Trong bảo tàng, công tác trưng bày có vị trí rất quan trọng, nhằm thực hiện sự giao tiếp của bảo tàng với công chúng và xã hội. Trưng bày được coi là bộ mặt của bảo tàng để công chúng thụ cảm, thưởng thức các giá trị văn hóa của bảo tàng. Tổ chức, hoạt động trưng bày của các bảo tàng là một trong những đặc trưng cơ bản nhất để phân biệt bảo tàng với các cơ quan văn hóa khác. Nguyên tắc trưng bày của bảo tàng là trưng bày hiện vật gốc, các sưu tập có giá trị bảo tàng và chúng được kiểm kê bảo quản theo nguyên tắc của bảo tàng học.
Trong công tác trưng bày, các hiện vật, các bộ sưu tập hiện vật gốc được trưng bày theo hệ thống logic khoa học, không đơn lẻ, tách biệt mà được trưng bày theo tổ hợp dưới dạng những hình tượng nghệ thuật điển hình. Cùng với các phương tiện âm thanh, ánh sáng và nghe nhìn hiện đại, đây chắc chắn là một loại hình công cụ giáo dục có khả năng thỏa mãn những nhu cầu của nhân loại ở TK XXI. Vì thế, chắc chắn vai trò của bảo tàng sẽ được nâng cao cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ ngày nay.
Bảo tàng là thiết chế văn hóa mà ở đó ngoài số lượng tài liệu, hiện vật và các bộ sưu tập được sưu tầm về kho, thì bảo tàng phải có nhà trưng bày để đón và phục vụ khách đến tham quan. Vì vậy, công tác trưng bày có vị trí đặc biệt quan trọng của mỗi bảo tàng, thể hiện vị thế, quy mô của các bảo tàng với xã hội. Trưng bày luôn là bộ mặt của các bảo tàng, là hình thức thông tin cơ bản của bảo tàng đến với công chúng. Chính vì vậy, quá trình trưng bày luôn phải có tổ chức, khoa học, mục đích, định hướng với nội dung được soạn thảo phù hợp với những nguyên tắc, giải pháp của kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật, khoa học công nghệ đã được lựa chọn. Mỗi bảo tàng có nội dung, loại hình đặc trưng khác nhau nên phải có giải pháp trưng bày khác nhau để đạt hiệu quả cao và mang tính đặc thù riêng biệt. Trưng bày tốt sẽ chuyển tải được những thông tin có giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật, lịch sử, truyền thống… cho công chúng và cộng đồng xã hội. Đồng thời, trưng bày của bảo tàng còn phản ánh chất lượng, trình độ chuyên môn, quy mô, tầm vóc của chính bảo tàng đó. Tự thân hệ thống, phương pháp, giải pháp thiết bị trưng bày đã cho thấy chất lượng, sự độc đáo của mỗi bảo tàng, đó là tính hấp dẫn để thu hút công chúng đến với bảo tàng. Vì vậy, công tác trưng bày là sản phẩm khoa học tập trung trí tuệ cao nhất của mỗi bảo tàng, đòi hỏi phải thực hiện tốt nguyên tắc: có ý tưởng tốt, tạo môi trường tham quan, bố cục khoa học, lôgic các chủ đề, nội dung, lựa chọn hiện vật, các bộ sưu tập vào đúng vị trí trưng bày thích hợp. Công tác trưng bày cần có phương pháp, giải pháp cho phù hợp với từng loại hình bảo tàng, kết hợp theo tiến trình lịch sử với theo các bộ sưu tập và trưng bày chuyên đề cho sinh động.
Đặc biệt, trưng bày hiện đại cần kết hợp trưng bày tĩnh và trưng bày động, đưa nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ số phục vụ cho công tác trưng bày mang lại hiệu quả cao, tạo hấp dẫn người xem. Ở nước ta hiện nay, một số bảo tàng có hệ thống trưng bày còn quá cũ kỹ, xuống cấp, tính nghệ thuật và thẩm mỹ không cao, trưng bày còn theo lối mòn. Một số bảo tàng còn trùng lặp về nội dung, hiện vật chưa phong phú, khoa học, hấp dẫn. Mức đầu tư kinh phí cho các hoạt động của bảo tàng còn thấp, chưa có tỷ lệ hợp lý giữa đầu tư xây dựng công trình với nội dung trưng bày. Nhiều bảo tàng còn chưa đưa các hiện vật mới, trang thiết bị mới hiện đại, chưa áp dụng công nghệ thông tin, thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, công nghệ 3D vào trong trưng bày. Một số bảo tàng còn xuống cấp, nhất là một số bảo tàng tỉnh, bảo tàng trong quân đội; hệ thống trưng bày còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa phong phú, ít được bổ sung cho hoàn chỉnh. Để nâng cao chất lượng công tác trưng bày cho phù hợp với xu thế của thời đại, cần được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đúng mực và coi trong việc bảo tàng kết hợp với du lịch thu hút khách. Muốn làm được vậy, phải quan tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và hệ thống bảo tàng trong cả nước nói riêng, là việc làm cấp bách quan trọng hiện nay. Chính vì vậy, bảo tàng phải đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trưng bày, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách thăm quan dần trở thành một địa chỉ văn hóa lôi cuốn người xem. Hiệu quả của công tác trưng bày ở mỗi bảo tàng được thể hiện rõ nhất ở số lượng khách tham quan. Vì vậy, sự nhàm chán, xơ cứng của trưng bày là nguyên nhân cốt lõi khiến công chúng không tìm thấy sự lôi cuốn khi đến tham quan, do đó, các bảo tàng cần phải đổi mới tư duy, nhận thức trong nội dung giải pháp trưng bày. Giải pháp trưng bày cần chú ý đến yếu tố tác động trực quan tới khách tham quan, nhằm tăng tính hấp dẫn của nội dung, giải pháp trưng bày. Cần có nhiều phương án cải tạo, chỉnh trang diện mạo, kể cả trưng bày cố định trong nhà và trưng bày ngoài trời bảo đảm mỹ quan, có nội dung kỹ, mỹ thuật phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của thời đại, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Trong những năm qua, một số bảo tàng đã có những đổi mới sáng tạo và đột phá trong quá trình đầu tư, xây dựng, đặc biệt là hệ thống trưng bày, đã tạo diện mạo tầm cỡ, vị thế của mỗi bảo tàng, thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan như: Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Phòng không Không quân… Đây là những bảo tàng tiêu biểu cho sự đột phá, đổi mới nội dung phương pháp trưng bày, có trang thiết bị trưng bày hiện đại, kết hợp hài hòa các loại hình nghệ thuật phục vụ cho trưng bày đạt hiệu quả cao, đặc biệt là công nghệ 3D, công nghệ số, âm thanh, ánh sáng để trưng bày hấp dẫn, ấn tượng, thu hút người xem. Các bảo tàng này thực sự đã trở thành địa chỉ đỏ phục vụ khách trong nước và quốc tế đến tham quan, đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, của các ngành, các cấp, các địa phương. Đồng thời, tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước và các địa phương, giúp các bảo tàng tự chủ và tự chủ được một phần về tài chính trong quá trình hoạt động của bảo tàng.
Ngoài trưng bày cố định, các bảo tàng còn quan tâm đến công tác trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động ở ngoài bảo tàng mang tính thời sự, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền giáo dục phục vụ công chúng. Nhiều bảo tàng trong thời gian qua đã tích cực triển lãm chuyên đề phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, các ngành, các cấp, các địa phương như Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày chuyên đề Bác Hồ với công tác đối ngoại, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày chuyên đề Bản hùng ca xuân Mậu thân 1968, triển lãm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam với triển lãm Hậu cần Quân đội – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phối hợp với Khu Di tích nhà tù Côn Đảo tổ chức triển lãm lưu động Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn nhân kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ. Các sự kiện này đã mang lại hiệu quả xã hội cao, phục vụ nhiều khách trong nước và quốc tế tới tham quan, du lịch Việt Nam.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trưng bày là việc làm cấp bách hiện nay của mỗi bảo tàng. Trong trời gian tới phải tích cực đầu tư kinh phí, ngân sách, trí tuệ cho việc nâng cấp, xây dựng, chỉnh lý, đổi mới trưng bày, không ngừng áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, các giải pháp mỹ thuật cao, nhất là số hóa công tác trưng bày, công nghệ 3D, các trang thiết bị đồng bộ hiện đại để nâng cao chất lượng công tác trưng bày của mỗi bảo tàng, tạo ấn tượng với người xem, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tác giả: Đào Hải Triều
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%