Biện pháp tu từ có vai trò quan trọng trong việc tạo nên hồn cốt của mỗi tác phẩm. Nó không chỉ đơn thuần là công cụ, là cơ sở tìm hiểu, khám phá thế giới hình tượng của một văn bản nghệ thuật mà còn là chiếc chìa khóa vàng để bạn đọc mở cánh cửa khám phá và bóc tách những tầng sâu ý nghĩa thể hiện trên văn bản. Việc sử dụng các biện pháp tu từ, trong đó có biện pháp so sánh tu từ, không chỉ mang lại giá trị cao cho tác phẩm mà còn thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy liên tưởng tinh tế, vốn hiểu biết sâu sắc của tác giả trong quá trình sáng tác. Việc nghiên cứu biện pháp tu từ nói chung, so sánh tu từ nói riêng trong sáng tác của 3 nhà thơ nữ Thái Nguyên: Vân Trung, Thúy Quỳnh và Cao Hồng, sẽ góp phần khẳng định diện mạo văn học địa phương cũng như phong cách sáng tác của họ.
1. Vài nét về so sánh tu từ
Theo Đinh Trọng Lạc: “So sánh (so sánh hình ảnh, so sánh tu từ) là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó, người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực tế khách quan không đồng nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả bằng hình ảnh một lối tri giác mới mẻ về đối tượng. Cần phân biệt với so sánh luận lý, trong đó cái được so sánh và cái so sánh là các đối tượng cùng loại và mục đích của sự so sánh là xác lập sự tương đương giữa hai đối tượng” (1). Như vậy, khác với ẩn dụ, so sánh tu từ là biện pháp đối chiếu hai sự vật, hiện tượng, qua đó thể hiện những tri giác, nhận thức mới mẻ về đối tượng. Các sự vật, hiện tượng so sánh và được so sánh đều được thể hiện trên văn bản.
Về đặc điểm hình thức, dạng đầy đủ nhất của so sánh tu từ gồm 4 yếu tố: cái được (bị) so sánh (A), cái so sánh (B), cơ sở so sánh (x), từ so sánh (tss). Các nhà nghiên cứu đã khái quát đặc điểm hình thức của các yếu tố trong so sánh tu từ và rút ra 5 mô hình: A (x) tss B (x), A tss B (x); A (x) tss B; A tss B; A – B. Từ các mô hình so sánh trên, có thể thấy: A và B là yếu tố luôn xuất hiện trong so sánh tu từ; cơ sở so sánh (x): tùy từng kiểu, loại so sánh, có thể có hoặc không xuất hiện trong lời so sánh; từ so sánh (tss): là yếu tố tạo cho lời so sánh chia thành hai vế rõ ràng. Các nhà nghiên cứu thường dựa vào yếu tố này để nhận diện các kiểu so sánh. Chẳng hạn, Cù Đình Tú (2) đã căn cứ vào từ so sánh để chia thành 3 kiểu so sánh: kiểu dùng từ “như” làm từ so sánh (A như B), kiểu dùng từ “là” làm từ so sánh (A là B), kiểu so sánh “bao nhiêu” “bấy nhiêu” (A bao nhiêu B bấy nhiêu). Ngoài ra, căn cứ vào từ so sánh, tác giả Hoàng Kim Ngọc (3) cũng đã chia so sánh tu từ thành hai loại: so sánh đồng nhất và so sánh dị biệt.
Về đặc điểm nội dung, căn cứ vào tính chất so sánh, tác giả Cù Đình Tú (4) chia so sánh tu từ thành hai loại: so sánh nổi (những nét giống nhau giữa hai vế được thể hiện rõ ràng trên văn bản) và so sánh chìm (những nét giống nhau giữa hai vế không được phô ra trên văn bản, mà lẩn vào bên trong).
Căn cứ vào đặc trưng của đối tượng so sánh (hai vế A, B), chúng tôi đưa ra 4 nhóm so sánh: cụ thể – cụ thể, cụ thể – trừu tượng, trừu tượng – trừu tượng, trừu tượng – cụ thể.
2. Biện pháp so sánh tu từ trong sáng tác của 3 nhà thơ nữ Thái Nguyên
Chúng tôi tiến hành khảo sát và phân loại so sánh tu từ trong 290 bài thơ in trong 6 tập thơ của 3 nữ tác giả: 74 bài của Thúy Quỳnh/Nguyễn Thúy Quỳnh (Mưa mùa đông – 2004, Những tích tắc quanh tôi – 2011); 134 bài của nhà thơ Vân Trung/Trần Thị Vân Trung (Hoa bất tử – 2011, Xin đừng té nước – 2012) và 82 bài của nhà thơ Cao Hồng/ Anh Hồng/ Cao Thị Hồng (Mùa bánh kiến – 2007, Người đàn bà qua hai mùa tóc – 2014) theo các tiêu chí: mô hình so sánh, tính chất so sánh và đặc trưng của đối tượng so sánh. Trong 2 tập thơ của Vân Trung, so sánh tu từ xuất hiện 131 lượt, cao gấp gần 2 lần so với Cao Hồng và gần 3 lần so với Thúy Quỳnh. Trong 2 tập thơ của Cao Hồng, so sánh tu từ xuất hiện 67 lượt, ít hơn trong thơ Vân Trung nhưng cao hơn trong thơ Thúy Quỳnh. So sánh tu từ xuất hiện trong thơ Thúy Quỳnh ít hơn hai tác giả nói trên với 33 lượt. So sánh tu từ xuất hiện trong thơ Vân Trung với tần suất khá cao: 0,98 lần/ bài, sau đó đến Cao Hồng với 0,82 lần/bài và thấp nhất là Thúy Quỳnh với 0,45 lần/ bài.
Xét theo mô hình, với 231 ngữ liệu có chứa so sánh tu từ, có thể thấy xuất hiện đủ 5 dạng cấu trúc, nhưng có số lượng và tỉ lệ khác nhau.
Mô hình so sánh A tss B xuất hiện nhiều nhất với 72 lượt, tương đương 31,2%. Ví dụ: Nghịch lý giao mùa/ Khúc cười (A) như (tss) đá vỡ (B) (Gửi – Nguyễn Thúy Quỳnh). Đây cũng là mô hình phổ biến nhất và được dùng nhiều nhất trong các mô hình của phép so sánh tu từ.
Mô hình so sánh A (x) tss B và A tss B (x) xuất hiện nhiều thứ 2 và thứ 3 với 59 lượt (25,5%) và 51 lượt (22,1%).Ví dụ: Đằng trước vô số mặt (A) giăng giăng (x) như (tss) mưa (B) (Nghĩ chơi (2) – Nguyễn Thúy Quỳnh); Em (A) như (tss) nông phu (B) cứ sấp mặt trên đồng cấy hái (x) (Bảo trọng – Nguyễn Thúy Quỳnh).
Xếp thứ 4 là mô hình so sánh A (x) tss B (x) với 38 lượt (14,6%). Ví dụ: Người xa xôi (A) như (tss) một vì sao (B) ban ngày cũng sáng (x) (Giá có thể làm được điều gì khác – Nguyễn Thúy Quỳnh).
Mô hình so sánh A – B chiếm ít nhất với 11 lượt (4,8%). Ví dụ: Làn môi hồng (A) – trái xuân đầu cháy bỏng (B) (Có một nàng Xuân – Trần Thị Vân Trung).
Như vậy, có thể thấy, 3 nữ tác giả Thái Nguyên đã sử dụng biện pháp so sánh ở tất cả các dạng thức với mức độ không đồng đều.
Xét theo tính chất, so sánh tu từ xuất hiện trong thơ của 3 nữ tác giả ở cả 2 dạng so sánh nổi và so sánh chìm, so sánh nổi ít hơn so sánh chìm (83 lượt, 35,9% so với 148 lượt, 64,1%).
Đặc trưng của so sánh nổi là tính chất so sánh được thể hiện ngay trên bề mặt câu chữ. Người đọc hoàn toàn có thể nhận ra đặc trưng của vế B để hiểu về những đặc trưng của vế A. Ví dụ: Đến Phnôm Pênh – anh có tìm em?/ Thành phố hồi sinh – đẹp tươi như mơ mộng (Dấu em để lại! – Trần Thị Vân Trung). Vẻ đẹp kỳ ảo của giấc mơ đã được nhà thơ lấy làm đặc trưng để miêu tả sức sống và sự hồi sinh của thành phố Phnôm Pênh từng một thời tan hoang vì nạn diệt chủng kinh hoàng. Tính chất so sánh được thể hiện ngay trên văn bản, khiến người đọc dễ dàng cảm nhận và liên tưởng về đặc trưng giữa hai vế A, B.
So sánh chìm là dạng thức so sánh mà tính chất so sánh không được thể hiện trên văn bản bị ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ. Người tiếp nhận phải dùng tư duy, liên tưởng, kiến thức và vốn hiểu biết của mình để tìm ra những đặc điểm ấy. Cấu trúc so sánh này giúp câu thơ, lời thơ trở nên sâu sắc đa nghĩa và hấp dẫn. Đây là dạng thức so sánh chiếm số lượng cao nhất với 148/ 231 lượt, tương đương 64,1%. Ví dụ: Có đàn ông trong nhà, yên tâm như cây mọc non cao (Nghĩ về đàn ông – Nguyễn Thúy Quỳnh). Nhà thơ so sánh việc “có đàn ông trong nhà” với hình ảnh “cây mọc non cao” và ẩn đi tính chất so sánh của vế B là “sự vững chãi, an toàn” để quy chiếu về vế A, qua đó, chuyển tải một thông điệp về vai trò của người đàn ông trong cuộc sống gia đình.
Xét theo tiêu chí đặc trưng của đối tượng so sánh ở vế A và vế B, chúng tôi thu được kết quả như sau:
So sánh giữa đối tượng trừu tượng với đối tượng cụ thể: xuất hiện nhiều nhất với 69 lượt, chiếm 29,9%. Ví dụ: Ký ức như gương, giữ ước mơ cổ tích (Thơ trên đường về nhà – Nguyễn Thúy Quỳnh). Cách sử dụng so sánh với tính chất này khiến những đặc trưng của một vế muốn trừu tượng được cụ thể hóa và định hình rõ hơn giúp người đọc dễ dàng liên tưởng để tìm ra mối liên hệ giữa khái niệm trừu tượng với sự vật hữu hình. Ví dụ: Bao lần ta tự hỏi/ Khi lại thấy lòng mình rung lên như dây tơ (Có phải lỗi lầm? – Trần Thị Vân Trung).
So sánh giữa hai đối tượng trừu tượng xuất hiện 64 lượt, tương đương 27,7%. Ví dụ: Ở đâu đó/ lời đồn như gió độc/ luồn vào từng mảnh hồn nhân gian (Nghĩ chơi (1) – Nguyễn Thúy Quỳnh). Tác giả đã so sánh giữa nội dung trừu tượng vế A “lời đồn” với nội dung trừu tượng vế B “gió độc”. Dù không xuất hiện nhiều nhất nhưng loại so sánh này cũng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phong cách biểu hiện của thơ ca Thái Nguyên nói chung và thơ nữ Thái Nguyên nói riêng.
So sánh giữa đối tượng cụ thể với đối tượng trừu tượng xuất hiện 54 lượt, chiếm 23,4%. Ví dụ: Mười năm như một giấc mơ/ Đóa hoa đầu ta hái/ Vết gai đâm còn mãi… (Vết gai đâm của bông hồng – Trần Thị Vân Trung). Nữ nhà thơ đã so sánh thời gian cụ thể (mười năm) với nội dung có tính chất trừu tượng, khó nắm bắt (giấc mơ) nhằm diễn tả sự vô hạn của thời gian với biết bao biến cố thăng trầm.
So sánh giữa hai đối tượng cụ thể xuất hiện ít nhất với 44 lượt, tương đương 19,0%. Ví dụ: Mẹ cha đắp xây bằng mồ hôi, nước mắt/ Bằng bao buồn vui, khổ đau, mất mát…/ Cha mẹ như đôi chim – nhặt, cắp rạ, rơm về! (Lời trăn trở tháng Ba – Trần Thị Vân Trung)
Có thể thấy, so sánh tu từ được các nữ nhà thơ sử dụng rất đa dạng, phong phú ở cả phương diện nội dung và cấu trúc. Nếu xét riêng trên tiêu chí nội dung so sánh thì so sánh tu từ chìm được sử dụng nhiều hơn so sánh tu từ nổi. Với so sánh tu từ chìm, đối tượng được (bị) so sánh chưa được miêu tả cụ thể trên bề mặt câu chữ mà người đọc cần phải dựa vào đặc điểm, tính chất của vế so sánh để suy luận ra vế được (bị) so sánh. Ngoài ra, các tác giả cũng sử dụng linh hoạt các kiểu tính chất so sánh của vế A và vế B, thể hiện khả năng liên tưởng phong phú, sự sáng tạo độc đáo trong việc sử dụng ngôn ngữ của mỗi nhà thơ.
3. Giá trị của biện pháp so sánh tu từ trong sáng tác của 3 nhà thơ nữ Thái Nguyên
So sánh tu từ là biện pháp nghệ thuật tu từ ngữ nghĩa nhằm diễn tả bằng hình ảnh một lối tri giác mới về đối tượng. Cùng dùng chất liệu ngôn từ để sáng tạo, nhưng rõ ràng, mỗi người cầm bút lại có cách tổ chức, sắp xếp ngôn từ khác nhau để thể hiện và truyền tải ý tưởng nghệ thuật không giống nhau.
Thơ Thúy Quỳnh sử dụng dày đặc những hình ảnh so sánh mang tính trừu tượng. Trong Xin lỗi, Thúy Quỳnh đã lấy cái cụ thể để so sánh với cái trừu tượng, lấy vẻ đẹp của hạt sương sớm mai tinh khiết, căng tròn để so sánh với lời yêu trong sáng và có sức mạnh hồi sinh của đôi lứa miền núi cao “lời yêu tròn thơm như hạt sương”. Cách sử dụng từ ngữ giản dị mà đắt giá đã giúp nhà thơ thể hiện được một cách trọn vẹn ý nghĩa của tứ thơ. Sự sáng tạo trong cách sử dụng ngôn từ của Thúy Quỳnh, chúng ta còn bắt gặp qua một hình ảnh so sánh khác cũng thú vị không kém: Lời đồn như gió độc/ Luồn vào từng mảnh hồn nhân gian (Nghĩ chơi). Những hình ảnh so sánh mang đậm chiều sâu chất triết lý cũng thường xuyên xuất hiện: Người xa xôi như một vì sao/ Ban ngày cũng sáng; ký ức ngân như chuông, hàng đêm lôi ta thức… Có khi nhà thơ gọi tên bản chất của những thứ vô hình bằng những hình ảnh hữu hình và ngược lại. Khi thì nhà thơ ví ký ức như chiếc gương nhiệm màu mà nhìn vào đó người ta có thể thấy được những ký ức ngọt ngào, những giấc mơ đẹp như cổ tích. Có lúc trong một tâm trạng khác, nhà thơ lại so sánh ký ức như tiếng chuông ngân nga, ám ảnh mỗi đêm dài về những miền hoài vọng khôn nguôi trong tâm khảm. Có khi tác giả lại so sánh hai khái niệm trừu tượng với nhau để gợi ra ở người đọc những liên tưởng chồng lớp đầy thú vị.
Thế giới hình ảnh so sánh trong thơ Trần Thị Vân Trung đa dạng, nhiều màu sắc phản ánh cái nhìn khá toàn diện của nhà thơ về mọi mặt của đời sống. Nhà thơ đã thể hiện sự ngưỡng mộ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Ăng Ko qua hình ảnh so sánh địa danh này với vẻ đẹp toàn bích của khối ngọc: Ôi! Ăng Ko – sáng ngời như khối ngọc. Hay nhà thơ cũng chứng tỏ lối tri giác sâu sắc và mới mẻ của mình về những điều tưởng như rất đỗi bình dị trong đời sống qua hình ảnh so sánh thú vị: Hoa phượng đỏ như đuốc trong không gian/ Và nghệ thuật, tình yêu như mùa xuân còn mãi…! Và đặc biệt, nhà thơ có biệt tài cụ thể hóa những thứ trừu tượng, vô hình bằng những so sánh giàu liên tưởng bất ngờ: Khi lại thấy lòng mình rung lên như dây tơ/ Khi lại thấy hồn mình như cơn giông mùa hạ/ Giấc mơ – có anh vĩnh viễn! như cánh buồm cô đơn trên mặt biển/ Không ngăn nổi dòng đời như thác chảy/ Tình yêu bất tử như hoa!
Đến với những câu thơ của Cao Hồng, chúng ta bắt gặp những hình ảnh so sánh vừa trong sáng: Thời biết yêu như hoa cỏ dịu dàng, Tuổi thơ con đi qua như một giấc mơ lạc miền cổ tích nhưng cũng đầy tính triết lý sâu xa: Gương mặt tình yêu như khối vuông ru bích; Ngoài kia, bầu trời đêm in trăng hạ tuần/như miếng cau khô quắt…, vừa đậm tính chất vùng miền bởi nữ nhà thơ là một cây bút có duyên nợ và ân tình với vùng cao. Điều này được thể hiện rõ nét qua hàng loạt hình ảnh so sánh gắn với con người, không gian, cuộc sống vùng cao như: Đâu mái tóc trắng màu sương núi?/ Đâu nụ cười hiền như búp sen thơm; Như thác nguồn đổ về ngàn suối/ Như sáo bầu réo rắt gọi ngàn mây; Yêu thương/ Dài như sợi rễ cây rừng…
Như vậy, cùng sử dụng chất liệu ngôn ngữ, cùng sử dụng các biện pháp nghệ thuật để sáng tạo nhưng mỗi nhà thơ lại có cách vận dụng riêng – độc đáo và sáng tạo để viết lên những vần thơ vừa trong sáng, mộc mạc vừa giàu tính triết lý sâu xa. Sự sáng tạo trong cách sử dụng các biện pháp tu từ (trong đó có biện pháp so sánh tu từ) đã góp phần định hình phong cách của 3 nữ sĩ trong dòng chảy văn học Thái Nguyên đương đại.
_______________
1. Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.154.
2, 4. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
3. Hoàng Kim Ngọc, So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình dưới góc nhìn ngôn ngữ văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
Tác giả: Nguyễn Thị Trà My – Nguyễn Thị Thùy Dương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn