Những dòng xuân trong ca khúc việt


 

Xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân… đó là quy luật chuyển đổi muôn đời của đất trời, nhưng với cuộc sống con người, mỗi khung mùa ấy lại có những ý nghĩa văn hóa khác nhau. Riêng với mùa xuân, được coi là sự bắt đầu của một năm, hình như trong nó chứa đựng những điều khác biệt thật khó lý giải. Điều khác biệt ấy, có thể trong nội lực tiềm ẩn những hạt mầm đang chờ thời điểm để sinh sôi, cũng có thể là một không gian cởi mở thân thiện… Nhưng cái khác biệt ấy, chính nó, đã tạo nên chất men làm say lòng giới văn nghệ sĩ. Bằng những thủ pháp xây dựng hình tượng, mỗi loại hình nghệ thuật có cách nói riêng để diễn tả cái “say” đó thông qua không gian mùa xuân.

 

1. Dòng xuân khát vọng

Nhịp điệu cuộc sống hiện tại ngày càng dồn gấp, khiến chẳng ít người hoài niệm về những miền xưa. Ở đó, cho dù trong thời nóng bỏng của chiến tranh, nhưng con người vẫn tìm được những khoảng không gian thanh bình đủ để cho tâm hồn xao động cùng thiên nhiên và lắng đọng, kết dệt thành kỷ niệm.

Nhớ cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, đời sống của nhân dân miền Bắc còn quá nghèo, phương tiện nghe nhìn vô cùng hạn chế. Thưởng thức âm nhạc chủ yếu thông qua những chiếc loa truyền thanh công cộng, hoặc radio, ấy thế mà người nghe cứ thuộc làu làu tên bài hát, ca sĩ biểu diễn, cũng như nhạc sĩ sáng tác. Đặc biệt thời điểm giao mùa, khi mà những nụ mận, nụ đào ngoài vườn hé nhú, đó cũng là lúc mà con người như trút bỏ được nỗi lo toan, nhọc nhằn của đời sống thường nhật để hòa vào với dòng xuân.

Cũng còn nhớ trong dòng xuân ấy, có một dòng âm thanh mùa xuân nẩy mầm từ trong chiến tranh, ấp ủ bao niềm khát vọng. Nhắc tới mầm xanh này, người nghe thời ấy không thể không nhớ tới cố nhạc sĩ Hoàng Việt. Ông là người để lại dấu ấn quan trọng trong nền thanh nhạc nước nhà bởi một loại thể tình ca mang chất romance. Và, quan trọng hơn, giữa lúc nước sôi lửa bỏng cũng như hoàn cảnh lịch sử bấy giờ chưa phải là cơ hội thuận lợi cho những bài tình ca đơm hoa tỏa sắc, nhưng ông đã biết lựa chọn một cách đi riêng. Cách đi đó dù chưa tìm được sự cộng hưởng ngay của xã hội, nhưng ông là người dũng cảm dám “xông thẳng vào hai vấn đề then chốt của tình ca mới: mội dung đề tài mang tính cập nhật, tức là gắn với bối cảnh lịch sử đương đại, sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới”(1). Cái chung hòa với cái riêng, tình yêu đôi lứa hòa với mùa xuân dân tộc, không ủy mị, sầu não mà sán lạn một niềm tin bất diệt vào ngày mai. Đầu nguồn của cảm xúc là sự cách xa chồng Bắc vợ Nam. Người vợ cùng với đồng bào miền Nam đang ngày đêm trong vòng cương tỏa của quân thù. Hoàn cảnh ấy tạo ra cảm xúc, và cảm xúc được dồn nén vào giai điệu để “cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa”. Có một chút riêng “em hãy nở nụ cười tươi xinh, như đóa hoa xuân chào riêng anh”, tình yêu ấy hòa vào cái chung làm nên bản tình ca như mùa xuân để “dâng cả bao người”.

Cũng trong những năm tháng này, sự ngăn sông cách bến không thể ngăn cản được cái rạo rực của mùa xuân đang đến. Xao xuyến gió, xao xuyến cánh chim đó là mùa xuân của thực tại, của cảm xúc, để từ đấy mà ước mơ “những mùa xuân bóng dáng tương lai… mùa đông và mây mù sẽ tan”. Nhạc sĩ Văn Ký đã dựa vào quy luật vần xoay của đất trời mà viết Bài ca hy vọng. Tất nhiên, ông không sa đà vào bút pháp ký sự, mà bằng tài năng thông qua thủ pháp xây dựng hình tượng âm nhạc vừa mang tính hư cấu, vừa mang tính khái quát đã làm cho bài hát có sức vươn tỏa mạnh mẽ trong công chúng. Nó xứng đáng là một romance tiêu biểu của nền thanh nhạc Việt Nam trong những năm tháng của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở TK XX, cũng như ở giai đoạn hiện nay.

Sẽ là thiếu sót nếu trong âm hưởng của dòng xuân khát vọng, không nhắc tới những ca khúc viết về tình yêu đôi lứa đặt trong trong khung cảnh mùa xuân khu vực miền núi phía Bắc. Đó cũng là một cách nhìn, cách hòa, hay nói đúng hơn là sự linh hoạt chọn một hướng đi riêng của các nhạc sĩ, khi mà hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép. Nói như các nhà nghiên cứu âm nhạc thì đó là: ” Một lối đi khá ngoạn mục và nhanh chóng có được sự cộng hưởng của xã hội. Những bản tình ca khai thác từ đề tài dân dã miền “sơn cước”, tìm đến cái thơ mộng, hồn nhiên trong môtíp giao duyên vừa truyền thống, vừa hiện hữu trong quan hệ trai gái miền núi” (2). Tình ca Tây Bắc (nhạc Bùi Đức Hạnh, phỏng thơ Cầm Giang), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý)… hoàn toàn không “phạm luật” và có chỗ đứng lâu bền trong lòng công chúng.

Không riêng tình yêu, mà viết về đề tài nào cũng vậy, mỗi khi mùa xuân đến là hình như đất trời đã ban tặng vẻ đẹp thiên nhiên và chất men nồng say để tăng thêm sinh lực sáng tạo cho các nhạc sĩ. Chẳng vậy mà, ngay trong cảnh bom rơi đạn nổ, không ít nhạc sĩ vẫn nhìn và nghe thấy cảnh sắc, âm thanh của mùa xuân đất trời, cho dù nó có thể ở xa, ở gần. Có điều chắc chắn, đó là tiếng lòng của những nhạc sĩ chân chính, tìm trong cảnh khó khăn mà thấy tương lai, trong cái âm u của mùa đông lại thấy sự ấm áp của mùa xuân. Trường hợp này lại một lần nữa nhắc tới Hoàng Việt với Nhạc rừng. Trong những ngày mưa không ngớt ở rừng miền Đông, người nhạc sĩ trẻ đã nghe thấy tiếng chim ca trong nắng, tiếng rừng hát gió lay trên cành biếc và những âm thanh róc rách của nước, tiếng nhẹ nhẹ của lá rơi. Phần nền của bức tranh xuân như mạch sống đang ứ nhựa dâng trào và nó đã có tầm khái quát khá cao. Trên tầng nền ấy, anh chiến sĩ xuất hiện, cùng lắng nghe nhạc rừng, tâm hồn vui phơi phới rồi hòa lòng mình cùng xuân để vui bước trên dặm đường hành quân.

Cũng giống như Hoàng Việt, nhạc sĩ Xuân Hồng khi sống trong chiến khu, qua mùa mưa, ông thấy rừng miền Đông thật đáng yêu. Ánh nắng tràn rực rỡ, những cánh mai vàng, tiếng chim thanh bình…, đó là cảnh thật để gợi cảm xúc giúp Xuân Hồng dệt nên bức tranh Xuân chiến khu làm rung động hàng triệu trái tim lúc bấy giờ. Có một sự khác nhau trong cách tiếp cận, Hoàng Việt kết dệt giai điệu hơi Tây, còn Xuân Hồng có chút thuần Việt, nhưng vấn đề đó lại thuộc về tài năng và phong cách riêng của từng nhạc sĩ. Cái hiệu quả cuối cùng của quá trình sáng tạo là sản phẩm âm nhạc, nó mang đến cho công chúng một tinh thần lạc quan, tin tưởng trong những lúc khó khăn nhất. Nói cách khác, các nhạc sĩ đã thổi được sức xuân của đất trời qua ca khúc vào trong cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân trong những năm tháng đất nước có chiến tranh.

Kháng chiến càng bước vào giai đoạn cao trào thì hình như trong con mắt của các nhạc sĩ, mầm xanh của mùa xuân càng có sức sống mãnh liệt hơn. Cái mầm xanh đó đủ để ngấm vào và gợi lên lòng tự hào của người dân đất Việt: “Dặm đường xa, ta đi giữa mùa xuân. Ta đi giữa tình thương của Đảng. Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim… Đường ta về trong nắng ấm ban mai. Việt Nam! Việt Nam! Qua từng bước gian nan, lớn lên rồi đẹp những mùa xuân” (Đường chúng ta đi, nhạc Huy Du, Thơ Xuân Sách).

Cũng tiếp nhận dòng sinh lực từ mùa xuân như nhạc sĩ Hoàng Việt, Xuân Hồng, Huy Du, Hoàng Vân…, nhạc sĩ Cẩm La đã dệt một bức tranh xuân sinh động, trong đó hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ mang tính trung tâm. “Khi tiếng chim hót vang lên lời ca. Và khi nắng tỏa rộn bước quân hành xa. Thì em có nghe tiếng mùa xuân về. Giục cất bước giải phóng cho làng quê…” (Cùng hành quân giữa mùa xuân). Chiến tranh đâu phải trò đùa, thế nhưng vẫn có những giây phút phẳng lặng đáng quý để mầm xuân bật dậy, và có chút gì thư thái làm ấm lòng người.

Giữa cảnh bom rơi đạn lạc, các nhạc sĩ vẫn chắt chiu dệt lên giai điệu để lấy lại được trạng thái cân bằng cho người nghe, đó là một giá trị mang tính nhân bản, đồng thời cũng là tố chất cần có của người sáng tạo trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Cái nguyên nhân sâu xa vẫn do hoàn cảnh lịch sử tác động đến nhận thức của từng nhạc sĩ. Họ không đứng ngoài cuộc chiến của dân tộc. Họ vừa là chiến sĩ vừa là nhạc sĩ, cùng tham gia hành quân, chiến đấu trên các mặt trận, biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân, biết hòa cái tôi trong cái ta. Ngoài ra, còn phải thừa nhận một điều, cái tâm và tài năng của từng nhạc sĩ được bộc lộ khá rõ nét trong những điều kiện khó khăn nhất. Tất cả đã làm cho sản phẩm của họ có sức sống mạnh mẽ và khả năng lan tỏa rộng lớn, không những ở thời bấy giờ mà ngày nay nó vẫn làm xúc động bao lòng người.

2. Dòng xuân reo vui

Đại thắng mùa xuân 1975, non sông thu về một mối, đất nước hoàn toàn độc lập. Xuân của đất trời, xuân của lòng người cùng cộng cảm, hòa trộn, tạo nên dòng xuân reo vui. Những gì đã được các nhạc sĩ ấp ủ, nuôi dưỡng trong chiến tranh thì giờ đây được dịp bùng phát và dâng trào. Tiếng nói của dòng xuân này là sự đan chéo cảm xúc với nhiều tầng bậc khác nhau. Đầu tiên là cảm xúc dâng trào của sau 30 năm mới có ngày gặp mặt trong Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng). Rồi một chút riêng tư, nhưng nhẹ nhàng và trong sáng khi “Nửa đêm nghe xuân về. Nghe đời lên rất trẻ. Gọi tên anh thầm nhớ. Lời ru em ngọt ngào” (Tình ca mùa xuân – Tôn Thất Lập). Mùa xuân thống nhất đất nước, cũng là lúc mà nhạc sĩ Văn Cao thấy được cái đích thực Mùa xuân đầu tiên với đúng ý nghĩa của nó. Bởi chỉ có tấm lòng bao dung thì người nghệ sĩ mới tìm một cảm giác thanh thản đến thế: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên… Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”.

Có một dạng cảm xúc phấn chấn, hồ hởi, ngôn ngữ âm nhạc là sự tiếp nối cái hào sảng trong thời kỳ chiến tranh. Cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi trong lịch sử của dân tộc ta ở TK XX chưa mùa xuân nào có một niềm vui trọn vẹn và mang đầy ý nghĩa đến thế. Là những người được sống và trưởng thành trong chiến tranh, lúc này các nhạc sĩ đã có bút pháp nhuần nhị cộng với bề dày của thực tế, mặt khác năm tháng gian khổ đã qua, bởi thế không có lí do gì mà chồi xanh của dòng xuân không nẩy nở. Một cảm xúc chợt đến, một tiếng reo từ nội tâm được bật ra hòa vào trong không khí mùa xuân của đất nước: Cung đàn mùa xuân (nhạc Cao Việt Bách, lời thơ Lưu Trọng Lư), Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn), Mùa xuân đến rồi đó (Trần Chung)… là những minh chứng cụ thể cho dạng cảm xúc này.

Cũng phấn chấn, nhưng có chút lắng sâu và dàn trải hơn, đó là dạng cảm xúc nữa của dòng xuân này. Mùa xuân trên quê hương (Hoàng Mai) đã bắt đầu xuất hiện chút cộng cảm cùng quá khứ: “Bồi hồi khắp non sông. Giờ giao thừa còn ấm giọng nói của Bác Hồ”. Một mùa xuân nho nhỏ (nhạc Trần Hoàn, lời thơ Thanh Hải) cũng là nét khái quát theo chiều dọc của lịch sử: “Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao. Đất nước như vì sao vững vàng lên phía trước. Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa. Một nét trầm xao xuyến, ta biến trong hòa ca…”. Gần mười năm sau, khi viết về Hạ Long trong Đi giữa mùa xuân (lời Thi Sảnh), Trần Hoàn vẫn có cách nhìn xưa – nay được trộn lẫn anh, em với mùa xuân: “Đã qua ngày khói lửa. Máu thấm vào vỉa than. Cùng bao nhiêu đồng đội. Nòng súng mình dương cao. Sáng nay mùa xuân chợt đến. Của trời, của biển, của anh, của em”.

Một dạng cảm xúc nữa, đó là sự bồi hồi, đắm say trong tình yêu của tôi, của anh hay của mọi người. Không trần tục, trần trụi, cho dù đâu đó đã có chút riêng tư của tác giả, nhưng nó vẫn vượt khỏi được không gian bé nhỏ của cái tôi để hòa nhịp vào cái chung cộng đồng. Suy cho cùng, những ca khúc xuân thuộc dạng này vẫn đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ của nó, chính vì thế mà người nghe dễ rung động và bị chinh phục bởi tuyến giai điệu và vẻ đẹp lời ca. Mùa xuân gọi, Tạm biệt chim én (Trần Tiến) là tiếng nói tươi trẻ nhưng không bồng bột, đã bắt đầu đi vào chiều sâu của tâm hồn. Mùa chim én bay (Diệp Minh Tuyền – Hoàng Hiệp), Chim én bay (Nguyên Nhung – Lê Thị Mây), Một nét ca trù ngày xuân (Nguyễn Cường), Hơi thở mùa xuân (Dương Thụ), Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu)… là cách hòa quyện giữa tình yêu với thiên nhiên. Không gượng ép, không khô cứng, sự đắm say trong hơi thở, trong vòng tay của tình yêu làm cho người thưởng thức càng khát khao, càng quý trọng thêm cuộc sống. Rồi Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng – Song Hảo): “Cao cao bên cửa sổ. Có hai người hôn nhau. Đường phố ơi hãy yên lặng. Để hai người hôn nhau” là bức tranh về tình yêu thật đời thường, nhưng chẳng thiếu đi sự thăng hoa, lãng mạn và đầy chất thơ.

Có thể nói, hơn 20 năm, tính từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, là quãng thời gian nở rộ nhất của ca khúc Việt Nam với những bài viết về mùa xuân. Trong số đó, nhiều bài có chất lượng nghệ thuật tốt và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công chúng cả nước. Bằng chứng là, cho tới nay, mỗi khi mùa xuân đến, nhiều ca khúc trong số này vẫn có vị trí xứng đáng ở những chương trình ca múa nhạc đón xuân. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi các bài ca viết về xuân trong những năm tháng ấy, kể cả ở thời kỳ hai cuộc kháng chiến, đều là tiếng lòng được chiết xuất từ nỗi khát vọng của từng nhạc sĩ. Có lẽ cái đầu tiên của vấn đề này lại thuộc về lịch sử. Lịch sử dân tộc trong những năm tháng đó đã sản sinh ra một lớp nhạc sĩ có ý thức và họ luôn mang ý thức cộng đồng, nhất là thời kỳ kháng chiến. Thời gian khoảng 20 năm sau chiến tranh, vẫn là sự nối tiếp cách sống, cách tư duy của thời kỳ trước, trong mỗi con người không cho phép tồn tại ý nghĩ cái tôi của riêng tôi, bởi thế, tố chất sáng tạo của người nhạc sĩ lại được thể hiện bằng cách khác, khôn khéo hơn, thông minh hơn trong sự lựa chọn và cách thể hiện đề tài, để sản phẩm của họ được lịch sử chấp nhận. Tất nhiên, có được điều đó, ngoài hoàn cảnh lịch sử chi phối, ngoài tài năng còn phải ghi nhận sự kiên trì trong lao động sáng tạo nghệ thuật của từng nhạc sĩ. Đi vào cuộc sống thực tế, phản ánh nỗi khát vọng cao đẹp của cuộc sống thực tế bằng tính khái quát và tính ước lệ thông qua nghệ thuật âm thanh, đó là nhân cách, là tinh thần, là nhựa sống hằng tồn tại trong con người của các nhạc sĩ lớp trước…

Ngày nay, sự va đập văn hóa trong thế giới phẳng, sức mạnh của nền kinh tế thị trường đã làm xuất hiện một xu hướng thẩm mỹ mới thuộc về lớp nhạc sĩ được sinh ra sau chiến tranh. Một dòng xuân mới của riêng tôi ra đời, mà nội dung, ngôn ngữ của nó là nỗi niềm tự sự mang tính cá thể của nhạc sĩ hơn là mang tính cộng đồng. Những ca khúc này có để lại dấu ấn hay không còn phải chờ vào sự thẩm định của thời gian. Cho dù chưa được thắm sắc xuân cũng như chưa tìm được sự cộng hưởng của đông đảo công chúng, thì dẫu sao, những ca khúc viết về mùa xuân gần đây cũng làm cho diện mạo của ca khúc Việt Nam thêm nhiều sắc màu.

_______________

1, 2. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Nxb Âm nhạc, tr.407, 406.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Dương Anh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *