Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ cuối tháng 9 tới nay, khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới, các nhà hát ở Hà Nội đã và đang khẩn trương tập luyện trở lại với các vở diễn mới, hoàn thiện các vở diễn dang dở và bước đầu đưa vào lịch biểu diễn. Sân khấu đang chuyển động và đem đến một không khí tươi mới cho đời sống nghệ thuật, vốn đã rơi vào khủng hoảng, đóng băng suốt gần 2 năm nay. Làn gió nghệ thuật tràn đầy cảm hứng sáng tạo đã xuất hiện vào đầu tháng 11-2021 do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ, cùng các đạo diễn, lần lượt ra mắt 6 phiên bản, 6 cách diễn giải khác nhau về vở kịch cổ điển Hy Lạp nổi tiếng – Antigone.
1. Lý do thực hiện dự án
Năm 2019, Viện Goethe tại Hà Nội đã rất thành công khi phối hợp cùng các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để cùng giải mã “Kiều” trong chuỗi dự án Nàng K…- Cách tiếp cận mới về một di sản văn hóa, đặc biệt trên sân khấu thử nghiệm. Tiếp nối sau thành công đó, năm 2021, Viện Goethe muốn đưa tác phẩm nổi tiếng thế giới Antigone của Sophocles tới khán giả Việt Nam với 6 phiên bản khác nhau, trên cả sân khấu trực tiếp lẫn trực tuyến và được thể hiện qua nhiều hình thức như: trình diễn đa phương tiện, múa hình thể, kịch và đối thoại cộng đồng… Khán giả có cơ hội được trải nghiệm những giá trị nhân văn của một vở kịch Hy Lạp, ra đời từ TK V trước Công nguyên nhưng vẫn mang giá trị sâu sắc tới ngày nay.
Cảnh trong vở diễn Antigone của đạo diễn Bùi Như Lai – Ảnh: Liên Hương
Vở kịch Antigone của Sophocles – nhà soạn kịch nổi tiếng nhất thủ đô Athen (Hy Lạp), là một tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới. Suốt 2.500 năm qua, những chất liệu kịch của Antigone đã truyền cảm hứng cho giới sáng tác và thách thức sự soi chiếu bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Vở kịch Antigone đã được trình diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới, thậm chí có lần còn được biểu diễn trong rừng Amazon, nhưng theo ông Wilfried Eckstein – Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, Antigone rất có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng tại Việt Nam. Vở Antigone mới được giới thiệu ở Việt Nam vào năm 2009 tại Hà Nội và Huế, trong sự kết hợp giữa nghệ thuật tuồng Việt Nam và kịch mặt nạ Pháp của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Alain Destandau – Giám đốc Nhà hát Monte – Charge (Pháp). Nhưng thật thú vị khi thấy được những giá trị quen thuộc của Antigone trong văn học Việt Nam khi so sánh với tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Giống như Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, nàng đã phải đưa ra các quyết định mang tính luân lý, phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực trong xã hội.
Trong buổi họp báo chiều ngày 29-10-2021, ông Wilfried Eckstein phát biểu: “Dù ra đời từ lâu nhưng vở diễn vẫn mang tính thời đại đồng thời có nhiều lớp lang, tạo sự tự do nhất định để các nghệ sĩ có thể tiếp cận, diễn giải. Bởi vậy, chúng tôi gọi đây là mùa diễn Antigone, mở ra tất cả các cách đối thoại, diễn dịch, thể hiện của 6 đạo diễn với công chúng” (1). Giới chuyên môn đánh giá Antigone là một vở kịch mẫu mực nhờ có kết cấu chặt chẽ, chuẩn chỉnh và lời thoại đặc sắc. Bên cạnh đó, kịch tính cao trào và xung đột căng thẳng cũng chính là lý do khiến vở kịch đáng để thử sức. Theo NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Vở Antigone mặc dù đã được viết cách đây 2.500 năm nhưng cách phản ánh xã hội vô cùng chân thực, lời thoại viết rất sát với hiện đại, không có cảm giác xa cách mấy ngàn năm” (2).
Antigone xuất thân trong một gia đình gia giáo, vì tình yêu thương dành cho anh trai đã khuất, nàng đã đưa ra một quyết định dũng cảm và phải trả giá bởi hệ thống quyền lực, sự cai trị trong xã hội thời ấy. Antigone là một kịch bản có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhân loại nên đã được Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và các đạo diễn nổi tiếng như: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Thị Hòa An, Trần Minh Hải, nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng thực hiện. Các vở diễn Antigone trong dự án sân khấu lần này bắt đầu công diễn từ ngày 6-11-2021 đến tháng 3-2022 với hình thức trực tiếp trên sân khấu và trực tuyến.
2. Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dự án sân khấu Antigone
Dự án được triển khai trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên có nhiều khó khăn, thay đổi so với dự kiến ban đầu. Theo NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, sau thành công của các vở diễn như: Vòng phấn Kavkaz, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Nàng K…, Happy at Home, Viện Goethe và Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục hợp tác trong dự án Antigone: “Chúng tôi bàn năm 2021 sẽ dựng vở này cho Nhà hát Tuổi trẻ với sự tham gia của đạo diễn tới từ Đức. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài nên đạo diễn Đức không thể tới Việt Nam. Bởi vậy, lần này Nhà hát không tham dự với tư cách dàn diễn viên tham gia dự án, mà đóng vai trò hỗ trợ hậu cần cho vở diễn” (3).
Trong quá trình triển khai thực hiện, dựng tác phẩm Antigone còn gặp phải nhiều khó khăn bởi cách nhìn của người phương Đông và phương Tây vẫn có khoảng cách nhất định. Bởi vậy, Viện Goethe tại Hà Nội đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề vào ngày 23 đến 24-4-2021 nhằm chia sẻ về tác phẩm, cũng như cách các đạo diễn trên thế giới đã thực hiện vở diễn này để giúp các đạo diễn Việt Nam hiểu rõ hơn về vở kịch. Hội thảo đã quy tụ các đạo diễn, diễn viên, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế sân khấu, họa sĩ minh họa, nghệ sĩ video, biên kịch, dịch giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng thảo luận, thuyết trình để chứng minh có nhiều cách để tạo ra Antigone trong thời đại của chúng ta. Đồng thời, tìm ra những chủ đề nào còn tiềm ẩn trong tác phẩm văn chương thế giới này có thể được giải mã trong bối cảnh hiện tại, cũng như những lớp nghĩa tiềm tàng trong việc diễn giải vở kịch Antigone cho sân khấu Việt Nam. Các đạo diễn, diễn viên Việt Nam có cơ hội học hỏi cách tạo dựng một Antigone của Wanda Golonka diễn ở Schauspiel Frankfurt/ Main, 2004; Antigone do Thomas Köck đạo diễn tại Staatstheater Hannover, 2019; Antigone trên sân khấu Đức và Áo 2017-2021; cùng tìm hiểu Antigone và luật pháp trong bối cảnh Việt Nam đương đại… hay tham khảo những gợi ý về cách thiết kế sân khấu liên văn hóa, soạn nhạc cho sân khấu Antigone…
Thuận lợi là trong hoàn cảnh phải giãn cách xã hội, các đạo diễn, nghệ sĩ có nhiều thời gian suy ngẫm, diễn giải tác phẩm, tìm cách thể hiện hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đương đại. Nét độc đáo là vở Antigone dù được viết cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn không có cảm giác xa cách với đời sống thực tại. Bởi vậy, đây là điều kiện thuận lợi giúp các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật dàn dựng với phong cách ngày hôm nay.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng là đơn vị đứng ra chuẩn bị rạp hát quy chuẩn để các nghệ sĩ có điều kiện tỏa sáng và khán giả có những trải nghiệm nghệ thuật thú vị, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại nhà hát. Bên cạnh đó, Viện Goethe cũng công diễn trực tuyến các vở diễn Antigone để giúp khán giả quan tâm, nhưng không thể đến nhà hát, vẫn có điều kiện thưởng thức nghệ thuật.
3. 6 cách thể hiện Antigone – 6 cách tìm tòi khám phá riêng biệt
Antigone là cô con gái của gia đình Oedipus, nơi khởi nguồn của bi kịch. Câu chuyện về nàng Antigone bắt đầu từ cuộc tranh giành quyền lực giữa hai người anh trai của cô. Cả hai sau đó đều chết trong trận chiến. Vua Creon, vị vua kế vị, ra lệnh rằng, người anh bảo vệ thành phố sẽ được chôn cất nhưng người anh còn lại, kẻ đã mang quân tiến đánh thành phố thì không xứng đáng có một ngôi mộ. Antigone bất tuân luật lệ đã chôn cất người anh trai đáng lẽ không được chôn. Nàng chống lại luật lệ của vua Creon. Vì vậy, cô phải chết. Cái chết của Antigone vô tình kéo theo cái chết của hoàng tử và cả hoàng hậu, để lại sự ân hận, day dứt cho nhà vua. Vở kịch chỉ ra nguy cơ sụp đổ của chế độ thống trị tuyệt đối và ngụ ý một trật tự mới, nơi không có kẻ thống trị tuyệt đối, là niềm mong mỏi của con người.
Đạo diễn Trần Lực với một vở kịch “đẹp”, công phu trong diễn xuất và biên đạo
Đạo diễn Trần Lực cho biết, anh tập trung thể hiện sự đối nghịch giữa luật của nhà vua và luật của thần linh, trật tự do người nắm quyền sắp đặt và trật tự phổ quát. “Vở diễn mang chất bi hùng. Kịch bản Antigone bản thân đã hấp dẫn ở câu chuyện, các nhân vật. Tôi vẫn giữ theo ý tưởng của tác giả, ở đây là xung đột giữa hai luồng tư tưởng, Creon trung thành với pháp luật và sống theo pháp luật, Antigone mạnh mẽ, có quan điểm sống riêng, “theo luật của thánh thần” – trân trọng những gì thuộc về truyền thống, coi tình cảm gia đình là trên hết” (4).
Cuối buổi ra mắt đầu tiên, ngày 6-11-2021, đạo diễn Trần Lực chia sẻ, điều quan trọng nhất là tối giản về câu chuyện. Nếu như tác phẩm gốc khá phức tạp thì với phương pháp ước lệ biểu hiện, việc đầu tiên LucTeam làm là phải kể một câu chuyện cho mọi người dễ hiểu, giống như tích truyện trong sân khấu truyền thống.
Đạo diễn Trần Lực dàn dựng vở diễn theo phong cách sân khấu ước lệ, biểu hiện về không gian, thời gian, một nét đặc trưng của sân khấu phương Đông. Sân khấu vở diễn chỉ dùng hai màu đen và trắng, với mong muốn thể hiện nét đẹp của những con người sống có lý tưởng… Nếu như trong sân khấu chèo sử dụng manh chiếu thì ở vở kịch này, đạo diễn sử dụng một tấm thảm trắng. Bắt đầu vở diễn, tấm thảm mở ra như cách mở đầu một câu chuyện và khi kết thúc vở diễn, tấm thảm cuộn lại, khép lại câu chuyện. Các nhân vật mặc trang phục Hy Lạp cổ đại màu trắng, nổi bật trên sân khấu nền đen. Vũ đạo trong vở diễn mang tinh thần ngôn ngữ ước lệ biểu hiện, vốn là đặc trưng của nghệ thuật tuồng truyền thống. Phần âm nhạc được phối khí bởi nhạc sĩ Nguyễn Thanh Nam với các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như: trống, sáo trúc, đàn bầu… Người xem xúc động trước hình ảnh Antigone chôn cất người anh trai trong tiếng đàn bầu da diết ngân vang. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa sân khấu kịch phương Tây và nghệ thuật sân khấu kịch truyền thống Việt Nam. Chỉ trong 60 phút, các tình huống kịch được đẩy tới cao trào, diễn tả tinh tế, sâu sắc tâm lý nhân vật, đặc biệt xoay quanh Antigone, Ismene và Creon. Antigone bộc lộ là một người phụ nữ mạnh mẽ, coi tình cảm gia đình là trên hết, còn Ismene sống cầu toàn, luôn khát khao hạnh phúc, hòa bình. Antigone và Ismene là hai chị em ruột, tuy là hai thực thể khác nhau nhưng theo quan điểm của đạo diễn Trần Lực, thực ra họ như là một con người.
Nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng được đạo diễn xây dựng đầy ẩn ý. Mở màn vở diễn, xuất hiện chiếc vương miện, đến khi hạ màn cũng là chiếc vương miện. Đó là biểu tượng của quyền lực tối cao nhưng cũng là biểu tượng cho sự đau khổ, cho những cái chết của Antigone, Creon, Ismene… Đạo diễn có ngụ ý khi đưa hình ảnh chiếc vương miện xuyên suốt vở diễn: sự tranh dành quyền lực sẽ gây ra những mất mát đau thương.
Thông qua vở Antigone, đạo diễn muốn gửi gắm đến người xem một thông điệp: người phụ nữ cũng mạnh mẽ, khát khao cuộc sống không kém gì nam giới. Phụ nữ không phải cứ gắn cuộc đời với bếp núc, họ hoàn toàn có thể làm việc lớn, miễn là họ dám nghĩ, dám làm, có niềm tin, có tình yêu. Sau hơn 2.500 năm, thế giới này vẫn chưa thực sự bình đẳng. Nhân vật Ismene đã từng nói với Antigone: “Đàn bà thì không bao giờ chống lại được đàn ông”. Vấn đề bình đẳng giới không chỉ xảy ra ở nhiều nước trên thế giới mà cũng xảy ra ở một số nơi trên đất nước Việt Nam. Thông điệp của đạo diễn Trần Lực qua vở kịch này chính là: “Phụ nữ hãy cứ mạnh mẽ lên, khi bạn đã có quan điểm sống, quan điểm yêu, hãy thực hiện nó” (5).
Đạo diễn Bùi Như Lai với Antigone mang hơi thở thời đại
Với thế mạnh từ kịch nói, đạo diễn Bùi Như Lai xác định ba vấn đề cốt lõi cần giải quyết để vở kịch trở nên sống động, hấp dẫn trên sân khấu. Đó là quyền lực, tình yêu và tính đương đại. Đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ: “Khi đọc lại tác phẩm này, tôi thấy có mấy vấn đề đọng lại: thứ nhất, quyền lực dùng sai sẽ dẫn tới bạo lực; thứ hai là tình yêu nếu đến mức cực đoan sẽ dẫn tới bi kịch và thứ ba, điều tôi băn khoăn nhất, chúng ta đặt Antigone ở đâu trong đời sống đương đại bây giờ?” (6).
Trong bản dựng của đạo diễn Bùi Như Lai, sân khấu không mô phỏng không gian của thời cổ đại Hy Lạp. Đạo diễn cho biết, sân khấu chủ yếu được tạo dựng bởi những chiếc thang tre vừa gần gũi với khán giả Việt Nam, mang tính dân tộc, vừa mang biểu tượng riêng về quyền lực. Theo đạo diễn, có những nhân vật tham vọng vị trí quyền lực, họ không đi được bình thường, họ phải bò, phải leo. Bên cạnh đó, cái thang cũng tạo ra những khuôn mẫu, những cái khung để các nhân vật tồn tại. Nhân vật Ismene dường như không đi ra khỏi khuôn hình vuông của cái thang, cô ta trú ẩn, an toàn trong đấy. Đấy cũng là một cách sống. Cách sống ấy khiến cô tránh được bạo lực, giữ được mạng sống, giữ được tất cả những cái thuộc về cô ấy. Kết thúc vở diễn là một cái kết mở để khán giả tự suy ngẫm: cách sống như Ismene liệu có phải là cách sống đúng không? Cũng bằng cái kết mở ấy, nàng Antigone từ trên sân khấu bước xuống và ngồi cạnh khán giả. Đạo diễn gửi gắm thông điệp của vở diễn thuộc về khán giả và khán giả sẽ tự định đoạt cuộc đời, số phận, tinh thần, tình yêu của Antigone, cũng là của chính mình trong cuộc sống hiện thực.
Bản dựng Antigone của Bùi Như Lai giàu kịch tính, khiến nhiều khi người xem cảm thấy ngạt thở vì sức nóng của những xung đột. Ngay từ những phút đầu của vở diễn, khán giả đã rất ấn tượng, thậm chí bị sốc trước khung cảnh cắn xé nhau do chính con người gây ra, phản ánh những góc khuất, góc tối của xã hội hiện tại. Đạo diễn quan niệm sân khấu như một chảo lửa, một sàn đấu đúng nghĩa. Trên sàn đấu đó, sẽ có người gục ngã, sẽ có người chiến thắng. Chính cái sàn đấu ấy sẽ tạo ra sức nóng, sẽ lôi cuốn, thức tỉnh khán giả.
Đạo diễn Bùi Như Lai tâm sự: “Tôi không muốn dàn dựng vở diễn Antigone như tinh thần của bản gốc vì không muốn nghệ sĩ Việt diễn như một người phương Tây, cũng không muốn diễn viên mặc trang phục thời Hy Lạp cổ đại. Tôi muốn một bản diễn hiện đại, tiết tấu nhanh, mạnh, có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn. Bên cạnh đó còn là sự thay đổi trong cách các nhân vật gặp gỡ, đối thoại, lựa chọn hành động” (7).
Kết thúc vở diễn, khán giả có cơ hội giao lưu và được đạo diễn cùng ekip chia sẻ dụng ý khi thực hiện vở diễn: “Đây là một vở diễn nhưng cũng có thể coi đó là một xã hội nếu người xem nhìn kỹ những phân tầng của nó. Người ở quyền lực cao, người ở quyền lực thấp, người thì nhẫn nhịn chờ đợi cơ hội của mình, người thì có thể là nhà tiên tri, cũng có thể là người đương thời nhưng cũng có thể là trí tuệ nhân tạo trong tương lai, sẽ điều khiển mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta” (8). Mục đích lớn nhất mà ekip muốn mang lại là giá trị chân thực nhất cho người xem, muốn đưa cuộc sống thật lên sân khấu để mang lại hơi nóng cho khán giả, thức tỉnh khán giả sẽ làm gì cho cuộc sống tốt đẹp hơn?
Antigone – Âm Mù – một trải nghiệm Immersive Theatre trên nền tảng số Discord
Bản dựng Antigone – Âm Mù của ekip XplusX Studio và đạo diễn Hà Nguyên Long được công diễn trên nền tảng Discord vào 20 giờ ngày 20-11-2021 và 4-12-2021 tại Viện Goethe Hà Nội. Tái hiện lại Antigone của Sophocles trong một quang cảnh có tính hậu sự kiện, Antigone – Âm Mù được đặt trong một bối cảnh giả định mà câu chuyện chỉ tồn tại trên không gian số, nơi các khái niệm như sự sống và cái chết, thời gian và không gian đều đã bị đảo lộn, mắc kẹt trong một singularity (điểm kỳ dị) – là một trong những gợi mở cho bối cảnh trình hiện vở diễn. Điểm nhấn quan trọng trong ý tưởng của vở diễn là khán giả có thể tự do di chuyển giữa những không gian thảo luận số và không gian trình diễn của vở kịch, lựa chọn tập trung trải nghiệm của mình vào bất cứ gợi ý nội dung nào diễn ra trong buổi công chiếu. Antigone – Âm Mù sử dụng nền tảng trực tuyến Discord để xây dựng không gian tương tác và để trình chiếu vở kịch. Bên trong không gian Discord, các tuyến tự sự được chia thành các kênh hay các phòng chat, nơi khán giả có thể tương tác hoặc quan sát một sự việc diễn ra liên tục, tuyến tính theo dòng chảy thời gian của vở kịch. Các nhân vật trong vở diễn cũng xuất hiện trong không gian tương tác, tạo nên những diễn biến mới cho nhân vật. Có ba mức tương tác khác nhau trong không gian tương tác của Antigone – Âm Mù. Mức độ thứ nhất, khán giả được tiếp cận với các kênh văn bản, có thể lướt lên/xuống, tìm đọc các thông tin được tự động đăng và khám phá những phần thông tin bị che mờ đi. Mức độ thứ hai, khán giả được phép tương tác với các tin nhắn bằng biểu tượng cảm xúc, nhập các lệnh có sẵn nhằm trả lời các tin nhắn tự động, hoặc bỏ phiếu cho các quyết định của nhân vật. Cuối cùng, ở mức độ cao nhất, khán giả có thể trực tiếp tương tác và trò chuyện với nhân vật, mà không có một rào cản nào. Bản dựng Antigone – Âm Mù khiến kiệt tác cổ điển này lấp lánh ánh sáng và căng tràn hơi thở mới lôi cuốn, hấp dẫn khán giả.
A woman – vở kịch múa đương đại
Thay vì cố gắng chuyển tải toàn bộ các lớp lang triết lý của vở kịch gốc, A woman tập trung khai thác sâu hơn vào thế giới nội tâm của Antigone. Dùng hành trình của người con gái này để trả lời cho câu hỏi: con người có thể làm gì trước một định mệnh đã được sắp đặt, dù đó có thể là một bi kịch? Con người sẽ bước tiếp ra sao trong hành trình đi đến cái chết mà mình đã biết trước? Với những thể nghiệm mới trong cách tiếp cận vở kịch gốc và chuyển thể bằng ngôn ngữ múa đương đại, A woman sẽ ra mắt vào ngày 8-1-2022 tại Viện Goethe. Đây là một bản diễn mở rộng thêm những chiều kích của Antigone với những suy ngẫm, cảm nhận từ lăng kính hôm nay về câu chuyện xảy ra cách đây 2.500 năm trước.
Đạo diễn Lê An với Dự án Kịch nói – Đối thoại cộng đồng
Đạo diễn Lê An của Saigon Theatreland đã đặt ra những câu hỏi trước khi bất đầu dự án: Giữa Antigone, một cô gái Hy Lạp trong văn học cổ đại và các cô gái, khán giả trẻ Việt Nam ngày nay có điểm gì chung? Họ có phải đối diện với những nỗi đau của sự chia lìa, mất mát hay không? Và họ cần làm gì để vượt qua, tự tin vào bản thân và bước tiếp trên hành trình của mình? Vở diễn xoay quanh nhân vật An trên “hành trình đi tìm bản dạng cá nhân”. Chỉ có sự lựa chọn và hành động của bản thân mới có thể giúp cô vượt qua những mất mát của quá khứ, đối diện với hiện tại và hy vọng vào tương lai. Lựa chọn hình thức Việt hóa, lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, Bức chân dung là một tác phẩm kịch khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1970. So sánh hành trình cá nhân của người Sài Gòn cách đây 50 năm và hiện tại, có thể thấy điểm tương đồng trong niềm tin vào sự lựa chọn và hành động của bản thân. Trước kia hay bây giờ, chỉ còn là khái niệm về thời gian vì con người chưa bao giờ nói lời từ chối với những giá trị mà trái tim mách bảo, chưa bao giờ cạn kiệt lòng dũng cảm để đi đến cuối hành trình. Thông qua hình thức kịch nói và đối thoại cộng đồng, vào ngày 19 và 26-2-2022 với hình thức trực tuyến, Bức chân dung sẽ mang đến một sân khấu trình diễn mà mỗi khán giả trở thành nhân vật trung tâm, tự đối thoại và tìm câu trả lời cho cuộc hành trình.
Nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng – Màn trình diễn thể nghiệm
Màn trình diễn với những suy tư, những giả định xoay quanh cái chết của Antigone. Đó là những giả định vô hình về một địa điểm, một không gian không xác định, một cầu nối giữa cái chết và sự sống được đặt ra xuyên suốt màn diễn. Những nhân vật nữ chính trong tác phẩm sẽ kể lại câu chuyện trong một không gian giả định, phi tuyến tính thông qua ngôn ngữ ước lệ biểu hiện của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Quá trình sáng tạo này so sánh và phản chiếu góc nhìn của chúng ta với con người và văn hóa Hy Lạp cổ đại, từ đó gợi lên những điểm tương đồng, khác biệt, hòa hợp và tương phản giữa các nền văn hóa, giữa các thời đại. Đây cũng là quá trình thể hiện sự tương đồng cho thẩm mỹ đương đại và nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Màn trình diễn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-3-2022, hình thức trực tuyến.
4. Kết luận
Kịch kinh điển phương Tây là những tác phẩm mẫu mực của sân khấu. Kịch bản có nhiều tầng tư tưởng và nhiều lớp ý nghĩa để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Ý nghĩa nhân văn của vở kịch cổ xưa Antigone vẫn còn gây tiếng vang, rung động lòng người trong thời đại 4.0. Các buổi diễn của mùa diễn Antigone lần này cũng là minh chứng cho thấy, sân khấu vẫn có thể “cháy” trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này hoàn toàn phù hợp và đáp ứng yêu cầu chuyển hướng nhà hát trực tuyến, nhà hát truyền hình của Bộ VHTTDL đặt ra từ năm 2020. Và gần đây, ngày 22-9-2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa cũng nhấn mạnh các đơn vị, nhà hát cần phải chủ động, tích cực hơn để chuyển đổi, dần thích nghi, không thể lấy lý do chờ hết dịch mới lên sân khấu biểu diễn (9).
Sau một thời gian dài sân khấu dường như đóng băng, mùa kịch Antigone đã thổi bừng lên niềm khát khao được cháy hết mình trên sân khấu của các nghệ sĩ. Với 6 cách sáng tạo mới lạ, khám phá độc đáo đã chứng minh tinh thần quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, say mê nghệ thuật của các đạo diễn, diễn viên, cùng ekip sáng tạo. Cuộc giao lưu văn hóa, nghệ thuật lần này đã tạo đà cho sân khấu Việt phát triển theo nhiều hướng mới mẻ, khán giả có cơ hội được trải nghiệm, thưởng thức, tiếp cận vở kịch nước ngoài theo nhiều hình thức khác nhau, vừa thuần Việt, vừa hiện đại trên cả sân khấu trực tiếp lẫn trong thế giới ảo.
____________________
1, 2, 3, 4, 6, 7. Các ý kiến tại buổi họp báo Dự án sân khấu Antigone tại Viện Goethe Hà Nội, ngày 29-10-2021.
5. Đạo diễn Trần Lực chia sẻ sau vở diễn Antigone tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, ngày 6-11-2021.
8. Đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ sau vở diễn Antigone tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, ngày 7-11-2021.
9. Nguyễn Khánh, Bộ trưởng Văn hóa: Chờ hết dịch đã muộn, nhà hát có thể kiếm tiền từ YouTube, tienphong.vn, 22-9-2021.
Tài liệu tham khảo
1. Thanh Hiệp, Tạo lối đi mới cho kịch Việt, nld.com.vn, 16-11-2021.
2. Hội thảo Antigone tại Viện Goethe Hà Nội, ngày 23 và 24-4-2021.
3. Trang thông tin và Dự án sân khấu Antigone tại website của viện Goethe Hà Nội: www.goethe.de
TS NGUYỄN LIÊN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn