Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tình trạng đóng
băng của ngành nghệ thuật biểu diễn thế giới, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt
Nam (VNOB) vẫn có một năm khá thành công với những sản phẩm được
công chúng ghi nhận như Rock Symphony hay Những người khốn khổ.
Chuẩn bị cho năm 2021, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát vẫn khẳng
định một chiến lược rõ ràng cho quá trình đưa nghệ thuật hàn lâm tiệm
cận dần với khán giả…
Chương trình Rock Symphony
Ảnh: VNOB
*Trước hết, xin chúc mừng NSƯT Trần Ly Ly và VNOB đã đạt được thành công lớn với vở nhạc kịch Những người khốn khổ công diễn cuối năm 2020 và đầu năm 2021. 8 đêm liền vẫn cháy vé đủ để thấy sức hấp dẫn của sản phẩm này như thế nào đối với công chúng.
Cảm ơn công chúng, cảm ơn giới truyền thông và cảm ơn các chuyên gia đã có những đánh giá, nhận xét rất công tâm về Những người khốn khổ nói riêng và các sản phẩm của VNOB nói chung. Việc khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội đầy ắp khán giả suốt 8 đêm đã phản ánh một cách chân thực về chất lượng của sản phẩm. Tất nhiên, chúng ta không thể và cũng không nên so sánh với thế giới. Nhưng thực tế cho thấy các nghệ sĩ của chúng ta đã tiến thêm một bước dài về kỹ năng và kinh nghiệm trình diễn.
*Nói về kỹ năng trình diễn nhạc kịch, được biết, đây là lần đầu tiên, một tác phẩm nhạc kịch (musical) chính thống được diễn tại Việt Nam, do ekip Việt sáng tạo và thực hiện, cùng với sự phối hợp của dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Bà có thể chia sẻ một chút những khó khăn, thách thức khi đưa vở nhạc kịch này lên sân khấu Việt?
Khó khăn thì nhiều lắm. Nhưng, có con đường nào đến vinh quang mà được trải hoa hồng đâu. Với Những người khốn khổ, từ hàng nghìn trang tổng phổ, phân phổ mà các thành viên trong dàn nhạc phải tập luyện, đến việc sử dụng toàn bộ tiếng Anh trong vở diễn, từ bài hát đến lời thoại, trong khi diễn viên Việt Nam đọc tiếng Anh còn khó, nói chi đến nhớ và phải thể hiện thần thái của nhân vật một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, musical đòi hỏi các diễn viên phải “3 trong 1”, nghĩa là vừa hát, vừa diễn và vừa thể hiện vũ đạo. Đấy là chưa nói đến hàng trăm bộ phục trang, đạo cụ, người bấm phụ đề, người lo ánh sáng… Số lượng người hỗ trợ phía sau sàn diễn cũng lên tới vài chục… Nhưng sau tất cả là thành công, là sự cổ vũ hết mình của khán giả đối với vở diễn. Chỉ điều đó thôi cũng khiến chúng tôi quên hết mọi mệt mỏi trước đó.
Nhạc kịch Những người khốn khổ – Ảnh: VNOB
* Không chỉ có Những người khốn khổ mới thành công, mà Rock Symphony của Nhà hát cũng được đề cử ở hạng mục Chương trình của năm thuộc giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 16, một giải thưởng được đánh giá như Grammy của Việt Nam. Dường như thương hiệu VNOB đã được công chúng biết đến ngày càng nhiều hơn.
Chúng tôi rất vui khi thương hiệu của Nhà hát ngày càng được củng cố và phát triển. Những sản phẩm nghệ thuật của Nhà hát đã ngày một nâng cao chất lượng, đáp ứng thị hiếu của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Trước kia, thể loại nghệ thuật bác học vẫn được coi là ít có “đất” sống, khó bán vé. Nhưng hiện tại, với sự sáng tạo, đầu tư và quyết tâm thay đổi của Ban lãnh đạo cùng tập thể diễn viên, nhiều sản phẩm của Nhà hát như Around the world, Hồ Thiên Nga, Rock Symphony và Những người khốn khổ đều luôn trong tình trạng hết vé. Tuyệt vời hơn nữa là chúng tôi có một lượng lớn khán giả mua vé qua kênh fanpage và trang web chính thức của Nhà hát chứ không phải qua các kênh trung gian như trước. Số lượng người theo dõi và tương tác qua các trang mạng xã hội của Nhà hát cũng tăng lên đáng kể.
* Bà có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing của Nhà hát.
Chúng tôi xây dựng hệ thống marketing của Nhà hát dựa trên chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan. Đó là xây dựng hệ thống trang web, fanpage của Nhà hát, đưa ra thông tin về các hoạt động, kế hoạch thực hiện sản phẩm nghệ thuật một cách đều đặn, tận dụng rất hiệu quả các kênh truyền thông xã hội cũng như thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan truyền thông trong cả nước. Hàng trăm tờ báo, kênh truyền hình, phát thanh, báo điện tử liên tục đưa thông tin về các sản phẩm của Nhà hát. Nhiều nghệ sĩ được phỏng vấn, viết bài, làm chân dung, phóng sự, tiến trình sản xuất các sản phẩm cũng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông một cách liên tục, giúp công chúng theo dõi được thường xuyên về chất lượng sản phẩm, hậu trường sân khấu…
*Nghệ thuật hàn lâm vốn khó tiếp cận với khán giả. Vậy theo bà, yếu tố nào đã thu hút công chúng trong những tác phẩm mà VNOB thể hiện những năm gần đây?
Thời gian gần đây, VNOB, với đội ngũ lãnh đạo trẻ, dám nghĩ, dám làm, đã từng bước chạm dần đến trái tim của khán giả qua những sản phẩm vừa mang tính hàn lâm, nhưng lại gần gũi với đời thường. Những vở nhạc kịch như Maria de Buenos Aires, Người tạc tượng, vở ballet Kẹp hạt dẻ, Peter và Chó sói, các tác phẩm múa đương đại Đáy mắt, Bolero and Suite en Blanc, chương trình nghệ thuật Around the world, Rock Symphony… đã đánh thức tâm hồn yêu nghệ thuật của người Việt, giúp công chúng cảm thấy nghệ thuật hàn lâm không còn xa lạ với mình nữa. Đặc biệt, 2 tác phẩm ballet Hồ thiên nga và nhạc kịch Những người khốn khổ đã góp phần đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần với khán giả. Họ được xem, được thưởng thức, được tiếp cận nhiều hơn nữa với nền nghệ thuật đỉnh cao của thế giới theo cách của người Việt.
* Hòa cùng thành công của tập thể Nhà hát, năm 2020 cũng là một năm tươi sáng với nhiều diễn viên VNOB, như Đức Hiếu và Lệ Thanh đoạt giải Nhất – Cuộc thi tài năng múa toàn quốc, nghệ sĩ Thu Huệ lọt vào Top 30 under 30 của Tạp chí Forbes, NSƯT Thu Hằng giành giải Biên đạo múa xuất sắc… Những thành công này có sự hỗ trợ không nhỏ của VNOB, thưa bà?
Trước hết, cần khẳng định thành công đến được là do tài năng và sự đóng góp thực sự của các bạn ấy với xã hội. Tuy nhiên, Nhà hát cũng lên chiến lược rất rõ ràng về việc các diễn viên tham gia những hoạt động xã hội gì, dự thi nội dung nào. Từ đó, chúng tôi dành thời gian ưu tiên cũng như chỉ đạo các huấn luyện viên, biên đạo múa hỗ trợ tối đa để các bạn tham gia tập luyện, dự thi.
*Trong năm 2021 và thời gian tới, VNOB sẽ tiếp tục “trình làng” những bất ngờ gì nữa, thưa NSƯT Trần Ly Ly?
Chúng tôi không từ bỏ mục tiêu, quyết vượt qua trở ngại để đưa các sản phẩm của Nhà hát như Hồ Thiên Nga hay Những người khốn khổ đi lưu diễn trên toàn quốc nếu như COVID-19 được kiểm soát tốt. Mặt khác, Nhà hát cũng tính đến việc xây dựng các chương trình mới để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, như hoàn thiện và cho ra mắt vở Ballet Romeo và Juliet. Bên cạnh đó, Nhà hát vẫn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL giao cho như xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế, phục vụ bà con, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược xã hội hóa sản phẩm nghệ thuật bằng cách phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, mời các chuyên gia phối hợp xây dựng các ý tưởng mới trong sản xuất chương trình, tiếp tục phát triển các kênh truyền thông xã hội của Nhà hát và đẩy mạnh hoạt động bán vé online, quảng bá online, phù hợp với định hướng về áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động mà Chính phủ đã đưa ra.
* Xin cảm ơn NSƯT Trần Ly Ly. Chúc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam một năm mới nhiều cơ hội, tràn đầy hứng khởi và đáp ứng tốt sự kỳ vọng của khán giả về những sản phẩm mới mang tính đột phá.
Tác giả: Tuyết Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn