Từ hơn một thế kỷ trước, khi nhà hoạt động sân khấu lỗi lạc người Nga K.C. Stanislavski (1863-1938) đã mệnh danh sân khấu là “thánh đường”, và ở đó diễn viên là “ông hoàng, bà chúa”, cho đến nay những người làm sân khấu vẫn luôn tự hào với những tên gọi mỹ miều ấy để nói về nghề cao quý của mình. Dẫu vậy, cũng không thể không nhận thấy, trên con đường phát triển đa màu sắc của sân khấu thế giới, không ít phen “thánh đường” nghệ thuật bị chao đảo bởi tác động của nhiều yếu tố trong thời đại mà nó tồn tại: thể chế chính trị, tư tưởng tôn giáo, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các loại hình nghệ thuật, giữa cái truyền thống và cái hiện đại, v.v… Là tấm gương phản ánh xã hội và đời sống con người, ở thời đại nào, sân khấu cũng có những bước đi thăng trầm và những đặc điểm riêng của nó. Có lẽ, TK XXI, mặc dù mới đi qua 2 thập niên đầu tiên, nhưng là quãng thời gian có nhiều biến động, trong đó phải kể đến hai hiện tượng – nổi lên như hai làn sóng tác động sâu sắc và rộng lớn đối với toàn thế giới.
Thứ nhất, cách mạng công nghệ số. Khi nhân loại bước vào TK XXI, cũng là lúc bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng có tác động thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các quốc gia… Là một nước đang phát triển, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu của nhân loại đang đón nhận sự phát triển đột phá của “cuộc cách mạng công nghệ số”. Cũng như mọi lĩnh vực đời sống, ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu nói riêng đang đón nhận nhiều cơ hội, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật – giải trí hiện đại nhờ công nghệ số.
Thứ hai, đại dịch COVID-19. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn đưa cấp độ văn minh của xã hội loài người phát triển thêm một bước, thì ngược lại, SARS-CoV-2 đã và đang hủy diệt hàng triệu mạng sống con người trên toàn thế giới; trực tiếp hay gián tiếp, virus corona gây ảnh hưởng xấu đến mỗi con người, không chừa một ai… “Giãn cách”, “cách ly”, “phong tỏa”… là chủ trương, là “quốc sách” mà lãnh đạo nhiều quốc gia yêu cầu người dân tuân thủ để chống dịch, để dập dịch… Ở Việt Nam, gần như toàn xã hội đã đồng lòng hưởng ứng chủ trương “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ.
Đại dịch COVID-19 như một “phép thử”
Có lẽ chưa bao giờ, sân khấu lại có những trải nghiệm như lúc này. Thử nghĩ, sân khấu là hoạt động tập thể, sáng tạo của tập thể nghệ sĩ; vở diễn sân khấu được dàn dựng là để biểu diễn, mà biểu diễn thì phải có khán giả. Không có khán giả, bất thành sân khấu! Liệu “giãn cách”, “cách ly” có “triệt tiêu” sân khấu? Theo tôi, có thể coi đại dịch SARS-CoV-2 là một “phép thử” đối với sân khấu, đối với giới nghệ sĩ.
Nhìn lại hoạt động của ngành Nghệ thuật biểu diễn năm 2020, chỉ nói riêng về lĩnh vực sân khấu, khá bất ngờ trước những con số: Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các Hội chuyên ngành tổ chức thành công 4 cuộc thi tài năng trẻ diễn viên toàn quốc ở đủ các thể loại tuồng và dân ca kịch, chèo, cải lương, kịch nói, tại nhiều tỉnh thành khác nhau; Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV, năm 2020 do Bộ Công an phối hợp Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức; Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ tư do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức… Ngoài ra còn có hàng chục buổi diễn của các nhà hát với nhiều vở diễn mới được dàn dựng trong năm 2020. Để hoạt động có thể không bị “đứt đoạn” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, với sự tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của các đợt giãn cách, cách ly, các nhà hát vẫn phấn đấu thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu hằng năm, các nghệ sĩ vẫn âm thầm luyện tập, dàn dựng cho ra vở mới…
“Hiện tượng Sân khấu Lệ Ngọc”
Chính trong bối cảnh rất đặc biệt của năm 2020, trong đời sống sân khấu nước ta đã nổi lên một hiện tượng cũng khá đặc biệt, có thể gọi là “hiện tượng Sân khấu Lệ Ngọc”, một đơn vị nghệ thuật sân khấu tư nhân, đúng nghĩa là “sân khấu xã hội hóa” đầu tiên ở miền Bắc. Khởi nguồn từ “Nhóm kịch xã hội hóa” của Nhà hát Kịch Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ năm 2013, đến tháng 9-2016, Câu lạc bộ Sân khấu Lệ Ngọc chính thức được thành lập, trực thuộc Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và sự hỗ trợ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, với Ban lãnh đạo gồm NSND Lệ Ngọc, người đã có hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam – Chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ Văn Hải – Giám đốc Sản xuất, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc Điều hành.
Chỉ mới sau hơn 4 năm hoạt động, Sân khấu Lệ Ngọc đã là cái tên rất quen thuộc không chỉ với công chúng yêu sân khấu Thủ đô và cả nước, mà còn được nhiều nhà chính khách, nhà ngoại giao và khán giả của nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu biết đến và yêu thích qua những vở diễn sân khấu đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Sân khấu Lệ Ngọc đã làm được một khối lượng công việc đồ sộ mà không một đơn vị sân khấu nào, công lập hay ngoài công lập, có thể làm được.
Kể từ khi hoạt động độc lập, năm nào Sân khấu Lệ Ngọc cũng ra mắt vài ba vở mới, riêng năm 2019 dàn dựng 4 vở, đặc biệt năm 2020 là một năm đầy những biến động bất lợi của toàn thế giới trước đại dịch COVID-19, Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng và ra mắt 6 vở mới. Các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc đã làm việc không ngừng nghỉ, kể cả khi thực hiện lệnh giãn cách của Chính phủ, họ vẫn âm thầm nghiên cứu kịch bản, tập thoại, để khi lệnh giãn cách được cởi bỏ thì lập tức “bung vở”, có ngay 2 vở tham gia Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV (trong đó, vở Tình bạn và công lý đã được tặng HCV, cùng với 4 HCV và 2 HCB dành cho diễn viên, vở Hoa sen lửa đoạt 2 HCV và 2 HCB cho diễn viên). Khi lệnh giãn cách được cởi bỏ, Sân khấu Lệ Ngọc đã thực hiện mấy chục buổi diễn ở những sân khấu lớn như Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp Đại Nam, rạp Hồng Hà… Không chỉ chiếm lĩnh sàn diễn của nhiều nhà hát ở Thủ đô, Sân khấu Lệ Ngọc đã và đang là cái tên mới lạ đối với công chúng yêu sân khấu ở TP.HCM, thu hút khán giả trở lại với sân khấu nhà hát thành phố để thưởng thức những vở kịch nói đậm chất “kịch Bắc”. Chỉ trong vòng nửa cuối năm 2020, Sân khấu Lệ Ngọc đã thực hiện 2 chuyến lưu diễn tại TP.HCM, mỗi đợt đều diễn liên tục suốt 9-10 ngày, với tần suất từ 2-3 buổi diễn/ngày, mà buổi diễn nào khán giả cũng ngồi gần kín rạp. Thật là những con số “khó tin”, là điều mơ ước của rất nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, vì từ trước tới nay chưa có nhà hát nào có thể “trụ” nổi ở sân khấu nhà hát thành phố với chừng ấy suất diễn liên tục trong nhiều ngày như vậy.
Cảnh trong vở diễn Cuộc chiến COVID của Sân khấu Lệ Ngọc
Ảnh: Hoài Phương
Để kết thúc năm 2020 rất ấn tượng và mở màn cho một năm mới 2021 hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi hơn nữa, đêm 12-1-2021 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Sân khấu Lệ Ngọc đã ra mắt vở diễn Cuộc chiến COVID (tác giả: Minh Nguyệt, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây là vở diễn đầu tiên của sân khấu kịch nói Việt Nam với đề tài về đại dịch COVID-19. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng làm việc cật lực không kể ngày đêm, Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng và trình diễn vở kịch mang tính thời sự nóng hổi, được lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành ủng hộ, khích lệ. Về mặt nghệ thuật, đạo diễn đã sử dụng một số thủ pháp, tuy không phải là hoàn toàn mới, nhưng rất phù hợp với nội dung của “cuộc chiến COVID”, ví dụ như đạo diễn đã sử dụng đến mức tối đa màn hình led, kết hợp giữa kịch với điện ảnh, đan xen giữa sân khấu thực với màn hình, kết hợp với âm thanh và ánh sáng hiệu ứng mạnh… tạo cho vở diễn “sức nóng” thực sự của cuộc chiến chống đại dịch đang hoành hành trên khắp thế giới, tác động toàn diện và mạnh mẽ đến mọi giác quan nghe, nhìn và cảm xúc của khán giả. Có một số cảnh diễn gây xúc động bởi tính chân thực của các sự kiện và diễn xuất nhiều cảm xúc của diễn viên… Có thể do chạy đua với thời gian để ra mắt vở, lại là vở kịch đầu tiên trực diện nói về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nước ta nên còn có một số điểm cần nâng cao hơn nữa về mặt kịch bản cũng như về dàn dựng và biểu diễn cho vở hoàn thiện hơn, hay hơn.
Những điều đọng lại
Những thành tựu của sân khấu trong thời điểm vô cùng khó khăn hiện nay đã giúp những người làm nghệ thuật ngộ ra thêm nhiều điều, mang tới những bài học quý báu về cách thức tổ chức và vận hành một đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh đầy bất trắc như thời COVID-19, khiến cho các nhà quản lý trở nên năng động hơn, nhìn xa trông rộng hơn, để sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh, sân khấu vẫn không bị “đóng băng”…
Để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi các nhà hát từ cơ chế bao cấp sang cơ chế xã hội hóa, tự chủ về kinh tế, tiến tới tự chủ toàn diện về tổ chức bộ máy cũng như tài chính, các nhà hát cần chủ động tìm đến khán giả; để thu hút được khán giả, kéo họ đến với sân khấu thì cần đầu tư một cách thỏa đáng cho công tác marketing, quảng bá hình ảnh và sản phẩm của nhà hát. Cần chú trọng hoạt động marketing thông qua mạng Internet, trên các mạng xã hội. Các nhà hát, các trung tâm nghệ thuật lớn cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc quản trị, vận hành bộ máy của đơn vị mình.
Để một nhà hát có thể phát triển tốt trong thời đại công nghệ số thì không chỉ có đạo diễn giỏi và nghệ sĩ tài năng là đủ, mà còn cần có người giỏi về công nghệ thông tin để giúp Ban lãnh đạo vận hành bộ máy và các bộ phận chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với việc ứng dụng kỹ thuật cao của công nghệ số, các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng để tạo nên các vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, cuốn hút khán giả.
Nói đến sân khấu thời COVID, không thể không nói tới công chúng khán giả. Vốn là một bộ phận không thể thiếu, góp phần làm nên các đêm diễn, khán giả của sân khấu càng trở nên “đặc biệt” hơn của thời COVID. Khi cuộc cách mạng công nghệ số mang đến cho ngành công nghiệp văn hóa những thành tựu nhảy vọt trong sản xuất các sản phẩm nghệ thuật mang tính giải trí cao, đem nghệ thuật đến tận giường ngủ của các “thượng đế”, sân khấu, đặc biệt là các loại hình sân khấu truyền thống đã bị khủng hoảng kéo dài vì mất dần khán giả. Thế nhưng, trong đại dịch COVID-19, virus corona khiến cho con người bị tù túng, bị “cô lập” với những đợt “giãn cách”, “cách ly”, theo lẽ tự nhiên, hơn lúc nào hết con người càng khát khao được tự do đi lại, tự do giao lưu… Bởi thế, khi những lệnh này được nới lỏng, được cởi bỏ, mọi người háo hức ra phố, đi du lịch, và được đến nhà hát xem kịch cũng là điều sung sướng của một bộ phận không nhỏ người dân đô thị. Thật xúc động khi nhận ra rằng, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm, nhưng sân khấu sẽ mãi sống khỏe, bởi không chỉ các nghệ sĩ đam mê sáng tạo, mà công chúng khán giả cũng không thôi đam mê bộ môn nghệ thuật đẹp đẽ, thánh thiện này.
Điều đáng nói hơn cả về sân khấu cả nước nói chung, Sân khấu Lệ Ngọc nói riêng – sân khấu thời COVID, là niềm đam mê sân khấu và tinh thần trách nhiệm với nghề, với công chúng là điều đáng được đề cao và trân trọng nhất, bởi nó thể hiện tinh thần bất khuất của con người Việt Nam, càng khó khăn càng vươn lên mạnh mẽ, càng gian khổ, vất vả càng lạc quan yêu đời, thể hiện ý chí quyết tâm của cả một dân tộc với tâm niệm “không có việc gì khó…”, trong bất cứ hoàn cành khó khăn nào cũng tìm được ánh sáng để vươn tới. Bên cạnh họ luôn có công chúng khán giả cũng đam mê sân khấu cùng đồng hành, cùng nhau làm nên những đêm diễn của “thiên đường” nghệ thuật.
Tác giả: Lê Thị Hoài Phương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn