Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (CMNVN) là một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu Việt Nam, là nơi sản sinh ra rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Quang Thọ, NSƯT Kiều Hưng… Trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành (1951-2020), với bề dày truyền thống biểu diễn nghệ thuật dân tộc, Nhà hát CMNVN đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ năm 2015, Nhà hát chính thức chấm dứt cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính để từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghệ thuật của Nhà nước. Đứng trước vận hội mới, Nhà hát CMNVN đang có nhiều cơ hội phát triển, song cũng gặp không ít khó khăn thách thức bởi sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, xã hội hóa… Sự thay đổi về cơ chế, chính sách quản lý, nguồn lực, đào tạo, tư duy, thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức của công chúng… đòi hỏi phải đổi mới nhiều mặt và thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để phát triển.
Giải pháp về nguồn nhân lực
Vấn đề đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện tại của Nhà hát CMNVN đã được Ban lãnh đạo Nhà hát đặc biệt quan tâm. Hằng năm, một số diễn viên được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam…
Nhà hát cần bổ sung kịp thời nhân lực là các diễn viên trẻ thay thế cho các thế hệ đi trước đã và đang sắp đến tuổi nghỉ hưu, lực lượng này phải được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật hàng đầu Việt Nam như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Việc tuyển dụng diễn viên cần bảo đảm đầy đủ các điều kiện tiêu chí về trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt vị trí công việc được tuyển dụng, đặc biệt phải có lòng yêu thích, đam mê loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc. Ngoài ra, bảo đảm tính bền vững, nuôi dưỡng và xây dựng lực lượng nghệ sỹ trẻ, tài năng cho Nhà hát, trở thành đội ngũ kế cận hiệu quả, thực hiện chất lượng mọi chương trình nghệ thuật.
Tiêu chí hiện nay của Nhà hát CMNVN là phải có bằng đại học chuyên ngành, trong khi trình độ đào tạo diễn viên múa ở nước ta cao nhất là bậc cao đẳng (chỉ có huấn luyện là hệ đại học tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Vì vậy, khi được tuyển vào Nhà hát CMNVN các diễn viên trẻ này vẫn phải được đào tạo lại hay nói đúng hơn là vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm được truyền dạy từ các thế hệ đi trước hay từ những cơ hội biểu diễn do nhà hát tạo điều kiện để từng bước nâng cao kiến thức làm nghề.
Hằng năm, Nhà hát CMNVN nên có các buổi báo cáo đánh giá của các đoàn chuyên môn để rà soát lại, từ đó sàng lọc những hạt nhân tích cực ưu tú cử đi đào tạo hay có chế độ khen thưởng rõ ràng, còn các cá nhân không phát triển về chuyên môn hay ý thức kém không đảm bảo được công việc thì Ban Giám đốc có thể cắt giảm biên chế, hợp đồng hay luân chuyển công tác cho phù hợp với năng lực. Như vậy mới từng bước xây dựng được nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, ý thức công tác tốt, tư tưởng vững vàng, cùng nhau phấn đấu cho sự nghiệp phát triển của nhà hát.
Giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn
Củng cố đội ngũ lãnh đạo về nghệ thuật. Đội ngũ quản lý nghệ thuật đạt tiêu chuẩn 100% có trình độ đại học trở lên được đào tạo chính quy ở các bộ môn chuyên ngành khác nhau. Đội ngũ kỹ thuật viên, âm thanh, ánh sáng, phải được đào tạo chính quy và đạt trình độ đại học, được tiếp thu và tiếp cận với các công nghệ cao trên thế giới.
Nhà hát CMNVN nên chú trọng nhiều hơn nữa việc quy hoạch, tuyển lựa, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kế cận có trình độ chuyên môn, tuổi đời trẻ, năng động, sáng tạo để cử đi học các lớp nghiệp vụ quản lý văn hóa nghệ thuật, hay các lớp chuyên viên, các lớp về ngoại ngữ, về chính trị… do Bộ VHTTDL mở hay Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo, từ đó nâng cao trình độ kiến thức quản lý, lập trường chính trị vững vàng, là đội ngũ kế cận hiệu quả đối với tương lai của Nhà hát.
Ngoài ra, hằng năm, Nhà hát nên phối hợp với các cơ sở đào tạo, các nhà hát ở nước ngoài mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, mời các chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, trau dồi kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật, kinh nghiệm dàn dựng sân khấu, âm nhạc, biên đạo múa và thanh nhạc; mở lớp dạy, tập huấn tại chỗ cho các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát. Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn cho các phòng, đoàn trong khoảng thời gian phù hợp.
Nhà hát nên phối hợp với Vụ Đào tạo và Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) trong việc xem xét, cấp chỉ tiêu đào tạo nâng cao nghiệp vụ tại nước ngoài, theo chương trình thực tập ngắn hạn và dài hạn với nhu cầu cấp thiết của nhà hát hiện nay, đặc biệt, với một số vị trí quan trọng như chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn sân khấu…
Giải pháp về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Nhà hát CMNVN cần xây dựng kế hoạch biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội để phục vụ công chúng và quảng bá thương hiệu, biểu diễn định kỳ từ 2 – 4 buổi/ tháng tại rạp Âu Cơ với các chương trình phong phú tổng hợp hoặc từng loại hình ca, múa, nhạc để từng bước tạo lập một địa chỉ thưởng thức văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao. Nên đưa các chương trình báo cáo hằng năm, các chương trình dự thi và có giải cao tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc ra biểu diễn rộng rãi, nhiều nơi, nhiều đối tượng quần chúng nhân dân, bởi đây đều là những chương trình được đầu tư lớn, giàu chất lượng nghệ thuật.
Ngoài ra, nhà hát cần liên kết với các tập đoàn kinh tế, lực lượng vũ trang, các trường đại học để tổ chức biểu diễn nhằm phát triển lực lượng khán giả riêng, liên kết với các công ty tổ chức sự kiện, liên hệ chặt chẽ với các tổ chức văn hóa nước ngoài thông qua các đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để có sự ủng hộ cả về vật chất và con người. Đầu tư mời gọi các nghệ sĩ, chuyên gia để liên kết biểu diễn, nâng cao năng lực biểu diễn nhạc nhẹ của đoàn Phương Đông, quảng bá loại hình nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc tiến đến xuất khẩu văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài.
Đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa, tăng cường các hoạt động doanh thu, tham gia sâu rộng vào thị trường nghệ thuật như các công ty, tập đoàn tổ chức sự kiện. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nghệ thuật, tìm cách kéo công chúng đến với sân khấu, nhà hát phải tìm đến các mạnh thường quân, tìm cách kết nối với các doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của mình.
Phối hợp, liên kết sâu rộng hơn nữa với các tổ chức văn hóa nghệ thuật, các đại sứ quán tại Việt Nam, tổ chức nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài phục vụ cộng đồng người Việt và biểu diễn hợp tác quốc tế nhằm tăng nguồn thu và cơ hội phát triển nhà hát.
Giải pháp về tổ chức và tài chính
Với đặc thù hoạt động nghệ thuật của Nhà hát CMNVN, thông qua định hướng chung của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cán bộ công nhân viên chức Nhà hát phải khẩn trương hoàn thiện và kiện toàn bộ máy tổ chức để từ đó vận hành tốt mọi hoạt động nhằm đạt được những mục tiêu biểu diễn nghệ thuật trong thời gian tới.
Cần tập trung nhân lực, đầu tư mạnh cho Ban sản xuất chương trình. Rà soát luân chuyển sắp xếp lại đội ngũ viên chức nghệ sĩ các phòng, ban, đoàn chuyên môn cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát và năng lực sở trường cá nhân.
Về chế độ chính sách: Chế độ lương tuy đã cải thiện nhiều song vẫn còn thấp so với sự cống hiến đặc thù nghề nghiệp, tăng thêm các khoản thù lao luyện tập và biểu diễn, tiền thanh sắc, nặng nhọc… Đề nghị các ban, ngành có liên quan xem xét để có chế độ lương chuẩn với bằng cấp và lương đặc thù cho nghệ sĩ diễn viên, sắp xếp lại khung cho ngạch lương cán bộ, diễn viên. Tổ chức các cuộc thi ca, múa, nhạc để nghệ sĩ có thuận lợi khi xét tuyển danh hiệu NSƯT, NSND.
Hiện nay, kinh phí của Nhà nước cấp cho nhà hát theo dạng kinh phí đặt hàng các gói sản phẩm nghệ thuật mỗi năm khoảng trên dưới 07 tỷ đồng, sau khi trả lương và các khoản phụ cấp khác sẽ còn lại rất ít dành cho hoạt động chuyên môn theo kế hoạch của nhà hát, việc xây dựng mới các chương trình nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Do vậy, giải pháp trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây, ngoài việc tìm các nguồn tài trợ, các dự án lớn để có kinh phí thực hiện làm mới các chương trình thì Ban Giám đốc nên đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các chương trình nhỏ, dễ tiếp cận tới công chúng, giảm tải về nhân sự, vốn đầu tư, thời gian, chủ động, dễ dàng biểu diễn được nhiều đêm, nhiều nơi. Bên cạnh đó, nhà hát nên huy động các nghệ sĩ nổi tiếng kết hợp với các đoàn địa phương biểu diễn các chương trình lớn nhỏ mang thương hiệu Nhà hát CMNVN để tiết kiệm chi phí, nhân lực mà vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ công chúng.
Những năm tiếp theo, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học, nâng cao về trình độ quản lý, công tác tổ chức biểu diễn. Trang thiết bị của rạp hát đến năm 2025 phải được cải tiến đồng bộ về hệ thống âm thanh ánh sáng và nhiều trang thiết bị hiện đại công nghệ cao, đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo chính quy, hệ thống an ninh trật tự lễ tân phải thực sự chuyên nghiệp để đáp ứng được tất cả các loại hình nghệ thuật trong nước và quốc tế đến biểu diễn. Khuyến khích các đoàn của nhà hát xây dựng chương trình biểu diễn tăng nguồn thu tại rạp Âu Cơ, mở rộng quảng bá hơn nữa việc cho các đơn vị hay các tổ chức có nhu cầu thuê sân khấu để thực hiện biểu diễn nghệ thuật hằng đêm và thuê các phòng luyện tập ngoài giờ hành chính.
Giải pháp về hoạt động marketing
Những năm trước đây và cho đến hiện nay, Nhà hát CMNVN chưa có phòng marketing chuyên trách, vì vậy hoạt động marketing gần như vắng bóng, công việc phần lớn chỉ do một, hai nhân viên đối ngoại kiêm nhiệm nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc thông báo lịch diễn lên trang web của nhà hát. Cần đẩy mạnh hoạt động marketing, đào tạo và tuyển dụng cán bộ chuyên trách marketing nghệ thuật, mau chóng thành lập phòng marketing, xây dựng chiến lược marketing dài hạn và ngắn hạn cho nhà hát. Bên cạnh đó, cần đầu tư về cơ sở vật chất cũng như tài chính để thúc đẩy hoạt động marketing thường xuyên hơn.
Hiện nay, nhiều chương trình biểu diễn của Nhà hát CMNVN tại Nhà hát Lớn hoặc rạp Âu Cơ vẫn chưa có chiến lược quảng cáo hiệu quả, nhiều khán giả vẫn chưa biết có chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong khi đó các chương trình nghệ thuật đều được luyện tập rất công phu và tốn nhiều kinh phí. Đây là điều rất bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu, sự phát triển của nhà hát và đời sống cán bộ diễn viên, lòng tự trọng của những người làm nghề. Trong chiến lược marketing, các hình thức quảng cáo như tờ rơi, băng zôn, hay những ấn phẩm quảng bá các nơi chỉ là kỹ thuật hay công cụ marketing chiếm một phần rất nhỏ. Thiết nghĩ trong thời gian sắp tới, Nhà hát CMNVN phải triển khai công tác nghiên cứu thị trường, khán giả, lên kế hoạch quảng bá hình ảnh Nhà hát cùng với những chương trình nghệ thuật chất lượng bằng nhiều cách khác nhau như: phỏng vấn trực tiếp, phát phiếu điều tra xã hội học, đưa nghệ thuật ca múa nhạc đến học đường, nhà máy, công sở… hoặc tổ chức các buổi tọa đàm giữa lãnh đạo, các nghệ sĩ của nhà hát với khán giả, sẽ giúp khán giả có thể bày tỏ trực tiếp những suy nghĩ, đánh giá của mình với sản phẩm nghệ thuật của Nhà hát đưa ra.
Nhà hát CMNVN cũng nên xây dựng các chi hội câu lạc bộ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát huy tối đa nguồn lực các thành viên trong câu lạc bộ, từng bước hình thành và mở rộng khán giả. Đây là vấn đề rất quan trọng, là cơ sở thực tiễn giúp cho Lãnh đạo Nhà hát CMNVN biết được công chúng đang cần thưởng thức những gì, mặt nào được, mặt nào chưa được để dần khắc phục, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp đúng đắn cho sự phát triển tiếp theo của Nhà hát, đáp ứng mọi nhu cầu của khán giả.
Vận hành và hoàn thiện hơn nữa trang web của Nhà hát CMNVN, thông tin phải được thường xuyên cập nhật như: lịch biểu diễn, nội dung các chương trình nghệ thuật, gương mặt nghệ sĩ… hằng năm nên có một khoản kinh phí để liên kết với Đài truyền hình trung ương, Truyền hình Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tạp chí chuyên ngành để làm các phóng sự, tin bài, giới thiệu về Nhà hát CMNVN với các tiết mục mới, những nghệ sĩ tài năng mới… Khi có các sự kiện lớn, Nhà hát nên tổ chức làm phim tư liệu giới thiệu về Nhà hát CMNVN và các vấn đề có liên quan để quảng bá mạnh mẽ và rộng rãi hơn hình ảnh và thương hiệu của Nhà hát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm lại, một đơn vị biểu diễn nghệ thuật nói chung hay Nhà hát CMNVN nói riêng, muốn phát triển tốt loại hình nghệ thuật của mình thì phải có hoạt động marketing xứng tầm. Tuy vậy, nhiều nhà hát không có hoặc có nhưng không coi trọng hoạt động marketing nghệ thuật, đây chính là điều hạn chế trong công tác quản lý của các đơn vị nghệ thuật trong đó có Nhà hát CMNVN. Mong rằng trong thời gian tới hoạt động marketing của Nhà hát sẽ được quan tâm đầu tư một cách bài bản, có tính chiến lược lâu dài về mọi mặt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát.
Tác giả: Nguyễn Văn Thùy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn