế hệ TNNTNTHN trong giai đoạn hiện nay là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta những năm qua. Đồng thời, xu hướng này cũng thể hiện rõ khả năng thích ứng cao của TNNTNTHN trước những đòi hỏi khách quan của đất nước trong hiện tại và cả tương lai.
4. Chủ động tham gia hội nhập trong nước và quốc tế
Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ nông thôn Việt Nam lại có điều kiện thuận lợi để giao lưu, hội nhập, tiếp thu các thành tựu văn minh và các giá trị văn hóa trong nước và thế giới như hiện nay. Trong đời sống xã hội, phương thức tiêu dùng các sản phẩm vật chất là một chỉ báo của lối sống, phản ánh năng lực, trình độ sống của con người. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy khá rõ mức độ hội nhập của TNNTNTHN trên phương diện sử dụng các vật dụng thiết yếu rất văn minh, hiện đại phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Rõ ràng, khi đời sống của người dân được cải thiện, tiếp cận gần hơn với khoa học công nghệ hiện đại, với thế giới bên ngoài thì lối sống của họ cũng ngày càng văn minh, bắt nhịp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại hơn.
Ở một khía cạnh khác, khi chúng tôi đo mức độ quan tâm của thanh niên đến các loại hình âm nhạc hiện đại và truyền thống đã nhận thấy: các loại hình âm nhạc hiện đại như Rock, Hip Hop, Dance, Rap… có nguồn gốc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đã được thế hệ trẻ nông thôn ngoại thành Hà Nội tiếp thu và sử dụng khá rộng rãi. Cùng với đó, TNNTNTHN còn quan tâm tới những lễ hội hiện đại được du nhập từ nước ngoài.
Đặc biệt, đối với thanh niên hiện nay, con đường hội nhập, tiếp thu thành tựu văn minh và tinh hoa văn hóa trong nước và thế giới chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Có thể nói, internet chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt căn bản nhất giữa thế hệ thanh niên nông thôn hiện nay với các thế hệ trước đây. Chính nhờ internet và các phương tiện truyền thông hiện đại mà giới trẻ ngày nay có điều kiện giao lưu tri thức hết sức thuận lợi. Thông qua đó, nguồn cung đầu vào thông tin của giới trẻ hiện nay lớn hơn gấp nhiều lần so với nguồn thông tin mà các thế hệ cha anh họ được tiếp nhận. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để thanh niên ngày nay có thể làm giàu vốn tri thức mà không nhất thiết phải trải qua quá trình giáo dục lâu dài ở nhà trường. Hơn nữa, các chương trình e-learning ngày càng phổ biến trên internet, cho phép thanh niên có thể tự lựa chọn những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm… mà họ thấy cần thiết phải học. Những hình thức học tập trên internet ngày càng cho phép người học giao lưu, tương tác rộng rãi hơn với cả người dạy và bạn bè khắp năm châu. Vì vậy, hiệu quả học tập và hội nhập thu được là rất lớn. Cũng thông qua internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, thanh niên ngày nay cũng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc biểu lộ ý kiến, bộc lộ bản thân và tham gia tích cực hơn vào dư luận xã hội. Do đó, năng lực giao lưu hội nhập với trong nước và quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc và thời đại ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, qua thực tế nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi thấy xu hướng này cũng còn đang gặp phải những trở ngại, hạn chế không nhỏ và cả những lệch lạc rất cần phải sớm được uốn nắn và khắc phục.
5. Thiếu trách nhiệm, buông thả bản thân và xem nhẹ luật pháp
Xu hướng sống thiếu trách nhiệm, buông thả bản thân là một xu hướng lối sống có thể bắt gặp trong nhiều nhóm xã hội, nhưng đặc biệt dễ gặp ở thanh niên. Biểu hiện của lối sống này là sự hoài nghi, chán nản, không tin tưởng vào tương lai của bản thân, buông trôi, lệ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh… Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 25% trong tổng số thanh niên tham gia khảo sát có tâm trạng lo lắng, bi quan, thiếu tin tưởng vào tương lai. Theo kết quả điều tra của Đề tài khoa học cấp Nhà nước Thực trạng và xu hướng biến đổi lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, khi khảo sát về tình trạng thất vọng, buồn chán ở thanh niên Việt Nam năm 2010 thì có tới 10,6% thanh niên “hiếm khi”, 3,5% “thỉnh thoảng” và 1,4% “thường xuyên” hay “rất thường xuyên” nghĩ đến việc tự tử – cấp độ cao nhất của lối sống thiếu trách nhiệm đối với bản thân.
Như vậy, tình trạng kém tự tin, thiếu trách nhiệm với bản thân là một xu hướng không thể phủ nhận, mức độ cũng đủ để gây ra những quan ngại nghiêm túc cho xã hội. Điều cần nhấn mạnh ở đây là, đối với lứa tuổi thanh niên, cần phải lưu ý đến hội chứng lây lan của tình trạng này. Đây chính là lý do khiến cho tình trạng sống buông thả lúc đầu có thể chỉ là hiện tượng cá biệt của một số cá nhân hay một số nhóm đặc biệt, sau lan dần và trở thành một xu hướng, căn bệnh của thanh niên trong xã hội hiện đại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lối sống này, trong đó, cơ bản đó là do thiếu sự giáo dục của gia đình và không có việc làm ổn định. Mặc dù các số liệu điều tra cho thấy, đa số TNNTNTHN đều cho rằng hôn nhân và gia đình là quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Song, thực tế, hầu hết những thanh niên rơi vào tình trạng xu hướng lối sống trên đều xuất phát từ những gia đình có độ gắn kết yếu, bố mẹ, con cái ít quan tâm đến nhau. Mặt khác, tình trạng thiếu việc làm và việc làm không ổn định là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến xu hướng lối sống thiếu tự tin, vô trách nhiệm với bản thân trong TNNTNTHN hiện nay.
Có thể thấy, xu hướng lối sống thiếu trách nhiệm, buông thả bản thân đã trở thành một xu hướng lối sống đang hiện hữu trong một bộ phận dân cư, trong đó có TNNTNTHN. Những biểu hiện của xu hướng lối sống này hết sức đa dạng, tuy dễ dàng quan sát được nhưng rất khó khái quát hóa hoặc phân tích. Tuy xu hướng lối sống ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm chỉ có ảnh hưởng trong một bộ phận thanh niên hiện nay, song đây vẫn là một trong những xu hướng lối sống nguy hiểm, không những gây ra nhiều hiện tượng, cách hành xử phản cảm, tạo nên những sự bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội mà còn trực tiếp đe dọa thuần phong mỹ tục của dân tộc và tương lai của thanh niên.
Xem nhẹ luật pháp cũng là một trong những xu hướng ứng xử nguy hiểm của thanh niên hiện nay. Biểu hiện của xu hướng lối sống này cũng hết sức phức tạp, nhỏ nhất là loại bạo lực trong phạm vi gia đình. Theo kết quả khảo sát, mức độ thường xuyên vi phạm của thanh niên vào các tệ nạn xã hội cũng khá cao, nó đang làm cản trở sự phát triển của chính bản thân thanh niên, sau đó là đến gia đình, cộng đồng xã hội. Ngoài ra, lối hành xử coi thường luật pháp còn biểu hiện dưới nhiều hình thức (như cờ bạc, vi phạm giao thông…) đang diễn ra ở nhiều địa phương với mức độ thường xuyên khá lớn. Lối sống này đang làm xói mòn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của thủ đô Hà Nội, mà trước hết là văn hóa trong thanh niên.
Trong những năm gần đây, lối hành xử hung bạo cũng xuất hiện ngay tại gia đình của các cặp vợ chồng trẻ với mức độ khác nhau. Một nghiên cứu được công bố gần đây cho biết: những nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình được đưa ra là do kinh tế khó khăn 59,8%, do rượi bia 63,7%, do cờ bạc 25,8%, do ngoại tình 16% và những nguyên nhân khác như trọng nam khinh nữ… Loại bạo lực thứ hai thường gặp là các hình thức bạo lực ngoài gia đình. Trong những năm gần đây, có thể thấy rõ một xu hướng nguy hiểm đang phát triển khá mạnh trong thanh niên hiện nay chính là việc xử dụng các hành vi bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột thường nhật. Lối ứng xử bạo lực và hiện tượng thanh niên phạm tội rõ ràng đã trở thành một hiểm họa đối với toàn xã hội và đối với chính bản thân thanh niên. Đây cũng là một trong những chủ đề nóng bỏng, thường gây ra những chấn động dư luận lớn ở nước ta, trong đó có nông thôn ngoại thành Hà Nội. Do đó, cho dù lối sống, cách hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật dù chỉ có ở một bộ phận nhỏ thanh niên nhưng tác động của nó đối với xã hội là không nhỏ. Ngoài ra, xu hướng lối sống bất chấp kỷ cương pháp luật cũng còn được biểu hiện ra dưới nhiều loại hành vi cụ thể mà nếu chỉ nhìn thoáng qua thì sẽ có người cho rằng không hề quan trọng. Điển hình nhất của những loại biểu hiện mang tính đời thường này là tình trạng vi phạm luật giao thông tràn lan của thanh niên ở cả nông thôn và thành thị, một trong những nguyên nhân làm cho mỗi năm có hàng chục nghìn người chết hoặc bị thương… Sẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân rất cơ bản, trực tiếp dẫn đến xu hướng lối sống coi nhẹ luật pháp, đó là do ảnh hưởng từ những yếu tố tiêu cực trên mạng internet và các phương tiện truyền thông hiện đại. Điển hình nhất là tình trạng nghiện game online, hóa thân vào “thế giới ảo” trong game.
Trên cơ sở nắm bắt và tham khảo các xu hướng vận động của lối sống TNNTNTHN nói trên, chúng ta có thể đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp khả thi, hiệu quả trong việc xây dựng một lối sống phù hợp, tương thích với yêu cầu và đòi hỏi của cuộc sống hôm nay cho lự lượng TNNTNTHN vì một Thủ đô hiện đại và phát triển bền vững.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 222/QDD-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội, 2012.
2. Phạm Hồng Tung, Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
3. Phạm Duy Đức, Xây dựng tư tưởng đạo đức lối sống và đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
Tác giả: Lưu Khương Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%