VỀ CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Thế giới đã bàn thảo nhiều về công nghiệp văn hóa nhưng giới nghiên cứu ở nước ta đang ở giai đoạn đầu nhận thức về vấn đề này. “Có thể khái quát công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ các sản phẩm văn hóa dựa trên các thành tựu về khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội”(1).
Hoạt động của công nghiệp điện ảnh (CNĐA) không thể ra ngoài những tiêu chí của một ngành công nghiệp văn hóa. Cũng cần nói thêm, hoạt động điện ảnh là tổng hợp của nhiều nghề, như: đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm thanh, ánh sáng, hóa trang tạo hình, in tráng phim, chiếu phim, thuyết minh phim, lồng tiếng, kỹ xảo vi tính… Chất lượng của tác phẩm điện ảnh phản ánh trình độ phát triển của ngành CNĐA.
Những năm gần đây, điện ảnh nước ta đã có những khởi sắc. Nhà nước tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có mục tiêu phát triển điện ảnh. Thị trường điện ảnh đang hình thành ngày một rõ nét. Việc tham gia của các hãng phim, công ty phát hành phim tư nhân vào thị trường điện ảnh đã hối thúc sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn của các hãng phim nhà nước và cơ sở phổ biến phim. Tính đến cuối năm 2009, nước ta có 29 hãng phim nhà nước và 34 hãng phim tư nhân. Tuy nhiên, so với yêu cầu của đời sống điện ảnh nước ta với số dân gần 90 triệu người và so với tiến trình phát triển của điện ảnh thế giới thì CNĐA nước ta vẫn trong tình trạng lạc hậu về công nghệ, yếu kém về trình độ tổ chức. Để CNĐA Việt Nam tiến kịp một số nước tiên tiến trong khu vực, nhà nước cần tập trung chỉ đạo một số vấn đề sau.
            1. Đầu tư cho CNĐA theo hướng hiện đại hóa công nghệ, chuyên nghiệp hóa sản xuất, phát hành và phổ biến phim
Chúng ta phải nhận thức đầy đủ vai trò và ý nghĩa xã hội của CNĐA. Điều này đã được khẳng định tại Điều 1 của Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 của Chính phủ: “Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp gắn liền với phương thức sản xuất công nghiệp. Hoạt động điện ảnh nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm, nâng cao dân trí và trình độ thẩm mỹ, góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng sinh hoạt văn hóa và tinh thần của nhân dân”.
Nhà nước tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có mục tiêu phát triển điện ảnh, chặn đứng sự tụt hậu của ngành điện ảnh trước những thách thức của cơ chế thị trường và sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng; tăng kinh phí đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để nhanh chóng hiện đại hóa các cơ sở công nghiệp sản xuất phim. Ở khâu tiền kỳ, tập trung đầu tư để đưa vào vận hành Trường quay Cổ Loa khu vực phía Bắc, khảo sát sớm phê duyệt dự án trường quay phía Nam. Ở khâu hậu kỳ, sớm có chính sách gửi sinh viên giỏi đi đào tạo các ngành nghề mới liên quan đến làm chủ công nghệ trong việc thực hiện các dịch vụ sản xuất phim trong nước. Khi đã chuẩn bị được nguồn nhân lực này thì mạnh dạn đầu tư công nghệ mới cho sản xuất hậu kỳ phim, nâng cấp hai trung tâm kỹ thuật điện ảnh Hà Nội và TP.HCM. Đầu tư hiện đại hóa cơ sở lưu trữ phim. Hàng năm, nhà nước cấp kinh phí mua phim có giá trị của nước ngoài và quản lý tốt nguồn phim lưu chiểu trong nước để lưu trữ nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, đào tạo và sáng tác điện ảnh.
Khâu phát hành phim, một mặt xã hội hóa, mặt khác đầu tư để doanh nghiệp nhà nước là Công ty Xuất nhập khẩu phim Việt Nam (Fafim) hoạt động có hiệu quả, đủ sức điều tiết, chi phối thị trường phim lưu thông ngoài xã hội.
Ở lĩnh vực phổ biến phim, xác định rạp chiếu phim do nhà nước quản lý là một thiết chế văn hóa hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp công ích nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Từ đó, hằng năm đầu tư kinh phí củng cố, hoàn thiện các rạp đã có, xây mới hiện đại các rạp theo quy hoạch trên địa bàn dân cư. Nhà nước có cơ chế cho phép các rạp chiếu phim mở thêm các dịch vụ phù hợp để thu hút công chúng đến với điện ảnh, để rạp chiếu phim thực sự là tụ điểm sinh hoạt văn hóa của người dân.
Đầu tư nâng cao chất lượng phát sóng phim truyện ở các đài truyền hình trung ương và địa phương.
Khắc phục tính nghiệp dư của điện ảnh nước ta, bắt kịp tác phong, lối sống công nghiệp trong mọi khâu của hoạt động điện ảnh để hình thành và phát triển tính chuyên nghiệp trong hoạt động điện ảnh, thoát khỏi cách làm phim tiểu nông và bãi lầy của điện ảnh thương mại.
2. Đầu tư cho lĩnh vực sáng tác để có nhiều kịch bản phim hay
Kết quả cuối cùng của CNĐA là tác phẩm phim. Công chúng điện ảnh sẽ quay lưng với phim Việt Nam nếu những phim đó không hấp dẫn. Mỗi năm các hãng phim và các đài truyền hình đang đòi hỏi hàng trăm kịch bản phim hay để đầu tư sản xuất. Những năm gần đây, số lượng phim truyện truyền hình tăng rất nhanh, từ khoảng 200 tập năm 2006 lên trên 2.000 tập năm 2010. Số lượng phim tài liệu truyền hình cũng tăng nhanh, đặc biệt xuất hiện loại phim ký sự truyền hình dài tới trăm tập, trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của công chúng được phát sóng vào giờ vàng, góp phần nâng cao uy tín của phim Việt Nam trên màn ảnh nhỏ. Thế nhưng vấn đề bức xúc đang đặt ra hiện nay đối với điện ảnh nước ta là thiếu trầm trọng kịch bản phim chất lượng. Hàng năm nhà nước và các cơ sở sản xuất phim đều tổ chức các cuộc thi viết kịch bản phim nhưng tìm được những kịch bản phim hay, đạt chất lượng nội dung và nghệ thuật, đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh tầm vóc của thời đại và số phận của con người trước thời cuộc thật là hiếm. Chưa bao giờ, chúng ta thấy hiếm hoi tài năng sáng tác kịch bản phim như hiện nay. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc ra đời các tác phẩm điện ảnh phục vụ công chúng. Nếu có nhiều kịch bản hay và có sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật điện ảnh, chắc chắn chúng ta sẽ thu hút được công chúng đến với các rạp chiếu phim Việt và xem phim Việt trên các kênh truyền hình.
Có được các tác phẩm phim đạt chất lượng còn có ý nghĩa trong hoạt động thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Có được phim hay sẽ thúc đẩy thị trường điện ảnh phát triển đúng nghĩa, thu hút các đối tượng xã hội mạnh dạn bỏ vốn phát triển nền điện ảnh và đề cao tinh thần dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Vì vậy, nhà nước phải xây dựng chiến lược phát hiện tài năng, đầu tư thỏa đáng cho việc sáng tác các kịch bản phim ngang tầm thời đại, phản ánh sinh động lịch sử hào hùng của dân tộc và công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
 

3. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CNĐA

Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các thành phần kinh tế, cho người Việt trong nước và người nước đầu tư kinh phí và trí tuệ vào sản xuất phim. Hàng năm, nhà nước có chính sách đặt hàng cho hãng làm phim với mức kinh phí trên dưới 10 tỷ đồng/phim, đó là sự quan tâm khích lệ của nhà nước. Ngoài một số ít phim được dư luận đánh giá cao, còn lại phần nhiều phim có vấn đề phải bàn. Tại sao nước ta vẫn chưa có nhiều phim hay đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật là câu hỏi đặt ra cho ngành CNĐA. Phải chăng công nghệ làm phim ở nước ta còn quá lạc hậu, cả về tư duy và trình độ tổ chức. Chúng ta thiếu chiến lược đầu tư chiều sâu để có những kịch bản phim hay, truyền tải những thông điệp của thời đại; thiếu những đạo diễn tài ba có thể tạo nên những dấu ấn nghệ thuật điện ảnh trong lòng công chúng, thiếu những diễn viên điện ảnh vào loại đẳng cấp, cống hiến hết mình trong niềm đam mê nghệ thuật, thiếu những thợ kỹ thuật vừa là kỹ sư tâm hồn, vừa là trợ thủ đắc lực của đạo diễn, làm cho hình ảnh trong phim không bị đơn điệu, khô cứng mà luôn sinh động, có hồn trước mắt công chúng.
Biết được những yếu kém của mình để tìm ra cách vượt, nhưng không nóng vội, duy ý chí. Chúng ta cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo trong nước, gửi người ra nước ngoài đào tạo những lĩnh vực mới trong ngành CNĐA, có chính sách thu hút Việt kiều ở nước ngoài am hiểu điện ảnh về tham gia giảng dạy và sản xuất phim Việt Nam. Các cơ sở đào tạo mạnh dạn đổi mới giáo trình giảng dạy, coi trọng đào tạo các kỹ năng để sinh viên ra trường đảm đương ngay công việc được giao; khuyến khích các hình thức tập huấn ngắn ngày để bắt kịp các tiến bộ trong quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ của nền điện ảnh thế giới; coi trọng đào tạo từ thực tiễn qua việc liên kết với các thành phần kinh tế để sản xuất phim.
Rất cần tiếp tục tổ chức các liên hoan phim và trao giải thưởng cho các tác phẩm phim trong nước tạo môi trường gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của những người hoạt động trong ngành điện ảnh. Nâng cao chất lượng giải thưởng Bông sen và Cánh diều tạo động lực nâng cao tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực; tích cực tuyển chọn phim xuất sắc tham gia các cuộc liên hoan phim quốc tế để qua đó biết người, biết mình, không ngừng hoàn thiện nâng cao chất lượng hoạt động của công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
           4. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về điện ảnh
Đảng và nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Những năm sắp tới, cùng với đà tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân khá dần lên, nhu cầu hưởng thụ phim ảnh cũng sẽ tăng cao. Một thị trường điện ảnh hoàn chỉnh được hình thành và phát triển. Nguồn lực xã hội đầu tư phát triển CNĐA sẽ tăng lên. Tư nhân tham gia nhiều hơn vào khâu sản xuất phim và xây dựng các rạp chiếu phim. Điện ảnh thế giới tiếp thu những thành tựu cao của khoa học công nghệ sẽ sản xuất những tác phẩm phim với những đề tài mới. Cách thể hiện mới lạ với cách làm phim truyền thống của Việt Nam sẽ thâm nhập vào thị trường điện ảnh nước ta và tác động vào giới làm nghệ thuật điện ảnh và đời sống điện ảnh nước nhà.
Bối cảnh trên đòi hỏi vai trò, bản lĩnh của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về điện ảnh, nhất là việc hoạch định các chính sách phát triển ngành điện ảnh.
Công tác quản lý nhà nước phải khai thông nhận thức của xã hội về vị trí của ngành điện ảnh Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong việc quảng bá nâng tầm và vị thế của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Công tác quản lý nhà nước phải tham mưu với các cấp có thẩm quyền hiểu đầy đủ vai trò, vị trí của điện ảnh, từ đó có chính sách đầu tư tương xứng, động viên giới điện ảnh cống hiến hết mình cho các tác phẩm phim đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật; khắc phục cho được nhận thức lệch lạc trong giới sản xuất phim cho rằng có dòng phim thời sự chính trị, có dòng phim thị trường, giải trí, từ đó hạ thấp chất lượng nội dung và nghệ thuật của phim. Cũng cần khắc phục quan niệm cho rằng, phim nhựa là dòng phim nghệ thuật và phim video là dòng phim thương mại, thời sự, không coi trọng chất lượng nghệ thuật; xác định rõ các tác phẩm phim ở thể loại phim nhựa hay phim video đều phải là tác phẩm phim có giá trị về nội dung và chất lượng cao nhất về nghệ thuật. Công chúng điện ảnh có quyền đòi hỏi các nhà làm phim như vậy.
Hiện nay, lĩnh vực phát hành đang nổi lên nạn băng hình, đĩa hình lậu (không có tem kiểm soát), cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu, thậm chí có nơi bất lực trước tệ nạn trên. Phải khẳng định rằng băng đĩa hình phim lậu là vấn đề nhức nhối trong xã hội, là sự vi phạm trắng trợn quyền tác giả và quyền liên quan đã được nhà nước thừa nhận, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không có biện pháp quản lý hữu hiệu, đẩy lùi băng, đĩa hình phim lậu thì việc này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh và cả giới hoạt động điện ảnh, từ các cơ sở sản xuất, phát hành đến phổ biến phim. Chừng nào chúng ta chưa giải quyết tốt vấn nạn trên thì ngành CNĐA và thị trường điện ảnh ở nước ta khó có thể tăng tốc phát triển trong cơ chế thị trường.
Để ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, công tác quản lý nhà nước phải xử lý vấn đề chiếu phim trên các đài truyền hình trung ương và địa phương. Hệ thống đài truyền hình là một trong những phương tiện chủ yếu tiêu thụ và phổ biến rộng rãi các phim của ngành điện ảnh. Năm 1995, Nghị định 48/CP của Chính phủ đã quy định: Các đài truyền hình trong cả nước phải ưu tiên phổ biến trên sóng truyền hình các phim do nhà nước đặt hàng và tài trợ và phải nâng dần tỉ lệ phát sóng phim truyện Việt Nam; đến năm 1998 phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 50% tổng thời lượng phát sóng phim truyện. Mới đây, Chính phủ ra Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh tiếp tục khẳng định 30% là tỉ lệ tối thiểu thời lượng phát sóng phim Việt trên tổng số thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình.
Hệ thống đài truyền hình cả nước đã có những cố gắng trong việc chiếu phim Việt Nam, dành giờ vàng cho phim Việt. Nhưng tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam ở nhiều đài vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, trong các năm 2007, 2008, các đài truyền hình trên toàn quốc phát sóng thời lượng phim Việt Nam đạt xấp xỉ 30% tổng thời lượng phát sóng phim truyện. Mặt bằng bình quân là vậy nhưng vẫn còn nhiều đài truyền hình địa phương, thời lượng phát sóng phim ngoại vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để đạt được mục tiêu chiếu phim Việt trên các đài truyền hình, góp phần tiêu thụ sản phẩm điện ảnh và thực hiện chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ của điện ảnh Việt Nam.
Công tác quản lý nhà nước cần xử lý vấn đề chiếu phim ở các rạp. Đành rằng, các rạp chiếu phim hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta cần có các biện pháp kỹ thuật vận động các rạp chiếu phim tư nhân cùng với các rạp chiếu phim của nhà nước tổ chức trong năm các tuần phim Việt, thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 54/2010/NĐ-CP về việc đảm bảo 20% số buổi chiếu phim Việt trên tổng số buổi chiếu phim ở mỗi rạp. Nếu không xử lý vấn đề này thì các rạp chiếu phim chỉ ganh đua nhau chiếu phim ngoại, dẫn đến phim Việt Nam bị thu hẹp thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của ngành CNĐA bị thu hẹp đầu ra thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất phim và hiện đại hóa điện ảnh.
Chúng ta cần có chính sách mở rộng hợp tác làm phim với các nước để tranh thủ nguồn vốn, học hỏi kinh nghiệm và trình độ làm phim của thế giới; đồng thời phê phán cách làm phim ăn đong, mua kịch bản của nước ngoài, tự do sao chép, dàn dựng một cách tùy tiện, kệnh cỡm, xa lạ với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.
            Nhà nước có chính sách bảo hộ những tác phẩm điện ảnh đề cao tinh thần dân tộc, truyền bá lối sống, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong quốc gia Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011

Tác giả : Nguyễn Hữu Thức

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *