Thẩm mỹ trong thiết kế áo dài hiện đại của phụ nữ Việt


Thẩm mỹ là khoa học về cái đẹp, theo quan điểm của I. Kant: Cái đẹp chính là làm hài lòng một cách phổ biến, phù hợp với mục đích… (1). Dựa trên những luận điểm này của I. Kant, tác giả bài viết đưa ra khái quát về thẩm mỹ trong nghệ thuật thiết kế áo dài như sau: Những mẫu áo dài được thiết kế dựa trên cở sở khoa học (khoa học màu sắc, nhân trắc cơ thể, nguyên lý hội họa) và kỹ thuật nhằm tạo nên cái đẹp, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ một cách phổ biến và phù hợp với mục đích sử dụng của phụ nữ trong xã hội.

Khái quát

Thẩm mỹ trong thiết kế áo dài được thể hiện qua hình thức trang trí, bố cục sắp đặt, phối màu, sử dụng chất liệu… Nhà thiết kế sử dụng ngôn ngữ tạo hình để diễn tả ý tưởng sáng tác, mang lại giá trị nghệ thuật trên mỗi sản phẩm áo dài. Ngôn ngữ tạo hình nhằm miêu tả không gian trên áo dài (không gian ba chiều trên cơ thể người) và chính không gian đó tác động tới thị giác người đối diện, gợi nên những liên tưởng về động – tĩnh, nông – sâu, lồi – lõm hay thực – ảo… mang tính nghệ thuật. Có thể nói những mẫu áo dài có giá trị nghệ thuật mới tạo sự đồng điệu giữa người mặc với ý tưởng sáng tạo của nhà thiết kế (NTK).

Những biến đổi từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại vào những năm 1980 đã tác động rất lớn tới tư duy và quan điểm thẩm mỹ của người Việt, đặc biệt là các nhà thiết kế trang phục. Họ đã tiếp nhận những điều hay, mới và lạ từ các nền văn hóa trên thế giới và đưa chúng vào những quan điểm, ý tưởng sáng tạo trong thiết kế áo dài. Do đó, dễ dàng nhận thấy nhiều mẫu áo dài đều có xu hướng lấy nghệ thuật trang trí làm chủ đạo và tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ đặc trưng trong thiết kế áo dài hiện đại. Đề tài được thiết kế chủ yếu là cách điệu hóa và tả thực ý tưởng. NTK thông qua nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật trang trí như tạo sự cân đối, nhịp điệu, nhắc lại, đối lập/ tương phản, điểm nhấn… nhưng lại gợi được sự cân bằng về bố cục hình ảnh trên thân áo.

 

                                                    

Một số mẫu thiết kế áo dài – Ảnh: Nguyễn Loan
 

Nghệ thuật trang trí trên áo dài đã xuất hiện cùng với sự ra đời của áo dài. Nghệ thuật trang trí được tạo ra từ nhiều cách thức khác nhau như xếp ly, tạo đường lượn sóng nổi, hoa văn dệt chìm trên vải, hoa văn thêu, in, đính kết phụ kiện (cườm, hạt trang trí,…).

Từ nghiên cứu các mẫu áo dài trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy, các mẫu thiết kế thường có nhiều biến đổi về tính trang trí, trong khi đó hình dáng ít thay đổi. Hình dáng chính là căn cốt, là yếu tố mẫu mực tạo nên giá trị của áo dài nên ít bị biến đổi. Từ điều này, chúng tôi cho rằng, hình dáng áo là yếu tố tĩnh, các yếu tố khác dễ biến đổi để thể hiện ý tưởng sáng tạo nên được coi là động. Trong tư duy thẩm mỹ thiết kế áo dài, sự sáng tạo gợi lên những liên tưởng thị giác về các trạng thái của tạo hình, điển hình như trạng thái động – tĩnh. Trạng thái tĩnh gồm hai yếu tố hình dáng và kết cấu xẻ tà. Trạng thái động gồm các yếu tố: màu sắc, trang trí, chất liệu vải, bố cục.

Trạng thái tĩnh trong trong thẩm mỹ thiết kế áo dài

Tạo hình thiết kế ban đầu của bộ áo dài là áo năm thân có hình dạng là hình thang kéo dài. Đến những năm 1930 – 1940, áo dài được định hình rõ hình dạng thân trên ôm gọn, tương đồng với hình chữ nhật, thân dưới có xu hướng theo hình thang kéo dài. Sự kết hợp của hai hình dạng nói trên tạo nên một hình dáng của áo dài kéo dài suốt nhiều thập niên của TK XX, cho đến nay. Qua thời gian, dù bị nhiều tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến sự biến đổi về tỷ lệ, lúc dài lúc ngắn, nhưng hình dạng ban đầu của áo dài vẫn không hề thay đổi.

Cùng với trạng thái tĩnh là kết cấu xẻ tà của áo. Áo dài xẻ tà có kết cấu đặc trưng, tạo nên sự mềm mại, phóng khoáng cho tà áo. Dù điểm xẻ đôi lúc có thay đổi, lúc ở eo thấp (theo mẫu áo ban đầu của họa sĩ Nguyễn Cát Tường), lúc ở ngang eo (những mẫu áo dài mang phong cách truyền thống ở giai đoạn từ năm 1980 đến nay), đôi khi lại thấy điểm xẻ eo cao (những mẫu áo dài mang phong cách hiện đại), nhưng điểm xẻ tà đó vẫn được định vị ở phần eo. Từ phần eo, tà áo được mở tách thân, tạo không gian mới cho sự chuyển động tự do.

Như vậy trạng thái tĩnh trong thiết kế hình dáng và kết cấu xẻ tà đã được các nhà thiết kế nhiều thế hệ tuân thủ như một quy tắc bất di bất dịch, tạo thành một trong những quy chuẩn hình thành thẩm mỹ trong thiết kế áo dài. Còn những yếu tố màu sắc, chất liệu vải, bố cục và hình thức trang trí được coi là trạng thái động. Chính yếu tố động này đem lại sự linh hoạt và sáng tạo trong thiết kế áo dài hiện đại.

Các yếu tố động trong thẩm mỹ thiết kế áo dài

Các yếu tố tạo hình như màu sắc, chất liệu vải, bố cục trang trí, phương thức trang trí được coi là những yếu tố dễ thay đổi. Chúng được biến đổi một cách linh hoạt, tạo nên những bố cục khác nhau và mang lại hiệu quả khác nhau về thẩm mỹ của áo dài. Trạng thái động và tĩnh như những thành tố tạo nên giá trị nghệ thuật trong tạo hình.

Yếu tố động được thể hiện thông qua họa tiết trang trí: là sự sắp đặt mảng hình và bố cục trang trí, hình thức trang trí, chất cảm.

Sắp đặt mảng hình và bố cục trang trí được thể hiện qua mẫu áo dài trong bộ sưu tập (BST) Về quê của Vũ Việt Hà, trình diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017. BST khai thác ý tưởng thiết kế từ sự kết hợp hình dáng áo dài cùng với họa tiết thổ cẩm của tộc người thiểu số ở Tây Bắc. Mẫu thiết kế khai thác, chọn lọc những tạo hình hoa văn thổ cẩm sắp đặt trên áo dài tạo điểm nhấn. Một ví dụ, ở phần cổ áo được đặt những mảng hình họa tiết nhỏ chạy theo viền cổ và tỏa xuống ngực và thân áo, tập hợp tạo nên mảng trang trí lớn. Các mảng hình được nhà thiết kế sắp đặt bố cục, trang trí theo nguyên tắc đối xứng, họa tiết trang trí được tỏa đều, phát triển theo nhiều hướng trên thân áo. Tuy nhiên, tỷ lệ của các dải hình trang trí đó lại được phát triển không đều, dải hình trang trí chạy trên chính giữa thân áo có xu hướng dài hơn những dải hình ở hai bên, tạo nên nhịp ngắn dài khác nhau, đồng thời vẫn tạo sự cân bằng thị giác. Những mảng trang trí được nhắc lại ở phần ống tay và tà áo, sự sắp đặt bố cục ở tà áo theo bố cục hàng lối không quá nổi bật, không lấn át phần trọng tâm ở cổ, ngực áo.

Hay trong BST Hương sắc Việt của nghệ nhân Lan Hương (Hà Nội), yếu tố động được thể hiện với hình thức trang trí như thêu, đính kết, đắp nổi và vị trí sắp đặt những mảng hình trang trí. Yếu tố động trong bộ sưu tập Vương triều của NTK Sỹ Hoàng được thể hiện ở những hình mẫu hoa văn đa dạng, phối kết hợp linh hoạt, tạo thành nhóm họa tiết tôn lên nét cung đình cao quý của mẫu áo. Còn yếu tố động trong bộ sưu tập Fusion của NTK Quỳnh Paris lại được thể hiện từ hiệu ứng thẩm mỹ ánh sang, màu sắc nhờ kỹ thuật xếp bèo tạo họa tiết trang trí và những vị trí, bố cục sắp đặt khác nhau. Như vậy, yếu tố động trong sử dụng họa tiết trang trí được mỗi NTK thực hiện, sắp đặt theo bố cục khác nhau, mang lại những hiệu quả thẩm mỹ nhất định.

Yếu tố động thể hiện qua màu sắc: là sự biến đổi linh hoạt trong cách sử dụng sắc và độ màu.

Nói cách khác, đó là việc sắp đặt các mảng màu, tạo thành nhịp, được nhắc đi nhắc lại, nhằm tạo sự cân bằng thị giác. Điển hình những mẫu áo dài bộ sưu tập Non thiêng của NTK Đức Hùng (Hà Nội), thể hiện yếu tố động ở vị trí sắp đặt những dải màu sắc và sử dụng màu sắc của họa tiết trang trí. Bộ sưu tập có ý tưởng hướng về hình ảnh của các cô gái Kinh kỳ thưở xưa, nét duyên dáng, e ấp và thướt tha được thể hiện thông qua chất liệu vải mềm mại như nhung, the, lưới mỏng cùng phương thức sáng tạo trong thiết kế hình dáng, kết cấu, màu sắc trên áo dài. NTK sử dụng tông màu áo chủ đạo là tông màu sáng tương ứng với màu da người của chất liệu vải lưới, mỗi mẫu lại được viền phối màu khác nhau. Có mẫu viền phối với vải nhung đỏ, đặt cạnh màu đen của quần, tạo nên một sự tương phản khá tinh tế. Có mẫu lại viền phối với vải nhung xanh, đồng màu với quần. Sự phối hợp chất liệu lưới mỏng – mềm được viền xung quanh các đường biên của tà, tay áo có kích thước bản lớn (từ 5 đến 7cm), tạo sự cứng cáp đối lập với chất liệu mỏng mềm bên trong thân tà. Phía trong thân áo được kéo màu của đường viền bằng màu chỉ thêu họa tiết. Họa tiết được sắp đặt thành nhóm, môtip được lặp đi lặp lại tạo thành nhịp chuyển động, có thể theo hướng nằm ngang đi từ trái hướng qua phải, tạo độ cân bằng thị giác, hoặc có hướng từ trên xuống gấu, tập trung từ eo chạy xuống dưới hông. Những môtip còn được lặp lại ở hai bên vai theo đường kết cấu tay raglan và gấu tay. Tuy thiết kế sử dụng nhiều họa tiết nhưng không bị rối, bởi chính sự sắp đặt có hệ thống, bố cục và đặc biệt là do màu sắc của các họa tiết hài hòa với nhau. Các sắc mà NTK sử dụng có độ sáng trung tính, không đủ để nổi bật hơn màu viền, nhưng đủ để thấy sắc trên nền của màu vải. Như vậy, yếu tố động trong BST còn được NTK sử dụng đó là nguyên tắc đối lập về màu sắc, về chất liệu vải có hiệu ứng bề mặt khác nhau, tạo thẩm mỹ cho mẫu thiết kế.

Yếu tố động thể hiện qua tỷ lệ – kích thước tà áo, tay áo, cổ áo: chính là những thay đổi yếu tố tạo hình thiết kế theo từng phong cách áo dài khác nhau.

Với phong cách truyền thống tỷ lệ – kích thước của các yếu tố tạo hình có phần ổn định, ít biến đổi hơn so với phong cách trẻ trung hiện đại. Sự biến đổi này dễ nhận thấy trong các mẫu áo dài cách tân năm 2017 của NTK Sơn Collection. Bộ sưu tập được thiết kế hướng tới không khí của những ngày xuân, vào dịp Tết Đinh Dậu (năm 2017), nên màu sắc được sử dụng khá rực rỡ. Phong cách thiết kế áo dài của BST hướng tới sự trẻ trung năng động của những cô gái đôi mươi, do vậy, hình dáng và kết cấu áo dài có nhiều yếu tố cách tân. Dáng áo ngắn, tà kép, tỷ lệ dài tay áo cũng được biến đổi theo từng mẫu áo. Đặc biệt, có mẫu áo được thiết kế để phối hợp cùng với quần lửng, mẫu khác lại phối hợp với váy ngắn. Những mẫu áo hướng tới tính ứng dụng cao, phù hợp với hoạt động trong cuộc sống thường nhật, do đó tỷ lệ chiều dài tà áo, tay áo được biến đổi theo nhu cầu cá nhân người mặc. Chính sự linh hoạtt này đã tạo nên một phong cách mới, trẻ trung, năng động, cho áo dài.

Sự biến đổi trong thiết kế áo dài theo phong cách hỗn dung (sự kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại) cũng được các NTK quan tâm, bởi những mẫu áo được thiết kế không quá xa rời phong cách truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Có thể kể đến mẫu áo của NTK Minh Hạnh, được phát triển từ nghiên cứu ý tưởng trong nghệ thuật Pháp Lam, trình diễn tại Festival Huế năm 2012, hay BST áo dài của NTK Vũ Việt Hà, nghiên cứu ý tưởng từ Hoa Lan năm 2016…

Yếu tố động thể hiện qua chất liệu vải

Do sự phát triển của khoa học công nghệ, chất liệu vải may áo dài ngày càng đa dạng. Tùy vào ý tưởng thiết kế mà mỗi NTK có những cảm xúc với từng chất liệu vải. Các chất liệu vải tạo ra từ tự nhiên (vải gai, thô, đũi và lụa tơ tằm) hay các chất liệu vải từ sợi tổng hợp, nhân tạo (như nhung, ren, lưới, voan, organza, chiffon…) đều lần lượt xuất hiện trong các bộ sưu tập áo dài từ những năm 1930 cho đến nay. Mỗi loại có những chất cảm, thẩm mỹ khác nhau, đem đến cảm hứng sáng tạo cho người thiết kế.

Những cách phối chất liệu vải thường dựa trên các nguyên tắc tạo hình như tương phản/ đối lập về chất cảm: dày – mỏng trong các chất liệu vải nhung và lưới của BTS áo dài do Đức Hùng thiết kế; cứng – mềm trong các chất liệu vải thổ cẩm và voan của mẫu áo dài do Việt Hùng thiết kế…

Ngoài ra, yếu tố động còn được thể hiện qua hình thức bố cục sắp đặt họa tiết và kết cấu trang trí, thường có hai dạng: đối xứng và bất đối xứng. Bố cục đối xứng được tạo ra từ nhóm các môtip trang trí nằm đối xứng qua trục dọc thân áo ở các vị trí tương đương như vai áo, ngực, tà và tay. Bố cục bất đối xứng được thể hiện qua những nhóm hình họa tiết sắp đặt ở những vị trí không đồng nhất, có nhóm hình chính và nhóm hình phụ, được nhắc lại ở vị trí khác, như mẫu áo dài của Ngọc Hân và áo dài trong BST Quốc hoa của NTK Sỹ Hoàng. Tuy nhiên, dù các mẫu thiết kế áo dài có bố cục khác nhau nhưng đều tạo cảm giác cân đối về thị giác, nhờ vào sự khéo léo trong việc sử dụng những yếu tố tạo hình trong thiết kế áo dài của NTK.

Thay lời kết

Như vậy, thẩm mỹ trong thiết kế áo dài chính là sự sáng tạo trong việc sử dụng các yếu tố tạo hình dựa trên các nguyên tắc thiết kế trang phục, nhằm tạo nên những giá trị nghệ thuật. Đây chính là sự khác biệt với thiết kế áo dài ở giai đoạn trước những năm 1980, khi mà lĩnh vực công nghiệp, khoa học – kỹ thuật còn hạn chế, cũng như sự giao thoa văn hóa toàn cầu còn chưa diễn ra rộng rãi.

Tư duy và quan điểm thẩm mỹ trong thiết kế áo dài ở giai đoạn 1980 cho đến nay đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng, nhiều nhà thiết kế đã có những thành công nhất định khi lựa chọn áo dài là sản phẩm đi dự thi sáng tạo, hay giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, như NTK Minh Hạnh đã đoạt giải thưởng New Designer Award (Giải thưởng Nhà thiết kế mới) tại cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix, Nhật Bản, tháng 9-1997 và được phong tặng danh hiệu Chevalier of Culture and Art (Pháp) năm 2006. Hay năm 2015, Minh Hạnh nhận được giải thưởng văn hóa và nghệ thuật thuộc khuôn khổ Fukuoka Prize và năm 2016, bà đạt giải ASEAN Selection tại Thái Lan; NTK Lan Hương đạt nhiều danh hiệu cho các bộ sưu tập áo dài, điển hình là năm 2015, bà được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” – Nghề thiết kế may đo áo dài truyền thống.

 Thiết kế áo dài hiện đại ở giai đoạn này được dựa trên quan điểm vừa sáng tạo vừa đạt được giá trị ứng dụng (áo tôn lên hình dáng cơ thể của người mặc đồng thời tạo sự thoải mái cho họ khi vận động…) và giá trị nghệ thuật (tạo sự hài hòa giữa các yếu tố thiết kế, như về hình, màu, chất liệu vải và tính trang trí). Đồng thời, nhiều BST áo dài đã thể hiện dấu ấn cá nhân của NTK, mang tính thẩm mỹ cao. Chính những thay đổi trong thẩm mỹ thiết kế áo dài ở giai đoạn này đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong văn hóa mặc của phụ nữ Việt với bạn bè quốc tế, thể hiện được giá trị bản sắc văn hóa mặc truyền thống dân tộc trong bối cảnh giao lưu tiếp biến văn hóa hiện đại.

_________________

1. Immanet Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và mục đích luận), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2015.

Tác giả: Nguyễn Thị Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *