Nước ta hiện nay có khoảng 120 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó, khoảng 85% sử dụng điện thoại thông minh, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á; Internet rất phát triển, cả ở thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có tới 65 triệu người sử dụng internet và 58 triệu tài khoản facebook, trong đó nhiều người đã lập những hội, nhóm, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Họ dễ dàng sử dụng internet để đọc báo, tìm kiếm thông tin, tham gia mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ. Trong đó, có những thông tin liên quan đến bảo tồn văn hóa dân tộc. Điều này đặt ra câu hỏi: vậy chúng ta cần làm gì để truyền thông tăng hiệu quả đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0?.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc đều có cơ hội và điều kiện để phát triển, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc.
Giá trị văn hóa dân tộc là tài sản quý giá của đất nước Việt Nam đã được tích lũy qua hàng nghìn năm lịch sử, là cốt lõi của bản sắc dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Đảng và Nhà nước ta luôn coi truyền thống văn hóa dân tộc là yếu tố đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội và là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Thời gian qua, quan điểm đúng đắn này đã đi sâu vào cuộc sống, phát huy tác dụng, góp phần tạo nên những thành tựu đáng kể tại các địa phương, các ngành, các cấp. Được như vậy một phần là nhờ báo chí đã tích cực phổ biến sâu rộng các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, thường xuyên quảng bá giá trị các di sản văn hóa; phát hiện và cổ vũ mạnh mẽ những việc làm đúng, những tấm gương tốt; đồng thời phê phán những nhận thức lệch lạc, hiện tượng tiêu cực; góp phần huy động các nguồn lực to lớn của xã hội trong công tác bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Thông tin trên báo chí đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và của mỗi người dân ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Báo chí là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, để từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về văn hóa có thêm thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.
Với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình báo chí của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Cùng với việc thông tin kịp thời tin tức, sự kiện liên quan đến các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, báo chí còn phản ánh chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa trong các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc; các ngành nghề cổ truyền; món ăn ẩm thực; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước, quy ước của bản, làng, dòng họ gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống hàng ngày, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng dòng họ. Qua đó, đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho nét đẹp văn hóa truyền thống lan rộng trong đời sống xã hội.
Hiện nay, cả nước có 868 cơ quan báo, tạp chí in và báo điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình và khoảng 1.600 trang tin điện tử tổng hợp (theo thống kê của Cục Báo chí). Từ 1-1-2019 đến nay, cụm từ “bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc” có khoảng 1.813 tin, bài, thông tin phản ánh. So với các lĩnh vực khác, lĩnh vực di sản văn hóa được nhiều cơ quan báo chí trong nước phản ánh. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thông tin truyền thông về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trên báo chí còn tồn tại một số mặt hạn chế như: các tin bài tuyên truyền chủ yếu ở dạng phản ánh thông tin, một số cơ quan báo chí chưa có phóng viên chuyên sâu theo dõi mảng văn hóa. Bên cạnh những cơ quan báo chí chuyên về văn hóa như Báo Văn Hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, hầu hết các cơ quan báo chí khác, đều có trang, chuyên trang về văn hóa. Vì vậy, việc phản ánh những vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc rất thuận lợi.
Việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc giúp bạn bè quốc tế thấy được những đóng góp to lớn của nền văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa nhân loại, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập về văn hóa với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Thông qua tuyên truyền, quảng bá trên báo chí mà các cơ quan, tổ chức và người nước ngoài biết đến giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, giúp cho quá trình giao lưu, trao đổi các hoạt động văn hóa giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế được tăng cường nhiều hơn; đồng thời các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia về văn hóa có thêm cơ hội, điều kiện và kinh nghiệm để tăng cường sự hợp tác trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa dân tộc.
Báo chí cũng tham gia rất tích cực trong việc phát hiện, tôn vinh những tài năng có nhiều công lao phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc, cũng như phát hiện, tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; tôn vinh những cơ quan, tổ chức và cá nhân có những đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Báo chí cũng tập trung tuyên truyền, phản ánh việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước.
Bên cạnh việc tuyên truyền giá trị của các di sản văn hóa, báo chí thông tin những mặt trái, những nguy cơ đe dọa hủy hoại môi trường tài nguyên di sản văn hóa; kêu gọi cộng đồng bảo vệ, giữ gìn giá trị của di sản văn hóa cũng như sự ứng xử của con người đối với công tác bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh di sản văn hóa.
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tấn công, du nhập của các trào lưu văn hóa, lối sống phương Tây xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc; tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tình đoàn kết, tính nhân văn, nhân đạo, cách ứng xử nhân ái giữa con người với con người đối với các thế hệ người Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả của báo chí trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Trước hết, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân đối với việc bảo tồn, giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa – nghệ thuật chuyên ngành với các cơ quan báo chí về các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; các kết quả nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc; tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc… Chẳng hạn, đối với những di sản đang nghiên cứu, khảo sát, thống kê, lập hồ sơ bảo tồn, nhất là đối với những di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một hoặc liên quan đến những nghệ nhân cao tuổi, cần được các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý về văn hóa thông tin rộng rãi trên báo chí để vận động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cung cấp tư liệu, nguồn lực phục vụ cho công tác này.
Thứ ba, các cơ quan báo chí phải thường xuyên đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe, hình thành nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với các di sản văn hóa dân tộc, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong từng gia đình, làng, bản, thôn, xóm. Đối với những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan báo chí địa phương cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; tuyên truyền cho đồng bào dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, phát huy các giá trị tốt đẹp đó trong cuộc sống.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần có kiến thức am tường về văn hóa dân tộc và có tinh thần trách nhiệm với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và các quy định trong Luật Di sản văn hóa. Cán bộ quản lý, phóng viên các báo, đài cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết cơ bản về các di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa – nghệ thuật chuyên ngành, các chuyên gia đầu ngành về văn hóa – nghệ thuật để tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên những kiến thức cơ bản về lĩnh vực văn hóa nói chung và lĩnh vực di sản văn hóa dân tộc nói riêng.
Báo chí truyền thông đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng công tác văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày nay, công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa càng mang ý nghĩa quan trọng và cần phải được đầu tư hơn nữa cho tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển.
Tác giả: Đặng Khắc Lợi
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%