Trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng, Việt Nam có 3 thể loại đặc trưng: ca trù Bắc Bộ, ca Huế Trung Bộ và ca nhạc tài tử Nam Bộ. Nghiên cứu một số đặc điểm trong ba thể loại âm nhạc thính phòng này, sẽ thấy rõ mối liên hệ giữa chúng. Điều đó chứng tỏ rằng sự hình thành và phát triển của ba thể loại này nằm trong hệ thống chung của âm nhạc thính phòng truyền thống Việt Nam. Đồng thời, mỗi thể loại có những nét đặc trưng phản ánh bản sắc riêng của từng vùng miền.
1. Sự tương đồng
Về nguồn gốc của ca trù, đa số học giả thống nhất rằng lối hát ả đào là tiền thân của ca trù thính phòng Bắc Bộ. Theo sử liệu, lối hát này có từ thời Lý (1). Có nhiều giả thuyết về danh từ ả đào, một trong số đó là câu chuyện cô đào giết giặc. Cuối đời nhà Hồ (1400-1407), có cô gái họ Đào, quê làng Đào Xá, tỉnh Hưng Yên lập mưu giết được giặc Minh. Khi cô chết, dân lập đền thờ, gọi thôn cô ở là Ả Đào. Từ đó người đi hát gọi là ả đào, hay đào nương.
Như vậy có thể thấy, người ta không phân ra các thể loại hát khác nhau, mà cứ ai làm nghề hát thì gọi là ả đào. Vậy ả đào chỉ có nghĩa là thể loại hát chuyên nghiệp trong truyền thống hát Việt Nam, không có nghĩa khu biệt nào khác. Với cách hiểu như vậy thì ca trù, ca Huế, ca nhạc tài tử Nam Bộ có thể đều có nguồn gốc từ hát ả đào.
Với ca Huế, theo ghi chép của Ưng Bình và các tài liệu khác, thì nó là thể loại âm nhạc thính phòng xuất hiện khoảng từ TK XVII – XVIII, trong cung đình của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vốn là âm nhạc của các trí thức, quý tộc triều Nguyễn lại được kế thừa từ truyền thống từ âm nhạc cung đình Bắc Bộ các thời kỳ trước và dòng chủ lưu âm nhạc dân gian, do vậy có thể nói rằng ca Huế là sự nối tiếp từ truyền thống ca nhạc thính phòng Bắc Bộ.
Tiếp tục con đường Nam tiến, ca Huế đi dần vào phương Nam, biến thể thành một loại hình âm nhạc thính phòng mới. Vấn đề này, Trần Văn Khê nhận định: “Thể loại âm nhạc được gọi là “đờn tài tử” được sinh ra từ sự gặp gỡ của âm nhạc Huế và âm nhạc Quảng Nam” (2). Nguyễn Thị Mỹ Liêm thì cho rằng: “Buổi ban đầu của nghệ thuật đờn ca tài tử là âm nhạc thính phòng Huế và các bài nhạc lễ Nam Bộ. Được truyền bá vào miền Nam nhưng các bài bản đó luôn được cải soạn cho phù hợp với giọng nói, tình cảm, phong cách của người Nam Bộ”. Và tác giả cho biết thêm về thời điểm xuất hiện của đờn – ca tài tử: “Đó là khoảng ba thập niên cuối của TK XIX, cùng với những bài đờn Huế, những nhóm “nhạc đờn cây” càng lúc càng được ưa chuộng… Không biết tự bao giờ, lối chơi đàn, hòa ca theo kiểu “tài tử, không chuyên” này đã lan tràn, trở thành phổ biến khắp Nam Bộ và được những người trong giới gọi là “đờn – ca tài tử” (3).
Sắp xếp theo thứ tự thời gian sẽ thấy hát ả đào xuất hiện trước (thời nhà Lý), tiếp là ca Huế, cuối cùng là ca nhạc tài tử. Một đặc điểm dễ nhận thấy, thể loại sau được sáng tạo trên nền tảng của thể loại ra đời trước.
Ngoài điểm chung về nguồn gốc, thì ba thể loại âm nhạc còn có sự tương đồng về thờ tổ. Ca trù có sự tích về vị tổ nghề như sau: Thời nhà Lê có ông Đinh Lễ, quê làng Cổ Đạm tỉnh Hà Tĩnh, lấy gỗ ngô đồng chế ra đàn đáy. Ông cùng vợ là Bạch Hoa đặt ra nhiều khúc hát mới dạy cho đệ tử hát. Vợ chồng ông về sau được tôn là tổ cô đầu. Hàng năm đến ngày 11 tháng chạp, giáo phường làm lễ tế tổ là Bạch Hoa công chúa (vợ ông Đinh Lễ). Các nghệ sĩ ca Huế cũng thờ tổ là Bạch Hoa công chúa như ca trù ở Bắc Bộ (4).
Nhạc lễ, ca nhạc tài tử cải lương ở Nam Bộ thì không thờ riêng một vị tổ nào mà thờ 4 chữ Lịch đại tổ sư, tức là thờ chung các vị tổ sư âm nhạc dân tộc qua nhiều thời đại. Bên cạnh đó, nghệ sĩ ca nhạc tài tử cũng thờ một vị hậu tổ là thày Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) – một nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn. Sau biến cố vua Hàm Nghi, ông bỏ kinh thành Huế vào Nam hành nghề dạy nhạc. Ông có công lớn trong việc phổ biến cổ nhạc đến mọi tầng lớp nhân dân khắp vùng đất Nam Bộ. Ông sửa đổi một số bài bản ca nhạc Huế, cải cách lại nhịp điệu cho hợp với tính tình, ngôn ngữ của cư dân Nam Bộ, sáng tác thêm các bài bản mới, sáng tạo thêm các điệu: bắc, hạ, nam, oán, xuân, ai, đảo, ngự… nâng ca nhạc tài tử Nam Bộ lên hàng nhạc bác học.
Việc thờ tổ chứng minh rõ ràng mối liên hệ kế thừa nhau trực tiếp ở ba thể loại. Ca trù và ca Huế cùng thờ một tổ nghề là Bạch Hoa công chúa. Ca nhạc tài tử thì thờ chung các tổ sư âm nhạc truyền thống và thờ riêng ông Nguyễn Quang Đại.
Về bài bản, giữa ca trù và ca Huế có điểm tương đồng như sau:
Hai thể loại âm nhạc này đều có 3 loại bài bản lời bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.
Lời ca Huế và lời của thể hát nói trong ca trù đều mang tính tự do, không hạn định số lượng chữ trong câu.
Sự phối hợp giữa lời ca và giai điệu trong các bài bản ca Huế cổ giống với ca trù thời kỳ sơ khởi. Lời ca đi theo giai điệu nhạc là chính. Vì vậy đôi khi ý nghĩa lời ca có vẻ ngô nghê, không sâu sắc, nhưng khi phối hợp với giai điệu nhạc thì nghe lại hay. Càng về sau, lời ca càng được trau chuốt, sâu sắc hơn, bởi thường do các danh sĩ đương thời sáng tác.
Sự tương đồng về bài bản giữa ca Huế và ca nhạc tài tử Nam Bộ thể hiện qua tên gọi các bài bản, chứng tỏ hai thể loại nhạc này nằm trong cùng hệ thống.
Ca Huế |
Ca nhạc tài tử Nam Bộ |
Lưu thủy Kim tiền Xuân phong Long hổ Hành vân Phú lục Bình bán Cổ bản Nam xuân Nam ai Tứ đại cảnh Ngũ đối thượng Ngũ đối hạ Long ngâm Mười bài ngự |
Lưu thủy trường, Lưu thủy đoản Kim tiền Xuân phong Long hổ hội Hành vân Phú lục chấn Bình bán chấn, Bình bán vắn Cổ bản Nam xuân Nam ai, Nam đảo Tứ đại oán Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ Long ngâm Thập thủ liên hoàn |
Ca Huế |
Ca nhạc tài tử Nam Bộ |
Lưu thủy Kim tiền Xuân phong Long hổ Hành vân Phú lục Bình bán Cổ bản Nam xuân Nam ai Tứ đại cảnh Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ Long ngâm Mười bài ngự |
Lưu thủy trường, Lưu thủy đoản Kim tiền Xuân phong Long hổ hội Hành vân Phú lục chấn Bình bán chấn, Bình bán vắn Cổ bản Nam xuân Nam ai, Nam đảo Tứ đại oán Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ Long ngâm Thập thủ liên hoàn |
Đều nằm trong hệ thống văn hóa Việt, đều là nhạc thính phòng truyền thống Việt Nam nên ca trù, ca Huế và ca nhạc tài tử có một số nét tương đồng trong tính chất âm nhạc. Ba thể loại đều sử dụng tiết tấu khoan thai, chậm rãi và đặc tính dễ nhận thấy nhất là tính trữ tình, thơ mộng.
Yếu tố góp phần không nhỏ trong việc biểu hiện tính chất âm nhạc là thang âm điệu thức. Thang âm điệu thức trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung và trong ca trù, ca Huế, ca nhạc tài tử nói riêng, đều chia làm hai hệ thống chính là: bắc mang nét vui tươi hay trang nghiêm và nam mang nét buồn.
Thang âm theo hệ thống bắc:
Từ thang âm hệ thống này, tùy theo nội dung, cảm xúc của từng làn điệu, từng bài mà người đàn và hát sử dụng các quãng đặc trưng trong giai điệu, các kiểu nhấn rung đặc trưng cho từng âm để tạo nên một số biến thể của thang âm bắc (còn gọi là các hơi). Ví dụ hơi bắc sử dụng trong những bài vui tươi thường có âm xư và công rung. Hơi nhạc hay hơi lễ ở miền Trung và miền Nam sử dụng trong những bài nhạc tế lễ, âm xư và công cũng rung nhưng độ nhấn rung sâu hơn, đậm nét hơn.
Trong ca nhạc tài tử Nam Bộ có hơi đảo là một biến thể của thang âm bắc:
Hơi này tương đương hơi bắc nhưng chủ âm ở bậc IV (sol, xê).
Hơi xuân trong ca nhạc tài tử Nam Bộ có thang âm hoàn toàn giống thang âm hơi bắc, nhưng có những quãng và giai điệu đặc trưng để tạo màu sắc xuân cho bản nhạc. Đặc biệt, cũng trên thang âm bắc, nhưng người miền Trung đã sử dụng các cách nhấn rung, những chỗ non, già, cách uốn giai điệu đặc trưng để tạo thành hơi ai rất độc đáo trong âm nhạc cổ truyền miền Trung nói chung và ca Huế nói riêng.
Điệu nam hơi ai miền Trung
Về phong cách diễn tấu, diễn xướng, cả 3 thể loại đều là hình thức sinh hoạt giữa những người tri âm, có sự tương tác qua lại chặt chẽ giữa những người hát và đàn với nhau.
Trong hình thức trình diễn người hát với nhóm nhạc đệm, ca Huế và ca trù đều có một người nữ vừa hát vừa gõ phách giữ nhịp. Còn trong ca nhạc tài tử, người hát là nữ hoặc nam, không đóng vai trò người giữ nhịp.
Cả 3 thể loại thính phòng, khi hòa tấu đều có phần dạo đầu, danh từ trong ca nhạc tài tử gọi là câu rao.
Hòa tấu ca Huế và ca nhạc tài tử đều theo thể thức dựa trên lòng bản mà biến tấu tùy theo ngẫu hứng của từng người và tính năng của từng loại nhạc cụ.
2. Những dị biệt
Bên cạnh những sự tương đồng, giữa 3 thể loại còn có những dị biệt tạo nên nét đặc trưng cho từng thể loại. So sánh về bài bản giữa ca trù và ca Huế thì thấy tên gọi và nội dung các bài bản đều khác nhau. Các thể hát trong ca trù có: Bắc phản, Mưỡu, Hát nói, Gửi thư, Đọc thơ, Thổng, Dồn, Đọc phú, Chừ khi, Hát ru, Nhịp ba cung bắc, Tỳ bà, Kể chuyện, Hãm, Ngâm giọng, Sẩm cô đầu, Ả phiền, Giáo trống, Giáo hương, Dâng hương, Thét nhạc, Hát giai, Đại thạch… Trong khi đó, bài bản ca Huế lại chia thành 3 nhóm. Bài bản điệu bắc có: Lưu thủy, Cổ bản, Phú lục, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Lộng điệp, 10 bài ngự (còn gọi là 10 bài liên hoàn, gồm: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã). Bài bản điệu nam hơi ai có: Nam ai, Nam bình, Vọng phu, Tương tư khúc, Quả phụ. Hơi dựng có: Nam bình dựng, Cổ bản dựng.
Những bài bản mang tính chất hỗn hợp bắc và nam có: Nam xuân, Phú lục, Long ngâm, Hành vân, Tứ đại cảnh. Về sau còn có một số bài dân ca được du nhập vào thể loại ca Huế như: Hò mái nhì, Chầu văn, Lý giao duyên, Lý tử vi…
Trong khi hệ thống bài bài bản ca trù và ca Huế khác hẳn nhau, thì giữa ca Huế và ca nhạc tài tử lại có nhiều nét tương đồng về tên bài bản. Tuy nhiên, các bài bản tài tử Nam Bộ là biến thể từ nhạc lễ và ca Huế thường thêm các từ vắn, trường, đoản, chấn, nhưng những tên Lưu thủy, Kim tiền, Phú lục… vẫn được giữ lại. Chỉ có sự tương tự về tên gọi như vậy, nhưng trên thực tế, khi nghe diễn tấu, chúng ta sẽ nhận thấy các bài bản tài tử cùng tên hoặc có tên tương tự, thực ra âm điệu rất khác bài bản ca Huế.
Về số lượng bài bản, ca nhạc tài tử có 20 bài tổ, vừa là hòa tấu nhạc cụ, vừa có người hát nhiều hơn hẳn ca trù và ca Huế, và nó được du nhập từ nhiều nguồn khác nhau.
Về tính chất âm nhạc, tuy có sự tương đồng về tiết tấu nhưng lại có sự khác biệt qua từng thể loại. Về vấn đề này, Nguyễn Hữu Ba cho biết: “Môn ca trù phát sinh từ miền Bắc Việt Nam với một số thể điệu hoàn hảo, nó chuyên ca diễn các bài thi phú có tinh thần hưởng lạc của các tao nhân mặc khách nước nhà. Môn ca Huế thì phát sinh từ miền sông Hương núi Ngự – giọng ca Huế lả lướt, những âm phụ xa vời, gợi cho lòng ta những niềm vui êm sáng, những nỗi buồn mênh mang và một mối tình yêu nước thương nòi vô cùng tha thiết. Sau hết là môn ca nhạc tài tử… tấu lên cái tâm điệu mơ buồn của những con người miền Nam đứng trước những khu rừng âm u, ngút ngàn… Trong nó có một cái gì não nuột, nghe như tiếng oán than của dòng suối lưu lạc nhớ gốc, nhớ nguồn” (5).
So sánh về mức độ tươi sáng, có lẽ ca trù chiếm ưu thế. Phần lớn các bài ca Huế và ca nhạc tài tử đều mang nét buồn. Tuy nhiên, ca Huế là nét buồn dịu nhẹ, thoáng qua, mơ màng, êm ả, còn trong tài tử là u uất, sầu thảm làm người nghe nặng lòng.
Hệ nhạc cụ trong ca trù gồm: phách, đàn đáy và trống chầu, có thể có thêm đàn nhị, chỉ giữ chức năng đệm cho hát.
Nhạc cụ sử dụng trong ca Huế có hai chức năng: đệm cho hát và hòa tấu, gồm: đàn tam, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tranh, phách. Về sau người ta không dùng đàn tam nữa, mà nửa sau TK XX đàn bầu, sáo trúc được đưa vào sử dụng trong nhóm ca Huế.
Với ca nhạc tài tử thường phải có 2 nhạc cụ hòa với nhau (đàn tranh với đàn cò, đàn kìm với đàn tranh). Nhóm tam tấu thường có đàn tranh, đàn kìm, đàn cò. Nhóm ngũ tuyệt có đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn độc huyền, tỳ bà, thỉnh thoảng có thể thêm sáo trúc trong những bài bản buồn.
Điểm khác nữa trong ca trù, người hát là chính, người đàn đáy đóng vai trò đệm, còn người đánh trống chầu đóng vai trò khen chê. Trong ca Huế và tài tử, mọi người trong nhóm có vai trò bình đẳng như nhau, không có người trưởng nhóm, không phân biệt chính phụ rõ rệt. Ca trù luôn luôn có người hát, ca Huế và tài tử thì có khi có người hát nhưng đôi khi chỉ có nhóm hòa tấu nhạc cụ với nhau. Ca trù chỉ dừng ở hình thức ca thính phòng, còn ca Huế và tài tử về sau phát triển thành hai thể loại âm nhạc sân khấu là ca kịch Huế và sân khấu cải lương.
_______________
1, 4. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Sài Gòn, 1962, tr.31, 35-36.
2. Trần Văn Khê, La Musique Traditionnelle Vietnamienne, Presses Universitaires de France, Paris, 1962, tr.98.
3. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Góp phần nghiên cứu đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb  m nhạc, Hà Nội, 2011, tr.34-35.
5. Nguyễn Hữu Ba, Giới thiệu sơ lược về âm nhạc Việt Nam trong Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội, 2003, tr.327.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 343, tháng 1-2013
Tác giả : Trần Kiều Lại Thủy
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo