Câu hỏi trẻ thơ là tuyển tập tác phẩm Lê Phương Liên viết từ năm 1970-2020. Tôi gọi đó là cuốn album đời người và đời văn Lê Phương Liên. Đây là bộ sưu tập gồm 50 truyện ngắn và tản văn của Lê Phương Liên trong 50 năm cầm bút. Những con số ấy làm chúng ta xúc động. Trong văn học Việt Nam, dễ gì tìm thấy nhiều đời viết có thâm niên như thế? Lê Phương Liên đến với văn chương ở cái tuổi 19, 20 rất đẹp của cuộc đời và bền bỉ làm sứ giả niềm vui cho các em thiếu nhi. Ở cuốn album đặc biệt này, chiếm phần lớn vẫn là những trang viết về thiếu nhi; viết về những kỉ niệm liên quan đến thời ấu thơ nhà văn; viết về những nhà văn thân quý của tuổi nhỏ (Tô Hoài, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh…). Mỗi tác phẩm đều được chú thích rõ về thời gian xuất bản, nơi in ấn lần đầu, có khi là một số chia sẻ về các giải thưởng liên quan. Trong mỗi thông tin ấy, ta đọc được sự biết ơn của tác giả với năm tháng cuộc đời, với những con người, địa chỉ đã kết nối chị với văn chương và tình nguyện gắn bó dài lâu. Với tuyển tập này, ngoài giá trị tư liệu, độc giả biết thêm về một Lê Phương Liên nhà giáo với những trang viết đầy tin yêu về nghề; một Lê Phương Liên nghiêm túc với từng con chữ đúng như phẩm tính của một cán bộ biên tập lâu năm của Nhà xuất bản Kim Đồng; một Lê Phương Liên nghĩa tình với quá khứ, luôn gom góp nâng niu từng kỉ niệm gắn với những con người đã đi qua đời mình. Và hơn hết, là một Lê Phương Liên nhà văn với những riêng biệt đáng yêu và đáng trọng.
Bìa sách Câu hỏi trẻ thơ của nhà văn Lê Phương Liên
Lê Phương Liên rất “trẻ thơ”, tôi nhận ra và thích thú với điều đó. Trẻ thơ là phẩm tính người lẫn phẩm tính nghề mà không phải ai cũng có được. Lê Phương Liên luôn viết cho thiếu nhi bằng nguyên vẹn niềm tin ngây thơ của tuổi nhỏ. Chị lắng nghe “thứ ngôn ngữ vô thanh truyền cảm” của vạn vật và chuyển thiên nhiên thành những kí hiệu thẩm mĩ sống động, đẹp đẽ trong thế giới nghệ thuật. Mọi thứ diễn ra mềm mại, khéo léo vì ngoài văn chương, Lê Phương Liên còn có năng khiếu hội họa. Không chỉ là vùng “an trú” của tâm hồn, sự tồn tại của thiên nhiên trong các tác phẩm của Lê Phương Liên làm ta tin người viết về nó thực sự nhân hậu, đa cảm trong từng nếp nghĩ. “Mỗi con vật, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cây, mỗi con hồ, cái ao… đều biết kêu khóc nếu ta làm đau đớn” (Tiếng trò chuyện vô thanh). Đấy là kiểu tình yêu lương thiện, sáng trong, bé mọn, buộc chúng ta đôi ba lần phải dừng lại lắng nghe thanh âm của những mầm sống đặc biệt trong thế giới tự nhiên. Nhà văn còn cẩn trọng cài lên truyện ngắn, tản văn lẫn những truyện vừa không xuất hiện trong tuyển tập những cái tựa tràn đầy ánh sáng: Những tia nắng đầu tiên, Khi mùa xuân đến, Ký ức ánh sáng, Vị ngọt ban mai…. Tựa như gương mặt sáng trong, xinh xắn của những sinh thể văn chương bé nhỏ, cách đặt tên này đủ để dẫn dụ người đọc về miền hạnh ngộ của thiên lương nồng ấm. Khi mỗi câu chuyện kết thúc cũng là lúc hành trình thắp lửa, kết hương khép lại, vẹn tròn trong những cái kết có hậu. Truyện Lê Phương Liên là thế, như một kiểu ảnh hưởng sâu sắc triết lí của truyện cổ dân gian, như chính một Lê Phương Liên chưa bao giờ vơi niềm tin về cuộc đời. Chị viết, không chỉ với tư cách nhà văn mà còn bằng cốt cách của một nhà giáo luôn xem học sinh là những bông hoa của đời mình. “Tâm hồn trẻ thơ như hương, như hoa, trong veo như nắng trời” là một hình ảnh so sánh xuất hiện trong truyện Kỉ niệm những ngày thực tập. Đấy là kiểu tư duy hình tượng rất Lê Phương Liên, lãng mạn, nhạy cảm, bao dung, vượt qua mọi rào cản. Đến mức, “đôi khi một làn sương nhẹ nhàng của mùa thu khô lạnh bay đến tôi, đủ làm tôi nhớ đến bồi hồi một ngày thu ở rừng nước Đức, tôi đã gặp một em gái nhỏ bên một con thuyền cổ tích” (Rừng thu).
Có thể gọi Lê Phương Liên là nhà văn của “ngày xửa, ngày xưa”. Phần vì những câu chuyện được phỏng theo truyện cổ dân gian (Cây báo bão), phần vì thi pháp truyện cổ tích và truyện ngụ ngôn nhuốm lên các tác phẩm (Cô bé Ốc Sên). Cốt cách, tâm thức nhuộm sắc vị ngày xưa của tác giả là điều đặc biệt. Nhà văn đã tự thửa một khoảng trời cho mình cũng như nhân vật mang bóng dáng mình. Giữa không gian văn hóa hiện đại, riêng khoảng trời ấy sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, “ngờ ngợ như họ vừa từ truyện cổ tích bước ra” (Hẹn hò ở phố hoa). Chính họ đã làm vẳng lên những thanh âm tao nhã của một thời đã xa: những mái tóc điểm bạc, những giai điệu xưa, những câu thơ cũ, trọn vẹn nỗi nhớ về những di tích lịch sử một thời, cung cách nín thở ngắm hoa, hành trình tìm về “Bên kia sông Đuống”… Các nhân vật cứ thế lặng lẽ trôi chảy về vùng văn hóa cổ xưa. Ở thị thành mà nói vọng về chanh quê vườn nội (Cây chanh); thấp thỏm đợi chờ phút giây hội ngộ xứ Huế để được đặt chân lên những viên gạch trăm tuổi của ngôi nhà cổ kính và được lẫn trong tiếng rì rào “răng, mô, ni, tê…” (Giấc mơ xuân trong ngôi nhà Huế); lễ đền Ngọc Sơn vào mùa xuân năm nay mà bồng bềnh trôi về sáng xuân xưa, buổi vua Lý Thái Tổ “cầm kiếm sáng lòe như tia chớp vụt bay từ phía sông Hồng tới” (Mưa xuân hồ Gươm). Nỗi niềm “cố viên tâm”, hành trình kết nối với quá khứ trong tác phẩm Lê Phương Liên không giản đơn chỉ là tình yêu nguồn cội mà còn là sự ngưỡng vọng trong lo âu. Ở góc độ nào đấy, nhà văn đã trở thành “ông tướng canh đền” nghiêm khắc giữ gìn những nét thiêng của văn hóa truyền thống, như cách nhân vật người ông ra sức bảo vệ giấc ngủ cho cánh chim Lạc Việt bấy lâu xa xứ, nay đã trở về quê hương ngay trong đêm trừ tịch (Chim Lạc Việt). Ở những câu chuyện thuộc đề tài này, truyện Lê Phương Liên thường có sự tồn tại song hành hai thế hệ: ông – cháu, bà – cháu. Tác giả thay vì chỉ ra sự khác biệt đến xung khắc giữa hai thế hệ thì lại lặng lẽ thiết kế những cuộc chuyển giao văn hóa. Hình ảnh những đứa trẻ líu ríu theo chân bà, chân ông, chân mẹ đến lễ đền, lễ chùa trong truyện Lê Phương Liên đã thể hiện sự quyến luyến của thế hệ trẻ với những lễ nghi, phong tục, lối sống của cha ông.
Đời văn Lê Phương Liên dường như có hẹn với mùa xuân và Hà Nội. Chị dành rất nhiều trang viết về khung mùa tràn trề năng lượng, niềm vui và khát vọng. Đấy cũng là thời điểm con người lắng lòng kiếm tìm Tiếng Tết (tên một tác phẩm của Lê Phương Liên), buông nhung nhớ về cái thuở “mấy nhà cùng chung một nồi nước lá mùi tỏa hương thơm, bọn trẻ con đứng xúm xít xung quanh sưởi ấm và ôm quần áo xếp hàng chờ tắm Tết” (Tết ở sân bay). Lê Phương Liên cũng có những trang văn vượt lên mình khi viết về Hà Nội. Tôi đọc Bốn mùa trong ánh nước với sự ngạc nhiên, thích thú. Chị như đang bay trong sự phóng túng của thể loại tản văn với những phát hiện sắc sảo: “Mình sinh ra ở một chỗ trung tâm, một nơi công cộng lắm, một nơi mà ai ai là người Việt Nam, và tất tật mọi người nước ngoài của cả thế giới này đều có thể đi đi lại lại ở chốn ấy, ăn quà và vứt rác ra chốn ấy, nói đủ mọi thứ tiếng ở chốn ấy… Mỗi tấc đất ở chốn ấy có cả triệu người đã giẫm đi, giẫm lại”; “Hồ Hoàn Kiếm sinh ra để mà gợn sóng lăn tăn mà thôi. Hồ Hoàn Kiếm mà nổi sóng lớn lên thì xấu, hết cả duyên. Ấy thế mà Hồ Hoàn Kiếm vẫn nhiều lúc trông xấu đau xấu đớn như vậy”. Hiếm hoi mới thấy Lê Phương Liên xù gai một cách đáng yêu như thế. Rồi lại quay về với sự dịu dàng cùng tình yêu Hà Nội và thừa nhận, nơi ấy vẫn đẹp lộng lẫy, nhưng “chỉ có đến mùa thu Hồ Hoàn Kiếm mới đúng là mình nhất”.
Nói vậy là bởi văn chương của Lê Phương Liên rất mộc, rất dịu. Tiết tấu truyện kể lẫn tản văn Lê Phương Liên hao hao tiết tấu của thơ, chậm rãi, từ tốn. Xung đột hầu như vắng mặt trong 50 tác phẩm của tuyển tập, có chăng chỉ là những gợn xao động và suy tư. Là người đọc nhiều, tích lũy nhiều, lại có cơ hội đi nhiều để giao lưu văn hóa, đặc biệt là kinh nghiệm viết sách cho thiếu nhi, nhưng tác giả không tập trung tưới tắm văn chương bằng những cách tân hình thức. Hầu hết truyện của Lê Phương Liên là truyện sinh hoạt theo kiểu tả thực – dạng truyện phần lớn tựa vào đời mà kể và tả nên không nhiều yếu tố tưởng tượng. Có thể một số người đọc sẽ ái ngại về hướng đi của tác giả, hướng đi có thể làm nhòe mờ tên tuổi của nhà văn. Tôi cho rằng đó là cái tạng của một nhà văn tử tế, hiền hậu đến mức không muốn làm tổn thương ngay chính nhân vật của mình. Mặt khác, đấy là lựa chọn của một người gắn bó lâu năm với thiếu nhi ở vị trí của một nhà giáo, một người đồng hành với Câu lạc bộ Đọc sách cùng em, một giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU… Viết cho thiếu nhi, Lê Phương Liên chú trọng phần khơi gợi rung động của những tâm hồn non tơ. Chị dùng thứ văn chương trong lành giản dị để tiếp tục khơi mở những điều êm dịu, tử tế.
Có lần nhà văn đã nói: “Chúng ta viết cho trẻ em có thể bằng tiếng Pháp, tiếng Lào, tiếng Khơme hay tiếng Việt… Thế nhưng trẻ em nước nào cũng giống nhau khi khóc, khi cười. Vì thế những tác phẩm hợp với tình cảm của trẻ em sẽ là những tác phẩm không có biên giới” (Ngày thu ở Lào). Càng ngẫm càng thấu ý vị sâu xa của câu nói ấy. 50 năm qua, cái tên Lê Phương Liên vẫn được nhắc nhớ thường xuyên, có lẽ chính vì chị đã nhẹ nhàng chạm đến được tiếng khóc cười chung của độc giả nhỏ. Tôi đọc Lê Phương Liên mà cứ vương vương những câu thơ của Basho:
Mưa mùa xuân
Xuyên qua từng chiếc lá
Nuôi dòng suối xuân trong.
Tác phẩm của Lê Phương Liên tựa như cơn mưa mùa xuân ấy, vẫn hàng ngày âm thầm “nuôi dòng suối xuân trong”.
_______________
Chú thích
1. Ý thơ của Basho.
Tài liệu tham khảo
2. Tuyển tập Câu hỏi trẻ thơ của Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2020.
Tác giả: Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn