Những năm gần đây, lượng khách du lịch tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng Lâm Đồng liên tục tăng cao, đây là kết quả của việc lựa chọn đầu tư vào những khâu mang tính đột phá…
Nỗ lực tự làm mới
Sau nhiều lần chuyển dời địa điểm, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Lâm Đồng yên vị tại một ngọn đồi thoáng đãng, đẹp và có vị trí cao nhất thành phố Đà Lạt (1.532m), thuộc khuôn viên ngôi dinh thự trước đây của điền chủ Nguyễn Hữu Hào (cha vợ vua Bảo Đại), số 4, đường Hùng Vương, phường 10, thành phố Đà Lạt. Toàn bộ khuôn viên bảo tàng có diện tích hơn 3.000m2, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo và lịch sử của một vùng đất anh hùng.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc bảo tàng, bảo tàng được Nhà nước quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, khu trưng bày hiện đại; cán bộ bảo tàng nhiều năm tích cực sưu tầm, bổ sung các hiện vật văn hóa, lịch sử và trưng bày, giới thiệu phục vụ khách tham quan, nghiên cứu… Song, dường như tâm lý nhiều người ngại và định kiến cho rằng bảo tàng là nơi cũ kỹ, khô khan… nên những năm trước đây, rất ít du khách chọn lựa, tìm đến.
Làm gì để bảo tàng thu hút khách, trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ?… là những câu hỏi được đặt ra đối với ban giám đốc và cán bộ, viên chức Bảo tàng Lâm Đồng.
Điều kiện về vị trí, cơ sở vật chất, kỹ thuật… đã có, điều cốt lõi, cơ bản nhất là tự thân phải nỗ lực, tự làm mới từ những điều người ta cho là cũ kỹ và khắc phục những hạn chế, thiếu sót để phát triển bảo tàng. Từ nhận thức này, lãnh đạo Bảo tàng Lâm Đồng đã thống nhất tập trung đầu tư vào các khâu có tính đột phá: quy hoạch lại mô hình trưng bày, chú trọng công tác quảng bá, kết nối giới thiệu và quan tâm việc bồi dưỡng, phát huy năng lực – nhân tố con người phục vụ du khách.
Về quy hoạch mô hình trưng bày, với hơn 15.000 hiện vật bảo tàng quản lý trước nay (và 113 hiện vật liên quan đến triều Nguyễn được tỉnh chuyển sang trong năm 2017); những năm trước, bảo tàng tổ chức trưng bày 2 cụm chuyên đề, hiện nay, thiết kế trưng bày thành 6 cụm chủ đề: thiên nhiên, Đà Lạt xưa, khảo cổ học tiền sử, văn hóa bản địa, phong trào cách mạng và thành tựu phát triển kinh tế, xã hội Lâm Đồng từ năm 1975 đến nay. Ngoài 6 cụm chủ đề trên, bảo tàng còn tổ chức trưng bày chuyên đề (hình ảnh, hiện vật) phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra hằng năm… Đặc biệt, bảo tàng đã cho xây dựng và quy hoạch trưng bày riêng với trên 300 hiện vật liên quan đến đời sống, sinh hoạt của vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam (vợ vua Bảo Đại), tại ngôi nhà 3 tầng kiến trúc Pháp có tên: Cung Nam Phương Hoàng Hậu.
Công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp, trường học để giới thiệu bảo tàng là vấn đề quan trọng then chốt. Trên cơ sở khảo sát nắm bắt nhu cầu của đối tượng khách tham quan và tiềm năng thực tế của bảo tàng, lãnh đạo Bảo tàng Lâm Đồng đã tích cực chỉ đạo đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện đồng loạt các nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá. Bên cạnh tuyên truyền, giới thiệu bảo tàng trên các tài liệu, tờ gấp, website của bảo tàng, lãnh đạo bảo tàng trực tiếp làm việc với Sở GDĐT, thống nhất phối hợp triển khai phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời… Thông qua Sở GDĐT, bảo tàng đã gởi thư ngỏ, tờ gấp giới thiệu về bảo tàng đến các phòng giáo dục, triển khai đến tất cả các loại hình trường học; hằng năm, cử cán bộ đi về các tỉnh, thành phố chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn để kết nối tour đưa khách đến Đà Lạt tham quan bảo tàng…
Đông đảo khách du lịch, học sinh, sinh viên tham quan hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng
Ảnh: T.D.H
Đặc biệt, công tác nhân lực được lãnh đạo Bảo tàng Lâm Đồng chú trọng từ khâu đón tiếp khách, hướng dẫn, thuyết minh, giới thiệu du khách tham quan bảo tàng cho đến cung cách ứng xử với khách du lịch… Đội ngũ cán bộ chuyên môn (12 người) đều được bố trí đi học, bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ cả về quản lý nhà nước và trình độ lý luận chính trị. Nhất là đội ngũ thuyết minh đều được đào tạo chính quy; hằng năm, ngoài tham gia các khóa tập huấn do Bộ VHTTDL tổ chức còn thường xuyên sinh hoạt chuyên đề, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự, thân thiện…
Điểm đến hấp dẫn
Năm 2018, Bảo tàng Lâm Đồng đón 50.801 lượt khách tham quan, nghiên cứu, học tập; trong đó, 27.637 lượt khách du lịch, học sinh, 21.260 lượt sinh viên và khách quốc tế có 1.904 lượt. 6 tháng đầu năm 2019, đã có 38.474 lượt khách đến tham quan bảo tàng (24.161 học sinh, sinh viên, 13.411 khách du lịch và 902 khách quốc tế). So với các năm trước, lượng khách du lịch đến bảo tàng tăng khá cao, đây thực sự là tín hiệu vui, khẳng định chủ trương của Bảo tàng Lâm Đồng có bước đi đúng hướng.
Hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng đã kết nối với trên 40 công ty, doanh nghiệp lữ hành lớn ở hầu hết các tỉnh, thành như: Transviet Travel, BenThanh Tourist, Saigon Tourist, Đất Việt, Thanh Niên…(TP.HCM); các công ty lữ hành tên tuổi ở các tỉnh, thành: Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên… Khi các công ty này tổ chức tour du lịch Đà Lạt đều đưa du khách đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng. Bảo tàng Lâm Đồng cũng đã liên hệ, kết nối giới thiệu đến hơn 400 trường học trong cả nước qua làm việc trực tiếp, ký kết văn bản phối hợp giữa bảo tàng với Ban giám hiệu các nhà trường về việc đưa học sinh, sinh viên đến bảo tàng tham quan, nghiên cứu, học tập; hoặc gửi thư ngỏ quảng bá, giới thiệu đến các nhà trường, cơ sở giáo dục… Ngoài ra, để tăng lượng khách du lịch, bảo tàng đã thực hiện giảm vé tham quan (từ 30 – 50%) cho mỗi đoàn khách; sáng tạo tổ chức sân chơi dành cho học sinh, thanh thiếu niên với các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, nhún đu, bịt mắt đánh chiêng, câu cá… Đặc biệt, bảo tàng đã xây dựng khu nhà sàn truyền thống của các cư dân bản địa (Mạ, Cơ ho, Chu ru) trong khuôn viên bảo tàng rộng gần 1.000m2, kết nối với các làng nghề: dệt thổ cẩm, đan lát, nghề gốm, rượu cần… phục vụ du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch hằng năm, nhất là vào dịp lễ, Tết, nghỉ hè, tham quan Bảo tàng Lâm Đồng liên tục tăng.
Thực hiện đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch của Bộ VHTTDL, hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng đã tiến hành áp dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng các cơ sở giữ liệu trong việc quản lý toàn bộ hiện vật; sơ đồ các khu trưng bày trên một hệ điều hành mới, hiện đại, có cài đặt mật mã, ký hiệu và ngôn ngữ của nhiều quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc…). Khách du lịch chỉ cần kích vào hệ điều hành này là có thể theo dõi, nghiên cứu, thuận lợi trong việc chọn lựa tham quan, nghiên cứu hệ thống hiện vật của bảo tàng… Đồng thời, Bảo tàng Lâm Đồng đã áp dụng công nghệ 4.0 trong việc trang bị hệ thống điện tử phục vụ công tác thuyết minh. Công nghệ này đã hỗ trợ đắc lực cho các thuyết minh viên trong quá trình thao tác, thực hiện nghiệp vụ khá thuận lợi…
Theo ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc bảo tàng, ngoài cố gắng phát huy các điều kiện thuận lợi, cán bộ, viên chức bảo tàng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch; trình độ thuyết minh, thái độ ứng xử với khách du lịch phải hết sức lịch sự, tạo sự thỏa mái, yêu mến không gian, kiến trúc, thiên nhiên và con người phố núi thơ mộng, dịu dàng.
Tác giả: Thanh Dương Hồng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?