Trong quá trình chuyển thể cốt truyện từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai đến phim truyền hình Người Hà Nội, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê đã có sự bảo lưu tương đối trọn vẹn đường dây cốt truyện chính. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố sáng tạo, cải biên riêng ở các phần mở đầu, kết thúc và một số tình tiết. Điều đó tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn cũng như cách nhìn nhận vấn đề theo một hướng riêng của đạo diễn – tác giả chính của chuyển thể liên văn bản tác phẩm văn học sang điện ảnh.
Đọc tiểu thuyết Phố và xem phim Người Hà Nội ta thấy cả hai đều tái hiện lại những biến động trong giá trị cuộc sống của người lính trước cơn bão kinh tế thị trường. Nhưng điều đọng lại cuối cùng là cả nhà văn Chu Lai và đoàn làm phim đều muốn khẳng định, ngợi ca tình đồng đội, tình người của những con người phố lính. Vẻ đẹp ấy vẫn rực sáng bất chấp những đổi thay của xã hội và con người.
Cốt truyện phim Người Hà Nội đã tái hiện kiểu cốt truyện song tuyến của tiểu thuyết Phố. Đó là câu chuyện về cuộc đời, số phận, tình yêu hôn nhân của hai người lính, hai người đồng đội là Lãm và Nam trong sự đối sánh. Điều này thể hiện rõ nét qua yếu tố trần thuật trong tiểu thuyết Phố cũng như sự bố trí những cảnh quay, nhân vật trong phim Người Hà Nội. Hai nhân vật nam chính gắn liền với số phận thăng trầm của phố lính và Hà Nội thời mở cửa. Cuộc đối thoại của đạo diễn Bình với đồng nghiệp trong tập 1 đã phần nào khái quát tư tưởng của nhà văn Chu Lai cũng như của đoàn làm phim: “Đấy! Tâm tư ấp ủ nằm dài trên hai dãy nhà phố lính mình đây. Ba thế hệ lính tráng với mọi số phận thăng trầm trong chiến cuộc, rồi đến thăng trầm thời mở cửa, thời bung ra mặt đường cũng ác liệt không kém. Tớ sẽ làm bằng được một phim tâm huyết về số phận phố này cậu ạ!”. Và cứ thế, câu chuyện về cuộc đời Nam và Lãm được tái hiện dần trên màn ảnh.
Vợ chồng Nam – Thảo xuất hiện ngay từ đầu phim, tình yêu của họ đẹp đẽ, thủy chung được nảy mầm trong chiến tranh gian khổ. Trở về sau chiến trận, hai người lính anh hùng, chồng Trung tá – Phó tiến sĩ, vợ Thiếu tá – Bác sĩ và một cô con gái đáng yêu sống giản dị giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống. Những câu thoại liên tiếp với tốc độ nhanh, hiệu ứng ánh sáng cũng được sử dụng tối đa nhằm tạo nên một khung cảnh hạnh phúc tươi sáng. Song song với cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng Nam – Thảo là cảnh sống vạ vật, nay đây mai đó của gia đình Lãm. Lãm yêu và lấy một người vợ dân tộc, có máu giang hồ. Bị cha từ mặt, anh rơi vào cảnh không nhà, không cửa. Trong bóng đêm, ba con người lặng lẽ dắt díu nhau đi tìm một chỗ ngủ trên hè phố. Tuy phải sống lam lũ, nhưng sợi dây kết nối gia đình họ vẫn là tình yêu thương, chia sẻ. Những biến cố cũng xảy ra gần như đồng thời với cả hai gia đình ấy. Với mái ấm của Nam là khi Thảo quyết định đi xuất khẩu lao động. Còn cuộc sống bi thảm của Lãm cũng bắt đầu khi Lãm gặp người đồng đội cũ là Dụ. Cũng từ đây, Lãm bắt đầu những ngày kiếm sống nhọc nhằn đầy mồ hôi và nước mắt. Thông qua các biến cố lớn này, người xem thấy được bản chất của các nhân vật, từ đó tư tưởng chủ đề của phim cũng dần hé mở.
Trở về sau ba năm đi xuất khẩu lao động, gia đình Nam – Thảo trở nên giàu có. Nhưng bi kịch hôn nhân của họ thật sự bắt đầu khi Thảo lao vào mối tình vụng trộm với Hùng. Nam từ một người lính anh hùng bỗng chốc trở thành một người đàn ông lầm lũi, đáng thương. Thảo cũng hoàn toàn lột xác từ cách ăn mặc, suy nghĩ và sở thích. Cái mùi nồng nồng, khen khét quá đỗi thân thuộc của chồng ngày nào nay trở nên ghê sợ với cô. Mái nhà hạnh phúc đã chòng chành trước những cám dỗ của thời mở cửa. Ở tuyến cốt truyện song hành, số phận của Lãm cũng trải qua nhiều khổ đau, mất mát, nhưng với bản chất kiên cường, đầy nghị lực, Lãm dần gây dựng sự nghiệp từ việc buôn mía, buôn thuốc lào, rồi trở thành ông chủ lớn và có một gia đình hạnh phúc. Tác giả đã xây dựng một cốt truyện đa tuyến, sóng đôi với hai cuộc đời, hai số phận khác nhau của Nam và Lãm nhưng vẫn phản chiếu, liên hệ mật thiết với nhau bằng sợi dây gắn bó của tình đồng đội, đồng chí. Để rồi, chính Lãm là người đã tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân cho Nam – người thủ trưởng cũ của mình. Có thể thấy, phim Người Hà Nội đã bảo lưu khá trọn vẹn đường dây cốt truyện về các nhân vật chính và những sự kiện có tính bước ngoặt của cốt truyện tiểu thuyết Phố. Bên cạnh đó, phim cũng đã có sự cải biên và sáng tạo những tình tiết, sự kiện chính. Mặc dù có sự gần gũi nhất định nhưng so với văn học, điện ảnh cũng tồn tại những đặc trưng riêng về loại hình, đặc biệt ở sự giới hạn dung lượng trình bày và phương diện tiếp cận của khán giả. Nhà làm phim không thể chuyển thể toàn bộ những tình tiết, sự kiện của tác phẩm văn học lên màn ảnh mà “…đòi hỏi cốt truyện phim phải tập trung, tổ chức cân đối, gọn gàng và đường dây cốt truyện rõ nét, hàm chứa sức mạnh của hình ảnh thị giác”. Khi theo dõi phim Người Hà Nội, người xem cũng có thể dễ dàng nhận thấy những tình tiết, sự kiện được làm mới, cải biên để phù hợp với logic, diễn tiến cũng như tạo sự kịch tính cho bộ phim. Ở đường dây cốt truyện chính thứ nhất, trong tập 1 của bộ phim Người Hà Nội bên cạnh những tình tiết về hai nhân vật Thảo – Nam được bảo lưu khá trọn vẹn thì đạo diễn có dựng thêm những cảnh nhỏ như cuộc nói chuyện của Thảo với bà bán hàng nước và với Diễm về việc chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Chi tiết này nhằm nhấn mạnh đây là bước ngoặt trong cuộc sống của gia đình Nam – Thảo. Nó cũng gợi lên những liên tưởng về một ngày Trở gió (nhan đề của tập một) trong cuộc sống vốn bình lặng của tổ ấm ấy.
Từ tập 2 đến tập 4, Thảo đã đi xuất khẩu lao động nên ít xuất hiện. Đến cuối tập 4, đạo diễn sáng tạo cảnh quay về cuộc sống đầy nước mắt vì thương nhớ chồng con nơi xứ người của Thảo. Cô phải đối mặt với những cám dỗ nơi trời tây hiện đại: “Định tu đến bao giờ… Rõ phí đời… Được sống vui tươi trẻ trung, yêu đời lại càng bán buôn hăng say hơn. Được chăm nom săn sóc cái tinh thần nó cũng sảng khoái, đầu óc minh mẫn ra nhiều ý chứ”. Tiếp đến là cảnh thác loạn ở sàn nhảy, cảnh Diễm ngoại tình, cảnh Thảo ngồi co ro lạnh giá ngoài đường… Đạo diễn sáng tạo thêm tình tiết Thảo và Hùng quen nhau từ khi Thảo đi xuất khẩu lao động ở Đức thay vì việc Thảo bị cưỡng bức không thành và cô bị ám ảnh về người đàn ông Việt Kiều. Đạo diễn muốn xây dựng câu chuyện theo hướng logic, Thảo cô đơn và gặp Hùng – mảng Mây Sài Gòn khiến cô rung động. Ngược lại với sự xuất hiện hiếm hoi của Thảo, từ tập 2 đến tập 4, đạo diễn dành nhiều thước phim tái hiện cảnh gà trống nuôi con đầy vất vả, mòn mỏi của Nam. Những tình tiết phụ trong tiểu thuyết đều được đạo diễn lược bỏ nhằm tập trung thể hiện mạch truyện chính. Nếu như trong tiểu thuyết, nhà văn chỉ nhắc đến Nam và Hùng là lính cùng đơn vị thì khi chuyển thể thành phim, mối quan hệ này được đạo diễn đẩy lên thành mối quan hệ sinh tử có nhau. Đạo diễn đã lồng ghép cảnh cuộc gặp gỡ Nam – Hùng trong niềm vui mừng, hạnh phúc với cảnh hồi tưởng lại đêm chiến đấu ác liệt năm xưa nhằm thể hiện thực tế hôm nay có phần tàn nhẫn: chính người đồng đội, đồng chí ấy lại là nguyên nhân gây ra nỗi bất hạnh của Nam. Chi tiết này tạo ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Hùng bàng hoàng, bối rối khi nhìn thấy ảnh Thảo như một dấu hiệu báo trước về mối quan hệ phức tạp của họ sau này.
Trong tập 5 của bộ phim với nhan đề Biển lặng, đạo diễn dành nhiều phân cảnh về mối quan hệ của Thảo – Hùng: cảnh hiện tại được lồng ghép cảnh quá khứ khi họ gặp nhau ở Đức, cảnh ở biển, cảnh Thảo sống ly thân tại căn nhà trúc… Nhà làm phim đã cố gắng thể hiện mối tình ngang trái của Thảo và Hùng với nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp, đó là sự dằn vặt, đấu tranh nội tâm của từng nhân vật… Việc cải biên của đạo diễn nhằm tạo ra sự logic về cốt truyện, nội tâm nhân vật, đồng thời cũng tạo cho người xem một hướng nhìn nhận mới, nhẹ nhàng, cảm thông hơn về quan hệ yêu đương ngoài vợ, ngoài chồng của Thảo.
Ở tập 6 Biệt thự trắng, đạo diễn cũng cắt bỏ, cải biên một số tình tiết: Nam đưa vợ đi dã ngoại, Nam nhẫn nhịn vì thương vợ được thay vào bằng cảnh Nam suy sụp, dằn vặt, chìm trong rượu…, sự xuất hiện của cô giáo Ngân dịu dàng khiến Nam rung động. Thảo sống tại căn nhà trúc, Thảo đề nghị ly hôn và muốn nuôi con, Thảo đã đến gặp Ngân nhờ cô tác động để Nam đồng ý, Nam cầu hôn Ngân… Đạo diễn đã sáng tạo cảnh quay bốn người qua màn mưa để thể hiện bi kịch hôn nhân gia đình Nam – Thảo: Nam đội mưa theo sau đưa cô giáo Ngân về, Ngân cảm động nhìn qua cửa sổ, cảnh Thảo và bé Niên Thảo cùng nhìn xa xăm buồn rười rượi… Trong đường dây cốt truyện chính về gia đình Nam – Thảo, đạo diễn sáng tạo thêm chi tiết bé Niên Thảo đi du học. Sự cố gắng hàn gắn bố mẹ của bé đã góp phần xoay chuyển kết thúc phim theo một hướng mới. Cuối phim, Thảo nghe lời con trở về. Trong căn biệt thự lạnh lẽo đêm giao thừa, Nam bật từng bóng điện, từ từ, kiếm tìm một phép màu… Kết phim là hình ảnh Thảo xách vali đứng trước căn biệt thự trắng… Đây là một kết thúc mở thay vì cái kết bi kịch trong tiểu thuyết. Người xem có thể hy vọng vào một kết thúc có hậu của bộ phim.
Ở đường dây cốt truyện chính thứ hai về cuộc đời người lính trẻ Hà Nội khẳng khái, ân nghĩa Trần Sùng Lãm, đạo diễn phim đã dành cho nhân vật nhiều đất diễn cũng như thời lượng. Cuộc đời Lãm được tái hiện một cách chi tiết, gần như chiếm trọn thời lượng tập 2, tập 3 của bộ phim và xuất hiện đều đặn ở những tập sau. Câu chuyện liên quan đến cuộc đời Lãm bắt đầu bằng cảnh hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp. Góc quay từ xa, có độ rộng, lấy khung cảnh là một cánh đồng ngô xanh mướt bên sông Hồng, kết hợp âm thanh tiếng sáo dìu dặt, gió thổi… Một người lính, một người phụ nữ dân tộc, họ có vẻ kham khổ nhưng hạnh phúc. Nhân vật người chồng trốn tránh tiếng gọi của Bình tạo nên sự tò mò ở người xem. Cảnh quay ở tập 1 về vợ chồng Lãm được đạo diễn sáng tạo hoàn toàn, thay cho hình ảnh lần đầu tiên họ xuất hiện trong tiểu thuyết: “…một gã trai dáng người cao, vai hơi gù, vận quần áo màu xám, tóc tai xõa xượi, đang bước thấp bước cao dọc các dãy nhà, thỉnh thoảng lại dừng lại như nghe ngóng, như nhòm ngó điều gì rồi dần mất hút”. Rồi đạo diễn dựng cảnh hai vợ chồng Lãm lang thang suốt một đêm: “Lãm thở dài: Hết béng cả đêm rồi. Vợ (nhìn Lãm âu yếm): Em đảm bảo được gối tay mình, em sẽ ngủ đánh thông một giấc. Lãm: Cô thì nói làm gì, ngủ cũng như thức, anh hùng vĩ đại”. Qua cuộc trò chuyện của hai vợ chồng Lãm, người xem cảm nhận được hai con người khốn khổ dù sống trong cảnh màn trời chiếu đất nhưng vẫn rất yêu thương nhau. Những chi tiết như Lãm đưa vợ về xin gặp bố khi quyết định đi đào đá ở Châu Quỳ được sắp xếp, giản lược một cách đáng kể, tình tiết vợ Lãm đến nhà Nam xin tá túc… đạo diễn cũng chỉ tập trung vào việc vợ Lãm trộm cắp đồ nhằm tập trung vào tình tiết chính của câu chuyện. Trong cuộc nói chuyện, đạo diễn đã khéo léo lồng hình ảnh Lãm ngày ra quân trong hồi tưởng của Nam. Đây là một tình tiết được đạo diễn dụng công xây dựng lại để thêm phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật Lãm. Khi được Nam khuyên “nên thận trọng cân nhắc kỹ” việc hôn nhân vì nghe dư luận không tốt về cô gái miền núi này thì Lãm đã thẳng thắn trả lời: “Báo cáo đồng chí trung đoàn trưởng, ba năm qua tôi chấp hành nghiêm chỉnh những lệnh của đồng chí. Bây giờ tôi xin phép sống cho riêng tôi, chịu trách nhiệm về mình…”.
Sự kiện Lãm tình cờ gặp Dụ là một trong những biến cố quan trọng trong cuộc đời Lãm. Điểm nhấn của sự cải biên trong phân cảnh này là hình ảnh người vợ khắc khoải tìm chồng được lồng ghép trong cảnh Lãm bị trả thù. Sau biến cố tại mỏ đá, Lãm theo Dụ đi buôn hàng ở biên giới, sau đó đi buôn mía, buôn thuốc lào… Để câu chuyện cuộc đời Lãm trở nên cô đọng hơn, có lẽ cũng vì giới hạn thời lượng của bộ phim mà cả chặng đường nhiều năm buôn bán của Lãm được đạo diễn khái quát qua câu thoại của nhân vật Nam khi đối thoại với đạo diễn Bình: “Cu Lãm hả? Ngày đầu đi buôn thuốc lào ở trên miền núi. Sau đó bỏ đi bổ củi thuê và bây giờ đi buôn mía ở Hà Tây. Cuộc đời Lãm xoay vần khó biết”. Cuộc đời Lãm nhiều biến cố và dường như cũng được chuyển thể với nhiều sáng tạo. Đặc biệt ở tập cuối, sau những tháng ngày vất vả, kiên trì, cố gắng, Lãm đã trở thành giám đốc nhà máy đường. Đạo diễn thêm chi tiết nhà máy của anh tranh chấp với công ty của Hùng, nhưng cuối cùng Lãm đã giành phần thắng. Bố Lãm đến tìm hai vợ chồng, gia đình đoàn tụ trong hạnh phúc. Cảnh tân gia náo nhiệt, vui vẻ của gia đình Nam – Thảo trong tiểu thuyết Phố được thay bằng cảnh tân gia ngôi biệt thự của gia đình Lãm nhằm thể hiện một cái kết viên mãn cho cuộc đời nhân vật này. Trong chuyến đi vào Sầm Sơn thăm đồng đội, Lãm đã cứu sống Hùng và Thảo. Ở tiểu thuyết, Lãm ra đi mãi mãi, nhưng để giảm bớt sự đau thương hơn, đạo diễn đã tạo một kết thúc mở cho bộ phim: Lãm không chết mà nằm bất tỉnh trong bệnh viện… Chi tiết này đáp ứng được những mong muốn của khán giả về một kết thúc có hậu cho nhân vật Lãm và anh hoàn toàn xứng đáng với điều đó.
Có thể nói, phim Người Hà Nội đã chuyển thể khá trung thành, trọn vẹn những tình tiết, sự kiện trong đường dây cốt truyện chính của tiểu thuyết Phố. Cốt truyện sóng đôi, câu chuyện về cuộc đời của những người lính (gia đình Nam – Thảo, gia đình Lãm) sau chiến tranh và trong thời kỳ kinh tế thị trường được tái hiện khá nguyên vẹn. Tuy nhiên để phù hợp với đặc trưng của loại hình điện ảnh, đoàn làm phim đã có những cải biên, sáng tạo nhất định. Điều này phù hợp với lý luận liên văn bản khi chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh, đồng thời cũng tạo tính hấp dẫn, mới mẻ cho bộ phim.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Tích Chỉ, Đoàn Lê, Người Hà Nội, Phim truyền hình, 1996.
2. Lê Thị Dương, Chuyển thể Văn học – Điện ảnh: Nghiên cứu liên văn bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.
Tác giả: TS Nguyễn Diệu Linh – Ths Nông Bích Phượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn