Lễ hội Phật giáo ở Đông Nam Á: nhìn từ nghi thức đọc, ngâm, kể Jataka


Đạo Phật là một trong những hệ tư tưởng cổ xưa nhất trên thế giới, nhưng triết lý vẫn tiếp tục phát triển trong thế giới hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà nhà vật lý học thiên tài Enstein từng khẳng định: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Bài viết này thông qua việc trình bày nghi lễ đọc, ngâm, kể Jataka tại một số nước Đông Nam Á, sẽ chứng minh sự trường tồn của Phật giáo trong đời sống đương đại.

    Vài nét về sự ra đời, quá trình phát triển của Jataka

   Jataka (còn gọi Kinh Bổn Sinh/ Bản Sinh Kinh/ Bổn Sinh Kinh hoặc Những câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật) là tác phẩm ra đời ở Ấn Độ vào khoảng TK IV – III trước CN (1). Đây vốn là kinh điển của Phật giáo nhưng lại được viết dưới dạng các câu chuyện kể dân gian nên đã nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi đất mẹ, lan tỏa đến nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, đặc biệt đối với các nước Đông Nam Á lục địa. Về mặt quy mô, do đây là tác phẩm thuộc Tiểu bộ kinh, có cấu trúc đồ sộ với 547 truyện, được xâu chuỗi lại trong một cấu trúc tương đối toàn vẹn, cùng phản ánh một nội dung: thuật lại toàn bộ phần đời trước của Đức Phật do chính ngài kể với các đệ tử. Mỗi Jataka là một kiếp mà Phật đã trải qua: cây cỏ, chim muông, dáng hình loài cầm thú, hiện thân con người như vua, hoàng tử, người lái buôn, thần linh… Dù phải trải qua bao trầm luân song ngài vẫn kiên tâm, bền bỉ để giải thoát loài người khỏi bể khổ, tìm ra chân lý của sự tồn tại, khẳng định sự chiến thắng tuyệt đối của cái thiện đối với cái ác, của ánh sáng đối với bóng tối. Cùng với thời gian, những đặc tính, ý nghĩa đó đã giúp Jataka vượt ra khỏi phạm vi truyền bá lý thuyết của đạo Phật, trở thành tác phẩm văn học truyền miệng có sức ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới.

   Việc đọc, ngâm, kể Jataka tại các nghi lễ tôn giáo một số nước Đông Nam Á

   Nguồn gốc của lễ hội

   Lễ hội này bắt nguồn tư câu chuyện thứ 547 trong Jataka. Đây là câu chuyện cảm động về một trong những kiếp sinh vĩ đại nhất của đức Phật. Người là hoàng tử đã từ bỏ ngai vàng, vinh hoa phú quý để hoàn thành hạnh bố thí của mình ở mức độ cao nhất. Ý nghĩa truyện này nhằm ca ngợi Đức Phật với hạnh bố thí, 1/10 hạnh Ba la mật mà Bồ tát thực hành trước khi ngài trở thành Đấng giác ngộ (cùng với trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, cương quyết, tâm từ, xả tâm…).

   Việc đọc, ngâm, kể Jataka

   Đây là “lễ hội nghe các nhà sư đọc truyện Phạ Vệt, hay còn gọi kiếp Đức Phạ Vệt bằng 1.000 khổ thơ. Lễ hội không chỉ diễn ra trong một bản mà nhiều bản. Bản đăng cai sẽ có giấy mời nhà sư ở các chùa lân cận, đón tiếp tăng ni từ nơi khác về. Truyện Phạ Vệt có đến 14 đoạn kể về cuộc đời của Đức Phạ Vệt từ khi làm vua một vương quốc, gia đình gồm vợ và 2 con (1 trai, 1 gái). Ấy thế nhưng, với lòng từ bi, hỉ xả, Phạ Vệt đã bố thí con voi trắng được coi là biểu tượng của vương quốc, dẫn đến việc bị đuổi khỏi hoàng gia, phải đưa cả nhà vào rừng tu. Phạ Vệt ngày càng tỏ rõ đức hy sinh, bố thí 2 con rồi bố thí cả vợ. Câu chuyện khép lại bằng một kết thúc có hậu: vợ chồng con cái Phạ Vệt được đoàn tụ tại vương quốc của mình, đều trở thành Phật. Truyện Phạ Vệt với những tình tiết hấp dẫn, ly kỳ, kết thúc đẹp đã làm cảm động mọi tín đồ đạo Phật trên đất triệu voi. Trong đêm lễ hội Phạ Vệt, người ta có thể ngồi nghe kể suốt đêm mà không thấy buồn ngủ hay chán nản” (2). Bun Phạ Vệt là lễ hội thường niên, là kho báu nhân văn sống của người Lào, nơi bảo tồn, lưu giữ các truyện kể Jataka từ đời này sang đời khác. Cùng với đó, người Lào cũng thường xuyên tổ chức ngâm, kể các Jataka. Người kể chuyện chủ yếu là các nhà sư, thày tu hoặc các già làng trong những dịp lễ tết đặc biệt.

   Myanmar là quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc, song Phật giáo là tôn giáo chính, tín đồ Phật giáo chiếm khoảng 90% dân số cả nước. Người dân Myanmar vốn gắn bó với nghề nông nên trước khi Phật giáo thâm nhập vào đất nước này, cuộc sống của họ luôn có chỗ cho thế giới tâm linh. Họ có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng đa thần giáo, tín ngưỡng thờ Nát… Các tín ngưỡng này có nhiều điểm tương đồng với Phật giáo. Đặc biệt, hình tượng Đức Phật với tấm lòng từ bi, hỉ xả, chủ trương cứu rỗi mọi linh hồn chúng sinh không phân biệt địa vị tầng lớp đã là chỗ dựa tinh thần quan trọng đối với người dân. Hình tượng Đức Phật đối với họ không khác một vị thần tối cao luôn che chở, động viên, giúp đỡ con người, nhất là những ai bất hạnh, gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống. Đa số người dân Myanmar đều tự coi mình là phật tử, sống theo lời Phật dạy. Ở Myanmar hiện nay, hằng năm, người ta vẫn tổ chức hoạt động giảng kinh Phật. Đó là việc kể, ngâm Jataka. Thời điểm thích hợp nhất cho hoạt động này là khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm khi người dân đã xong công việc mùa vụ. Trên đất Myanmar, Jataka được kể, ngâm trong 3 ngày đêm với thành phần tham gia gồm: các nhà tài trợ, các nhà sư. Các nhà sư trẻ, chú tiểu vốn được đào tạo kỹ năng ngâm, kể ở chùa. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của họ là ngâm, kể nhuần nhuyễn các tích Jataka. Họ phải luôn sẵn sàng làm tốt việc này ngay cả khi có một lễ ngâm, kể nào đó có được diễn ra hay không. Một chú tiểu phải mất vài năm để thuần thục mọi hình thức ngâm, kể. Đó cũng là cách giáo dục đạo đức con người, khuyến khích con người tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện, nhắc nhở đồng loại về sự sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ nhau.

    Ở Campuchia, lễ hội ngâm, kể Jataka diễn ra sau mùa mưa, còn gọi là lễ Tesnamohajict, tức tụng đọc, thuyết giảng Đại Jataka cuối cùng. Trong lễ hội, người dân thường vào chùa nghe các sư thuyết giảng về Phật pháp, phẩm chất cao quý của Đức Phật, con đường ngài đạt tới chân lý. Điều chắc chắn là những câu chuyện trong Jataka cũng được kể lại trong quá trình phổ biến giáo lý kinh Phật cho người dân.

    Thái Lan có nhiều lễ hội, một trong những nghi lễ tôn giáo quan trọng nhất là đọc, tụng niệm Ma hả xạt. Nghi lễ này xuất hiện từ TK XIV – XV. Tác phẩm Ma hả xạt (hay còn gọi là Maha Jataka) kể về cuộc đời Đức Phật, các giáo lý mà ngài muốn truyền tải tới nhân gian, nhằm giúp con người hướng thiện. Đây là tác phẩm được dùng làm bộ sách giáo lý cho Phật tử Thái Lan, cũng đã trở thành hành trang tôn giáo duy nhất của người Thái trong suốt một thời gian dài. Chính vì vậy, từ mấy trăm năm trước, việc đọc Ma hả xạt đã trở thành một nghi lễ quan trọng của người dân Thái Lan, những người tôn sùng đạo Phật, ngưỡng mộ Đức Phật, muốn noi gương Đức Phật trong mọi lẽ ứng xử ở đời. Nghi lễ này hiện vẫn tồn tại trong xã hội đương đại, là nghi lễ Phật giáo, phù hợp với tâm tư, tình cảm, lối sống của những người mộ đạo, thích nghe giảng về cuộc đời Đức Phật cũng như giáo lý của ngài. Nghi lễ này thường diễn ra trong 3 ngày. Người ta dành trọn ngày thứ 3 để đọc, ngâm, kể các câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật. Địa điểm đọc có thể là ở trong chùa với không gian thanh tịnh, được trang hoàng lộng lẫy bằng các loại hoa họ sen thuộc 5 dạng khác nhau. Nếu chùa nhỏ quá, người ta tổ chức ngoài sân chùa, được trang hoàng bằng khá nhiều cây cối cho nó gần giống với khu rừng. Dân chúng Thái Lan say mê với nghi lễ này đến mức ngay từ sáng sớm đã tập trung trong chùa, chia thành nhiều nhóm, người thì tụng niệm, người thì hỏi han các nhà sư về các giáo lý Phật giáo, con đường giải thoát của Đức Phật… Còn các nhà sư, ngoài việc ngâm kể các Jataka sẽ giải thích cho mọi người hiểu từng chương, đoạn, tình tiết trong câu chuyện… Cứ như vậy, một không khí mộ đạo, sùng kính Đức Phật bao trùm lên khắp các ngôi chùa cho tới tận đêm mới kết thúc.

   Nguyên nhân, ý nghĩa

   Có thể thấy Jataka tuy ra đời ở Ấn Độ cách đây mấy ngàn năm nhưng nó vẫn tìm thấy quê hương thứ hai của mình tại một số nước Đông Nam Á lục địa. Có thể giải thích nguyên nhân sự tồn tại của kinh điển Phật giáo này.

   Thứ nhất, sự tồn tại việc ngâm, kể Jataka trong nghi lễ Phật giáo do các nước trên đều theo Phật giáo, đạo Phật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội. Trong suốt tiến trình lịch sử, các quốc gia này đều từng có giai đoạn lấy Phật giáo làm quốc giáo. Cho đến nay, Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng 4 nước trong quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa.

   Thứ hai, 4/5 dân số Đông Nam Á là nông dân. Họ mang một vẻ đẹp giản dị, chất phác, thật thà, không quan tâm, không hiểu nhiều về vũ trụ quan, nhận thức luận hay cõi niết bàn xa vời, mà chủ yếu tìm kiếm những bài học đạo đức để vận dụng vào cuộc sống.

   Thứ ba, như đã giới thuyết, toàn bộ Jataka có 547 tác phẩm (tương đương với 547 kiếp mà Đức Phật đã trải qua) nhưng người dân 4 nước chỉ yêu thích nhất câu chuyện cuối cùng (Chuyện hoàng tử Vessantara) khi Đức Phật hoàn thành sứ mệnh cuối cùng dưới trần thế. Người dân thích nghe kể về cuộc đời của ông, vì lòng từ bi hỉ xả hiếm có của ông đã làm họ vô cùng xúc động. Từ chỗ xúc động sẽ đến chỗ nuôi dưỡng lòng từ bi hướng thiện, góp phần bồi đắp truyền thống nhân văn nhân ái, tu nhân tích đức của người dân ở các nước Đông Nam Á lục địa.

    Vì thế, lễ hội Phật giáo này là báu vật nhân văn sống giúp bảo tồn văn hóa Phật giáo trước những biến đổi của cuộc sống đương đại. Lễ hội đọc, ngâm, kể các Jataka ngoài tính chất giải trí, còn là là một hình thức sinh hoạt tổng hợp liên quan đến các mặt tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của con người. Đặc điểm này khiến lễ hội có một lực hấp dẫn, sức hút lớn đối với cộng đồng. Thứ quyền lợi vô hình ấy làm cho những người đi dự hội thêm phần phấn chấn. Trong ý nghĩa đó, nghi lễ đọc, ngâm, kể Jataka ở Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan… bên cạnh tính chất giải trí còn mang ý nghĩa giáo dục, thẩm mỹ, khiến mỗi người trở nên tốt đời, đẹp đạo.

   Do quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Ấn Độ – Đông Nam Á thời cổ trung đại mà Jataka đã đến Đông Nam Á theo nhiều ngả đường khác nhau, trở thành kho báu tri thức, đạo đức, lối sống cho tất cả mọi người do tính chất giản dị nhưng không kém phần sâu sắc của nó. Điều đó giải thích tại sao đến hôm nay, những câu chuyện có gốc gác từ Jataka vẫn còn nguyên giá trị, được coi là thứ tài sản văn hóa phi vật thể quý báu trong dòng chảy văn hóa ở mỗi nước, đặc biệt là những quốc gia theo Phật giáo tiểu thừa . Thông qua con đường của nghệ thuật dân gian (lễ hội), Phật giáo đã đến được với đông đảo quần chúng nhân dân lao động, được người dân tiếp nhận, bảo lưu từ năm này sang năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở một chừng mực nào đó, Jataka dường như vẫn luôn được thổi hồn, được tái sinh với một diện mạo mới.

______________

1. Đỗ Thu Hà, Giáo trình văn học Ấn Độ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2015, tr.99.

2. Nguyễn Lệ Thi (chủ biên), Từ điển lịch sử văn hóa Lào, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.300 – 301.

Tác giả: Hà Thị Đan – Hoàng Thị Mỹ Nhị

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *