Bão ngầm – vở cải lương về những người chiến sĩ công an


Dịch COVID-19 đã khiến nghệ thuật sân khấu đóng băng trong một thời gian dài. Giờ đây, xã hội đang bước vào giai đoạn bình thường mới, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ vẫn hăng say tập luyện để ra mắt tác phẩm Bão ngầm trên sân khấu cải lương.

Trong một tháng hè nắng nóng, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cùng gần 50 nghệ sĩ nhà hát, dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu đã miệt mài trên sàn tập, xây dựng nên vở cải lương đầy sáng tạo để tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân do Bộ Công an tổ chức lần thứ IV vào tháng 7-2020.

Vở cải lương Bão ngầm là một trong 35 vở diễn dự liên hoan lần này, được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, được nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản. NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết: “Những giằng xé, niềm vui, nỗi đau, khó khăn, hạnh phúc mà người nữ chiến sĩ công an phải vượt qua trong quá trình làm nhiệm vụ hẳn là những cơn bão ngầm. Những cơn bão trong đời sống nội tâm, trong chính trái tim, khối óc của con người luôn là những cơn bão bạo liệt, dữ dội và khốc liệt nhất”(1).

Cảnh trong vở cải lương Bão ngầm – Ảnh: Liên Hương

Từ xưa đến nay, nói tới sân khấu cải lương là nói tới sân khấu của cái trữ tình, bay bổng, lãng mạn, thường tập trung vào các đề tài cổ trang, lịch sử. Trong khi đó, với đề tài đấu tranh chống tội phạm, cảnh sát hình sự thì điện ảnh, kịch nói dễ khai thác hơn các loại hình kịch hát dân tộc. Vì vậy, để xử lý một câu chuyện về người chiến sĩ công an trên sân khấu cải lương là một thách thức không nhỏ đối với toàn bộ ekip sáng tạo.

Vở diễn đã khắc họa sự chiến đấu anh dũng chống lại tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ nơi tuyến đầu cuộc chiến chống lại hiểm họa của ma túy. Hành trình vào trận giữa làn ranh sống chết của người trinh sát phải đánh đổi bằng bao mất mát, hy sinh cả tính mạng cùng hạnh phúc cá nhân. Sự khốc liệt cam go của cuộc chiến phòng chống tội phạm không chỉ hiện hữu qua tiếng súng bắn trả quyết liệt của tội phạm mà còn diễn ra trong thế giới nội tâm của người lính khi đứng trước những sự lựa chọn giữa đúng hay sai, trung thực hay hèn nhát, trung thành hay phản bội?

Theo Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, các lớp diễn thử thách tài năng của người nghệ sĩ khi họ đẩy câu chuyện nội tâm lên một tầm mới, trở thành chất liệu để nghệ thuật cải lương khai thác và phát triển. Cuộc chiến được mô tả trên sân khấu cải lương qua diễn biến tâm lý của người cảnh sát và những mối quan hệ ràng buộc, éo le. Thiếu úy Thủy được tung vào trận địa, tiếp cận với bác sĩ – người em của tên trùm tội phạm ma túy để thực hiện những nhiệm vụ. Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ, Thủy với niềm tin mãnh liệt, với quyết tâm cao sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng, trong quá trình phá án, Thủy đã đem lòng yêu chàng bác sĩ. Có những thời điểm tưởng không giữ được mình, bị tiếng gọi từ trái tim thúc giục, nhưng rồi, lý trí đã giúp cô chiến thắng chính mình, hoàn thành nhiệm vụ. Nghệ sĩ Thùy Dung trong vai Thiếu úy Thủy cho biết: “Kịch công an như mọi người vẫn quan niệm thường khô khan. Đây là một vở hiện đại về đề tài công an nên việc biến tấu thành cải lương là cả một quá trình. Khi nhận vai diễn này, tôi đã đầu tư thời gian để đọc kịch bản và nghiên cứu, tiếp thu góp ý của đạo diễn, cũng như được Trung tá Đào Trung Hiếu hướng dẫn một số động tác nghiệp vụ của ngành Công an. Khi bước lên sân khấu, hóa thân vào nhân vật, tôi rất yêu nhân vật này. Hình tượng người công an, tôi cảm nhận cũng như người bình thường, cũng có nội tâm giằng xé, cũng có sự lãng mạn, có cá tính” (2).

Trong vở diễn, các màn võ thuật được đưa lên sân khấu đầy kịch tính, hấp dẫn, khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ công an. Bên cạnh đó, nhờ sự hóa thân tài tình của các diễn viên cùng các câu ca sâu lắng thể hiện tình yêu, tình đồng chí, tình người đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng khán giả, đồng thời vẫn có sự bay bổng, sâu lắng của loại hình nghệ thuật cải lương. NSND Lê Tiến Thọ – nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL chia sẻ: “Đây là một đề tài mà hiện nay trong cuộc phát động của Bộ Công an, Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp để tổ chức liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Việt Nam. Hôm nay, vở Bão ngầm đã tạo ra đề tài, hướng đến buổi liên hoan này. Đó là một điều đáng mừng. Cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, một loại hình ca kịch nên luôn mang tính tự sự và cái ước lệ. Để có thể múa, hát, thì ngôn ngữ đạo diễn phải tìm tòi và có nhiều bứt phá. Những lớp tự sự của cô Thủy hay khi trong vai nhân vật Trà, đã tạo ra ấn tượng cho người xem” (3).

Người xem cũng cảm nhận được sự cám dỗ mà người chiến sĩ phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ. Theo NSND Lê Tiến Thọ, vở diễn cần chú ý hơn những lớp diễn của đồng chí công an biến chất – Tuất, “phải làm thế nào để tạo ra những bài học cho người xem và cho những người chiến sĩ công an nhân dân rút ra được những bài học”. Đồng thời, “cần làm nhuần nhuyễn hơn những trò diễn, như những hành động tổ chức để cứu đồng đội của Tuấn, làm sao tạo ra được lòng tin cho khán giả. Tôi tin rằng vở diễn sẽ tạo ra được những ấn tượng tốt” (4).

Đến với sân khấu cải lương, vở diễn Bão ngầm đã khắc họa thành công không chỉ những chiến công, kỳ tích mà cả đời sống tâm hồn với không ít thách thức mà những người chiến sĩ công an phải vượt qua chính mình, chính trái tim mình. Vở diễn cũng là lời tri ân của các nghệ sĩ cùng toàn thể ekip sáng tạo tới những người chiến sĩ trên tuyến đầu đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua lời ca khúc mở màn và kết thúc vở diễn: “Cuộc chiến bão ngầm, không phải cuộc dạo chơi, mỗi bước đi giữa làn ranh sống chết, có vinh quang, có hèn nhát, có tình yêu, có chiến công mà vẫn âm thầm. Bão ngầm với dòng đời bình yên, lặng lẽ quên đi với cả trái tim nồng, lặng lẽ hy sinh bằng cả trái tim mình”.

______________

1. Hoa Nguyễn, Tự tin đưa hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu Cải lương, cand.com.vn, ngày 06-6-2020.

2, 3, 4. Tác giả phỏng vấn trực tiếp sau đêm diễn Bão ngầm ngày 16-6-2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *