Toàn cầu hóa đang tạo cho quá trình sản xuất chuyên môn hóa sâu hơn, cạnh tranh tăng lên, cải tiến công nghệ, tri thức được tăng cường; tự do thương mại được thúc đẩy, tạo cơ hội buôn bán; tăng thu hút đầu tư và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao. Bên cạnh những cơ hội thì toàn cầu hóa cũng tạo ra những thách thức cho nền kinh tế như: khả năng bất ổn định, suy thoái kinh tế, khó lường trước được những vấn đề phát sinh. Ở Việt Nam, toàn cầu hóa đang đưa lại những tác động to lớn tới tâm lý, tình cảm và tinh thần, đặc biệt, nó đang dần chuyển hóa tâm lý xã hội truyền thống được vun đắp trong hàng ngàn năm lịch sử của con người Việt Nam.
Tâm lý xã hội truyền thống (TLXHTT) Việt Nam được ghi nhận, khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, có thể kể đến: tâm lý tiểu nông sản xuất nhỏ, tâm lý cộng đồng và tâm lý trọng tình cảm. Đây là ba đặc điểm cơ bản, chi phối và làm nảy sinh những yếu tố tâm lý khác trong đời sống tâm lý xã hội con người Việt Nam trong lịch sử. Những đặc điểm tâm lý cơ bản đó vừa có tính tích cực vừa có tính tiêu cực, tạo nên một diện mạo trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Được hình thành từ quan hệ con người với tự nhiên, giữa con người và con người, TLXHTT Việt Nam vừa có tính ổn định vừa có xu thế phát triển, được biểu hiện ra bên ngoài bằng lối sống, giao tiếp của con người Việt Nam trong truyền thống. Ngày nay, TLXHTT được đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa đã làm bộc lộ tính thiếu thích nghi với những đòi hỏi, yêu cầu của thời đại.
Sự hình thành tâm lý xã hội bắt đầu trong một nhóm xã hội, mỗi thành viên thường tự nhận thức, đánh giá và tự điều chỉnh tâm lý của mình trong quan hệ với nhận thức, thái độ và hành vi của người khác. Như vậy, sự hình thành ý thức của 0người Việt Nam hiện nay là thông qua quá trình giao tiếp và các đòi hỏi về kinh tế giữa các cá nhân, các nhóm khác nhau; là quy luật ảnh hưởng giữa cá nhân và các nhóm xã hội tác động đến sự hình thành tâm lý xã hội của cá nhân, nhóm xã hội mang tính phổ biến trong đời sống tâm lý xã hội. Mặt khác, tâm lý con người Việt Nam được hình thành trên cơ sở tâm lý tiểu nông sản xuất nhỏ trong quá khứ: an phận, thụ động, trông chờ, ít sáng tạo, manh mún, thủ công, khả năng chế ngự, chinh phục thiên nhiên thấp và phụ thuộc thiên nhiên, đây là sự phản ánh trình độ lực lượng sản xuất lạc hậu. Vì vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, tâm lý truyền thống người Việt Nam đang vận động và ảnh hưởng của tâm lý nhóm đông, xu thế du nhập của nước ngoài làm những giá trị tâm lý truyền thống trong mỗi người rơi vào cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
Tâm lý tiểu nông sản xuất nhỏ trong truyền thống cũng đưa con người Việt Nam hình thành tư duy kinh nghiệm, phương pháp nhận thức trực quan và cụ thể, yếu về tư duy lý luận, phân tích, chỉ mạnh ở phương pháp mô tả, cảm tính, đại khái, thiên về lập đề mà yếu về luận đề, dễ dẫn đến tâm lý hoài cổ. Đặc biệt là tâm lý tư hữu, tính lo xa, thiển cận, khép kín, tự cung, tự cấp, đáp ứng nhu cầu sinh tồn, thu mình trong lao động, lo cho cuộc sống riêng của gia đình mình, có thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước công việc chung, ăn ở tằn tiện, tích cóp, phòng cơ, quen chịu gian khổ. Đứng trước sự phát triển của xã hội, những tâm lý truyền thống đó chịu sự tác động qua lại của cường độ, hiệu lực và sự tương hợp giữa nhận thức, tình cảm, ý chí của tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội với những yếu tố cơ bản, quyết định tính chất, mức độ biểu hiện của quá trình hình thành các hiện tượng tâm lý xã hội. Cường độ tác động càng mạnh và liên tục, uy tín, hiệu lực giữa các chủ thể tác động càng cao, sự tương tác giữa nhận thức, tình cảm, ý chí giữa các thành viên trong nhóm và các nhóm càng đồng thuận thì các hiện tượng tâm lý càng được hình thành nhanh và tính bền vững càng cao. Tác động qua lại giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm xã hội, nhóm với nhóm được phản ánh qua các phương thức, cơ chế tâm lý.
Hiện nay, toàn cầu hóa về chính trị đang mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế về an ninh, trật tự đã giúp Việt Nam tranh thủ được các kinh nghiệm và thành tựu, các phương tiện kỹ thuật hiện đại của thế giới; đồng thời, tạo ra một thế trận, môi trường an ninh, trật tự ổn định để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trên con đường hội nhập và phát triển, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn phải vượt qua, đó là những tranh chấp, bất đồng về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, những tác động tiêu cực của các luồng văn hóa ngoại lai, các tệ nạn xã hội. Vào những lúc như thế, tinh thần cố kết cộng đồng – một giá trị đã được kết tinh trong chiều dài lịch sử dân tộc cần được phát huy. Tinh thần đó được bắt nguồn từ thực tế lịch sử đấu tranh chống thiên tai, địch họa, được xác định từ quan hệ huyết thống họ hàng thân quen. Tính cố kết cộng đồng càng bền chặt mỗi khi đất nước gặp khó khăn, hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng chính điều này đã đem lại những tâm lý bất lợi trong quá trình toàn cầu hóa, đó là: tâm lý bình quân hay cục bộ địa phương.
Những yếu tố về tính cố kết cộng đồng trong truyền thống Việt Nam được hình thành trong quá khứ kết hợp với những đòi hỏi về phẩm chất cần có của con người trong thời kỳ toàn cầu hóa khiến giá trị truyền thống bị lấn áp những mặt tích cực, một phần của các mặt tiêu cực lại được bộc lộ rõ hơn. Do đó, sự biến động về chính trị trong thời kỳ toàn cầu hóa đã tác động đến tinh thần cố kết cộng động của dân tộc ngày càng lỏng lẻo, tâm lý người Việt Nam ngày càng xa rời với mục tiêu phát triển đất nước và ngày càng bị lấn sâu vào những vi phạm của nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ. Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Khi nghiên cứu những chuyển hóa tâm lý xã hội trong bối cảnh có sự chuyển biến các điều kiện kinh tế – xã hội thì sự tồn tại và phát triển của các giá trị truyền thống trên cơ sở kế thừa từ các mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng trong những chuyển hóa tâm lý xã hội với điều kiện xã hội phát triển mới. Tính kế thừa được phản ánh trên hai khía cạnh: kế thừa tự nhiên (kế thừa vật chất) và kế thừa xã hội (kế thừa văn hóa). Tâm lý trọng tình cảm của người Việt cũng được kế thừa trên những bình diện như thế. Tinh thần đoàn kết, tương trợ, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi, tối lửa tắt đèn có nhau, cùng gánh vác công việc chung của làng, của họ, của mỗi gia đình trở thành giá trị trong ứng xử của người Việt Nam trong truyền thống. Song, những biểu hiện thái quá trong tâm lý trọng tình cảm dễ dẫn đến mặt cực đoan khiến con người trở nên thụ động, xuôi chiều, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý đưa đến tính đại khái xuề xòa, không thiết lập những nguyên tắc sống cần thiết mà chỉ thấy được chăng hay chớ, biết đến đâu hay tới đó dẫn đến chủ quan trong đánh giá, ứng xử, trở nên nước đôi, lưỡng hợp, thiếu kiên quyết, triệt để, tự ti… Đây cũng là những yếu điểm của người Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa. Nó làm cho mỗi người không năng động trong suy nghĩ, mặc dù thông minh và nhanh nhạy nhưng cũng không phát huy được, phong cách lao động thiếu tính kỷ luật, chuyên nghiệp. Trên hết, những biến động của toàn cầu hóa đã tác động tới từng người làm tính ích kỷ, sự giành giật và lối sống cá nhân thực dụng lấn át, làm thay đổi những yếu tố truyền thống và đang dần hình thành trong xã hội những căn bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi.
Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học có ý nghĩa rất quan trọng. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện về đạo đức của người Việt Nam nói chung và cán bộ đảng viên nói riêng, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp giữa xây và chống, Nghị quyết đã đề ra nhóm giải pháp căn bản để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời để khắc phụ những chuyển hóa giá trị truyền thống dân tộc trong thời kỳ toàn cầu hóa, toàn hệ thống chính trị và mỗi công dân Việt Nam cần:
Một là, nâng cao văn hóa ứng xử trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đề cao tính gương mẫu trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức, lối sống.
Hai là, triển khai quan điểm “chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, trong toàn bộ hoạt động về công tác gia đình và xây dựng đời sống văn hóa “lấy con người làm trọng tâm”; cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ở từng địa phương, cơ quan, tổ chức.
Ba là, tập trung thực hiện công tác gia đình với khẩu hiệu “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Bốn là, tạo cơ hội và điều kiện để mọi người dân tự nguyện tham gia phát triển văn hóa, tích cực sáng tạo nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa nổi bật.
Năm là, tích cực quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở, có chế độ đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Sáu là, chú trọng công tác khen thưởng để tôn vinh những gia đình, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn văn hóa tiêu biểu giữ vững danh hiệu, khích lệ và bảo đảm phong trào phát triển bền vững.
Tóm lại, quá trình toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đến các mặt của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, đặt ra cho chúng ta phải giải quyết những mối quan hệ chằng chéo giữa văn hóa nông nghiệp lâu đời với văn hóa công nghiệp đang ngày càng phát triển, giữa văn hóa dân tộc truyền thống với văn hóa thế giới ngày càng mở rộng, giữa văn hóa phương Đông cổ truyền với văn hóa phương Tây hiện đại, giữa các trào lưu văn hóa đương đại; đồng thời, đòi hỏi sự năng động, thích nghi, chọn lọc và lưu giữ những giá trị tâm lý, văn hóa xã hội truyền thống tốt đẹp trong con người Việt Nam.
Tác giả : Đồng Quang Thái
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%