Lời ca và âm nhạc là hai yếu tố cấu thành nên một bài dân ca của mỗi vùng miền. Xét đến lời trong dân ca, người ta thường nghĩ ngay đến đó là những áng thơ, hò vè dân gian được người dân phổ nhạc. Với dân ca Cơtu thì hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt đó thể hiện ở những bài bản dân ca của họ không được sáng tác từ thơ hay ca dao, hò, vè mà đó là những tiếng nói, tâm tư được ứng tác trên nền thang âm của chính dân tộc họ.
1. Nội dung ca từ
Cũng như hầu hết thể loại dân ca của các dân tộc, xét về giá trị nội dung, dân ca của người Cơtu ở Quảng Nam phản ánh vòng đời của người Cơtu từ lúc sinh ra, trưởng thành, lao động để mưu sinh và đến tận lúc từ giã cuộc sống. Dân ca Cơtu còn gắn bó với những phong tục tập quán, tư tưởng tình cảm, đạo đức và các vấn đề về ứng xử giữa con người với con người, con người với môi trường sống, đồng thời qua đó nói lên những khát khao, ước nguyện một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Người Cơtu sống nơi vùng núi cao hiểm trở với một đời sống tự túc, tự cấp là chủ yếu. Quanh năm họ làm lụng những công việc nương rẫy, đánh bắt ở sông, suối, núi rừng. Những công việc thiết yếu hằng ngày này được người dân đưa vào câu hát dân ca một cách tự nhiên, giản đơn, sống động mà chân chất như chính con người của họ vậy: Ta thả chài xuống sông mong trúng được/ Khúc sông này đầy một gùi/ Khúc sông kia đầy một t’léc/ Cá chình, cá tần đầy một t’léc… (Bắt cá).
Cả những việc chủ yếu của người đàn ông, đàn bà Cơtu cũng ghi dấu cảm xúc vui tươi, hạnh phúc khi họ được làm những công việc để phục vụ cho cho cuộc sống của mình và người thân như: Đàn ông đi lên rừng, đàn ông khiêng cây/ Đàn ông siêng làm nhà, đàn ông siêng làm Gươi… Đàn bà lên rẫy, đàn bà đi làm cỏ/ Đàn bà đi làm rẫy, đàn bà cùng vui… (Trai gái cùng vui).
T rong đề tài công việc hằng ngày, người phụ nữ Cơtu nói về trách nhiệm nặng nhọc của người đàn ông với tình cảm đầy yêu thương, trìu mến: …Đàn ông vác gỗ, họ cùng dựng chung/ Đàn ông vác tre, họ vác lá Lơng/ Đàn ông vác rìu, chúng tôi làm phụ/ Đàn ông vác rựa, chúng tôi đi làm cùng (Trai làng).
Có những lời ca chân chất phản ánh sự vất vả cực nhọc của phận người phụ nữ với âm hưởng nhẹ nhàng và đầy yêu thương: Anh ơi, anh hỡi!/ Anh đi lên rừng vang tiếng sáo anh thổi/ Anh qua suối qua sông thổi khèn, tiếng khèn anh vang lên/ Thật hay anh hỡi/ Còn em thì bổ củi mang về cho chồng con sưởi ấm…
Bên cạnh đó, họ còn biết yêu, ca ngợi vẻ đẹp thôn xóm của mình và tự hào với cuộc sống đổi thay trên quê hương: Thôn ta bây giờ rất đẹp/ Có điện chiếu sáng, có đường đi/ Có trường học, trẻ con thì được vui chơi/ Đẹp, tất cả đều đẹp (Điệu k’lới).
Khi đón những hạt lúa mới về với thôn bản, niềm phấn khởi, háo hức của người dân nơi đây cũng được gửi gắm trong những câu dân ca: Khắp núi rừng tràn ngập niềm vui/ Lúa chín vàng chờ bàn tay người… (Mừng lúa mới).
Nội dung trong dân ca Cơtu còn phản ánh tấm lòng chân thật, hiếu khách, đầy khiêm tốn khi đón khách phương xa đến chung vui với sự kiện của làng: …Nhà Gươi chúng ta mới làm chưa đầy đủ/ Khách đến chơi không có cá thịt rừng ăn/ Khách đến thăm không có chuối ăn/ Nhà Gươi chúng tôi luôn sáng ngời… (Mừng Gươi).
Trong các bài dân ca còn có thêm giá trị giáo dục tư tưởng, răn dạy con người về đạo nghĩa sống, cách đối nhân xử thế: Cái “rãnh” nhỏ mà lóa lên lưỡi mác, nhiều kẻ bỏ xác/ Cái hang như lỗ kiến mà lắm phiên tan tác giết nhau (Điệu Ba’booch).
Trong kho tàng dân ca Cơtu, nổi bật là các chủ đề về tình nghĩa, tình yêu nam nữ, tình cảm lứa đôi. Người Cơtu thường dùng biện pháp ẩn dụ, mượn các đề tài về sự việc, cây cối, cảnh vật thiên nhiên xung quanh cũng như các con vật gần gũi trong cuộc sống để nói lên suy nghĩ thầm kín và giãi bày những tâm tư của mình qua các ví von, so sánh như:
Đề tài ca ngợi vẻ đẹp của người con gái, con trai Cơtu: Em ơi em ơi!/ Tấm lòng em trong sáng như chim Chơ Răng/ Môi em cười đẹp như hoa Pơ Lang (Ba’booch giao duyên).
Bao trùm lên tất cả là đề tài về tình yêu nam nữ trong dân ca Cơtu với những hình ảnh ẩn dụ để giãi bày tình yêu lứa đôi. Ở nội dung này, người Cơtu thường nhìn cảnh vật nảy sinh tâm sự, giãi bày trong câu hát về triết lý nhân nghĩa một cách mộc mạc trong các điệu hát…Ánh trăng tròn soi đường chúng ta đi/ Ánh trăng tròn soi sáng như tình yêu của anh dành cho em… (Ba’booch).
Khi đã được thành đôi lứa, đám cưới diễn ra, người Cơtu hát trong ngày lễ trọng đại này những bài hát có nội dung đề cập chủ yếu đến chúc mừng hạnh phúc của đôi trẻ, chúc phúc lộc hai bên gia đình, chúc cho tương lai của đôi vợ chồng trẻ: Nhân ngày vui đây xin chúc anh em, nội ngoại đôi bên chàng rể cô dâu, mạnh khỏe sống lâu, của tiền dư tiêu/ Xin chúc cô dâu mau sinh con trai, trong zuôi lắm lúa, trong nhà lắm ngô (Mừng cô dâu chú rể).
Không chỉ trong tình yêu nam nữ của lứa tuổi trẻ mới thể hiện trong ca hát mà nội dung dân ca Cơtu còn tình cảm nồng ấm của những đôi vợ chồng: Thương em nhiều như lá trên rừng/ Đôi ta cùng xây đắp cuộc đời/ Trên rẫy ta có nhau/ Bên suối ta có nhau (Tổ ấm).
Niềm yêu thương, tâm tình và những hy vọng của người mẹ Cơtu về những đứa con: …ru ru con ngủ cho ngoan/ Một mai con cao lớn bằng sàn cao giống cha/ Ru ru con ngủ cho ngoan/ Một mai con cao lớn bằng cái sàn thấp/ Ru ru con ngủ cho ngoan/ Mẹ đã cất ống pa nénh cho con… (Hát ru).
Nội dung những bài dân ca Cơtu còn thể hiện dấu ấn của cách sử dụng từ ngữ không trau chuốt, sự mộc mạc dung dị khi thể hiện nỗi niềm xót xa lúc phải chia tay người thân, tiễn đưa người thân về cõi vĩnh hằng: “Ô ô nay anh đã chết rồi, đáng ra giàu có thì tôi sẽ cúng cho anh con heo, con trâu. Nhưng tôi nghèo nên chỉ cho anh chiếc chiếu thôi…”.
Có thể thấy rằng, nội dung đề tài trong dân ca của người Cơtu ở Quảng Nam đa số phản ánh toàn bộ những hoạt động, tâm tư của con người nơi đây một cách chân phương, mộc mạc. Chúng tôi nhận thấy, người Cơtu rất ít khi sử dụng cách chơi chữ hay bóng gió trong nội dung các bài hát dân ca. Điều này hoàn toàn phù hợp với tính chất phác, thật thà giản dị của người dân trên mảnh đất này.
2. Kết cấu lời ca
Đa số các dân tộc thiểu số ở nước ta thường đặt tên cho các bài hát dân ca theo thể loại. Cụ thể: người H’rê đặt tên bài hát theo các điệu hát: ta lêu (hát kể tự sự), ca choi (hát đối đáp), cham ba rông (hát cúng thần linh), hát ru. Người H’Mông có các làn điệu: hát đối đáp, hát ngâm, hát kể, hát than khóc.
Dân ca Cơtu được gọi tên theo làn điệu. Bên cạnh đó, còn có những bài có tên gọi cụ thể. Các bài dân ca có tên gọi ở đây không đặt tên theo mấy chữ đầu của bài hát hay đặt tên theo tiếng đệm lót, đưa hơi mà hầu hết được đặt tên theo nội dung của bài hát.
Đặc biệt, ở nơi đây có làn điệu dân ca Pr’ma Bh’noóch, được dịch nghĩa là hát lý. Điệu hát này khá phổ biến trong cộng đồng, nhất là với những bậc cao niên trong làng và bất cứ nội dung gì người dân cũng có thể lý lên được.
Xét về đặc trưng của ca từ, khi nói đến dân ca Việt Nam chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc đó là những vần thơ dân gian được hát lên: “Dân ca là ca dao, thơ dân gian được phổ nhạc, là sự phát triển thành âm nhạc của thơ ca dân gian” (1). Mặc dù vậy, trong quá trình tiến hành tìm hiểu âm nhạc của tộc người Cơtu ở Quảng Nam, tham khảo nhiều tài liệu, tiếp cận với một số già làng, đồng chí lãnh đạo, người giữ cương vị trong ngành văn hóa, chúng tôi nhận thấy rằng, ở vùng đất này, không có sự tách biệt giữa thơ ca và âm nhạc, dường như nơi đây thơ và nhạc đã hòa quyện thành một.
Có lẽ đây là vấn đề đáng chú ý trong khi tìm hiểu về dân ca của miền đất này. Chúng tôi giả định cho rằng, người Cơtu vốn đã có một kho tàng thơ ca dân gian nhưng có thể qua thời gian và biến cố của lịch sử nên vốn di sản quý báu này đã bị mất mát. Nhưng giả định trên không thuyết phục được, bởi vì thơ ca dân gian vốn có bản chất dân gian truyền khẩu. Xét đến các thế hệ của người Cơtu hiện nay thì chắc chắn rằng, vốn văn hóa này nếu có thì ít nhiều vẫn còn tồn tại. Vì thế, chúng tôi tạm thời cho rằng dân ca của người Cơtu chủ yếu được phát triển từ văn xuôi và một số thể loại được phát triển từ những lời nói thường ngày.
Góp phần thêm cho vấn đề này, theo chúng tôi, thay cho những câu thơ được sáng tạo trong cuộc sống, người Cơtu đã đưa tất cả vào giai điệu của âm nhạc. Khi vui mừng hân hoan họ hát và lý, khi buồn hay muốn gửi gắm tâm sự họ cũng sẽ lý và hát lên. Khi cần trao đổi những công việc hệ trọng thì cũng đã được họ nói rất bóng bẩy trong những câu lý…
Dân ca của người Cơtu tuy có dùng hệ thống từ phụ nhưng hệ thống từ phụ trong dân ca Cơtu sử dụng như là một phương tiện để tăng thêm sự biểu hiện cảm xúc của bài dân ca. Nó xuất hiện để làm rõ thêm cho làn điệu, tăng thêm tính chất trữ tình hoặc sự rộn ràng, vui tươi của làn điệu. Chẳng hạn như trong điệu Cha’chấp khi hát luôn có những từ phụ: “Hà ơ, hà ơ”; hay trong điệu K’lới với những từ: “Vớch Vớch Vớch, Ô ca van ơi”…
Dân ca Cơtu ít có trường hợp dùng tiếng đệm lót để hỗ trợ tiết nhịp. Hầu hết từ phụ ở đây dùng để mở đầu hoặc hoàn chỉnh một ý, một nội dung cần trình bày. Khi tìm hiểu từ phụ có nghĩa trong dân ca, người ta thường xét trên những câu ca dao, thơ ca dân gian được sử dụng sáng tạo thành lời ca chính của bài hát. Những từ phụ có nghĩa là những từ có thể làm rõ hơn ý của lời ca chính. Còn ở dân ca Cơtu do không hình thành trên các thể thơ nên không có khái niệm từ phụ có nghĩa. Bởi tất cả đều là từ chính.
Như vậy, đối với dân ca ở những vùng miền khác được phát triển trên các thể thơ thì dân ca Cơtu là văn xuôi. Lời ca ở đây được hát lên dưới dạng lời nói thường. Nó có đặc điểm mộc mạc giản dị, không bóng bẩy. Những tâm tư, lời nói trong cuộc sống thường nhật của con người nơi đây như thế nào thì họ biến cái đó trở thành lời hát. Những lời hát này có lúc gần gũi với thơ nhưng cũng có khi chỉ là những lời nói mộc mạc dân dã như chính tấm lòng của con người họ vậy. Cho nên, kết cấu lời ca trong dân ca của người Cơtu ít khi xuất hiện những yếu tố từ phụ dưới dạng hệ thống tiếng đệm lót, đưa hơi để tạo nên sự phát triển đường nét giai điệu như chúng ta thường thấy trong dân ca của người Việt.
______________
1. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Hát dân ca, Nxb Âm nhạc, 2008.
Tác giả: Lê Thị Quyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn