Cao Bằng là tỉnh địa đầu Tổ quốc thuộc vùng
Đông Bắc Việt Nam, là địa phương có nhiều tộc
người thiểu số với nền văn hóa đa dạng, trong đó
không thể không nhắc đến những giá trị văn hóa
đặc sắc của dân tộc Tày. Cao Bằng được coi là một
trong những cội nguồn còn lưu giữ được nhiều giá
trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày; văn hóa
Cao Bằng được khắc họa bằng những nét tiêu biểu
nhất của văn hóa Tày; du lịch văn hóa Cao Bằng
cũng chủ yếu là du lịch văn hóa Tày. Trên thực tế,
việc khai thác những giá trị văn hóa dân tộc Tày để
phục vụ phát triển du lịch đã được các cấp chính
quyền địa phương quan tâm, kết quả ban đầu đã đạt
một số thành công nhất định, nhưng vẫn chưa xứng
đáng với tiềm năng sẵn có của địa phương.
1. Các di sản văn hóa tiêu biểu của người Tày Cao Bằng
Người Tày là tộc người chiếm đại đa số ở Cao Bằng, cùng với nền văn hóa phong phú, cho nên bản sắc văn hóa của người Tày nơi đây gần như tượng trưng cho nét độc đáo của văn hóa tỉnh Cao Bằng.
Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn. Người Tày sống định cư, quây quần thành từng bản chừng 15 đến 20 hộ. Tuy được dựng từ những vật liệu đơn sơ nhưng nhà sàn của người Tày rất vững chãi nhờ việc tạo tỷ lệ hợp lý trong kết cấu khung gỗ. Trong nhà sàn, bếp được coi là bộ phận quan trọng nhất. Bếp được đặt chính giữa ngôi nhà, ngoài việc phục vụ đun nấu, bếp còn là nơi sưởi ấm cho ngôi nhà, là nơi mọi người quây quần sau một ngày làm việc vất vả. Ngôi nhà sàn thể hiện rõ phong tục tập quán, nền nếp trật tự trong gia đình người Tày. Nhà sàn người Tày là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời.
Về văn hóa ẩm thực, gạo là lương thực chính của người Tày Cao Bằng. Trước kia người Tày chủ yếu ăn gạo nếp nên hầu như gia đình nào cũng có chõ đồ xôi. Nay trong các bữa ăn, gạo tẻ thường được sử dụng nhiều hơn, còn gạo nếp chỉ để đồ xôi, hay làm một số loại bánh vào dịp lễ, Tết, trong đó đặc biệt phải kể đến món: xôi trám, xôi trứng kiến, xôi đỏ đen (xôi đăm đeng), bánh mật, bánh gật gù, bánh khảo… Các món ăn trong bữa cơm gia đình của đồng bào Tày rất phong phú và đa dạng, như: thịt trâu xào măng chua, thịt lợn chua, cá ruộng ướp chua, canh cá lá chua và tất cả các loại quả chua: khế, sấu, trám, tai chua… đều được tận dụng trong bữa ăn của đồng bào Tày; hay vị đắng của những món như: măng đắng, mướp đắng, rau ngải. Các món ăn từ rau rừng thường xuyên được dùng trong các bữa ăn của người Tày như: rau dạ hiến hay còn gọi là rau bò khai, rêu đá, rau chuối rừng, hoa ban… Cách chế biến món ăn của người Tày rất đa dạng, có sự kết hợp hài hòa gữa các vị đắng – cay – mặn – ngọt. Ngoài ra, trong đời sống của người Tày Cao Bằng, rượu là một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc và gắn bó với cuộc sống của đồng bào từ lâu đời.
Trang phục của dân tộc Tày mang nét giản dị, nền nã nhưng rất tinh tế. So với một số dân tộc khác, trang phục phụ nữ Tày không rực rỡ nhưng trang nhã, thể hiện tính cách của người phụ nữ Tày chân thành, trầm lắng và sâu sắc. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm dệt thủ công tỉ mỉ, khéo léo.
Người Tày có kho tàng văn học dân gian phong phú với các thể loại như truyện ngụ ngôn, truyện cười, dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ… phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và cuộc sống lao động đấu tranh của dân tộc Tày. Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con. Nghệ thuật của người Tày Cao Bằng nổi tiếng với đàn tính 3 dây. Khi giọng hát vang lên kết hợp với điệu then rộn rã, chùm xóc nhạc réo rắt tất cả như hòa quyện vào từng phím đàn, tông nhạc hút hồn du khách khi đến với Cao Bằng. Năm 2019, Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đối với người Tày ở Cao Bằng hát then không chỉ đơn thuần là hình thức diễn đạt nội dung bằng nhạc điệu, phương thức giao lưu, giao duyên giữa đôi trai gái với nhau, mà hát then đã được người Tày xưa gắn vào các hoạt động tín ngưỡng, tâm tình khi lấy những làn điệu, câu hát then này để lảy then, bói then, cúng then…
Người Tày Cao Bằng có nhiều Tết trong một năm và lễ hội mang đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, như: Tết Nguyên đán, Tết đắp nọi (có nghĩa là Tết Nguyên đán nhỏ, dành cho những ai vì bận việc nước, việc quân chưa về hưởng Tết Nguyên đán; cũng có ý là tiễn tháng Giêng qua, bước vào vụ mới), Tết Thanh minh (ngày mùng 3-3 âm lịch hằng năm), Tết Đoan ngọ (ngày mùng 5-5 âm lịch), Tết Khoăn vài (vía trâu, tổ chức ngày mùng 6-6 âm lịch là Tết thu vía, trả công cho trâu, bò và trẻ em mục đồng chăn thả coi sóc trâu, bò sau vụ mùa cày cấy vất vả mọi bề đã hoàn thành), Tết Rằm tháng 7 (Tết Trung nguyên), Tết Trung thu, Tết mừng cơm mới (Tết Trùng cửu, tổ chức vào ngày 9-9 âm lịch), Tết Trùng thập (ngày 10-10 âm lịch, tổ chức sau khi hoàn tất mùa gặt, người ta làm bánh dày để ăn, có ý nghĩa rửa và trả công cái nhíp cắt lúa), Tết Đông chí, đúng vào ngày Đông chí hằng năm, người Tày làm bánh trôi, còn gọi là phù noòng (coóng phù).
Về lễ hội, người Tày có nhiều lễ hội: lễ mừng thọ; lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng) để cầu cúng thần Nông – vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành; lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày – Nùng được bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba; lễ hội pháo hoa Quảng Yên.
Văn hóa dân tộc Tày Cao Bằng phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp, là một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch văn hóa cho tỉnh Cao Bằng.
2. Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa dân tộc Tày ở Cao Bằng
Du lịch lễ hội
Hằng năm, mùa du lịch lễ hội của người Tày Cao Bằng thường bắt đầu từ tháng 1 âm lịch kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch. Trong mùa lễ hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa có sức thu hút lớn đối với khách du lịch.
Các lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Tày ở Cao Bằng tổ chức chủ yếu ở quy mô làng xã. Các lễ hội này được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục, kết hợp với những hoạt động văn hóa thể thao như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ quần chúng, đã tạo thêm nét tưng bừng cho ngày hội. Tuy cùng một chủ đề lễ hội, nhưng do điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa khác nhau nên mỗi địa phương có cách thức tổ chức lễ hội khác nhau. Điều đó càng làm tăng sự đa dạng, phong phú cho các loại hình lễ hội ở Cao Bằng. Đồng thời lễ hội cũng là nơi bảo tồn, giữ gìn những giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Những câu hát then, điệu hát sli, lượn… với giai điệu ngọt ngào, da diết cùng các trò chơi dân gian là những tiềm năng du lịch văn hóa rất lớn của vùng đất Cao Bằng.
Du lịch cộng đồng
Những năm gần đây, một số hộ dân tộc Tày đã làm dịch vụ lưu trú tại nhà cho du khách thăm quan. Tại homestay, du khách có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập quán sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, thưởng thức món ăn truyền thống, được hòa mình vào làn điệu hát then, lượn… Từ những công việc thường ngày như thu hoạch hoa màu, xay thóc, giã gạo, đánh cá, thêu thùa, may vá của người dân đã được xây dựng thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du khách khi đến các điểm lưu trú tại nhà dân được đón tiếp nồng hậu, được hướng dẫn và trực tiếp tham gia trải nghiệm, hòa mình vào đời sống người dân ở từng vùng miền. Đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã, đang được đầu tư hoạt động như: Khu du lịch cộng đồng dân tộc Tày tại huyện Quảng Uyên; điểm du lịch cộng đồng làng văn hóa truyền thống xóm Khuổi Ky, xóm Lũng Niếc (Trùng Khánh)… Ngoài ra, tại một số địa phương của tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư để triển khai một số điểm du lịch cộng đồng mới như bản Pác Búng, xã Độc Lập; Phja Thắp, xã Quốc Dân (huyện Quảng Uyên)…
Du lịch thưởng thức nghệ thuật diễn xướng của người Tày
Người Tày Cao Bằng có đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Trong mọi lễ hội, sinh hoạt cộng đồng hay những ngày vui của gia chủ, người Tày đều mời các nghệ nhân đến ca hát. Hình thức nghệ thuật diễn xướng phổ biến là hát then, hát lượn sli, trong đó hát then là hình thức nghệ thuật tiêu biểu nhất. Đây cũng là hình thức được khai thác trong hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Hiện nay then Tày được đưa vào nhiều chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các khu/ điểm du lịch nổi tiếng của Cao Bằng (khu du lịch Pác Pó); tại xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh đã thành lập một đội văn nghệ phục vụ khách du lịch tại khu danh thắng thác Bản Dốc; tại khu du lịch làng nghề Phúc Sen, huyện Quảng Uyên cũng thành lập đội văn nghệ khoảng 10 người để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hát then của du khách. Ngoài ra, Sở VHTTDL cũng thường xuyên xây dựng các chương trình, tiết mục biểu diễn trong những ngày lễ, Tết cho người dân trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao đời sống tinh thần, đời sống văn hóa của người dân. Hiện nay, tất cả các huyện thị trong tỉnh đều có hội trường, nhà văn hóa để sẵn sàng cho đoàn biểu diễn. Ngoài ra, tại các huyện như Phục Hòa, Trà Lĩnh, Bảo Lâm…còn có sân khấu ngoài trời với đầy đủ hệ thống đèn điện để phục vụ cho việc biểu diễn then Tày, có ghế ngồi cho du khách vừa có thể thưởng thức nghệ thuật, vừa giao lưu với nghệ nhân. Khách sạn Bằng Giang tại thành phố Cao Bằng cũng tổ chức nhiều buổi biểu diễn then Tày phục vụ du khách và các phái đoàn ngoại giao. Tại khu du lịch cộng đồng Phúc Sen, Quảng Uyên, then Tày được biểu diễn trong nhà sinh hoạt cộng đồng và trực tiếp trong nhà dân (nếu khách có yêu cầu) để phục vụ du khách. Hiện nay, toàn thành phố có 3 công ty lữ hành đứng ra tổ chức các tour du lịch tìm hiểu văn hóa Tày (trong đó có thưởng thức nghệ thuật hát then): Công ty du lịch – khách sạn Bằng Giang, Công ty du lịch Hoa Đà (thuộc sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng), Công ty du lịch Thanh Trung. Các công ty lữ hành này kết hợp với đoàn nghệ thuật tỉnh để tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du khách. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng khách muốn thưởng thức then Tày tại các bản làng của người Tày ngày càng tăng cao. Đây là một hướng phát triển quan trọng. Vì khi thưởng thức nghệ thuật hát then tại các bản làng của người Tày, du khách mới có thể cảm nhận được không gian văn hóa – nghệ thuật một cách chân thực, sống động nhất. Hơn nữa, hoạt động này được tổ chức tại các bản làng của người Tày có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Số tiền thu được từ việc tham gia biểu diễn hát then phục vụ du khách góp phần giúp người dân bản địa cải thiện đời sống vật chất, nuôi dưỡng tình yêu với then, làm cho văn hóa then được bảo tồn và phát triển.
Du lịch khám phá văn hóa ẩm thực
Hiện nay, tại Cao Bằng hầu hết các nhà hàng đều có thể chế biến món ăn dân tộc Tày để phục vụ du khách. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là nhà hàng thuộc khách sạn Bằng Giang, nhà hàng Hương Thơm thuộc khu du lịch hồ Thang Hen. Hơn nữa, tại nhà hàng thuộc khách sạn Bằng Giang, du khách còn có thể đăng ký tham gia lớp học nấu các món ăn truyền thống của dân tộc Tày. Tại các khu du lịch văn hóa Tày (huyện Quảng Uyên, Hà Quảng…) người dân được tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ du khách. Nhìn chung, chất lượng các món ăn tại các điểm du lịch này được du khách đánh giá khá tốt. Hiện nay trong tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất các sản vật đặc trưng của người Tày Cao Bằng như chè dây, chè đắng, bánh khảo, bánh khẩu sli… Hằng năm, tỉnh thường tổ chức giới thiệu các món ăn của người Tày Cao Bằng tại nhiều hội chợ du lịch. Đây là một cơ hội lớn để quảng bá văn hóa ẩm thực Tày tại Cao Bằng; góp phần nâng cao hình ảnh du lịch ẩm thực Cao Bằng trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch gắn với văn hóa Tày
Người Tày ở Cao Bằng chiếm một tỷ lệ lớn trong các dân tộc thiểu số nơi đây. Vì vậy, có thể nói văn hóa Tày trải khắp mọi vùng miền trong tỉnh Cao Bằng. Xây dựng các chương trình tour, tuyến gắn văn hóa Tày với những điểm du lịch nổi tiếng trong địa bàn tỉnh là hướng đi đúng đắn để khách du lịch có những ấn tượng đầy đủ nhất khi đến với vùng đất Cao Bằng. Để phát triển du lịch dựa trên những giá trị cốt lõi của văn hóa Tày, tỉnh Cao Bằng đã và đang ưu tiên khai thác ba tuyến du lịch chủ đạo:
Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”: tập trung ở huyện Hòa An và Hà Quảng đưa du khách tìm hiểu về miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa – lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như: đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, khu di tích lịch sử Kim Đồng, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hành trình về nguồn cội cũng đưa du khách khám phá tiến trình lịch sử phát triển địa chất trên 500 triệu năm của trái đất qua các giá trị di sản địa chất mang giá trị quốc tế tại Cao Bằng.
Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay”: tập trung ở huyện Nguyên Bình với 16 điểm tham quan. Điểm nhấn của tuyến này là Khu du lịch sinh thái Phia Oắc – Phia Đén, trong đó đỉnh Phia Oắc cao 1.931m được coi là nóc nhà của Cao Bằng. Xưa kia người Pháp đã chọn Phia Oắc – Phia Đén làm nơi nghỉ mát, hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp. Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu, có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, bảy lá một hoa, vượn cao vít, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa… Rừng ở đây còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, trong đó đặc trưng là các khu rừng lùn. Tham quan tuyến này, du khách còn có thể ghé điểm di sản hóa thạch tại xã Lang Môn, di tích đồn Phai Khắt, làng dệt thổ cẩm in sáp ong của dân tộc Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồi chè Kolia, trang trại cá hồi…
Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”: tập trung vào 4 huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang, mang đến những trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay… qua các làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian, món ăn đậm đà hương vị núi rừng Việt Bắc như xôi trám, thịt nướng 7 vị, phở chua, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh cuốn Cao Bằng… Đến với “xứ sở thần tiên” này là đến với những hang động lớn có thạch nhũ đá đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang)… hay quần thể hồ – sông hang ngầm Thang Hen (Trà Lĩnh). Đặc biệt, hành trình này đưa du khách khám phá thác Bản Giốc (Trùng Khánh), được mệnh danh là thác nước lớn và đẹp thứ tư trên thế giới (trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia), và là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất, văn hóa bản địa cốt lõi. Trên tuyến này, du khách được ngắm các cảnh quan đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu như núi Mắt Thần, thác Nặm Trá (Trà Lĩnh).
3. Các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc Tày ở Cao Bằng
Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật
Để phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa dân tộc Tày trong hoạt động du lịch, công tác xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách cần được quan tâm. Các bản làng du lịch cộng đồng của người Tày, homestay cần có đủ điều kiện vật chất thiết yếu để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế như: buồng ngủ, nhà vệ sinh khép kín,… Khuyến khích người dân sử dụng nhà đá cộng đồng để đón khách, với sức chứa lên đến 100 khách (như ở Khuổi Kỵ). Các hộ dân làm du lịch phải được cấp kinh phí mua sắm vật dụng phục vụ lưu trú; được tập huấn kiến thức về lễ tân, nấu ăn và giao tiếp cơ bản. Cần đầu tư hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông, phủ sóng 3G, 4G đến tất cả các bản làng dân tộc Tày giúp bà con có thể phát huy những lợi thế để làm du lịch, chủ động kết nối với công ty lữ hành, đăng tải thông tin về dịch vụ homestay trên internet… Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch cũng cần được bảo đảm. Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng phù hợp gắn với những vùng văn hóa Tày; phát triển các dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách.
Tăng cường công tác quản lý du lịch văn hóa Tày
Vấn đề phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng văn hóa dân tộc thiểu số được xác định là phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng nhằm đảm bảo văn hóa, thiên nhiên bền vững, nâng cao nhận thức và tăng quyền lực cho cộng đồng. Cộng đồng dân tộc được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch, nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Du lịch cộng đồng phải duy trì tính bền vững cả về văn hóa và môi trường với ý nghĩa các nguồn lực phải được sử dụng, duy trì và xây dựng cho mục đích sử dụng của các thế hệ tương lai. Vì vậy, sự bền vững không chỉ là thái độ mà nó phải thể hiện sự đánh giá cao các giá trị tự nhiên và văn hóa của địa phương. Để tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch văn hóa Tày, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tộc Tày để đảm bảo môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh; vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi xấu, phản văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Tày. Những cơ quan quản lý cần tập trung vào công tác phát triển nhiều hoạt động văn hóa của dân tộc Tày ở các bản làng. Đây chính là cách thức tạo điều kiện để mọi giới, mọi lứa tuổi đang sinh sống trên địa bàn đều tham gia sáng tạo, biểu diễn, sinh hoạt, thưởng thức các hoạt động văn hóa thích hợp như: văn nghệ quần chúng, thông tin tuyên truyền, trò chơi dân gian, thể dục – thể thao, các CLB văn hóa gia đình, hát then… Phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý, phát triển nhiều loại hình du lịch, sản phẩm du lịch mới của dân tộc Tày tại địa phương; tham mưu tổ chức chương trình khảo sát điểm đến gắn với văn hóa Tày theo kế hoạch hợp tác phát triển du lịch với các địa phương và phục vụ công tác phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thị trường khách du lịch. Các cơ quan quản lý cần tăng cường huy động tổng hợp nhiều nguồn lực xã hội; ưu tiên nguồn ngân sách Nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa Tày; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư bảo tồn và phát triển các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Tày Cao Bằng. Đây chính là chìa khóa để du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, góp phần nâng cao đời sống người dân trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng du lịch của địa phương.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch văn hóa Tày ở Cao Bằng
Công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch văn hóa Tày cần được quan tâm và thực hiện trên nhiều phương tiện và hình thức khác nhau. Cần tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, hội thi về du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu về hình ảnh thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, những tour, tuyến du lịch tham quan bản làng người Tày, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của người Tày Cao Bằng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thiết thực tại địa phương để quảng bá như: lễ hội truyền thống của người Tày, hội thi về văn hóa ẩm thực Tày, thi hát then… Ngoài ra, thường xuyên đăng tải các thông tin quảng cáo về du lịch văn hóa Tày Cao Bằng trên các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm truyền thông, tập gấp, tờ rơi quảng cáo, đĩa VCD, cẩm nang, bản đồ du lịch; đặc biệt là qua website của ngành Du lịch Cao Bằng. Có thể kết nối, tổ chức những cuộc hội đàm, hội chợ thương mại – du lịch, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để liên kết các tuyến điểm thăm quan bản làng Tày Cao Bằng với nhiều khu du lịch của dân tộc Choang. Phối hợp với Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam làm chương trình giới thiệu và quảng bá du lịch, văn hóa, lịch sử Cao Bằng nói chung và văn hóa Tày nói riêng, thu hút khách trong và ngoài nước. Để công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa Tày đạt được hiệu quả cao, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phải có giải pháp, kế hoạch cụ thể để phối hợp chặt chẽ với đơn vị kinh doanh du lịch; quan tâm đến việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về xúc tiến quảng bá, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở tại địa phương; tham gia xúc tiến quảng bá hình ảnh văn hóa Tày tại khu vực, các thành phố trung tâm và tỉnh khác…
Việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, trong đó có dân tộc Tày đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức toàn diện và sâu sắc về phương hướng, đặc trưng, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hy vọng trong tương lai, với những định hướng đúng đắn, biện pháp cụ thể, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hình ảnh du lịch văn hóa Cao Bằng nói chung, du lịch văn hóa Tày nói riêng trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao đời sống người dân bản địa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Tài liệu tham khảo
1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 2473/QĐTTg, ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nhiều tác giả, Người Tày ở Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2009.
3. Hoàng Nam, Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2004.
4. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
5. Caobang.gov.vn
Tác giả: Nông Anh Nga – Ma Thị Quỳnh Hương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?