Ngôn ngữ trong truyện ngắn Việt Nam đương đại viết về chiến


Ngôn ngữ là đơn vị cơ sở đầu tiên và cũng là đơn vị cuối cùng thể hiện những đặc sắc trong sáng tác của mỗi nhà văn. Với truyện ngắn, ngôn ngữ phải phát huy tối đa chức năng của mình do yêu cầu tính ngắn gọn của thể loại. Trong tiến trình vận động của văn xuôi Việt Nam đương đại, ngôn ngữ là thành tố thể hiện đậm nét sự cách tân mang hơi thở cuộc sống và tinh thần thời đại. Trong truyện ngắn sau 1975 về chiến tranh, ngôn ngữ mang màu sắc mới mẻ, toát lên xu hướng chung của truyện ngắn đương đại và những nét riêng đặc sắc khi nhìn về đề tài chiến tranh.

Ngôn ngữ giàu chất hiện thực, đời thường, phương ngữ

Trong chiến tranh, với không khí sử thi và cảm hứng lãng mạn, ngôn ngữ thường được thi vị hóa, mực thước, trang trọng. Tính hiện thực hay đại chúng của ngôn ngữ được hiểu trong cách nhìn lý tưởng. Bước sang thời bình, cùng với sự thay đổi tư duy nghệ thuật và cảm hứng sáng tác, chất liệu đời thường đã ùa vào tác phẩm. Điều đó tạo nên diện mạo mới của nền văn học, đưa ngôn ngữ trở về với sự giản dị, chính xác thường ngày. Đồng thời, xu thế cá tính hóa về mặt ngôn ngữ, tiệm cận ngôn ngữ đời sống qua việc gia tăng thành phần khẩu ngữ, khác với lối sử dụng ngôn ngữ mực thước, quyền uy trước đây. Trong văn học đương đại, nhiều nhà văn hầu như chối từ ngôn ngữ kiểu cách, nghi thức. Việc sử dụng ngôn ngữ giàu tính hiện thực, bình dị cho phù hợp với hướng khai thác cuộc sống ở góc nhìn đời tư, số phận cá nhân trong các mối quan hệ phức tạp sau chiến tranh là hành trình tất yếu. Có thể thấy trong truyện ngắn từ sau 1975 đến nay về chiến tranh tràn đầy ngôn ngữ đời thường, thô mộc, góc cạnh. Ngôn ngữ truyện vì thế gần với đời sống sinh hoạt hàng ngày, rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm với dòng chảy cuộc sống đương đại. Hướng sử dụng ngôn ngữ này ở mức độ thích hợp sẽ khắc họa cuộc sống tự nhiên, chân thực, sinh động, nhiều màu sắc hơn.

Ngôn ngữ nhân vật cũng thoát ly khỏi tấm áo chỉn chu của văn học giai đoạn trước, là tiếng nói suồng sã, mang màu sắc khẩu ngữ, đời thường. Ngôn ngữ giản dị giúp cho nhân vật trở nên chân thực, sống động và gần gũi. Truyện ngắn sử dụng thoải mái thành phần khẩu ngữ, tạo ra những “xô lệch cú pháp” có chủ ý, lối diễn đạt phóng khoáng; từ đó lôi cuốn độc giả một cách tự nhiên vào câu chuyện của con người trong và sau chiến tranh chất chứa nhiều bất hạnh, tâm trạng… như có thể gặp họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống.

Ngôn ngữ trần thuật cũng theo xu hướng đơn giản, hồn hậu như lời ăn tiếng nói hàng ngày: “Căn hộ tập thể toen ngoẻn có tám mét vuông ở tận cuối dãy nhà cấp bốn, sát bức tường rào. Ai muốn vào nhà chị cũng chiềng mặt trước hàng chục cặp mắt hau háu dòm qua những khung cửa sổ tối thui và phải chui qua cơ man nào là dây phơi chăng như mạng nhện” (Những giấc mơ có thựcVũ Thị Hồng). Trong nhiều truyện ngắn khác có thể nhận thấy ngôn ngữ trần thuật như vậy: Miền cỏ hoang (Trần Thanh Hà), Có một đêm như thế (Phạm Thị Minh Thư), Huyền thoại (Chu Văn), Mã Đại Câu – người quét chợ Mường Cang (Ma Văn Kháng)…

Trong truyện ngắn Việt Nam đương đại về chiến tranh, nhà văn sử dụng ngôn ngữ mang chất khẩu ngữ, thô mộc gắn liền với miêu tả con người với tính cách, số phận cá nhân, cá tính sinh động hơn. Có thể thấy sự gia tăng các đại từ nhân xưng kiểu: y, thị, mụ, lão, gã, u, mày, tao… được sử dụng để tạo sự gần gũi, thân mật, hài hước, giễu nhại, bông đùa… Câu chuyện về con người và chiến tranh trở nên tự nhiên, tạo cảm giác chân thực và dễ tin hơn. Từ đó cho thấy sự mở rộng quan niệm về ngôn ngữ văn chương, mọi ngôn ngữ đời sống đương đại ùa vào tác phẩm. Nhà văn viết về những vấn đề chiến tranh, thời hậu chiến với tâm thế, cách thức mới mẻ, hấp dẫn.

Trong xu hướng kéo ngôn ngữ gần với hiện thực đời sống, nhiều truyện ngắn sử dụng phương ngữ như một cách thức chuyển tải trọn vẹn câu chuyện số phận con người gắn với vùng miền họ sinh sống. Đó là ngôn ngữ của miền Trung trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri (Nguyễn Quang Lập), Bà Thỏn (Trần Thanh Hà)… Đó còn là phương ngữ đặc trưng Nam Bộ trong Vết chim trời (Nguyễn Ngọc Tư), Vịt trời lông tía bay về (Hồng Nhu), Trên mái nhà người phụ nữ (Dạ Ngân)… Trong truyện ngắn về chiến tranh biên giới còn có ngôn ngữ Campuchia được sử dụng đan xen (Chăn tha – Trần Thùy Mai, Khô Chănđara – Đỗ Viết Nghiệm), viết về biên giới phía Bắc có ngôn ngữ của gốc Hoa sinh sống ở đất Việt (Mã Đại Câu –  người quét chợ Mường Cang, Thím Hoóng – Ma Văn Kháng).

Nhà văn đương đại sử dụng phương ngữ là sản phẩm của tương tác giữa ngôn ngữ đời sống với văn học một cách có chủ ý chứ không đơn thuần do đó là ngôn ngữ bản địa của họ. Qua đó, truyện ngắn viết về chiến tranh thể hiện đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa vùng miền gắn với số phận con người trên khắp ba miền đất nước và cả trên đất bạn. Người đọc trải nghiệm trong môi trường giao tiếp của các vùng ngôn ngữ khác nhau với những cách biểu đạt đặc trưng rất riêng. Điều đó không những đem lại cho tác phẩm sự đa dạng mà còn góp phần gọi tên chính xác ngôn ngữ ứng xử của con người ở những vùng quê khác nhau.

Chất hiện thực, đời thường còn thể hiện ở ngôn ngữ mang hơi thở cuộc sống đương đại. Đó là ngôn ngữ mang tính tốc độ, chứa nhiều thông tin, ngắn gọn phù hợp với nhịp sống của thời đại mới. Chính vì sự dồn nén ngôn ngữ ấy mà truyện ngắn về chiến tranh có xu hướng dung lượng nhỏ gọn hơn.

Ngôn ngữ truyện ngắn Việt Nam nói chung và truyện ngắn về chiến tranh nói riêng còn có sự vận động, cách tân, linh hoạt với sự biến hóa trong sử dụng từ vựng, cấu trúc cú pháp. Các nhà văn chú ý tạo ra một giá trị mới cho ngôn ngữ, giải phóng ngôn từ khỏi những nghi thức và định kiến cũ mòn. Ngôn ngữ vì thế bớt đi vẻ mượt mà trau chuốt mà thô nhám, trực diện hơn đồng thời cũng phản chiếu ngôn ngữ đời sống đương đại.

Ngôn ngữ đậm chất triết lý, trữ tình        

Sau chiến tranh, truyện ngắn phát hiện các vấn đề hiện thực trong chiều sâu triết học và nhu cầu chiêm nghiệm trước cuộc sống dẫn đến giảm ngôn ngữ kể, tả, tăng ngôn ngữ bình luận, phân tích. Vì vậy, truyện ngắn tăng cường sử dụng các từ ngữ mang sắc thái triết lý, suy tư. Bởi khi chiến tranh dần lùi xa, nhà văn hướng đến nghiền ngẫm hiện thực, những gì đã và đang xảy ra để tìm những vấn đề có ý nghĩa nhân bản, nhân sinh sâu sắc. Khi có thời gian nhìn lại, đặt trong thế đối sánh những gì được và mất, quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, chiến công và mất mát, hạnh phúc và thương đau… gợi lên nhiều điều thấm thía.

 Chất triết lý trong truyện ngắn sau 1975 về chiến tranh mang màu sắc mới so với giai đoạn văn học trước đây. Trong chiến tranh, mạch triết lý thiên về trách nhiệm của công dân trước lịch sử, cộng đồng. Sau chiến tranh, ngôn ngữ giàu chất triết lý về số phận con người trong những biến động của lịch sử, về phẩm cách, ứng xử của họ với những hậu quả chiến tranh để lại.

Truyện Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu) mang đầy ngôn ngữ triết lý sau những trải nghiệm của nhân vật: “Rồi cũng như mọi người khác, tôi vẫn không thể đi trốn khỏi được số phận, tôi không thể đi trốn khỏi được cuộc đời mình một khi mà tôi đang còn sống… Chẳng lẽ trên mảnh đất tha ma này, chiến tranh đã trở thành một thứ định mệnh”. Hoàn cảnh của người lính trở về với những éo le buộc họ phải đối diện. Những trăn trở của Lực cũng là của bao nhiêu con người khác khi ra khỏi vòng xoáy chiến tranh.

Bảo Ninh cũng thường sử dụng thứ ngôn ngữ đậm đặc chất triết lý khi viết về chiến tranh: “Nếu rồi đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh” (Rửa tay gác kiếm). Và những câu trữ tình ngoại đề của Hoàng Dân về tâm tư con người đi qua chiến tranh được đúc kết một cách thấm thía: “Sống – đó là niềm hy vọng mong manh của những người lính trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, nhưng dường như càng mong manh nó càng hối thúc người lính phải suy nghĩ về nó một cách nghiêm chỉnh” (Chiều vô danh)… Từ sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật, hướng đến lý giải hiện thực ở chiều sâu của nó, trong nhiều truyện ngắn về chiến tranh thời kỳ này có thể bắt gặp ngôn ngữ mang tính triết luận nhưng mỗi nhà văn tạo cho mình phong cách riêng. Vì vậy truyện ngắn gợi nhiều ngẫm ngợi, đọng lại những trăn trở, dằn vặt của nhà văn chứ không chỉ là miêu tả, trần thuật.

Bên cạnh đó, nói như Frank O’Connor, “thể loại gần nhất với thơ trữ tình là truyện ngắn”. Vì vậy ngôn ngữ truyện ngắn vốn mang chất trữ tình. Tuy nhiên, trong kháng chiến, ngôn ngữ truyện ngắn mang chất trữ tình lạc quan vượt lên trên hiện thực khốc liệt. Khi hòa bình, ngôn ngữ trữ tình trải nghiệm, trầm lắng khi viết về cuộc sống sau chiến tranh đầy những điều phức tạp, bộn bề. Điều dễ nhận thấy trong truyện ngắn về chiến tranh là dấu ấn cảm xúc đậm nét làm cho ngôn ngữ thấm đượm chất trữ tình trong những trang văn miêu tả con người và thiên nhiên.

Nỗi đau đớn, tủi nhục của bà mẹ trước sự thờ ơ lạnh lùng của đứa con được miêu tả: “Dòng nước mắt đã đặc quánh lại, đọng dọc theo các nếp nhăn không biết tự bao giờ đã hiện lên cứ như những nét tạc ngang dọc chằng chịt trên khuôn mặt bà đến bây giờ đã trở nên im lìm, bất động, có cái gì cách biệt và siêu thoát như khuôn mặt của một bức tượng gỗ cũ kỹ từ trăm năm để lại” (Mùa trái cóc ở miền Nam Nguyễn Minh Châu). Tâm trạng cô đơn, thảng thốt của Mùi khi tỉnh dậy sau cơn ác mộng giữa rừng Trường Sơn đủ các cung bậc: “Cô chỉ là một thực thể nhỏ bé mà phải chống chọi với bao nỗi niềm uy hiếp… Nỗi nhớ chồng da diết kèm theo nỗi lo sợ đến cháy lòng… Nỗi niềm tràn đầy cứ như một thứ chất lỏng trong lòng muốn san sẻ cùng ai mà bốn bề chỉ nín thinh” (Truyền thuyết về Quán Tiên Xuân Thiều).

Không chỉ vậy, thiên nhiên cũng được miêu tả quen thuộc, gần gũi, gợi những nỗi niềm riêng tư của con người. Thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng nhân vật người lính bên kia chiến tuyến trở lại mảnh đất chiến trường xưa: “Dòng sông Ba mơ màng với những cánh buồm lộng gió nhẹ nhàng xuôi ngược. Đôi bờ thấp thoáng cỏ lau, hoa vàng của mướp, những nương bắp trổ cờ. Nó trở thành thung lũng hoa vàng dù trong lòng đất một thời chứa đựng máu xương và nước mắt. Bởi chiến tranh nào cũng có kết quả của nó” (Thung lũng hoa vàng Huỳnh Thạch Thảo). Thiên nhiên và con người như có sự giao cảm tinh tế, dự cảm điều chẳng lành bởi ngôn ngữ được chắt lọc: “Năm cô gái sống trong lo âu mà rừng thì cứ lầm lỳ trải đầy thảm lá rụng. Ánh đỏ của thảm lá hắt lên cả bầu trời ánh ỏi, khiến cho đêm của họ cũng mang màu đỏ” (Người sót lại của Rừng CườiVõ Thị Hảo). Thêm vào đó, những lời bình luận ngoại đề xen vào mạch truyện cũng chiếm vai trò đáng kể trong việc tạo thành diện mạo ngôn ngữ đậm chất trữ tình trong truyện ngắn về chiến tranh.

Sự gia tăng ngôn ngữ triết luận, trữ tình trở thành một xu hướng trong truyện ngắn về chiến tranh, biểu đạt tâm thức con người khi nhìn lại chiến tranh; từ đó góp phần đưa truyện ngắn về chiến tranh chạm đến tầng sâu cảm xúc và những khái quát chân lý mang tính quy luật của hiện thực.

Ngôn ngữ mang tính đối thoại

Trong  văn học 1945-1975, sự chi phối của tư duy sử thi hướng đến xây dựng những con người đại diện cho cộng đồng tạo nên nền văn học chủ âm là tinh thần ngợi ca lạc quan. Ngôn ngữ vì thế cũng ít tính đối thoại, đa tầng. Sau 1975, lớp nhà văn đi qua kháng chiến có sự thay đổi trong quan niệm sáng tác với nhu cầu viết khác đi, “tìm một ngôn ngữ khác” cho tác phẩm của mình. Lớp nhà văn trưởng thành sau chiến tranh lại có những cá tính sáng tạo, sự táo bạo trong tư duy nghệ thuật nên ngôn ngữ cũng có sự biến hóa linh hoạt. Đặc biệt, tinh thần đối thoại trước những vấn đề của chiến tranh và hậu chiến được cụ thể hóa qua ngôn ngữ.

Tính đối thoại trong ngôn ngữ truyện ngắn về chiến tranh không chỉ là đối thoại giữa các nhân vật mà là sự tranh biện về quan điểm, tư tưởng trong phát ngôn của họ. Điều này ít thấy trong truyện ngắn giai đoạn trước. Đó là ngôn ngữ tranh luận nảy lửa giữa hai người đàn ông sau chiến tranh trước tình cảnh éo le: “Đúng, tao sẽ nhảy xuống cầu Hàm Rồng chết vì không lấy được Vịnh. Nhưng mày cũng nhảy xuống sông mà chết vì không sinh được cho nó đứa con nào…” (Người đàn bà sau chiến tranh Từ Nguyên Tĩnh). Ngôn ngữ đầy tính phản đề của nhân vật cô gái: “Chú trả lời cháu đi. Chiến tranh đã lâu đâu sao mọi người quên nó nhanh đến vậy? Tại sao không chấp nhận sự hy sinh nhiều thua thiệt ấy?” (Họ đã trở thành đàn ông Phạm Ngọc Tiến). Nhiều vấn đề của cuộc chiến tranh cần được nhận thức lại một cách khách quan hơn khi hòa bình. Do đó, mạch ngôn ngữ đối thoại hiện hữu như một bộ phận thiết yếu trong truyện ngắn về chiến tranh.

Ngôn ngữ đối thoại còn xuất hiện trong phát ngôn giữa những người ở hai phía chiến tuyến. Đó là tiếng nói của những người lính đồng ngũ của nhân vật “hắn” trong giấc mơ: “Hết chiến tranh ở phía Việt cộng họ đi tìm nhau, thằng Mỹ xa là vậy cũng đi tìm nhau; còn bọn tao, ai đi tìm chúng tao?” (Hoài vọng Văn Xương)… Bên cạnh đó, còn có những đối thoại ẩn chứa trong mạch ngầm văn bản, câu chữ, giữa ngôn ngữ của người kể chuyện với độc giả.

Không chỉ trong truyện ngắn, những đặc điểm trên cũng có nét tương đồng với tiểu thuyết sau 1975 về chiến tranh. Ngôn ngữ truyện ngắn về chiến tranh đã và đang được bồi đắp, tinh lọc để đem đến cho độc giả thông điệp sâu sắc về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc TK XX.

Sử dụng nhiều ngôn ngữ độc thoại

Trong văn học TK XX đến nay, nhà văn quan niệm mỗi con người không chỉ gồm những yếu tố ngoại hình mà còn chứa đựng thế giới nội tâm sâu kín. Nhiệm vụ của văn chương là phản ánh, đánh giá thế giới bên trong con người. Vì vậy, thủ pháp độc thoại nội tâm được sử dụng một cách hữu hiệu, trở thành nét nghệ thuật tiêu biểu. Cùng tái hiện những ý nghĩ của nhân vật, có tính chất hướng nội song độc thoại vẫn gắn liền với hành động hơn so với độc thoại nội tâm. Tuy nhiên, ranh giới của nó đôi khi cũng khó phân định. Ngôn ngữ độc thoại nói chung cho phép nhà văn “viết chính tả cho ý nghĩ”, khai phá thế giới bên trong nhân vật với những suy tư của chính người kể chuyện và nhân vật về các vấn đề, giá trị. Do đó, có thể tái hiện một cách     nguyên vẹn, trung thực giọng điệu, từ ngữ, suy nghĩ thầm kín của nhân vật. Có thể thấy trong truyện ngắn từ sau 1975 đến nay về chiến tranh, cùng với việc thiên về sử dụng cốt truyện tâm lý, tình huống bi kịch, tâm trạng, tự ý thức, trần thuật từ ngôi thứ nhất với điểm nhìn bên trong…, việc sử dụng nhiều ngôn ngữ độc thoại và độc thoại nội tâm như một hệ quả tất yếu.

Với ngôn ngữ này, nhà văn có thể đi sâu khám phá, miêu tả những trạng thái tình cảm, bí ẩn riêng tư trong suy nghĩ, tâm tưởng, chiều sâu tâm lý của nhân vật. Đặc biệt, ở đề tài chiến tranh, khi nhân vật được đặt vào tình huống tự phán xét, chiêm nghiệm, ý thức với những giằng xé nội tâm trước những gì đã và đang xảy ra, ngôn ngữ độc thoại trở thành phương tiện đắc dụng. Đó là những suy tư của Thảo: “Có lẽ mình trở nên cứng nhắc và hiếu chiến sau mấy năm ở chiến trường!” (Người sót lại của Rừng Cười – Võ Thị Hảo). Còn trong Đêm làng Trọng Nhân (Sương Nguyệt Minh) là tiếng lòng của nhân vật mang thương tật nặng trở về quê: “Ôi! Bao nhiều năm anh đã lăn lộn khắp các nẻo chiến trường. Bao năm Trường sống trong nhớ nhung, khát khao chờ đợi…”. Ý thức về tội lỗi trong quá khứ và tâm hồn dịu lại sau chiến tranh, Thái (Giấc mơ ký ức – Phan Đức Nam) tự nhủ: “Mình sống hôm nay cần phải làm những gì? Phải làm sao cho những đôi mắt tin cậy nhìn mình. Không phải chỉ những đôi mắt đó, mà mãi còn đôi mắt có áng mây trôi của người lính trẻ, vẫn dõi theo mình cho đến cuối cuộc đời”. Còn trong Xuân nữ (Dạ Ngân): “Tôi thường hỏi, ở đâu ra nhan sắc này và ở đâu ra sự gan góc dường ấy?” khi nghĩ về “chị” – người phụ nữ đặc biệt trong bão tố chiến tranh…

Vốn là trạng thái hiện thực “bất thường”, chiến tranh đặt con người vào tình huống nghịch cảnh, nhiều vấn đề cần ngẫm ngợi, cắt nghĩa. Cùng với ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại phản chiếu thế giới tâm tưởng của nhân vật, tạo nên tính đa thanh trong tác phẩm. Truyện ngắn sau 1975 không chỉ đề cập đến các cuộc chiến mà cả thời bình đối diện với tàn tích, dư âm chiến tranh. Trước những bước ngoặt cuộc đời, cảnh ngộ éo le, nỗi trăn trở, suy tư… nhân vật ngày càng được chú trọng khai phá miền sâu cảm xúc, thế giới nội tâm. Vì vậy có sự gia tăng ngôn ngữ độc thoại nói chung trong truyện ngắn để biểu đạt những trạng huống tinh thần phức tạp của con người trong và sau chiến tranh. Điều đó cũng xuất phát từ sự thay đổi trong quan niệm và cảm hứng sáng tác của văn học thời kỳ này.

Ngôn ngữ trong truyện ngắn Việt Nam đương đại viết về chiến tranh có sự biến đổi linh hoạt, giàu chất đời thường, triết lý, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại được sử dụng nhiều… tạo nên hiệu quả biểu đạt mới mẻ, hấp dẫn, hiện đại khi viết về đề tài này. Vì vậy, mảng truyện ngắn đề tài này đã đạt được những thành công nhất định trong phản ánh một thời kỳ lịch sử đã qua bằng nhãn quan mới.

 

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *