Con người hoài nghi về thực tại trong sáng tác của Haruki Murakami


Haruki Murakami là nhà văn tiêu biểu của văn học TK XXI. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện bi kịch của con người hậu hiện đại với những biểu hiện như: sự khủng hoảng mất niềm tin, nỗi cô đơn cùng cực, những ẩn ức tinh thần không thể giải tỏa, đặc biệt là những hoài nghi tuyệt vọng về thực tại.

Sinh ra tại Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc, xứ sở có một nền văn học lâu đời và giàu có bậc nhất thế giới, Haruki Murakami được giới nghiên cứu xem là nhà văn tiêu biểu cho văn học hậu hiện đại, là ngòi bút đã thổi một luồng gió mới, làm thay đổi cấu trúc, diện mạo văn học xứ sở Phù Tang. Vượt qua ranh giới của Nhật Bản, các tác phẩm của Murakami đã đến với bạn đọc ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ khi Murakami xuất hiện trên văn đàn, người ta không chỉ nhớ đến Kawabata và Oe Kezaburo – 2 nhà văn của Nhật Bản đã từng đoạt giải Nobel Văn học, mà còn biết đến Murakami với một phong cách nghệ thuật độc đáo hòa quyện giữa hiện thực và huyền ảo, truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây với một giọng điệu kể chuyện hết sức quyến rũ và hấp dẫn. Tác phẩm của Murakami đã thực sự chạm đến những vấn đề mang tính nhân loại, đặc biệt là hành trình kiếm tìm sự thật và bản thể tồn tại. Đặc biệt, những bi kịch của con người hậu hiện đại với những biểu hiện như: sự khủng hoảng mất niềm tin, nỗi cô đơn cùng cực, những ẩn ức tinh thần không thể giải tỏa, đặc biệt là những hoài nghi tuyệt vọng về thực tại phi lý.

Như chúng ta đã biết, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật thời đại hậu kỹ nghệ mang đến cho con người mối nguy cơ về xóa sổ chính mình. Cuộc sống hiện tại với sự đổ vỡ niềm tin vào những chân lý, con người đôi lúc cảm thấy bị lãng quên và chơi vơi giữa xã hội. Vì vậy, văn học hậu hiện đại là nền văn học đa trung tâm, nền văn học đề cao sự diễn giải và quyền tự do diễn giải của người đọc, chấp nhận những cái khác, cái bản địa, cái thiểu số, cái ngoại biên, chấp nhận những tồn tại tự do, ngẫu hứng, các tiểu tự sự, chấp nhận sự mất trật tự, tạm bợ và đứt gãy. Tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại chính là “bất tín nhận thức”, là sự hoài nghi các chân lý sẵn sàng phản biện, nhận thức lại, đánh giá mọi thứ. Con người hoài nghi là biểu hiện sinh động, là cảm thức hiện sinh của con người hiện đại, là “âm vang của một khủng hoảng xã hội” trầm trọng với nhiều điều phi lý, bất ổn.

Trong tác phẩm của Murakami, kiểu con người hoài nghi cũng là một kiểu con người tiêu biểu. Con người mang tâm trạng băn khoăn thường trực và hoang mang khôn cùng trước hiện thực bất tín đang phơi bày. Trong tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót, cô thiếu nữ trẻ Kasahara May mới mười sáu tuổi nhưng luôn thường trực trong mình những nghi vấn về con người mà đặc biệt là về cái chết: “Khi người ta chết thì tuyệt lắm nhỉ?” (1). Còn Kumiko lúc nào cũng suy nghĩ về một cái gì đó xa xăm. Cô cho rằng: “Cái mà ta thường thấy trước mắt mình chỉ là một phần nhỏ nhoi của thế giới mà thôi. Ta vẫn quen nghĩ: Thế giới của ta là thế này đây, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Thế giới thực nằm ở một nơi tối và sâu hơn thế này nhiều” (2). Hồ nghi về thế giới mà cô đang hiện diện, nhìn tất cả mọi thứ với ánh mắt xa lạ, ngay cả với chính người chồng của mình, Kumiko đã rời bỏ Toru cùng với tổ ấm của mình để ra đi tìm lời giải trong hiện thực mù mịt. Ở tiểu thuyết Rừng Nauy, kiểu con người hoài nghi về thế giới cũng được thể hiện sắc nét. Wantanabe hoài nghi tất cả các giá trị, hoài nghi về đời sống tình cảm của con người. Con người trong tiểu thuyết của Murakami mang tâm trạng vỡ mộng, hoài nghi, luôn bị số phận bi kịch ám ảnh. Đó là những cá nhân thuộc “thế hệ đã mất” của thanh niên vừa thoát khỏi cuộc chiến, lý tưởng tan vỡ.

Hoài nghi về thực tại, về thế giới xung quanh dường như là tình trạng thường trực của con người hậu hiện đại. Khi nhận ra rằng không thể lý giải tất cả những lĩnh vực của đời sống bằng những phát minh khoa học, con người rơi vào trạng thái khủng hoảng hậu công nghiệp và “chấn thương hậu hiện đại”. Họ trở nên hoài nghi về thế giới mà họ đang sống như một dấu hỏi lớn mà thân phận của kẻ lữ hành luôn mang bên mình. Trong tiểu thuyết Người tình      Sputnik, cả “tôi”, Miu và Sumire đều mang trong mình sự hoài nghi, bất an về thế giới thực tại. Thế giới cướp khỏi họ những thứ dù quan trọng đến thế nào, ngay cả khi họ đã hoàn toàn thay đổi so với trước. Thế giới này luôn phi lý như một dấu chấm hỏi khổng lồ. Đó là cái thế giới 1Q84 (chữ Q nghĩa là Question) đầy ám ảnh. Đó là nơi mà những chuyện bất ngờ không ngừng xảy đến với Tengo. Anh bị cuốn trong guồng quay của các sự kiện và nhận ra rốt cuộc, thực tại quanh anh không giống như anh nghĩ. Anh hiểu ra rằng suốt những năm qua, hình ảnh ai đã luôn luôn trong tâm khảm anh, là cái neo tinh thần cho anh để anh khắc khoải đi tìm người đó. Nhưng “đến giờ, anh vẫn băn khoăn một chuyện ấy. Anh vẫn bất an như thế, sợ hãi như thế, run rẩy như thế”. “Anh đang hoang mang vì không sao lý giải được ý nghĩa của thế giới này”. Đó cũng là thế giới mà Aomame không còn tin rằng mình đang sống ở năm 1984, rằng cô đang tồn tại ở một không gian gọi là năm 1Q84. Trong thế giới ấy, có bà chủ muốn đưa những gã đàn ông đốn mạt sang thế giới khác trong yên lặng, một lãnh tụ tà giáo cưỡng bức trẻ em mà không ai hay biết, một tuổi thơ chở nặng những ký ức đau buồn của cô bé       Tsubasa, một cô gái mang tên sát thủ đã đổ vỡ niềm tin về cuộc đời. Ở đây, Aomame hoài nghi về sự tồn tại của hai mặt trăng trên bầu trời, hoài nghi mọi thứ và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nhưng không phải lúc nào cô cũng có được câu trả lời: “Tại sao người phối ngẫu nhất định phải là KawanaTengo? Đây là một trong những chuyện không thể giải thích được” (3). “Nhưng có thật vậy không? Thế giới lại trở về trạng thái ban đầu một cách đơn giản vậy sao? Nơi này liệu có phải lại là một thế giới khác nữa? Liệu có khi nào bọn mình chỉ từ một thế giới khác đi vào một thế giới thứ ba nữa không? Thế giới nơi con hổ không ngoảnh mặt bên phải mà ngoảnh mặt bên trái nhìn bọn mình? Ở nơi này phải chăng những bí ẩn mới và những quy tắc mới đang chờ đợi bọn mình?” (4).

Con người hậu hiện đại không những hoài nghi về thế giới mà còn hoài nghi về sự tồn tại của chính mình. Tác phẩm của Haruki Murakami là những trang văn tinh tế và biến ảo khi miêu tả sự trống rỗng, hoài nghi của con người. Hầu hết nhân vật nào của Murakami cũng đều vận lấy một cuộc đời trắc trở, bất hạnh, đầy bất an và âu lo trong nhịp đời buồn tẻ, nhạt nhẽo. Họ luôn mang trong mình nỗi day dứt khôn nguôi về bản thể và thân phận. Hoài nghi dưới ngòi bút của Murakami cũng là sự hoài nghi mà mỗi người đều có, là một nỗi cô độc hiện diện mọi nơi của con người bình thường. Đất nước Nhật Bản thời hậu chiến với quá nhiều sự đổi thay khiến con người ngày càng hoài nghi vào một trật tự do Thượng đế sáng lập. Con người ngày càng xác tín ở niềm tin Thượng đế đã chết. Cuộc đời không có Thượng đế mà chỉ còn trơ lại sự hiện sinh, chỉ còn lại những con người trơ trọi, cô đơn, lơ ngơ đi tìm bản thể của chính mình. Hoài nghi không còn đơn thuần là một trạng thái cảm xúc mà mang chiều sâu triết học. Hoài nghi không phải để rũ bỏ mà để tin tưởng nhiều hơn vào tình yêu, nỗi cô đơn và cả sự phân rã bản thể của thân phận con người, để yêu thương nhiều hơn những linh hồn trong trẻo vốn cư ngụ trong sâu thẳm trái tim. Trên hết, hoài nghi vì con người luôn thấy mình hoang hoải và bất an giữa cuộc đời.

Con người hậu hiện đại nhận ra những bất an của cuộc đời, tha nhân và đặc biệt là những bất an trong chính bản thể. Con người trạng thái vong thân, thất thổ, lạc loài. Họ không tin thế giới khách thể và nghi ngờ cả sự tồn tại của chính bản thân mình: “Khi tôi mở mắt ra, cứ như thế tôi đang sống cuộc đời của một người khác. Sau một lúc thật lâu, cuộc đời ấy mới bắt đầu khớp nối với cuộc đời tôi. Thật là một sự chồng chéo kỳ cục, cuộc đời tôi như cuộc đời của một ai đó. Tôi thậm chí còn không chắc là một người như bản thân tôi lại đang tồn tại” (5).

Kumiko trong tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót không tìm được một lý do hợp lý nào cho sự có mặt của mình giữa chốn nhân gian này, cô luôn cảm thấy mình như một kẻ rỗng tuếch, vô nghĩa, không chút giá trị gì. Kumiko căm thù tất cả những cái gì đã làm cho cô trở nên như vậy và “Em muốn biết chính xác nó là cái gì. Em phải biết chính xác nó là cái gì. Em phải tìm cho ra cội rễ của nó, phán xử và trừng phạt nó” (6). Cô mơ hồ “cảm giác như có một cái gì nho nhỏ, nằm ở bên trong em”. Cô tự thốt lên cảm giác thú tội với chồng mình-Toru Okada: “Em ngủ với ông ta vì em muốn ngủ với ông ta. Vì em không thể chịu nổi nếu không ngủ với ông ta. Vì em không kìm nén nổi dục vọng xác thịt của mình” (7). Còn Toru sau khi đọc xong bức thư của trung úy Mamiya đã “lay động tâm hồn đến kỳ lạ” dù cho những hình ảnh mà trung úy kể lại chỉ là những “hình ảnh mơ hồ xa xăm”. Anh băn khoăn không biết có nên tin vào sự thật mà người lính hậu chiến này kể lại không: “Trung úy Mamiya là người tôi có thể tin cậy, chấp nhận và tôi cũng có thể chấp nhận là sự thật những gì ông tuyên bố là sự thật. Song bản thân khái niệm sự thật hay thực tại không còn đủ sức thuyết phục tôi nữa” (8).

Bên cạnh sự hoài nghi bản thể của Kumiko, Toru Okada, cô thiếu nữ trẻ Kasahara May mới mười sáu tuổi, nhưng luôn thường trực trong mình những nghi vấn không chỉ về cuộc đời mà về chính mình: “bị nhốt trong bóng tối ở đâu đó” hay có một vùng bóng tối nào đó luôn thường trực trong mỗi chúng ta, một cách bí ẩn mà chính ta cũng không hay biết. Có lúc nó ngủ yên, có lúc lại trỗi dậy mạnh mẽ và bắt ta phải gặm nhấm từ từ cái cảm giác khủng khiếp mà nó mang lại. Cô luôn cảm thấy có một thứ gì đó bên trong cô, đang càng lúc càng lớn ra, giống như rễ cây trong chậu, khi nào đủ lớn nó sẽ xé toang cô ra thành trăm mảnh như cái chậu vỡ vậy. Cô luôn có cảm giác ấy, nhưng chưa bao giờ thấy được rõ ràng nó là cái gì. Chỉ biết rằng, khi Kasahara May còn ở dưới ánh mặt trời thì nó vùi bên trong cô, còn trong bóng tối thì nó lớn nhanh đến phát sợ. Chính vì thế, cô thiếu nữ trẻ này đã nhận định: “Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một cái gì đó riêng biệt nằm ở sâu bên trong người đó” (9). Kasahara May muốn đến càng gần hơn càng tốt cái vật khốn nạn ấy, cô muốn dụ nó ra khỏi mình rồi đập nát nó thành từng mảnh. Nhưng thực tế là cô đã không làm được điều đó, vì thế, cô luôn thấy thế giới có vẻ hoàn toàn trống rỗng, mọi thứ đều có vẻ giả tạo. Cái duy nhất có thực, chính là cái thứ kinh tởm đang tồn tại một cách siêu hình trong cô. Hoài nghi chính mình, khát khao xác thực cảm giác mình là chính mình, làm chủ cuộc sống của mình chứ không phải là một vật ghê sợ nào khác, Kasahara May đã cố ý đẩy mọi chuyện tới những giới hạn cuối cùng của nó: Bịt mắt người bạn trai đang đèo mình khi cả hai đang đi xe máy với tốc độ cao hay bỏ mặc Toru Okada dưới đáy giếng trong sự tuyệt vọng. Thế nhưng cô gái trẻ ấy đã thất bại, không có cái gì thoát ra như cô mong muốn, bạn trai cô đã chết và Toru Okada cũng gần như thế. Cô chạy trốn ngôi nhà của chính mình để hòng tìm thấy một sự bình an trong tâm hồn. Kasahara May đã đến một nơi xa xôi, hẻo lánh và làm việc trong một công xưởng chế tạo tóc giả. Cô những tưởng rằng, tách biệt mình ra khỏi thế giới xung quanh là cách tốt nhất để mình thấy lại được chính mình, nhưng cô đã sai, hoàn toàn sai. Chính tại thế giới khác biệt ấy, cô cảm thấy nỗi cô đơn, lạc lõng của số kiếp mình: “đột nhiên em òa khóc… Rồi em nhận ra rằng cái bóng của em cũng đang khóc… Chính khi đó em lại sự nghĩ, biết đâu nước mắt mà cái bóng của em đang tuôn mới là thực, còn nước mắt em đang tuôn chỉ là cái bóng” (10). Kasahara May và Kumiko hai bản thể khác biệt hoàn toàn không có một mối liên hệ trực tiếp nào với nhau. Thế nhưng cả hai đều đang đi tới một khẳng định dường như chắc chắn rằng: mỗi con người tồn tại và hiện hữu trên thế gian này chỉ là những cái vỏ trống rỗng, cái diện mạo mà ta có thể nhìn thấy được, sờ thấy được, tức là có thể cảm nhận được bằng trực giác lại là những cái phi thực, giả tạo. Cái bản thể đích thực của mỗi chúng ta nằm ở một thế giới nào đấy xa xăm, nơi tận cùng sâu thẳm của bóng tối. Ta chỉ có thể cảm nhận được rằng nó đang tồn tại, đang điều khiển ta, nhưng ta không biết làm cách nào để thoát ra khỏi nó. Chính vì thế mà cô gái trẻ ấy đã hoang mang, lo sợ và chạy trốn. Cô thất bại trong khao khát được tìm thấy con người đích thực của mình trong sự cộng thông với tha nhân, trong một thực tại khác với thực tại nhàm chán mà cô đang sống.

Mang nỗi hoài nghi bản thể, con người trong tiểu thuyết của Haruk Murakami là những con người gắn với các cuộc hành trình tìm kiếm bản lai diện mục của chính mình. Bên cạnh con người cô đơn, con người phân mảnh thì con người hoài nghi cũng là những con người lưỡng diện đa chiều, suy tư, trăn trở. Họ nhìn về vết tích quá khứ để soi xét hiện tại, dự cảm về tương lai. Trong tiểu thuyết Người tình Sputnik, Sumire mất tích nghĩa là cô đang đi tìm cái nửa kia của Miu, của chính mình. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? “Tôi vẫn ở phía này, ở đây. Nhưng một cái tôi khác, có thể là một nửa của tôi, đã đi sang phía khác, mang theo cả mái tóc đen của tôi, ham muốn tình dục của tôi, chu kỳ kinh nguyệt của tôi, buồng trứng của tôi, thậm chí có lẽ cả lòng muốn sống nữa. Và nửa còn lại là cái người em đang thấy ở đây” bất an, hoài nghi. “Tôi yêu Miu. Yêu Miu ở phía bên này, điều đó khỏi nói. Nhưng tôi cũng yêu Miu ở phía khác y như vậy. Khi ý nghĩ này nảy đến tôi như nghe thấy chính mình – với tiếng “rắc” rất rõ – tách ra làm đôi. Dường như sự tách đôi biến thành ra đứt khúc của Miu đã lan sang tôi. Cảm giác đó áp đảo và tôi biết mình chẳng thể làm được gì để chống lại nó. Nhưng vẫn còn một câu hỏi. Nếu phía này, nơi Miu hiện sống, không phải là thế giới thực – nếu phía này thực sự là phía khác – thì tôi sẽ thế nào, người cùng chia sẻ một mặt phẳng thời gian và không gian với chị ấy? Tôi là ai trong thế giới?” (11). Người tình Sputnik thực sự đã diễn tả tinh tế cảm thức của thời đại con người không tin vào đại tự sự. Họ hoài nghi về chính mình và họ đi tìm những mảnh vỡ của chính mình. Mỗi mảnh vỡ ấy chính là một phần trong cái tôi đa ngã của họ.

Có thể thấy rằng, nhân vật trong sáng tác của Haruki Murakami là những con người đang mải miết trên hành trình tìm kiếm bản ngã đích thực trong sự hoài nghi về những giá trị đang hiện hữu, hoài nghi chính mình, trong trạng thái dằn vặt, tự thú. Nếu hoài nghi của con người trong văn học hiện đại là nỗi hoài nghi trước không gian thì hoài nghi trong tiểu thuyết của Murakami là nỗi hoài nghi thời gian. Chính nỗi hoài nghi thời gian khiến con người không những lạc lõng giữa thế giới mà còn xa lạ với chính mình. Nếu con người hiện đại hoài nghi tất cả nhưng tin vào cái tôi của chính mình thì con người trong tiểu thuyết của Murakami hoài nghi ngay cả cái tôi ấy. Có lẽ, nội lực sáng tạo tiểu thuyết của của Haruki Murakami là sự trắc ẩn về những thân phận người trong sự nghiêng lệch của chính họ với thế giới. Với cảm quan về con người hoài nghi mang chiều sâu của tư duy triết học, Murakami đã phản ánh thật chân xác tâm thế con người hậu hiện đại trong thế giới đầy rẫy những nghiêng lệch, phi lý và cả sự đổ vỡ của rất nhiều thang bảng giá trị.

_______________

1, 11. Haruki Murakami (Ngân Xuyên dịch), Người tình Sputnik, Nxb Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2015, tr.27, 216.

2, 6, 7, 8, 9, 10. Haruki Murakami (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), Biên niên ký chim vặn dây cót, Nxb Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2014, tr.263, 322, 318, 319, 244, 373, 693.

3. Haruki Murakami (Lục Hương dịch), 1Q84, tập 3, Nxb Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2013, tr. 439.

4. Haruki Murakami (Trịnh Lữ dịch), Rừng Nauy, Nxb Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2006, tr.490.

5. Haruki Murakami (Minh Hạnh dịch), Cuộc săn cừu hoang, Nxb Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2015, tr.407.

NGUYỄN THỊ NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *