Đặc điểm hệ thống cấu trúc của vọng cổ nhịp 32


Vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu tiêu biểu và đặc biệt trong dòng âm nhạc truyền thống Nam Bộ, bởi nó có khả năng bao quát rộng trong lĩnh vực ca nhạc và ca kịch dân tộc. Đó là nhờ đặc điểm hệ thống cấu trúc tạo ra những tính chất độc đáo từ những sự hòa kết trong từng thể loại như trong cấu trúc cơ bản, cấu trúc phối hợp, cấu trúc liên hợp… để tạo nên những tác phẩm mới. Bài viết này sẽ giới thiệu đặc điểm hệ thống cấu trúc của thể điệu vọng cổ nhịp 32 như đã nêu trên.

1. Đặt vấn đề

Vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu vừa có tính độc lập, vừa có tính phức điệu trong nghệ thuật biểu diễn ca nhạc và ca kịch dân tộc; nó cũng là một tác phẩm âm nhạc khá phổ biến trong sinh hoạt văn hóa dân gian, vừa là tác phẩm biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp. Về mặt âm nhạc, vọng cổ nhịp 32 vốn có hai hơi điệu ai và oán; nó là một thành tố trong hai hệ thống nhạc tài tử và cải lương Nam Bộ. Do vậy, ở lĩnh vực thanh nhạc, vọng cổ nhịp 32 như một ca khúc (bài ca lẻ – độc lập); ở lĩnh vực ca kịch, vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu chủ lực trong nghệ thuật cải lương (phi vọng cổ bất thành cải lương). Vọng cổ nhịp 32 còn được xem là một thành tố độc đáo trong văn hóa nghệ thuật thanh sắc Nam Bộ, bởi nó có khả năng bao quát rộng ở khá nhiều lĩnh vực mà nó có thể kết hợp; đặc biệt, nó hòa kết (hòa âm và liên kết) được nhiều thể điệu trong cùng hệ thống, và một số thể loại nhạc khác không cùng hệ thống khi nó giao lưu và tiếp biến…

Ở hai hệ thống, nhạc tài tử Nam Bộ (hình thức ca nhạc là đờn ca tài tử Nam Bộ – ĐCTTNB) có hơn 150 thể điệu, nhạc cải lương có khoảng 300 thể điệu thì vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu quan trọng ở hai hệ thống này. Bởi lẽ, vọng cổ nhịp 32 có thể xuất hiện trong bất kỳ cuộc trình diễn ĐCTTNB sinh hoạt trong văn hóa dân gian hoặc sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp; nó như một biểu tượng trong tâm thức văn hóa của người dân Nam Bộ. Trong nghệ thuật ca kịch cải lương, vọng cổ nhịp 32 càng không thể thiếu, vì nó là một thể điệu chủ lực nhất, được mệnh danh là bài ca vua, và nó có thể thay thế cho nhiều thể điệu khác trong kịch bản cải lương ở bất kỳ kịch ở đề tài, chủ đề nào. Đặc biệt, vọng cổ nhịp 32 còn có nhiều đặc tính âm nhạc và một hệ thống cấu trúc riêng, mà những thể điệu khác không thể có được như nó. Những đặc điểm đó đã tạo nên nhiều dấu ấn trong đời sống âm nhạc và sân khấu ca kịch dân tộc; nó có thể kết hợp hòa âm với nhiều loại hơi điệu: bắc, nam, xuân, ai, quảng, oán… để tạo nên giai điệu mới có tính chất trữ tình, mượt mà, nét nhạc khi diễn tấu lúc thì thông thoáng, phóng khoáng, bay bổng; lúc thì khoan nhặt, sâu lắng, ngọt ngào, mùi mẫn, cả bi và hài… Chính nhờ những tính chất đó mà vọng cổ nhịp 32 đã được đại bộ phận trong công chúng đón nhận nồng nhiệt, cả người ca ngâm và thưởng thức nó. Cụ thể hơn, vọng cổ nhịp 32 đã có nhiều đóng góp đáng kể trong lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng Nam Bộ, mà thông qua các hình thức cấu trúc của nó. Đặc biệt, ĐCTTNB đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (2013), trong đó có phần đóng góp đáng kể của vọng cổ nhịp 32.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số đặc điểm hệ thống cấu trúc của vọng cổ nhịp 32, nhằm khẳng định giá trị của nó trong ca nhạc và ca kịch Nam Bộ.

2. Khái quát vọng cổ nhịp 32, cấu trúc và nghệ thuật thanh sắc

Vọng cổ nhịp 32 có nguồn gốc từ bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chính thức ra đời năm 1919, tại Bạc Liêu. Ban đầu, Dạ cổ hoài lang gồm 20 câu, mỗi câu có 2 nhịp. Năm 1923, nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư sáng tạo nâng nhịp thức gấp đôi thành nhịp 4 gọi là “vọng cổ nhịp 4”, mỗi câu có 4 nhịp, bản nhạc vẫn giữ 20 câu như Dạ cổ hoài lang. Năm 1934, nhạc sĩ Năm Nghĩa (Lư Hoài Nghĩa) sáng tạo tăng nhịp thức gấp đôi thành nhịp 8 gọi là “vọng cổ nhịp 8”, mỗi câu có 8 nhịp và bản nhạc vẫn 20 câu. Trong những năm 1936 – 1939, nhạc sĩ Trần Tấn Trung (Mộng Vân) sáng tạo nâng nhịp thức gấp đôi thành nhịp 16 gọi là “vọng cổ nhịp 16”, mỗi câu có 16 nhịp và bản nhạc vẫn 20 câu. Năm 1940, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) sáng tạo nâng nhịp thức gấp đôi thành nhịp 32 gọi là “vọng cổ nhịp 32”, mỗi câu có 32 nhịp; đặc biệt, số câu của bản nhạc này được rút gọn lại còn 6 câu (1); và từ đó đến nay, nó luôn ổn định với nhịp thức này.

Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Bạc Liêu
Ảnh Bảo Châu

Lý thuyết cấu trúc luận của Lévi – Strauss với nhiều nội dung, trong đó quan điểm đáng quan tâm là: “Cần vượt qua sự nghiên cứu những sự vật, hiện tượng bề mặt để thâm nhập logic sâu hơn, khái quát hơn trong hệ thống. Tìm chân lý sâu dưới bề mặt của thực tại kinh nghiệm và dựa trên trí tuệ nhà khoa học để nhận diện, phân tích những vấn đề cấu trúc cơ bản. Đặt tiêu cự trên tri nhận, suy tư, xem nhẹ xúc cảm, những xung lực phi duy lý” (2).

Theo Trần Ngọc Thêm (3), hệ thống có thể hiểu một cách đơn giản là thể thống nhất của tập hợp các yếu tố cấu thành (thành tố) và mạng lưới các quan hệ giữa chúng (cấu trúc) (4).

Hai quan điểm, tuy diễn đạt có khác nhau, nhưng nội dung vẫn là vấn đề cấu trúc; vọng cổ nhịp 32 là một thành tố trong văn hóa nghệ thuật thanh sắc Nam Bộ, do vậy, các yếu tố cấu thành và mạng lưới các quan hệ giữa chúng cũng không ngoại lệ với hai quan điểm lý thuyết trên.

Về hệ thống cấu trúc của vọng cổ nhịp 32, xét về tính chỉnh thể của hệ thống thể hiện ở chỗ hệ thống lớn hơn nó là hệ thống nhạc tài tử (có hơn 150 thể điệu) và nhạc cải lương (có khoảng 300 thể điệu), mà nó chỉ là một thể điệu nằm trong hai hệ thống này. Theo Lévi Strauss: “Bất kỳ một hệ thống ổn định nào cũng bao gồm những bộ phận khác nhau nhưng liên hệ với nhau, chúng cùng nhau vận hành để tạo nên cái toàn bộ, tạo nên sự ổn định hệ thống…” (5). Cái toàn bộ và hệ thống đang xét là hệ thống nghệ thuật thanh sắc Nam Bộ, mà vọng cổ nhịp 32 là một thành tố trong đó, và nó luôn vận hành cùng các thể loại khác tạo nên cái toàn bộ, tức là loại hình ca nhạc tài tử và cải lương cùng tạo sự ổn định trong hệ thống nghệ thuật thanh sắc Nam Bộ.

Nghệ thuật là một thành tố của văn hóa nghệ thuật, nó được chia thành hai bộ phận: 1) nghệ thuật thanh sắc (thuộc văn hóa phi vật thể như: âm nhạc, sân khấu, múa… thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn), 2) nghệ thuật hình khối (thuộc văn hóa vật thể như: tượng, bia, đền đài, lăng, miếu…).

Nghệ thuật thanh sắc là thuật ngữ dùng để chỉ một lĩnh vực bao gồm những loại hình nghệ thuật có liên quan mật thiết với nhau mà phương Tây gọi là ca, múa, nhạc, kịch… Đặc điểm chung giữa chúng là thanh và sắc cả diễn xướng dân gian và nghệ thuật chuyên nghiệp (6).

Riêng nghệ thuật thanh sắc Nam Bộ cũng được phân chia hai lĩnh vực, dân gian và hiện đại (chuyên nghiệp). Nghệ thuật thanh sắc dân gian như những loại hình: ĐCTTNB, hò, lý, hát ru, đồng giao, múa mâm vàng, hát rỗi…; nghệ thuật chuyên nghiệp như hát bội, cải lương, ca nhạc tạp kỹ… Riêng vọng cổ nhịp 32 vừa thuộc lĩnh vực nghệ thuật dân gian (ĐCTTNB) và cả lĩnh vực chuyên nghiệp (ca kịch cải lương và ca nhạc tạp kỹ).

3. Các hình thức cấu trúc của vọng cổ nhịp 32

Vọng cổ nhịp 32 đến nay, nó có ba hình thức cấu trúc phát triển theo từng giai đoạn: cấu trúc cơ bản (năm 1940), cấu trúc phối hợp (năm 1960) và cấu trúc liên hợp (sau năm 1960) đến nay.

Cấu trúc cơ bản

Có thể hiểu, cấu trúc cơ bản là cấu trúc gốc của vọng cổ nhịp 32 ngay từ buổi đầu tác giả sáng tạo nó (1940). Nghĩa là cấu trúc rút gọn từ vọng cổ nhịp 16 (20 câu) đến vọng cổ nhịp 32 còn 6 câu. Từ khuông nhạc 1 đến 5 trong các câu có lời ca, từ khuông 6 đến 8 là không có lời ca, gọi là “láy”.

Hình thức cấu trúc này là khuôn mẫu cơ bản của thể điệu vọng cổ nhịp 32; nó mang tính triết lý âm – dương, cấu trúc bằng các cặp câu đối lập (dương thuộc câu số lẻ, âm thuộc câu số chẵn) như: câu 1 và 2; 3 và 4; 5 và 6. Hệ quả của cấu trúc này còn giúp cho các tác giả sáng tác nội dung làm cơ sở xây dựng ca từ, mở rộng nội dung vì số lượng âm tiết nhiều hơn so với vọng cổ các loại nhịp trước đó, người diễn tấu diễn xướng có điều kiện phô diễn năng lực sở trường của mình.

Cấu trúc phối hợp

Cấu trúc phối hợp được hiểu là sự gắn kết của hai đối tượng hoặc hai thành tố cùng cấp, cùng loại trong một thực thể, một hành động thống nhất đồng hướng tới một mục tiêu nào đó; đối tượng hay thành tố chính bao giờ cũng mang tính bản địa (chủ), đối tượng hay thành tố phụ thì mang tính ngoại nhập (khách); sự phối hợp này là mối quan hệ giữa chủ và khách, trong và ngoài, theo xu hướng phát triển ngoại sinh.

Đây là giai đoạn mà trong hệ thống cấu trúc của vọng cổ nhịp 32 thêm một bước phát triển, với một hình thức mới rút gọn số câu nhưng vẫn giữ nền tảng của hình thức cấu trúc cơ bản. Nghĩa là nhịp thức, lòng câu lòng bản vẫn giữ nguyên loại nhịp 32, số câu từ 6 được rút gọn còn 4 (phổ biến) hoặc 5 câu (rất ít); 1 hoặc 2 câu rút đi được thay vào đó là 2 đoạn tân nhạc (nhạc quãng 8, lời Việt), hình thức mới của nó là sự phối hợp giữa nhạc cổ (nhạc truyền thống) với nhạc tân (nhạc mang âm hưởng phương Tây), hình thức này gọi là “tân cổ giao duyên”. Về triết lý tích cực, không như “đả cựu bài tân”, mà đây là “cựu – tân hòa nhập”, quy luật âm dương gặp nhau là hút nhau. Thực chất sự phối hợp này là quy luật thống nhất biện chứng giữa hai yếu tố văn hóa nghệ thuật dân tộc và văn hóa nghệ thuật hiện đại: “cổ” = truyền thống (dân tộc), tân = văn hóa hiện đại (trong tân cổ giao duyên); yếu tố “cổ” là yếu tố truyền thống giữ căn cơ về cội nguồn cho việc hiện đại hóa mà không mất gốc, yếu tố “tân” là sự tiếp xúc và tiếp biến cái mới của văn hóa nghệ thuật hiện đại lại buộc tính truyền thống phát triển cho phù hợp với giai đoạn mới.

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Bảy Bá (Viễn Châu) là một trong những người đưa tân nhạc (quãng 8 – octaves âm hưởng nhạc phương Tây) phối hợp với bản vọng cổ nhịp 32, được đa số khán – thính giả rất mến thích; ông mở đầu bài vọng cổ gác một đoạn tân nhạc, rồi vọng cổ câu 1 và 2, giữa bài ca là một đoạn tân nhạc nữa, rồi vọng cổ câu 5 và 6 (có bài có câu 4, nhưng rất ít); có những bài ca, ông lại pha tân nhạc vào giữa câu vọng cổ nên gọi là tân cổ giao duyên. Buổi bình minh của thể loại tân cổ giao duyên, có thể nói bài Cô hàng chè tươi là bài tân cổ giao duyên đầu tiên của soạn giả Viễn Châu, do nghệ sĩ Lệ Thủy ca trên Đài Phát thanh Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, soạn giả Loan Thảo được xem như người có nhiều tác phẩm để đời về thể loại này. Kế thừa phong cách sáng tạo tân cổ giao duyên của soạn giả Viễn Châu và Loan Thảo, sau năm 1975, vọng cổ nhịp 32 lại bước sang một phong cách mới hơn, đó là sự phối hợp với nhạc mới cũng gọi là tân cổ giao duyên; nhưng âm hưởng của nó mang tính chất nhạc dân ca hoặc nhạc cách mạng, tách khỏi âm hưởng nhạc vàng, mặc dù sử dụng thang âm nhạc quãng 8 như Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Em ở nơi đâu, Tình đồng chí, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Dòng sông quê em, Em nông trường anh biên giới… Những tác giả viết thể loại này khá thành công ở giai đoạn hai như Thanh Vũ, Huyền Nhung, Phong Trường Sơn, Huỳnh Vũ…

Cấu trúc phối hợp không chỉ có ý nghĩa văn hóa âm nhạc truyền thống phát triển theo hướng tiếp xúc và tiếp biến với văn hóa âm nhạc phương Tây, mà nó còn có ý nghĩa văn hóa giao tiếp và ứng xử giữa truyền thống và hiện đại, giữa tác giả sáng tác ca từ, nhạc sĩ diễn tấu, ca sĩ… cùng phối hợp trong tác phẩm ca nhạc tân cổ giao duyên. Cấu trúc này còn có chức năng cho các thành viên phối hợp để phát huy cả sở trường và sở đoản của mình (sở trường ca cổ, sở đoản ca tân nhạc).

Cấu trúc liên hợp

Cùng thời gian phát triển của thể loại tân cổ giao duyên, vọng cổ nhịp 32 còn phát triển thêm một cấu trúc hình thức mới, đó là cấu trúc liên hợp. Liên hợp là sự kết nối giữa hai hay nhiều đối tượng hoặc thành tố có mối liên hệ với nhau trong một hệ thống cấu trúc. Nếu như tân cổ giao duyên được cấu trúc với hai thành tố: tân và cổ nhạc theo xu hướng ngoại sinh và mối quan hệ là giữa chủ – khách, thì cấu trúc liên hợp cũng được cấu trúc với hai hay nhiều thành tố trong một hệ thống của nó, nhưng thành tố tham gia cấu trúc trong vọng cổ nhịp 32 là đối tượng khá đa dạng hơn so với tân nhạc cấu trúc trong tân cổ giao duyên. Cấu trúc liên hợp là sự liên kết vọng cổ nhịp 32 với một số thể điệu khác của cải lương theo xu hướng phát triển nội sinh, mối quan hệ giữa chính và phụ (vì vọng cổ là một thể điệu chủ lực trong cải lương, còn các thể điệu khác là phụ). Vọng cổ nhịp 32 giữ vai trò chính, những bản vắn cải lương ở vai trò phụ. Chẳng hạn, gác đầu hoặc đan xen giữa vọng cổ nhịp 32 là một bản vắn như Kiều nương, Sơn đông hướng mã, Ngũ điểm bài tạ, Sương chiều, Tú anh… Một số tác giả còn chặt khúc những thể điệu lớn để gắn kết với vọng cổ nhịp 32 thay cho bản vắn, nhưng đan xen đa phần là những thể điệu thuộc hơi ai – oán cho phù hợp tính chất của vọng cổ như Ngựa ô nam, Nam xuân, Phụng hoàng, Trường tương tư, Tứ đại oán, các bản lý, hò… Những tác giả viết vọng cổ nhịp 32 nổi tiếng về thể loại liên hợp như Trần Nam Dân, Ngô Hồng Khanh, Trọng Nguyễn, Châu Thanh, Dương Thị Thu Vân, Thanh Hiền, Thanh Vũ, Hồng Quân, Huyền Nhung, Minh Thùy, Văn Hồng Cẩm, Hồ Sỹ, Thanh Bình…

Qua các giai đoạn phát triển các hình thức cấu trúc, vọng cổ nhịp 32 luôn thay đổi những diện mạo mới; là một quá trình vận động một cách linh hoạt và sáng tạo của các cá nhân và tập thể tác giả; nó vừa kế thừa sự sáng tạo của truyền thống văn hóa nghệ thuật dân tộc, vừa phát triển phù hợp với thời đại theo xu hướng phát triển tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Từ những hình thức cấu trúc, vọng cổ nhịp 32 vận hành với giai điệu luôn mới mẻ, đặc tính âm nhạc hấp dẫn càng có sức thu hút công chúng.

4. Kết luận

Trong hệ thống cấu trúc các thể điệu thì, hàng trăm thể điệu của nhạc tài tử và cải lương đều có hình thức cấu trúc khép kín, tức hình thức cấu trúc từ đầu và cố định cho đến nay, nó không thay đổi và phát triển gì mới về mặt hình thức. Vọng cổ nhịp 32 vốn là một thể điệu mới, tức sinh sau đẻ muộn so với tất cả các thể điệu khác trong cùng hệ thống; nó lại luôn có những giai điệu mới là nhờ sự phát triển qua từng giai đoạn phối kết, hòa âm từ các hình thức cấu trúc. Nghĩa là nó vốn có đặc tính âm nhạc là giai điệu mới, lại luôn phát triển những hình thức mới, mà hình thức thay đổi thì kéo theo nội dung phải thay đổi cho phù hợp… Nhờ đặc điểm hệ thống cấu trúc luôn tạo nội dung và hình thức mới cho vọng cổ nhịp 32 có sức sống bền bỉ trong đời sống âm nhạc dân tộc và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng trong cộng đồng.

________________

1. Trần Phước Thuận, Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.23-25.

2, 5. Dẫn Phan Thị Thu Hiền, Các lý thuyết văn hóa học, Bài giảng lớp cao học và nghiên cứu sinh, Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXHNV TP.HCM, 2016.

3, 4, 6. Trần Ngọc Thêm, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2014, tr.81, 82.

 

Tác giả: Đỗ Quốc Dũng

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *