Mỹ học truyền thống Hàn Quốc trong Hoa dạng niên hoa của Gu Hyo-Seo

Truyện ngắn Hoa dạng niên hoa có tựa đề hàm chỉ khoảng thời gian tươi đẹp của đời người. Bối cảnh truyện là cuộc hội ngộ thường niên của hai người yêu nhau nhưng không bao giờ thổ lộ. Mỗi năm vào dịp mùa xuân, Bong-han và Song-ju lại cùng đi dạo bên bờ sông Seomjin để ngắm rừng hoa mai nở. Tại đây, những ký ức đẹp về thời sinh viên và bao nhiêu hoài bão của đôi bạn được dịp hồi sinh… Thông qua thế giới nghệ thuật đầy biến ảo, nên thơ, cùng bút pháp lãng mạn, nhà văn nổi tiếng của thành phố Incheon, Gu Hyo-seo đã phần nào hé mở những góc sâu kín, những “sắc điệu tâm hồn Hàn Quốc” (1). Đặc biệt, truyền thống văn hóa và mỹ học dân tộc là một trong những điểm nổi bật được thể hiện rõ nét qua thi pháp truyện ngắn Gu Hyo-seo trong Hoa dạng niên hoa.

1. Bi cảm Seulpeum và nỗi u buồn của những Hwarang

Bi cảm Seulpeum là một trong những khái niệm cơ bản của văn hóa Phật giáo truyền thống Hàn Quốc (2), chứa đựng cảm quan mỹ học của con người trước thiên nhiên và cuộc sống nhân sinh trên bán đảo Cao Li. Thông qua bi cảm seulpeum, con người có thể đạt đến sự cảm thông và chia sẻ cùng tha nhân những nỗi niềm xao xuyến trước sự phù du của một kiếp người. Người Nhật mang niềm bi cảm Aware tràn ngập tâm hồn, như men sakê chứa chan bầu rượu. Rượu chưa uống cạn mà hư ảo đã tan theo cánh hoa trong gió lạnh, luyến tiếc khôn nguôi trước cái phai tàn. Trong khi đó, người Hàn Quốc lại u buồn trước cái đẹp ban sơ, vừa chớm nở. Người Nhật Aware trước cái đã qua, người Hàn Seulpeum trước những gì còn chưa đến. Mặc dù tiếp thu triết lý vô thường của nhà Phật, nhưng Bi cảm Seulpeum vẫn mang những nét tính cách riêng của người Hàn.

Thi pháp nhân vật là một trong những thành công của truyện ngắn Hoa dạng niên hoa. Trong tác phẩm, nhân vật Bong-han, một nhiếp ảnh gia, cựu sinh viên khoa văn học, phảng phất dáng dấp của những thi sĩ cổ điển thời đại Cao Li. Anh được khắc họa như một nhà thơ cô đơn, là người yêu đơn phương cô bạn Song-ju và yêu đơn phương cả những vần thơ bi cảm. Từ thời đại học, anh luôn bị bạn bè gọi vui là “nhà thơ trượt giải” bởi anh “lúc nào cũng viết thơ gửi cho các cuộc thi” (3) nhưng không bao giờ được nếm mùi chiến thắng. Bản chất việc Bong-han sáng tác không phải vì những giải thưởng hay muốn thành danh. Anh dành cho thơ ca một niềm luyến ái, như người tri âm, gửi gắm niềm rung động. Những rung động sâu xa của một tâm hồn tinh tế, một tâm hồn biết Seulpeum trước cái đẹp vừa chớm nở.

Trước cảnh thiên nhiên vào mùa xuân, và khi những bông hoa mai còn đang nụ, anh đã để tâm hồn thi nhân được sống lại hoa niên của một thời là sinh viên đại học. Mùa xuân ở miền Nam, khi sắc màu vẫn còn chưa rực rỡ, tâm hồn thi nhân đã tràn ngập những bồi hồi. Chắc không phải vì mùa xuân sắp qua, mà vì trong cái lạnh xứ Hàn, những chồi mai vẫn âm thầm nuốt lấy nguồn xuân trong từng thớ gỗ: “Tuyết bay nhuộm trắng cả trời/ Là khi mai nở sáng ngời thế gian/ Tuyết mai, mai tuyết khôn phân” (4). Hoa mai tháng ba bùng nở, vậy mà mùa đông tuyết lạnh đầy trời, thi sĩ thiền sư Thái Cổ Phổ Ngu lại thấy những cánh mai bay trắng không gian, sáng bừng niềm hy vọng. Trong cái đơn sơ của thiên nhiên, nhà thơ nhìn thấy vẻ đẹp của vô thường. Trong cái vô thường của vạn vật thiên nhiên, thiền sư thấy được nét đẹp vĩnh hằng bất tử.

Nếu vô thường mang đến niềm bi cảm cho vẻ đẹp tàn phai thì cái vĩnh hằng có vẻ đẹp riêng của niềm u buồn cô tịch. Bong-han từng yêu thích và ngâm nga những bài thơ Haiku Nhật Bản. Ở đó, anh có thể tìm thấy cái yugen – khoảnh khắc cô tịch, u buồn – nơi mà tình yêu của Bong-han và Song-ju hội ngộ. Họ gặp nhau trong lặng thinh sâu thẳm, tương giao. Giữa hai con người đồng điệu, tình yêu dù không thể vượt qua nghịch cảnh nhưng vẫn âm thầm sống mãi, trong sáng như tuổi hoa niên.

Từ “niên hoa” trong nhan đề tác phẩm gợi đến khoảng thời gian đẹp nhất trong đời mà cả hai đã đi qua. Niên hoa cũng là tất cả những ký ức tình yêu, buồn vui lẫn lộn. Niên hoa là những tâm sự đẹp, nỗi u buồn mà cả hai chôn kín. Vì không ai dám bước qua giới hạn nên tình cảm đó vẫn như thuở ban đầu, mãi mãi không bao giờ tan vỡ. Không bao giờ tan vỡ nhưng cũng không bao giờ hoàn mãn. Sự tiếc nuối luôn hiện hữu, làm nên một nỗi niềm bi cảm vô biên. Điều đó cũng khiến người đọc chìm trong cảm xúc bồi hồi như ngắm cánh hoa xuân.

Khi Bong-han và Song-ju cùng dạo bước trong vườn đá, dưới tán cây mơ, nhìn hoa rụng rơi, thấm vào đá phiến thành những hoa văn vĩnh viễn, Bong-han lại nhớ về cảm thức u huyền. Những vần thơ của thi sĩ Yosa Buson cứ hiện lên trong tâm trí “Hoa mơ rơi, khắc vào như vỏ sò, cạnh đầu bàn” (5). Cảm thức u huyền mà nhân vật Bong-han tưởng nhớ chứa đựng một mã văn hóa được chia sẻ trong cộng đồng các dân tộc Á Đông. Chúng ta có thể liên tưởng đến sự ngưng đọng nghìn năm trong từng vân đá của Basho: “Vắng lặng u trầm/ Thấm sâu vào đá/ Tiếng ve ngâm” (6). Thật bất ngờ, sự miên viễn kết tinh vào đá cổ kính nghìn năm lại thành nền cho tình yêu thầm kín của hai con người hiện đại. Hai người lặng ngắm từng vân đá trong vườn như đang chiêm ngưỡng hình hài của một tình yêu xưa cũ “hai người nhìn xung quanh. Tảng đá nào cũng đầy hoa mơ… là gương mặt anh mong nhớ biết bao nhiêu… Chú, cũng đã thấm sâu vào trong em… họ chưa từng nhìn sâu vào mắt nhau đến thế…” (7). Trong xã hội hiện đại, con người trôi lăn với những bộn bề biến động, phải tạm gác những giấc mơ hoa để lao động, sinh tồn. Song-ju tạm gác dự định “vẽ ngàn bức họa” để làm tròn vai trò người vợ, để cố duy trì công việc bấp bênh. Còn Bong-han kéo lê những ngày tháng chơi vơi, thiếu vắng tình yêu và thiếu luôn văn học. Sáng tạo độc đáo của tác giả Gu Hyo-seo chính là vừa để người đọc chiêm ngưỡng văn hóa truyền thống Hàn Quốc, vừa lôi cuốn họ bởi một chuyện tình đẹp giữa hai con người rất thực trong cuộc sống bộn bề.

Từ điểm nhìn nội tại tinh thần, tuy rằng tình yêu và niềm đam mê không được thỏa mãn nhưng sự bất toàn đó đã cho họ một nơi gửi gắm tình cảm, cái gì đó để mong chờ giữa vòng quay nghiệt ngã của xã hội kim tiền. Và cứ mỗi mùa xuân, hễ nhận được cuộc gọi vu vơ từ Song-ju là Bong-han lại đi Gwangyang để cùng cô ngắm hoa mai, dù mai chưa nở. Và cứ mỗi năm vào mùa xuân, hoặc khi chán nản, Song-ju lại cùng Bong-han đi dạo bờ sông Seomjin để ngắm hoa mai, dù mai có nở hay chưa.

Ở chiều sâu của tính nhân văn, hình tượng nhân vật Bong-han và Song-ju tuy được dựng nên như những con người bình thường trong xã hội nhưng mang đậm dấu ấn văn hóa và niềm tự hào dân tộc. Đó là những người tốt đẹp về nhân cách lẫn ngoại hình. Họ được thừa hưởng một nền giáo dục tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc – những Hwarang. Lý tưởng Hoa Lang đạo không chỉ tồn tại trong xã hội truyền thống mà còn thấm sâu vào nếp sống của những người tri thức đương thời. Không chỉ tài hoa, họ còn biết sống vị tha, sống vì bổn phận. Bởi những Hwarang hiểu được lẽ vô thường của sinh mệnh và nỗi khổ của nhân sinh.

Trong lịch sử văn học Hàn Quốc, tư tưởng Phật giáo đại thừa đã thể hiện một cách rõ nét trong tác phẩm thi ca nổi tiếng Hyangga (Hương ca), xuất hiện cuối thời Tân La và đầu triều đại Cao Li (8). Từ hương là quê hương, xứ sở; còn ca là những khúc hát dân gian dùng khi hội hè, tế lễ. Giống như Kinh thi của Trung Quốc, Hyangga cũng được xem là “quốc phong” của Triều Tiên. Trong đó, con người thể hiện tình cảm, niềm tin vào sự giáng sinh của Đức Phật Di Lặc và một thế giới lý tưởng đang chờ đón họ ở tương lai. Hay như thơ ca Phật giáo Seon Hàn Quốc cũng nhấn mạnh ý nghĩa phù thế của cuộc sống, đồng thời ca ngợi lý tưởng dấn thân Hoa lang đạo. Ở đó, lý tưởng quân tử Nho giáo đã bắt gặp và hòa quyện cùng lý tưởng Bồ tát đạo của Phật giáo. Điểm giao thoa ấy được thể hiện nổi bật và tập trung trong hình ảnh “những chiến binh ưu tú” của Hoa Lang đạo. Tương tự như tầng lớp Samurai của Nhật Bản, ở Triều Tiên từ thời Tân La, những thanh niên xuất chúng đã được tuyển chọn và huấn luyện văn võ, nhạc lý tinh thông. Mỗi chiến binh Hwarang tình nguyện nhận lấy mọi khó khăn, buồn khổ của nhân sinh, tận hiến kiếp người vì xã hội, vì tha nhân.

Nhân vật Bong-han trong Hoa dạng niên hoa là hình ảnh điển hình cho những Hwarang thời hiện đại. Từng phục vụ trong quân đội, Bong-han gây ấn tượng mạnh cho các bạn đồng học bởi sự rắn rỏi, phong trần. Mỗi lúc đứng ra thuyết trình trong các buổi báo cáo thực tập, Bong-han luôn nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè “các cô gái ở phía sau la hét cổ động chẳng khác gì các fan hâm mộ idol dạo này” (9). Không những nam tính, Bong-han còn là một sinh viên xuất sắc của khoa văn học “anh học giỏi và nhận được học bổng liên tục, và vô cùng dũng cảm đủ để tranh luận với các giáo sư” (10). Nhân vật Bong-han còn thể hiện khả năng âm nhạc khi tình nguyện chơi đàn ukulele để làm khuây khỏa nỗi buồn của người bạn và khuyên người này trở lại lớp. Ngay cả nhân vật nữ Song-ju cũng thể hiện những nét tài hoa và tinh tế của một Hwarang. Cô học cùng khóa với Bong-han và khiến anh phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ rực rỡ, điềm đạm pha chút kiêu sa. Song-ju “chỉ là một bông hoa đỏ, nhỏ bé và bừng sáng giữa phòng học. Một cách kiêu kỳ” (11). Vẻ đẹp kiêu kỳ phản chiếu qua mắt của Bong-han chính là sự điềm nhiên mà hiếm cô gái nào có được khi đối diện với anh “kiêu kỳ, dường như là từ được tạo ra… Cô đơn giản chỉ là một sinh viên chuyên tâm vào môn học mà mình đã đăng ký” (12).

Khi thời hoa niên đi vào dĩ vãng, Song-ju một thiếu phụ vẫn toát ra vẻ đẹp tươi mới của mùa xuân “không có hoa mai, thế gian này vẫn bừng sáng vì nụ cười em” (13). Không chỉ duyên dáng, Song-ju, dưới ngòi bút của Gu Hyo-seo, là hiện thân của nữ sĩ Cao Li, điềm đạm, quyến rũ mà uyên bác “khi thay mặt nhóm thảo luận, cô dịu dàng, trang nhã, giọng nói trong sáng… Cho dù động đất thì Song-ju cũng sẽ không bỏ chạy” (14). Cô xuất thân từ tầng lớp trí thức và được thừa hưởng một nền giáo dục bài bản từ bé. Cha cô là giáo viên quốc ngữ, người đã truyền cảm hứng và khuyến khích cô theo đuổi ngành giáo dục Quốc ngữ. Mẹ là giám đốc một trung tâm dạy đàn piano, người đã cho cô một tài năng nghệ thuật tuyệt vời. Chính vì vậy, cô luôn bản lĩnh và tự tin trong các hoạt động văn nghệ của nhà trường, dù được tổ chức bài bản hay ngay trong các tình huống ứng tác bất ngờ “nếu bị bắt hát… một hai câu rồi thôi, nhưng đột nhiên Song-ju đứng bật dậy bắt đầu uốn éo thân mình một cách điên cuồng… Đó chỉ là tài năng tự nhiên của một người từng học vẽ và vũ đạo từ nhỏ” (15). Cả Song – ju và Bong – han có nhiều điểm chung, giữa họ không chỉ là tình yêu nam nữ mà là sự đồng điệu của nền tảng văn hóa. Và bởi có quá nhiều điểm chung nên họ cũng có cùng nỗi u buồn, có cùng một giới hạn không thể vượt qua. U buồn, bởi cả Bong-han và Song-ju đều sợ cái tàn phai sau khoảnh khắc huy hoàng “rốt cuộc hai người dứt khoát quay mặt đi” (16). Nỗi u buồn trào dâng khi hai người họ đều né tránh cái thời khắc huy hoàng đó. Có cùng giới hạn khi cả hai không dám đi qua cực hạn. Cực hạn của bổn phận, của tính trung hòa.

2. Theo đuổi tính trung hòa – bâng khuâng trên lằn ranh cực hạn

Ý thức về bổn phận được hình thành và củng cố qua chiều dài lịch sử phong kiến Hàn Quốc. Con người tự nguyện hành động và suy nghĩ theo bổn phận nhằm duy trì sự hài hòa tiền định trong xã hội Nho giáo. Nhân vật Bong-han tuy yêu say đắm cô bạn thời đại học nhưng bên cạnh sự rụt rè thì định kiến cá nhân là nguyên nhân chính khiến cả hai không thể đến được với nhau. Trong suy nghĩ của anh, nam giới luôn luôn có một ưu thế tuyệt đối về học vấn. Thêm vào đó, Bong-han từ trước khi gặp Song-ju đã là một “thần tượng” trong lớp học. Thật khó để chấp nhận sự bình đẳng về năng lực giữa anh và những người còn lại, hơn nữa đó là một cô gái. Sự tự tin này của Bong-han đã chấm dứt kể từ khi phát hiện ra “bông hoa đỏ, nhỏ bé và bừng sáng giữa phòng học. Một cách kiêu kỳ” (17). Cụm trạng từ “một cách kiêu kỳ” xuất hiện trong nội tâm Bong-han cho thấy nhận định chủ quan của anh về sự tự tin của phái nữ. Lời trần thuật trong tác phẩm đã khẳng định lại một lần nữa vấn đề quan điểm khắc khe của Bong-han: “trầm tĩnh và bình thản, nhưng chỉ trong mắt anh, cô trông có vẻ kiêu kỳ” (18). Theo quan điểm có phần khắt khe của Bong-han, phụ nữ không nên tham gia biểu diễn một cách nhiệt tình tại các sự kiện tập thể vì một biểu hiện “không đứng đắn”. Một kỷ niệm đã dằn vặt Bong-han rất nhiều đó là việc Song-ju đã trình diễn kỹ năng vũ đạo điêu luyện khi cô được cả lớp yêu cầu biểu diễn văn nghệ trong chuyến đi thực tế. Bong-han đã “không thể mở mắt nhìn cảnh tượng đó… Kiểu như thấy người yêu của mình nhảy múa một cách dung tục… Nhưng Song-ju không phải người yêu của anh và lại càng không phải điệu múa dung tục” (19). Định kiến của Bong-han cho thấy điểm chung trong quan niệm của nhiều người.

Dưới góc độ nữ quyền, nhân vật Song-ju được tác giả xây dựng như một hình tượng hội tụ nhiều nét đẹp của người phụ nữ Hàn. Cô là một nữ sinh tiêu biểu của Khoa Giáo dục Quốc ngữ với nền tảng giáo dục tuyệt vời từ truyền thống gia đình. Song-ju vừa xinh đẹp lại có tính cách mạnh mẽ và điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống khó khăn, bất ngờ. Cô luôn ấp ủ một đam mê, khát vọng cống hiến cho nghệ thuật dù cuộc sống hiện tại có nhiều khó khăn, vất vả “một ngày nào đó em sẽ vẽ sông Seomjin trong hàng ngàn bức họa” (20). Tuy nhiên, cuộc đời Song-ju sau khi lấy chồng là chuỗi ngày buồn ẩn giấu bên dưới vẻ ngoài lạc quan “vì ông chồng và đứa con mà em không thể rời bước khỏi đây nhưng một lúc nào đó…” (21). Cuộc sống gia đình bộn bề với nhiều trách nhiệm dồn gánh nặng lên đôi vai người phụ nữ khiến cô âm thầm tổn thương “đừng nhắc đến chồng em, bức xúc lắm. Anh ấy tưởng em lấy anh ta vì chẳng còn ai khác… Đến mì gói em còn phải dâng tận miệng” (22).

Có thể thấy, một cuộc hôn nhân được sắp đặt, một cuộc sống an phận tại vùng quê, một công việc bất ổn, đã lấy đi của Song-ju những tháng năm đẹp nhất của đời người, những tiềm năng và tài năng không bao giờ được phát huy và trân trọng. Cuộc sống buông xuôi theo bổn phận đã khiến cô phải ganh tỵ với chính người bạn mà ngày xưa chỉ là chiếc bóng của cô “vậy mà em lại ganh tỵ với giáo viên chính quy như cô ấy” (23). Nhưng mất mát lớn nhất của Song-ju chính là niềm tin và sức sống “biết vậy em đã thi công chức để không cần đụng tay đến những việc nhà như vậy, nhưng giờ thì già rồi” (24). Một cô gái xinh đẹp, tài năng và trách nhiệm lại héo úa giữa tuổi hoa niên.

Nhưng trong tâm hồn Song-ju vẫn âm thầm nguồn nhựa sống như ánh lửa le lói nhưng không bao giờ nguội tắt. Đó là tình yêu không lời với Bong-han. Bong-han không bao giờ dám nói yêu cô bởi sự e dè của tuổi trẻ và ranh giới đạo đức của một người thật sự trưởng thành. Còn Song-ju không bao giờ dám nói yêu Bong-han bởi bổn phận người phụ nữ đã có chồng. Nhưng điều quan trọng nhất khiến cô giữ kín tiếng vọng trái tim mình có lẽ là nỗi sợ đánh mất niềm hạnh phúc sau cùng. Cô sợ có thêm một cuộc sống gia đình khuôn mẫu. Cô sợ không còn được trân trọng, không còn được cùng “người yêu” bày tỏ những ước mơ cháy bỏng của cuộc đời. Cô vẫn đang hạnh phúc, dù hiếm hoi, khi nghe lời động viên của Bong-han mỗi khi cô muốn buông xuôi “không có hoa mai, thế gian này vẫn bừng sáng vì nụ cười của em” (25). Và mỗi lần được nghe lời nói từ đáy lòng anh, Song-ju như sống lại, sắc hoa niên lại hiện về bên cánh hoa mai và ước mơ trong lòng cứ trào dâng trở lại “thế gian này bừng sáng vì sông Seomjin thì có. Ước vọng của em là đến một lúc nào đó sẽ vẽ dòng sông này trong ngàn bức họa. Đó là lý do em sống” (26).

Có lẽ Song-ju muốn giữ lại vẻ đẹp của quê hương trong những nét bút tài hoa của một nền văn hiến. Dòng nước Seomjin ngàn năm lưu chảy đã đem đến ý nghĩa cho cuộc sống của Song-ju. Còn tình yêu với Bong-han lại là sức sống để cô tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ tươi đẹp của cuộc đời. Chừng nào trong mối quan hệ đó còn tồn tại một ranh giới của tính trung hòa thì giấc mơ hoa của Song-ju còn tươi đẹp. Nhưng mối tình đẹp đó luôn khiến cả hai chìm trong tiếc nuối, buâng khuâng.

Truyện ngắn Hoa dạng niên hoa tuy có dung lượng ngắn, ngôn từ đối thoại đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều cảm xúc và thông điệp văn hóa. Đó là biểu hiện bất diệt của lý tưởng Hwarang cùng cảm thức bi cảm trước cái đẹp vô thường, là đức nhu hòa cùng bổn phận và tấm lòng vị tha, hy sinh vì người khác. Ở phương diện hiện thực, truyện ngắn Hoa dạng niên hoa cũng cho thấy tình trạng cô đơn của con người trong thời đại kim tiền. Con người dần trở nên xa lạ với nguyên bản của chính mình, dần ngột ngạt trong vô số định kiến. Khía cạnh nữ quyền tuy được đề cập thoáng qua trong tác phẩm với tông màu nhạt, như sự nhạt nhòa cam chịu. Nó tạo nên những nốt trầm buồn trong bản nhạc rộn ràng của mùa xuân. Tác phẩm mang đến cho người đọc một cảm xúc nhẹ nhàng nhưng đầy suy tư và lay động về thân phận những con người nhỏ bé, tàn tạ nhưng luôn mong muốn đóng góp cho đời. Phong vị văn hóa Hàn Quốc rất đậm nét và chi phối thi pháp truyện ngắn của Gu Hyo-seo. Không gian thiên nhiên tươi đẹp, khi rực rỡ lúc u trầm. Thời gian hiện thực đan xen liên tục với thủ pháp dòng ý thức và thời gian hồi cố. Thế giới cổ điển của thi ca truyền thống chan hòa trong câu chuyện thường nhật và nhịp đập hiện tại của mùa xuân. Hoa dạng niên hoa đã truyền tải thành công cái hồn của văn hóa và con người Hàn Quốc “nhạy cảm, nặng tình” (27) đồng thời đa mang một nỗi lòng sâu nặng với truyền thống ngàn năm.

________________

1, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27. Phan Thị Thu Hiền – Nguyễn Thị Hiền (chủ biên), Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, 2019, tr.16, 192, 194, 198, 198, 199, 200, 200, 201, 201, 207, 196, 196, 199, 201, 201, 196, 192, 192, 207, 206, 206, 207, 207, 207.

2. Boyé Lafayette De Mente, The Korean Mind (Tâm trí người Hàn Quốc), Nxb Tuttle Publishing, Tokyo, 2017, tr.306.

8. James Huntley Grayson, Korea: A Religious History (Hàn Quốc: Lịch sử tôn giáo), Nxb Routledge Curzon, New York, 2005, tr. 85.

Tác giả: Huỳnh Thị Diễm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *