Truyền thuyết Hùng Vương và vấn đề đặc trưng hóa sản phẩm du lịch Phú Thọ

1. Vấn đề bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Năm 2012, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, trách nhiệm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trong bối cảnh hội nhập quốc tế càng trở nên quan trọng.

Được cấu thành từ những hợp phần vật thể và phi vật thể không tách rời, hài hòa trong tổng thể không gian văn hóa tín ngưỡng, lễ hội và phong tục đẹp đẽ, trải rộng trên địa bàn vùng đất tổ (345 di tích) (1) và trong không gian liên kết cộng đồng, dân tộc rộng vượt ra cả phạm vi quốc gia (1417 di tích trên phạm vi toàn quốc) (2) và quốc tế (cộng đồng người Việt ở nước ngoài). Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là công việc đầy khó khăn, phức tạp bởi tính chất phức hợp của di sản. Do đó, cần lựa chọn một quan điểm ứng xử phù hợp. Với các hợp phần vật thể, cố gắng gìn giữ, bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên dạng. Đối với các thành tố phi vật thể, cần phải có những nghiên cứu, tính toán cẩn thận về tính xác thực, niềm tin và tính có ích đối với cộng đồng.

2. Vai trò, vị thế của hệ thống truyền thuyết Hùng Vương trong các hợp phần di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

Truyền thuyết Hùng Vương là một hợp phần đặc biệt quan trọng của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Đó là một hệ thống các câu chuyện dân gian đa dạng song nhất quán về quan điểm, tinh thần, có tính hướng đích và chung đích rõ ràng. Nếu coi kho tàng văn học dân gian của người Việt là một cuốn bách khoa tri thức dân gian, thì hệ thống truyền thuyết Hùng Vương là một chuyên khảo về thế giới quan, tư duy, lịch sử, đời sống xã hội, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng… của người Việt ở thời sơ sử theo cách thể hiện riêng của thể loại. Truyền thuyết là nguồn tư liệu quý báu giúp người nghiên cứu nói riêng và các thế hệ đời sau “tìm sử trong truyện” (3). Mặt khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản đặc biệt không chỉ ở loại hình di sản (tín ngưỡng), mà còn ở những đặc điểm về không gian, phạm vi, hành trình phát triển và đặc biệt là sự đa dạng của các hợp phần. Di sản này được cấu thành bởi hệ thống di tích – cơ sở thờ tự và thực hành tín ngưỡng, các truyền thuyết, hệ thống nhân vật, thần tích, thần phả, hình thức diễn xướng, nghi lễ, di sản văn tự, hệ thống lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng được lưu truyền từ lâu đời, xếp lớp và đan quyện với nhau trong một không gian văn hóa đậm màu sắc dân gian vùng đất tổ.

Chính bởi vậy, truyền thuyết Hùng Vương là một hợp phần quan trọng của di sản chứa đựng toàn bộ những sáng tạo văn hóa về thời đại Hùng Vương, từ văn hóa vật chất cho tới tinh thần, từ sinh hoạt cho tới sản xuất, và đặc biệt là những phong tục, tập quán, những thành tựu văn hóa của dân tộc buổi đầu dựng nước. Các truyền thuyết sở dĩ có sức sống mạnh mẽ như vậy, bởi nó được nuôi dưỡng trong chính cộng đồng sáng tạo ra nó, và các giá trị tốt đẹp hàm chứa trong mỗi câu chuyện phản ánh khát vọng, ước nguyện của chủ thể.

3. Vấn đề khai thác các giá trị của hệ thống truyền thuyết Hùng Vương nhằm đặc trưng hóa sản phẩm du lịch của Phú Thọ

Nhìn từ phương diện lý luận và thực tiễn

Hiện nay, trong vấn đề bảo tồn di sản, hiện có ba quan điểm khác nhau là bảo tồn nguyên vẹn, bảo tồn kế thừa (chọn lọc) và bảo tồn phát triển. Trong đó, bảo tồn nguyên vẹn thường là tôn chỉ của ngành Bảo tàng, với hiện vật, di vật, di tích và cũng gặp phải hạn chế khi tranh luận và xác định về tính nguyện vẹn của di sản. Bảo tồn chọn lọc gặp khó khăn trong việc lựa chọn cái gì và loại bỏ cái gì trong quá trình bảo tồn. Bảo tồn phát triển là quan điểm mà theo đó, nhà quản lý cùng với các bên liên quan cần phải quan tâm tới tính xác thực của di sản. Tính xác thực của văn hóa không giống với tính xác thực của lịch sử. Nó không lệ thuộc vào khoa học hay những dẫn cứ lịch sử mang tính khách quan, mà phụ thuộc vào chính chủ thể di sản. Nó được tạo nên bởi niềm tin, tình yêu, tính có ích cho họ và thật sự thuộc về họ.

Xây dựng chương trình du lịch trải nghiệm di sản

ở lễ hội đền Hùng là điều cần thiết 

trong ảnh: Hội thi bánh dày – Ảnh: tư liệu của Đinh Vũ

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt là một sáng tạo văn hóa đặc biệt. Không gian văn hóa, người Việt tái hiện một không gian văn hóa đất tổ rộng lớn bao trùm quốc gia lãnh thổ – theo trí tưởng tượng và ý nguyện lập quốc, tự cường dân tộc. Đó là minh chứng cho ý thức nguồn cội của người Việt, cùng chung một dòng giống rồng tiên, chung một bọc trứng của mẹ Âu Cơ từ thuở khai thiên lập địa. Với hàng ngàn di tích thờ tự và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khắp cả nước, chưa kể ở các cộng đồng người Việt trên thế giới, việc gìn giữ, duy trì tâm thức và tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng có thể coi là một nét bản sắc quý báu của dân tộc; thứ hai, về mặt thời gian, trong quá trình lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đan quyện với hệ thống các tín ngưỡng dân gian bản địa truyền thống tạo thành một bức tranh đa màu sắc, sắc nét với một hình tượng vua Tổ của dân tộc. Cụ thể là hình tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, Quốc Mẫu Âu Cơ trong truyền thuyết Con rồng cháu tiên, hình tượng 18 vị vua Hùng được truyền đời từ 100 con trai có đủ tên gọi trong Ngọc phả Hùng Vương – được triều Lê cho phụng soạn vào năm 1472; hình tượng và danh thơm của những người anh hùng, những nhân vật có công với đất nước, dân tộc như đức Thánh Tản, Thánh Gióng, hoàng tử Lang Liêu, Mai An Tiêm… Ngay cả những hình tượng nhân vật theo truyền thuyết có mối liên hệ với các vị vua như Tây Thiên Quốc Mẫu – đối tượng thờ tự chính tại khu di tích, danh thắng Tây Thiên ở Vĩnh Phúc cũng là một điển hình trong sáng tạo văn hóa dân gian. Trong truyền thuyết, bà là vợ của hoàng tử Lang Liêu – vua Hùng thứ 7. Hình tượng bà đã được xây dựng trở thành một bậc mẫu nghi quyền năng, di tích thờ bà trở thành điểm đến tâm linh đặc biệt trong khu vực. Hay trên khắp vùng đất Tổ, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp một giai thoại, một thần tích, câu chuyện, một cái tên (tên làng, tên xóm, tên núi, tên sông…) gắn với thời kỳ Hùng Vương dựng nước trong truyền thuyết và trong tâm thức dân gian như một giai đoạn lịch sử lập nước.

Như vậy, cả một hệ thống truyền thuyết đa dạng song đặc sắc và nhất quán về một thời kỳ dựng nước của các vua Hùng là sáng tạo văn hóa có giá trị nổi bật của cộng đồng. Trong đó không chỉ tái hiện không gian văn hóa với các di tích, thần tích, thần phả, nhân vật, các câu chuyện, các biểu tượng văn hóa, đặc biệt là niềm tin vững chắc, thiêng liêng của các thế hệ nhân dân trải qua nhiều thế kỷ.

Một số phân tích tiêu biểu các giá trị văn hóa của truyền thuyết Hùng Vương có thể khai thác nhằm đặc trưng hóa sản phẩm du lịch Phú Thọ

Hệ thống truyền thuyết Hùng Vương là những sáng tác truyền miệng có đặc trưng dân gian hết sức rõ ràng, phản ánh niềm tin, nguyện vọng cũng như thế giới quan của người xưa trên vùng đất này. Các truyền thuyết Hùng Vương cung cấp nhiều cứ liệu về một thời kỳ dựng nước sơ khai, nhưng chứa đựng những hằng số văn hóa bản địa rõ nét – đó là đặc trưng văn hóa lúa nước buổi bình minh của dân tộc. Trong các truyện này, giá trị đặc trưng nêu trên đã được thừa nhận bằng niềm tin, lý trí và xúc cảm của người dân.

Lạc Long Quân và Âu Cơ (hay truyện Con rồng cháu tiên) là truyền thuyết điển hình có giá trị vinh danh tổ tiên, nguồn cội, giáo dục niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Toàn bộ đời sống của dân tộc từ buổi sơ khai đều được đặt trong “bọc trăm trứng” của cha rồng, mẹ tiên như một chứng nhận cùng huyết thống, dòng giống. Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng hay Tiên Dung, Chử Đồng Tử với những nhân vật, những câu chuyện, bài ca gửi gắm ước vọng của các thế hệ ông cha. Bên cạnh những truyện đầy màu sắc thần thoại, cũng có nhiều truyện gần gũi và chân thực với đời sống như: Sự tích trầu cau, Quả dưa hấu, Bánh chưng bánh dày, Vua Hùng dạy dân trồng lúa… Trong đó, nhiều truyện phản ánh niềm tin của nhân dân về một vị vua Hùng, lao động chăm chỉ, sáng tạo và hiếu thuận. Hơn thế nữa, họ tin rằng, với những phẩm chất đó, cuối cùng con người sẽ được nhìn nhận và đền đáp xứng đáng. Những niềm tin này hun đúc thành các câu chuyện dân gian lưu truyền trong lịch sử cho tới khi được những nhà nho tập hợp thành truyện kể có đầu có cuối, có cốt truyện rõ ràng, sau đó, triều đình phong kiến đã từ những tư liệu này mà đưa vào chính sử (4).

Giá trị tiêu biểu của các truyền thuyết này tựu trung ở hai điều: thứ nhất, phản ánh tư duy và nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa, trong đó, phần tinh túy nhất là ngợi ca giá trị của hạt lúa, của nghề trồng lúa nước; thứ hai, phản ánh bức tranh về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với việc ngợi ca lòng hiếu thuận, sự trân trọng, biết ơn tổ tiên, trong đó giá trị tinh hoa nhất là ngợi ca công đức của các bậc vua tổ có công gây dựng đất nước. Chính hai thông điệp này cùng với truyền thống biết ơn tổ tiên, cội nguồn đã đắp tô nên một tín ngưỡng đặc biệt, tinh hoa trên nền tâm thức ấy, đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Một số giải pháp khai thác ý nghĩa các truyền thuyết Hùng Vương cho việc đặc trưng hóa sản phẩm du lịch

Một là, xây dựng, phục dựng các di tích trở thành điểm đến di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: phục dựng và đầu tư cho Khu di tích/Khu tưởng niệm nhân vật Lang Liêu, tạo điểm đến cùng hệ thống di tích thờ cúng Hùng vương và tôn vinh giá trị văn hóa lúa nước, văn hóa cội nguồn, văn hóa thờ cúng vua Tổ; phục dựng ngôi đền thờ cùng cụm di tích tưởng niệm Lang Liêu với vai trò là tổ nghề ẩm thực trở thành không gian thờ tự, thực hành tín ngưỡng và tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa ẩm thực của địa phương và cả nước nhằm tôn vinh nghề ẩm thực và ngành Văn hóa, Du lịch.

Quan tâm, tu bổ các di tích ở Minh Nông và tuyên truyền về lễ hội vua Hùng dạy dân trồng lúa mới được phục dựng nhằm bổ sung điểm đến trong hệ thống di tích thờ cúng Hùng Vương, góp phần đa dạng hóa bức tranh lễ hội mùa xuân ở vùng đất Tổ, khắc phục tính thời vụ của lễ hội đền Hùng.

Hai là, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù: xâu chuỗi một ý tưởng hoàn chỉnh, khép kín cho hành trình city tour Dấu ấn không gian văn hóa Hùng Vương thông qua các điểm dừng tiêu biểu, đặc trưng như: đền Tiên, Khu di tích lịch sử đền Hùng, Hùng Lô, Minh Nông, Khu di tích Lang Liêu.

Thiết kế các chương trình đặc thù với ý tưởng chủ đề Tinh hoa văn hóa lúa nước và công lao của các Vua Hùng với hai loại chương trình (riêng các điểm chụm vào chủ đề và kết hợp các điểm du lịch tâm linh tín ngưỡng hoặc văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng khác trên địa bàn lân cận hoặc trong tỉnh)

Hoàn thiện các chương trình du lịch trải nghiệm di sản đặc thù, khai thác giá trị các truyền thuyết như: trải nghiệm xuống đồng cấy lúa đầu xuân, thi gói bánh chưng, giã bánh dày tại làng nghề Hùng Lô, tham quan cánh đồng Lang Liêu (Hương Trầm, Dữu Lâu)

Ba là, chú trọng đầu tư hoạt động giáo dục di sản: thiết kế các hoạt động giáo dục trải nghiệm di sản trong và ngoài trường (phổ thông và chuyên nghiệp) trên địa bàn tỉnh như: tham quan, trải nghiệm làng nghề Hùng Lô (thi gói bánh chưng, giã bánh dày, tìm hiểu đình cổ Hùng Lô, thưởng thức và tham gia diễn xướng hát xoan làng cổ); thiết kế các chương trình dã ngoại, thực hành kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn về di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại các điểm di tích; tổ chức các hoạt động ngoại khóa (giới thiệu sách, tư liệu video, thi tìm hiểu về di sản đất tổ,…) trong trường.

Điều chỉnh bổ sung các bài dạy trong nhà trường về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, các đời Hùng Vương nói riêng.

Nghiên cứu, thiết kế không gian chuyên đề về Các nhân vật thời Hùng Vương hoặc Tinh hoa di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Bảo tàng Hùng Vương nhằm tạo không gian nhất quán và điểm đến trải nghiệm giàu hàm lượng kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Từ những phân tích nêu trên về giá trị tiêu biểu của các truyền thuyết Hùng Vương, chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu, khai thác các giá trị này như những nguồn tài nguyên quý phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội nói riêng và phát triển cộng đồng nói chung là một vấn đề cần thiết và cấp thiết. Dựa trên tính xác thực về niềm tin, tình yêu, tính có ích cũng như quyền sở hữu sáng tạo văn hóa độc đáo này, cộng đồng chủ thể của di sản và cộng đồng tại chỗ hiện nay có quyền được thực hành tín ngưỡng và duy trì, phát huy niềm tin vào câu chuyện và nhân vật linh thiêng trong tâm thức của họ. Chứng tích của hàng trăm lễ hội truyền thống gắn với thời Hùng Vương khắp cả nước, chứng tích của hàng ngàn di tích – cơ sở thực hành tín ngưỡng dân gian này khắp ba miền Tổ quốc, thậm chí vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia là minh chứng cho sức sáng tạo và nhu cầu tâm linh – tinh thần to lớn của nhân dân với giá trị hướng về nguồn cội.

_______________

1. Sở VHTTDL Phú Thọ, Kiểm kê di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2016.

2. Số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thông tin, 2005.

3. Nguyễn Khắc Xương, Truyền thuyết Hùng Vương, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, 1971.

4. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO – Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2014, tr.12.

Tác giả: Nguyễn Thị Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *