6. Khổ rải
Trong hệ thống các khổ phách/ khổ đàn nhạc ả đào, khổ rải là một mô hình có những đặc điểm tương đối dị biệt. Ở đây, cũng giống như khổ lá đầu, nó không có chức năng phân ngắt/ liên kết trong bài bản nên lá phách không cần tiếng “chát” dứt khổ. Nhưng khác với lá đầu, phách khổ rải đa phần chỉ được gõ nhẹ (p) hay thậm chí rất nhẹ (pp), có nghĩa mô hình tiết phách đã được xóa mờ có chủ ý. Điều đặc biệt, tùy vào từng vị trí sử dụng mà phách khổ rải sẽ có các dạng hình cấu tạo cũng như độ dài ngắn không giống nhau. Đó chính là sự khác biệt cơ bản của mô hình này so với các khổ phách nói chung.
Như đã biết, khúc nhạc giáo đầu ả đào là một tập hợp các khổ phách/ khổ đàn kết nối theo trật tự cố định, bao gồm: khổ sòng đầu – khổ rải – khổ giữa – khổ xiết – khổ rải – khổ lá đầu – khổ rải – khổ sòng cuối. Như thế, khổ rải xuất hiện tới 3 lần trong khúc giáo đầu đặc trưng, và đó cũng là 3 loại mô hình dài ngắn khác nhau. Dưới đây, chúng ta hãy quan sát các lá phách cơ bản của khổ rải, có thể chia làm 2 loại:
+ Một là mô hình khổ rải đứng ngay sau khổ sòng đầu, đây là loại khổ rải dài nhất – 11 nhịp (1/4).
Có thể thấy, mô hình khổ rải này được cấu tạo từ 2 vế cơ bản (6+5). Vế 1 gồm 6 nhịp, trong đó đáng chú ý là âm “tà rục”(*) nằm ở nửa sau nhịp thứ tư. Nó được xem như “nút thắt” đánh dấu đáng chú ý bởi mô hình vốn chỉ cấu tạo bằng những tiếng “phách” đơn khá rời rạc. Vế 2 gồm 5 nhịp, thực chất là tiết tấu “vay mượn” âm hình khổ lá đầu nhưng không dằn mạnh tay phách.
+ Hai là các khổ rải đứng trước và sau khổ lá đầu. Ở đây, liên kết bộ ba: rải – lá đầu – rải là một quan hệ hữu cơ giống như cặp bài trùng khổ giữa – khổ xiết. Có nghĩa 2 khổ rải này luôn đi kèm khổ lá đầu như hình với bóng. Để tiện cho việc quan sát đối sánh, xin đặt tên các mô hình là khổ rải tiền (trước lá đầu) và khổ rải hậu (sau lá đầu).
Nhìn vào các mô hình khổ rải đi kèm khổ lá đầu, sẽ thấy khổ rải tiền là mô hình ngắn nhất – 6 nhịp (1/4). Đây thực chất chính là vế 1 của mô hình khổ rải dài 11 nhịp với “nút thắt” “tà rục”(*) đặc trưng ở nhịp thứ tư. Còn khổ rải hậu là mô hình có độ dài trung bình – 7 nhịp (1/4). Trong đó, 2 nhịp đầu tiết tấu mờ nhạt, 5 nhịp tiếp theo lại chính là vế 2 của mô hình khổ rải 11 nhịp với sự láy nhẹ tiết tấu khổ lá đầu.
Như thế, về nguyên lý cấu tạo, các loại phách khổ rải có quan hệ khăng khít dạng mô hình mẹ – con với sự lồng ghép từng phần xác định. Trong đó, có thể coi khổ rải dài nhất (11 nhịp) là mô hình mẹ. Rồi 2 vế (6+5) của nó được chia tách ra thành 2 mô hình con, vế 1 (6 nhịp) lập thành khổ rải tiền và vế 2 (5 nhịp) kiến tạo khổ rải hậu – chuyên dùng kèm khổ lá đầu. Dưới đây, chúng ta hãy quan sát các loại khổ rải trong một khúc giáo đầu hoàn chỉnh. Trong đó, sẽ thấy những biến phách đơn giản so với các mô hình cơ bản đã trình bày. Ví dụ khổ rải 11 nhịp:
Ví dụ khổ rải tiền và khổ rải hậu:
Qua ví dụ nêu trên, có thể thấy về mặt cấu tạo, nhìn chung tiết tấu phách khổ rải phân bố cách quãng, nhiều khi đứt đoạn, rời rạc trong một nhịp độ thư thả. Ở đây, chính sự không liền mạch, chậm rãi đó cộng với cường độ nhỏ khiến phách khổ rải không hiện hình như một đường tuyến hay nhóm tiết tấu nổi bật. Các loại phách khổ rải, mấy nhịp đầu đều mờ nhạt, bỏ trống hay dãn nhịp, dường như để làm tách bạch, đề cao mô hình cấu kiện đã xuất hiện trước nó. Chỉ đến những nhịp cuối, tiết tấu mới hiện hình rõ hơn nhằm kết nối sang mô hình cấu kiện tiếp theo. Điển hình như trường hợp khổ rải 11 nhịp, ở ô nhịp cuối cùng đào nương còn chơi tiết tấu phách mau, đồng thời tăng tốc tạo sự gắn kết liền mạch sang khổ giữa, nó khiến cho ta có cảm giác như thể khổ giữa được nối dài. Có nghĩa trong diễn biến bài bản, rõ ràng nhạc ả đào không cần sự nổi trội của khổ rải giống như các khổ phách khác. Ở đây, xem ra cái tên “rải” đã thể hiện đúng bản chất của mô hình khổ phách này.
Về nhạc đàn khổ rải, nhìn chung có thể thấy rõ mấy đặc điểm cơ bản như sau:
+ Khổ rải 11 nhịp, nhạc đàn đáy chia làm 2 vế tách bạch ứng với 2 mô hình cơ bản của khổ phách. Vế thứ nhất, giai điệu được kết nối từ ngay nhịp cuối của khổ sòng đầu, những bước đi nhấn mạnh vào trục âm chủ giọng điệu thể cách ở âm khu thấp (cung Nam), như trong ví dụ nêu trên là Do – Mif – Sol. Vế thứ hai xuất hiện âm dẫn bậc VII (Sif) tạo nét giai điệu phát triển, kết nối liền mạch sang khổ giữa.
+ Khổ rải tiền, giai điệu nhạc đàn được gối đầu ngay từ nhịp kết – phách “chát” khổ xiết. Trong khổ đàn này, thấy rõ sự xuất hiện nổi bật của các âm phụ bậc IV (Fa) và bậc VII (Sif) giọng điệu thể cách, hay thậm chí âm biến cách Laf như trong ví dụ đã nêu. Điều đó tạo cho nhạc đàn khổ rải tiền tính chất tương phản với các phân đoạn khác.
+ Khổ rải hậu, nhạc đàn trở lại các bước nhấn vào trục âm chủ giọng điệu, nhưng diễn biến trên âm khu cao (cung Bắc).
Ở đây xin nói thêm, độ dài 11 nhịp của khổ rải được tổng kết từ đa số tư liệu vang đã sưu tầm. Tuy nhiên, trong đó cũng có những trường hợp mô hình chỉ dài 10 nhịp (6+4)- tức bỏ 1 nhịp cuối so với mô hình phổ biến. Điển hình cho lối kết cấu này là thế hệ các đào nương nổi tiếng một thời ở nhà hát cô đầu Khâm Thiên như Đàm Mộng Hoàn và Chu Thị Năm. Dưới đây là ví dụ về phách khổ rải kết cấu 10 nhịp trong khúc giáo đầu của 2 danh ca:
Có thể nói, các khổ rải đã trình bày đều được coi là những kiểu dạng cơ bản với nét giai điệu dàn trải cùng lối phách thưa điển hình. Thế nhưng với bản chất đoạn nhạc không lời, khổ rải 11 nhịp trong khúc giáo đầu cũng thường được các đào nương biến tấu ít nhiều, tạo nên những sắc thái đa dạng hơn. Như ví dụ dưới đây, đào nương Quách Thị Hồ đã tăng cường những nhịp phách mau ở cuối mô hình.
Hay đào nương Nguyễn Thị Phúc lại sớm tạo ra những biến phách ở ngay mấy nhịp đầu tiên. Và cũng giống như bà Hồ, có thể thấy nhịp ngưng nghỉ thứ 6 (dấu lặng) của mô hình cơ bản vẫn được bà Phúc bảo lưu, tạo sự phân ngắt giữa 2 vế khổ rải 11 nhịp.
Phá cách hơn nữa, đào nương Đinh Thị Bản còn tạo biến phách trên toàn bộ mô hình. Trong đó, nhịp thứ 6 phân ngắt được thay bằng tiếng vê đơn kéo dài, điểm lặng được chuyển sang nhịp thứ 9.
Đến đây, vấn đề được đặt ra là dù không hiện hữu như một mô hình cấu kiện nổi bật nhưng trong giới nghề ả đào, rải vẫn được gọi là khổ – ngang bằng như những khổ phách khác. Ở đây, với tư duy cấu trúc tổng thể, cũng có thể hiểu được vì sao người xưa coi khổ rải như một mô hình đối sánh bởi nó cũng có đường nét tiết tấu xác định. Nhưng thời nay, sự phân loại các mô hình có lẽ cần phản ánh đúng bản chất, cấu tạo cũng như chức năng vốn có của chúng.
Trong cấu trúc bài bản ả đào, các khổ sòng đàn, khổ sòng giắt, khổ lá đầu và cặp bài trùng khổ giữa – khổ xiết đóng vai trò như những mốc giới nổi bật, mang tính rường cột nhưng lại không bao giờ đứng liền kề. Và, sợi dây duy nhất kết nối, xâu chuỗi những mô hình cấu kiện đó chính là các khổ rải. Bởi vậy, trong phương pháp tiếp cận mới, phách khổ rải cần được nhìn nhận như những phân đoạn cầu nối hơn là mô hình cấu kiện ở hệ thống cấu trúc. Điều đặc biệt, không chỉ kết nối những mô hình cấu kiện, các phân đoạn khổ rải còn đồng thời đóng vai trò làm nền tảng trung tâm cho giai điệu lời ca vận hành. Đây được xem như vai trò/ chức năng chính yếu của mô hình. Và độ dài ngắn/ cấu tạo các loại khổ rải trong khúc giáo đầu như thế nào thì khi giao lồng vào cấu trúc lời ca, mọi chỉ báo vẫn được bảo lưu nguyên vẹn.
Như vậy, trên cách nhìn tổng thể, khổ rải chính là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện khuôn diện cấu trúc thể cách ả đào. Ở đây, cũng có thể ví khổ rải giống như những tấm “chiếu hoa” vuông vức, được trải liên tục ở khoảng giữa các khổ phách/ khổ đàn rường cột, rồi đào nương tùy cơ mà “bày biện”, mà ứng biến sắp đặt từng phân đoạn lời thơ trên đó. Làm nền cho giai điệu lời ca – điều này lý giải tại sao các mô hình khổ rải lại rời rạc, đơn giản và có quan hệ lồng ghép dạng mô hình mẹ – con. Bởi như thế, đào nương mới dễ nhớ, dễ thuộc để có thể phân tâm trong câu hát.
Trong hầu khắp các thể cách ả đào có cấu trúc khổ phách/ khổ đàn, nói chung khổ rải 11 nhịp là mô hình phổ biến nhất. Xuyên suốt toàn bộ bài bản, nó có chức năng như một cầu nối đa chiều cho phần lớn các mô hình cấu kiện. Điều đáng nói, trong cấu trúc giao lồng lời ca, sự xuất hiện của khổ rải 11 nhịp rất phong phú, đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong trật tự khổ sòng đầu – khổ rải – khổ giữa – khổ xiết như ở khúc nhạc giáo đầu. Trên thực tế, tổng cộng có 7 trật tự quan hệ của loại khổ rải này – cũng chính là 7 kết cấu có tính đơn vị góp phần hình thành nên khuôn diện bài bản. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy 7 kết cấu đơn vị này ở bất cứ thể cách ả đào nào có cấu trúc khổ phách/ khổ đàn. Dưới đây xin lần lượt giới thiệu từng trường hợp cụ thể.
+ Thứ nhất, nếu đứng sau các khổ sòng đàn (bao gồm khổ sòng đầu, khổ sòng cuối và khổ sòng xếp), khổ rải 11 nhịp sẽ kết nối với cặp khổ giữa – khổ xiết hoặc khổ sòng giắt.
Ví dụ về kết cấu khổ sòng đầu – khổ rải – khổ giữa:
Ví dụ về kết cấu khổ sòng đầu – khổ rải – khổ sòng giắt:
+ Thứ hai, nếu đứng sau khổ xiết, mô hình khổ rải 11 nhịp có thể kết nối với cặp khổ giữa – khổ xiết hay khổ sòng giắt.
Ví dụ về kết cấu khổ xiết – khổ rải – khổ giữa – khổ xiết:
Ví dụ về kết cấu khổ xiết – khổ rải – khổ sòng giắt:
+ Thứ ba, nếu đứng sau khổ sòng giắt, khổ rải 11 nhịp sẽ có 3 dạng kết nối – với khổ sòng cuối hay sòng xếp, với cặp khổ giữa – khổ xiết hoặc với khổ sòng giắt.
Ví dụ về kết cấu khổ sòng giắt – khổ rải – khổ sòng cuối:
Ví dụ về kết cấu khổ sòng giắt – khổ rải – khổ giữa:
Ví dụ về kết cấu khổ sòng giắt – khổ rải – khổ sòng giắt:
(Còn nữa)
_____________
37. Như đã trình bày ở phần đầu chuyên luận, khổ là một khái niệm đa nghĩa trong ả đào. Ở đây, khổ rải vừa là tên gọi một mô hình khổ phách/ khổ đàn, đồng thời vừa là tên gọi một phân đoạn cấu trúc có nhịp độ thư thả cuối bài Hát nói.
38. Cho đến nay, trong giới nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đôi khi cũng gọi khổ rải là “phần phách phụ”, hàm ý đối sánh với các khổ sòng đàn, khổ giữa, khổ xiết, khổ sòng giắt và khổ lá đầu. Hẳn bà cũng coi đây chỉ là phân đoạn kết nối, chuẩn bị cho các khổ phách chính hiện hình rõ ràng, nổi trội?!
Tác giả: Bùi Trọng Hiền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn