Khái niệm chung về thể loại
Thể loại là thuật ngữ dành cho các phân loại văn học hoặc các dạng thức của nghệ thuật hoặc giải trí, ví dụ như điện ảnh, sân khấu, văn học, âm nhạc… dù là viết hay nói, nghe hay nhìn, dựa trên các tiêu chí nhất định. Các thể loại hình thành từ các thỏa thuận hay mặc định thay đổi theo thời gian khi những dạng thức mới được tạo ra và các dạng thức cũ ngừng tiếp diễn.
Theo nghĩa chung nhất, đối với văn học nghệ thuật nói chung, đối với văn học và điện ảnh nói riêng, “thể loại là những phiên bản của nguyên mẫu giúp mô tả nhân vật và hình ảnh phổ biến trong hầu hết những hình thức văn học và điện ảnh”(1).
Trên thực tế, các thể loại phim đã trở thành sản phẩm hợp nhất sao chép một số cấu trúc dễ nhận biết và các quy ước từ quá khứ, trong khi đồng thời kết hợp với các phương thức độc đáo liên hệ hiện tại. Nói cách khác, các nhà làm phim làm việc trong các cấu trúc thể loại rộng và phân biệt, tái tạo lại một mô hình quen thuộc bằng cách truyền tải nó bằng thế giới quan cụ thể của họ, cũng như các yếu tố từ thời kỳ lịch sử họ sinh sống.
Văn học có ba thể loại lớn là tự sự, trữ tình và kịch. Tuy nhiên, “trong phạm vi mỗi loại văn học là các thể (“thể loại” hoặc “thể tài”), chúng được phân chia căn cứ vào tố chất thẩm mỹ chủ đạo, vào giọng điệu, dung lượng và cấu trúc chung của tác phẩm”(2).
Theo Timothy Corrigan trong Điện ảnh và văn học, “tương tự, mặc dù trong một giai đoạn tình cảm và trực quan khác nhau, Inglourious Basterds (2009) có thể kết hợp, châm biếm và thường đảo ngược nhiều quy ước tiêu biểu của bộ phim chiến đấu, thậm chí cung cấp một kết thúc thay thế cho triều đại khủng bố của Hitler và cuối cùng là Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi đồng thời vẫn nằm trong ranh giới dự kiến của thể loại này”.
Một số khái niệm liên quan
Loại hình: Một tập hợp những sự vật, hiện tượng cùng có chung những đặc trưng cơ bản nào đó. Ví dụ: Loại hình nghệ thuật, loại hình báo chí, loại hình ngôn ngữ…; loại hình nghệ thuật điện ảnh; loại hình nghệ thuật sân khấu; loại hình nghệ thuật mỹ thuật…
Loại: Là một tập hợp những sự vật, hiện tượng nhưng mang đặc trưng riêng, có cái chung của loại hình nhưng có cái riêng của loại; loại nằm trong loại hình, nhỏ hơn và thuộc về một loại hình nhất định. Ví dụ: phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình là những loại thuộc loại hình điện ảnh; phim truyện là một loại của loại hình điện ảnh (loại hình nghệ thuật điện ảnh).
Thể loại: Hình thức sáng tác văn học nghệ thuật được đặc trưng bằng phương pháp phản ánh hiện thực, sự vận dụng ngôn ngữ riêng khác. Ví dụ: phim hài, hành động, kinh dị… là các thể loại điện ảnh; pop, dance, rock, country, blues và r&b… là các thể loại âm nhạc; tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tùy bút, thơ… là các thể loại văn học. Trong tất cả các loại hình văn học nghệ thuật đều có sự khác nhau giữa thể loại tự sự và thể loại trữ tình.
Thể tài: Hình thức nghệ thuật đặc trưng bởi đề tài, chủ đề, phong cách…Ví dụ: trong loại hình báo chí có các thể tài: xã luận, phóng sự điều tra, ký sự, ghi chép, ảnh phóng sự…
Sự tương đồng và khác biệt giữa đề tài và thể loại
Sự tương đồng giữa đề tài và thể loại
Trong các tác phẩm thuộc loại phim truyện điện ảnh, có sự tương đồng giữa đề tài và thể loại, nếu đối tượng phản ánh và phương pháp phản ánh tương đồng về bối cảnh (context/background) và dàn cảnh (mise-en-scene); trong cách áp dụng ngôn ngữ điện ảnh để chọn lựa, khai thác, phản ánh, thể hiện… đề tài; trong nguyên tắc khai thác đối tượng phản ánh và áp dụng phương pháp phản ánh; trong chất liệu đề tài và chất liệu thể loại (bối cảnh chiến trường, chiến trận, chiến đấu… trong đề tài chiến tranh và dàn cảnh chất liệu cháy nổ, bom đạn, khói lửa, quân đội hai bên… trong bối cảnh ấy); sự gắn kết giữa bối cảnh và dàn cảnh, giữa câu chuyện và cách kể chuyện…
Vì vậy, có sự tương đồng (không chỉ trong cách gọi) giữa “đề tài lịch sử” và “thể loại lịch sử”; “đề tài thảm họa” và “thể loại thảm họa”; “đề tài gia đình” và “thể loại gia đình” (phim tâm lý xã hội về gia đình); “đề tài chiến tranh” và “thể loại chiến tranh”. Chẳng hạn, phim Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) thuộc đề tài chiến tranh, đồng thời cũng thuộc thể loại chiến tranh, nếu căn cứ vào việc chọn cách thể hiện đề tài, hiện thực được phản ánh cũng như khai thác thể loại phim chiến tranh, thông qua việc áp dụng các nguyên tắc mỹ học về thể loại này của đạo diễn phim.
Sự khác biệt giữa đề tài và thể loại
Trong các bộ môn nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, đề tài là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các sự kiện, tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Khái quát hơn, đề tài thể hiện phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật.
Đề tài của tác phẩm nghệ thuật không chỉ nhằm giới thiệu các hiện tượng cụ thể cá biệt của đời sống hay của tưởng tượng, mà ở phương diện nhất định, bao giờ đề tài cũng xuyên qua một phạm vi miêu tả cụ thể để khái quát lên một phạm vi hiện thực đời sống nhất định có ý nghĩa sâu rộng hơn. Đề tài là đối tượng để nghiên cứu hoặc miêu tả (trong tác phẩm khoa học hoặc văn học, nghệ thuật).
Đối với phim truyện điện ảnh, việc xác định đề tài cho câu chuyện có thể giúp nhà biên kịch biết rõ mình muốn đi đâu. Trong khi bàn về cách viết kịch bản phim, tác giả Jean – Marc Rudniki nêu “một số ví dụ về đề tài như sự bỏ rơi, sự ức chế, sự ghen tuông, sự sống sót, sự hèn nhát, sự thống trị, sự nổi dậy, quyền lực, cái tôi, cái xấu…”(3). Trong khi đó, tác giả của Nghiên cứu phim cũng chỉ ra “Một số đề tài khác trong phim Hitchcock là sự thú tội và tội ác, vụ giết người hoàn hảo, nhầm người…”(4). Về đề tài, là người trong cuộc, trong khi đề cao phim Em chưa 18, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nhận định: “Nếu như Gái nhảy là cố gắng thay đổi đề tài, thì đến Em chưa 18 là sự thay đổi về cách thể hiện, khi khán giả đã bước sang một trình khác, không còn xem phim Việt vì tò mò và cũng không còn quan tâm tới đề tài”(5).
Về đề tài chiến tranh trong phim truyện điện ảnh, đạo diễn Hải Ninh kể về đạo diễn Hồng Sến, khi “Có thể những gì chưa thể hiện được ở phim tài liệu, thì anh hy vọng sẽ thể hiện trong phim truyện. Hồng Sến bộc lộ: “Tôi đã làm nhiều phim chiến tranh, nhưng tôi thấy còn nợ với đề tài này, vì mình chưa nói được cái tầm vóc to lớn của hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”(6).
Trong khi đó, thể loại là hình thức sáng tác văn học nghệ thuật được đặc trưng bằng phương pháp phản ánh hiện thực, vận dụng ngôn ngữ riêng. Ngoài ra, đề tài có thể là phương diện sáng tác, tức đối tượng hướng tới, của văn học nghệ thuật nói chung, trong khi thể loại lại là phương pháp sáng tác của từng loại văn hoặc nghệ thuật nhất định. Đơn cử, phim kinh dị là thể loại (không phải đề tài) của loại phim truyện điện ảnh.
Vì vậy, về bản chất, sự khác biệt giữa đề tài và thể loại trong phim truyện điện ảnh ở chỗ một bên là đối tượng được phản ánh còn một bên là phương pháp để phán ánh đối tượng ấy.
Thể loại và một số định danh khác
Những phân loại chung, theo truyền thống, thường bất đồng về việc xác định những thể loại cơ bản là gì. Trong khi đó, thể loại, nói ngắn gọn, là một cách thức linh hoạt và dễ thay đổi để phân loại phim, văn học và những mong đợi của người sáng tác, người xem với những tác phẩm riêng lẻ. Trong mối quan hệ văn học và điện ảnh, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định trữ tình, tự sự và kịch là những mẫu hình chung cao nhất.
Điện ảnh cũng có nhiều thể loại phim, trong đó các phim chuyển thể văn học được người xem đặc biệt thích thú vì trực giác thấy nó vận dụng ưu thế của ngôn ngữ loại hình và sự trợ giúp của công nghệ để miêu tả sinh động những nội dung của văn học mà khi đọc câu chữ họ chỉ có thể tưởng tượng.
Một số thể loại thường thấy trong phim truyện điện ảnh được chuyển thể từ văn học:
Phim văn học: Theo Timothy Corrigan trong Điện ảnh và văn học, phim văn học (literary film) là một thể loại phim theo đúng nghĩa của nó (cũng như một cuốn tiểu thuyết điện ảnh có thể được coi là một thể loại văn học). Phim văn học có thể được định danh như là một bộ phim mà trong đó một tác phẩm văn học hoặc những mối liên hệ văn học khác hoạt động, như tất cả các thể loại khác, hay như một phần của những đón đợi mà bộ phim khơi dậy từ khán giả. Theo nghĩa này, phim văn học thường bao gồm hai kiểu phim:
Những bộ phim chuyển thể hướng sự chú ý tới tác phẩm văn học mà từ đó phim được khơi nguồn, tận dụng hoặc là sự tương đồng với tác phẩm văn học đó, hoặc là sự công nhận về mặt văn hóa vị trí văn học của nó.
Những bộ phim mà trong đó có sự hiện diện nổi bật của văn học. Ví dụ: một nhà văn chuyển thành một nhà làm phim hoặc biên kịch khi đã là một nhà tiểu thuyết hoặc nhà viết kịch nổi danh, tạo nên định hình những mong đợi về chất lượng văn học của những bộ phim này.
Cảnh trong phim Mùa ổi – Ảnh: internet
Phim chuyển thể: Tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Ví dụ: các tác phẩm văn học Việt Nam được chuyển thể: Chị Dậu, Tướng về hưu, Mùa ổi, Mê Thảo – thời vang bóng, Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận,…
Thể loại văn học và điện ảnh: các mối quan hệ
Nhận dạng thể loại, những mối liên hệ và sự khác biệt giữa những tác phẩm cùng thể loại là một phần quan trọng đối với việc nhà sáng tác và khán giả, độc giả yêu thích điện ảnh và văn học như thế nào và hiểu cả hai loại hình nghệ thuật này ra sao. Những mẫu hình chung và những biến đổi có tính lịch sử giúp khán giả đánh giá đúng những sáng tạo và biến đổi trong việc những bộ phim sử thi tương tác với nhau như thế nào.
Khảo sát những thể loại phụ và những hình thức khi chúng phát triển trong quá trình chuyển thể từ văn học sang điện ảnh, khai thác sâu hơn và làm phong phú thêm nhận thức sâu sắc và khả năng của nhà sáng tác và khán giả, độc giả trong việc phân tích một tác phẩm đã kế thừa điều gì và tái sáng tạo lại tác phẩm văn học trước đó như thế nào.
Văn học và điện ảnh luôn phụ thuộc vào thể loại, những mẫu khác để phân loại, tổ chức, khơi dậy và thách thức những mong muốn của độc giả và khán giả. Nguyên do thuộc về lịch sử, bởi điện ảnh xuất hiện muộn hơn so với văn học, nên nhiều thể loại và kiểu phim bắt nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp từ những thể loại và kiểu văn học có trước.
Cả thể loại văn học và thể loại phim đều bắt nguồn từ mặc định giữa nhu cầu xã hội và nguyên tắc mỹ học cũng như các giá trị, chất lượng nghệ thuật. Nói cách khác, các thể loại đó thừa nhận và hướng tới những mong đợi của độc giả/ khán giả về những quy ước của những kiểu nhất định và cách biểu hiện hoặc câu chuyện (giống như kiểu thể loại phim kinh dị hay phim hài, trong đó có tiểu loại hài nhảm, trong điện ảnh Việt Nam gần đây). Ví dụ: Một số hãng phim tư nhân ở Việt Nam như Galaxy, BHD… đã và đang đẩy mạnh việc sản xuất với sự thành công của phim thể loại (hay phim theo thể loại), khi các thể loại phim này đã có giá trị nội dung và chất lượng nghệ thuật nhất định, đồng thời đạt hiệu quả kinh tế và thương mại. như phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trúng số, Chàng vợ của em, Song Lang, Hai Phượng…
Thể loại cũng phải chịu một áp lực về sự thay đổi, biến thiên. Một mặt, chúng tham gia vào những quy ước (hoặc tiêu chí) và nguyên mẫu, dường như vượt qua những ví dụ cá nhân của thể loại đó; mặt khác, thể loại tiếp tục phát triển trong những giới hạn của những giai đoạn lịch sử và thực tiễn riêng biệt.
Thể loại cũng đổi thay theo thời gian, khi người làm phim sáng tạo ra những sự pha trộn mới dựa trên những thể thức cũ. Vì vậy, việc xác định ranh giới rõ ràng giữa các thể loại đòi hỏi một sự tinh tế nhất định.
Trên thực tế, việc “nhận diện một thể loại dễ hơn là xác định nó. Phim miền Tây, phim ca nhạc, phim hành động, phim kinh dị, phim hài, phim lãng mạn – tất cả đều là các thể loại. Điện ảnh đại chúng của hầu hết các quốc gia đều dựa trên việc làm phim theo thể loại” (7).
Thể loại phim và mối quan hệ với các khái niệm khác
Sử dụng khái niệm “thể loại” không theo quy ước
Trong việc xem xét, đánh giá, nhận định về phim truyện điện ảnh Việt Nam thời gian qua, đã có sự nhầm lẫn hoặc không theo quy ước nhất định nào khi gọi tên sự vật giữa “loại’, “thể loại” hay không phải “thể loại”. Ví dụ, không thể gọi là: thể loại phim hoạt hình, thể loại phim tài liệu, thể loại phim nhiều tập… mà ở đây cần thay khái niệm “thể loại” bằng “loại”. Đơn cử, loại phim hoạt hình.
Sự tương đồng và khác biệt giữa “dòng” và “thể loại”
Khái niệm dòng: một dòng chảy, trào lưu, một bộ phận; trong văn học nghệ thuật, dòng là một bộ phận các tác phẩm có chung khuynh hướng sáng tác. Ví dụ: dòng phim giải trí, dòng tiểu thuyết hiện thực phê phán, dòng nhạc đồng quê… Chẳng hạn, với thành công đáng kể của phim Thần tượng (tại Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2017), về mặt lý thuyết, có thể thấy sự suy thoái của dòng phim chính luận ít nhiều đã dẫn tới sự lên ngôi và thống trị của dòng phim thuần túy giải trí.
Tương đồng: Các “dòng” và “thể loại” đều hình thành từ nhu cầu của khách thể tiếp nhận (người đọc, người nghe, người xem…), đều thay đổi theo thời gian khi các dạng mới được tạo ra và những dạng cũ ngừng tiếp diễn, đều có đối tượng khán giả hướng tới riêng. Trên thực tế, có thể chấp nhận các cách gọi khi các khái niệm có những tương đồng về nhiều yếu tố, tiêu chí. Chẳng hạn, có thể gọi “thể loại phim kinh dị” là “dòng phim kinh dị”, hoặc “thể loại nhạc đồng quê” là “dòng nhạc đồng quê”…
Khác biệt: “Dòng” thường dùng để, phân biệt, định giá các sản phẩm chung, gồm cả khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật, trong khi đó đa phần “thể loại” được dùng để chỉ, phân biệt các tác phẩm văn học nghệ thuật. Mặt khác, “dòng” thường dùng để chỉ một dòng chảy, trào lưu, một bộ phận; hay sự khác nhau của các sản phẩm về cách sản xuất, vận hành, cách dùng, giá cả.
Trong mối quan hệ phụ thuộc, “dòng” bao hàm, chứa “thể loại”; ngược lại, “thể loại” không bao hàm, chứa “dòng”. Thể loại: khái niệm gọi tên sự vật thường dùng để chỉ một phương pháp sáng tác, phương thức thể hiện; có phương pháp phản ánh hiện thực, sự vận dụng ngôn ngữ riêng; có nguyên tắc mỹ học sáng tạo riêng. Vì vậy, không thể đồng nhất hai khái niệm “dòng” và “thể loại”, cũng như không thể lạm dụng khái niệm “dòng” để gọi “thể loại” và ngược lại.
_____________
1. Timothy Corrigan, Điện ảnh và văn học, Nxb Thế giới, 2013.
2. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
3. Jean – Marc Rudniki, (Trần Ngọc Bích dịch), Cách viết kịch bản phim ngắn, Hội Điện ảnh Việt Nam đồng xuất bản, 2006, tr.28.
4. Warren Buckland, Nghiên cứu phim, Nxb Tri thức, 2011, tr.165.
5. Thủy Nguyên, Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “Em chưa 18” là cái tát mạnh vào tôi”, laodong.vn, 03-12-2017.
6. Hải Ninh, Đạo diễn Hồng Sến – Con người và tác phẩm, Nxb Văn hóa -Thông tin, 2012, tr.146.
7. David Bordwell, Kristin Thompson, Nghệ thuật điện ảnh, Nxb Thế giới, 2013, tr.144.
Tác giả: Vũ Ngọc Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn