Màu sắc trong thiết kế nội thất


Khi nói về màu sắc trong thiết kế nội thất người ta hay nghĩ đến tính trang trí, tô điểm và làm đẹp không gian sống, tức là nói đến giá trị thẩm mỹ của chúng. Nhưng để nhìn toàn diện hơn về màu sắc trong thiết kế, chúng ta cần tham chiếu ở nhiều góc độ như: lý thuyết về màu sắc, tâm lý học, sức khỏe, phong thủy và nghệ thuật. Thoạt nhìn, chúng có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng việc dùng màu trong thiết kế nội thất lại gắn bó với nhau rất chặt chẽ.

Tầm quan trọng của màu sắc trong thiết kế nội thất

Màu sắc là một yếu tố cần thiết trong bất kỳ thiết kế nào, là ngôn ngữ của hình thức và cũng là ngôn ngữ của cảm xúc. Màu sắc có thể được sử dụng để thay đổi kích thước hoặc tỷ lệ của không gian nhờ vào yếu tố ảo giác, có thể là công cụ giúp nhà thiết kế khắc phục các hạn chế trong không gian nội thất. Màu sắc có thể tạo ra những đặc trưng văn hóa và thói quen nhìn màu, liên tưởng có tính mặc định về trải nghiệm cá nhân. Nó liên quan đến sức khỏe và cải thiện tâm trạng của con người. Màu sắc như một công cụ hữu ích để đạt mục đích về tiếp thị, tạo dấu ấn cá nhân hay thương hiệu của tổ chức, được sử dụng để điều chỉnh những vấn đề mang tính tâm linh, giúp con người sống an tâm hơn.

Lý thuyết màu sắc

Vòng tròn thuần sắc đầu tiên được thiết kế bởi Isaac Newton vào năm 1666. Các nghệ sĩ và nhà thiết kế sử dụng nó để phát triển sự hài hòa màu sắc, pha trộn và tạo lập bảng màu thể hiện mối liên quan giữa các màu sắc với nhau.

Vòng tròn màu theo hệ RYB được sử dụng phổ biến trong công việc thiết kế nội thất, bao gồm mười hai màu và được chia thành ba màu gốc (đỏ, vàng, xanh lam), ba màu bậc hai (xanh lá cây, cam, tím), sáu màu bậc ba (tím đỏ, lam tím, lam xanh, vàng xanh, vàng cam, cam đỏ).

Vòng tròn màu cũng chỉ rõ ba thuộc tính cơ bản của màu sắc: màu, sắc độ, độ bão hòa. Vòng tròn màu cũng là công cụ để xác định cách kết hợp các màu dựa vào những nguyên tắc chọn màu đã được rút ra theo thời gian: phối màu đơn sắc, phối màu tương đồng, phối màu bổ sung, phối màu chia bổ sung, phối hai cặp màu bổ sung, phối màu bộ ba, phối hai cặp màu bổ sung, phối ba cặp màu bổ sung.

Sự tương tác của màu khiến cho màu sắc trở nên biến hóa ở các tình huống sắp xếp khác nhau. Màu trung tính trong màu sắc có vai trò quan trọng trong việc tạo mối liên kết màu, chúng tham gia vào hầu hết các tông màu. Đây là nhóm màu có một phổ màu đa dạng và rộng.

Lý thuyết màu sắc là phương tiện có tính truyền thống nhất là trong các trường đại học dạy thiết kế nội thất bởi tính khoa học và sự dễ dàng trong việc đề xuất những bảng màu dựa trên nguyên lý thị giác.

Tâm lý màu sắc

Tâm lý học đã chỉ ra rằng, màu sắc có thể ảnh hưởng đến cách con người cảm nhận, suy nghĩ và hành động, ở mức độ tiềm thức. Là một nhà thiết kế, việc tìm hiểu về những tác động tâm lý của nó là cần thiết. Dưới đây là những phân tích về tác động tâm lý của các màu phổ biến tác động đến cảm xúc của con người: Màu xanh lam: là một màu tổng hợp, biểu thị độ tin cậy và khuyến khích tư duy trí tuệ. Màu trắng: thường được coi là tươi mới, sạch sẽ và hiện đại, hấp dẫn trong không gian rộng mở và được sử dụng với các màu sắc khác để tạo sự cân bằng. Màu đen: là một màu mạnh mẽ thể hiện sự kiểm soát, có thể được liên kết với sự sang trọng và thanh lịch. Màu đỏ: là sự táo bạo và tự tin, khơi gợi niềm đam mê, năng lượng và kích thích tư duy, thị giác. Màu xanh lá cây: là một màu hòa bình, thường liên kết với sự cân bằng giữa cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Màu vàng: có thể gợi lên cảm giác về ánh sáng, niềm hạnh phúc, tích cực và lạc quan, tăng cường khả năng sáng tạo và kích thích tinh thần đồng đội. Màu cam: được cho là thân thiện, vui vẻ và thành công. Màu tím: thường gắn liền với sự vương giả, sang trọng, trí tưởng tượng. Màu trung tính: là những màu tạo ra cảm giác tinh tế, sự an toàn, kịch tính và bí ẩn.

Màu sắc không chỉ tác động đến tâm lý mà còn tác động đến sinh lý người. Dưới đây là những phân tích về tác động sinh lý của các màu phổ biến tác động đến cảm xúc của chúng ta khi ngắm nhìn và sống trong không gian màu sắc đó. Những màu sáng, chói quá sẽ làm cho mắt của chúng ta dễ bị mỏi bởi võng mạc và mống mắt luôn phải căng ra để tiếp nhận, trong khi đó những màu trung tính, màu có độ bão hòa thấp lại có tác dụng tốt cho mắt. Màu xanh lam và xanh lá cây dẫn đến những thay đổi sinh lý, chúng làm dịu cơ thể, giảm hô hấp và giảm huyết áp, đồng thời, khiến cho con người ít muốn hoạt động hơn tay chân hơn.

Các màu được phối bổ túc tạo ra những không gian rực rỡ, sẽ kích hoạt sự hoạt động giải phóng năng lượng của cơ thể khiến cho cường độ làm việc năng suất hơn, những không gian này thường được khuyến khích sử dụng trong các lớp học mẫu giáo, các công xưởng lao động tư bản, không gian mua sắm, phòng tập thể thao. Tuy nhiên, chúng lại được khuyến cáo không nên dùng cho các không gian khám chữa bệnh, trường học cho các em học sinh trưởng thành, bệnh viện tâm thần, nhà tù… vì rất dễ kích thích những hành vi quá mức.

Các tông màu nhẹ nhàng phớt hồng lại tạo ra những kích thích về tình cảm, yêu thương, sự che chở. Các tông màu xám được sử dụng nhiều bới tính trung lập của nó, sinh lý cũng như tâm lý sẽ rất ổn định khi sống và làm việc trong không gian sử dụng các tông màu này.

Phối màu trong thiết kế nội thất

Là công việc của nhà thiết kế nhằm tìm ra những quan hệ màu sắc, tạo nên một hình thức thẩm mỹ cho không gian, có tác động tốt đến thị giác và cảm xúc của con người. Để có thể phối màu thành công, nhà thiết kế cần phải tính đến các vấn đề: vận dụng các nguyên tắc phối, tìm hiểu đặc trưng phối màu ở các phong cách thiết kế, những ảo giác làm thay đổi nhận thức về không gian, sự phù hợp với các chức năng, yếu tố phong thủy.

Sử dụng các nguyên tắc phối màu

Phối màu đơn sắc là nguyên tắc sử dụng một màu để tạo ra các biến thể của nó qua việc thêm tỷ lệ trắng hoặc đen vào màu, cách phối màu này tạo ra được sự thống nhất, dễ chịu và thư giãn; trái lại, nhược điểm của chúng có thể gây ra buồn chán.

Nguyên tắc phối màu tương đồng: là sử dụng các nhóm màu nhỏ đứng cạnh nhau trên vòng tròn màu để phối với nhau trong một tổng thể, với cách phối này các màu đi với nhau tương đối hài hòa và ăn nhập. Nguyên tắc phối màu bổ sung: là sử dụng cặp màu trong đó hai màu đối lập nhau trên vòng tròn màu, tạo nên một bảng màu rực rỡ. Nguyên tắc phối màu chia bổ sung: là cách phối với ba màu trong đó một màu được chọn và đi cùng hai màu kế bên màu đối lập trên vòng tròn màu. Nguyên tắc phối màu bộ ba (phối màu hình tam giác): Là ba màu đứng cách đều nhau trên vòng tròn màu, với cách phối này màu sắc luôn có đủ các màu nóng và lạnh, hai màu đóng vai trò là bổ túc và một màu giữ vai trò là trung gian. Nguyên tắc phối màu bộ đôi bổ sung (hình chữ nhật và hình vuông): với cách lựa chọn hai cặp màu bổ sung, mang lại một không gian ấn tượng, lôi kéo mọi ánh nhìn và rất sống động. Nguyên tắc phối màu bộ ba (phối màu hình lục giác): đây là một bảng phối phức tạp và đòi hỏi sự chọn lựa kỹ lưỡng bởi việc tham gia bởi ba cặp màu bổ sung tương tác trực tiếp với nhau.

Quy tắc 60 – 30 – 10: là công thức nằm lòng của bất kỳ nhà thiết kế nội thất nào. Quy tắc này được áp dụng như sau: Đầu tiên, bạn chọn một màu sắc làm chủ đạo và màu sắc này sẽ chiếm khoảng 60% diện tích căn phòng. Thông thường, đây sẽ là màu trung tính hoặc một số màu sắc có tông nhạt để không làm áp đảo, lu mờ nội thất, tiếp theo sẽ là màu thứ cấp, thường đậm hơn một chút và chiếm khoảng 30% diện tích không gian, cuối cùng, màu điểm nhấn là màu đậm nhất và sẽ chiếm 10% còn lại.

Trên đây là những các chọn màu kết hợp phổ biến thường được các nhà thiết kế sử dụng để tham chiếu cho công việc kết hợp màu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng các cách phối khác theo những cách kết hợp riêng để bảng màu có những đột phá, ấn tượng mới.

Đặc trưng phối màu trong các phong cách nội thất

Việc tiếp cận một ý tưởng phối màu có thể từ phong cách thiết kế nội thất mà nhà thiết kế mong muốn hướng theo, mỗi phong cách qua thời gian, chúng đã tạo nên những đặc trưng nhận diện riêng, sức sống của phong cách.

Phối màu theo phong cách cổ điển: luôn ưu tiên những màu trung tính nhẹ nhàng kết hợp với những màu xám nhẹ như: đỏ đun, xanh ngọc, xanh lục sáng, vàng sáng nhằm tạo cảm giác sáng, bình yên, sang trọng và đầy chất hoàng gia. Phối màu theo phong cách tân cổ điển: luôn đòi hỏi sự kết hợp các màu tạo ra cảm giác sang trọng, các màu vàng, nâu nhẹ, đen kết hợp với các màu sáng trắng, be tạo ra sự hoài niệm. Phối màu trong phong cách hiện đại: bảng màu chủ đạo ưa dùng là các màu trung tính, nhưng được kết hợp tinh tế với các màu nhấn nổi bật ở dạng nguyên sắc tạo ra hiệu ứng sinh động. Phối màu trong phong cách tối giản: những tông màu đơn sắc, hoặc một màu kết hợp với màu xám, làm cho không gian trở nên nhã nhặn, nhẹ nhàng. Phối màu theo phong cách Pop Art: màu sắc rất rực rỡ, tương phản mạnh, sử dụng nhiều màu như: vàng, đỏ, xanh dương ở dạng nguyên chất có độ chói cao. Đây là phong cách tràn đầy năng lượng, nó nằm ngoài các quy tắc và đậm chất cá tính. Phối màu theo phong cách Bắc Âu: lấy màu trắng làm chủ đạo, cho người ta cảm giác về sự cơi nới chiều cao. Từ đó, có khả năng tương phản ánh sáng, rất thích hợp cho mùa đông bởi mùa này thường bị thiếu sáng. Phối màu theo phong cách thiết kế đồng quê: những không gian lãng mạn và mơ mộng, hài hòa với thiên nhiên và có chút gì đó mộc mạc, thường dùng những màu nhẹ, tươi sáng, các màu phấn pastel tạo ra những đặc trưng riêng biệt của phong cách này.

Phong cách thiết kế nội thất Bohemian: là phong cách nội thất nhiều màu với đặc trưng lớn nhất chính là sự tự do từ màu sắc, chất liệu, họa tiết và kết cấu. Tất cả được pha trộn với nhau tạo thành một không gian vô cùng thú vị và phóng khoáng, mang lại một vẻ đẹp hoang dã, quyến rũ.

Phong cách nội thất Color Block nhiều màu sắc: chính là việc sử dụng những khối màu sắc tương phản làm nổi bật những đường nét nội thất. Màu sắc làm thay đổi cảm nhận về không gian nội thất.

Kích thước và hình dáng của đồ vật, không gian có thể thay đổi ở một mức độ nào đó bằng việc sử dụng màu sắc: nóng – lạnh, tông màu tối – sáng hay bề mặt thô lì – mịn bóng.

Các màu nóng khiến cho các đồ vật tăng kích thước thực tế và ngược lại các màu lạnh cho cảm giác giảm kích thước thực tế. Các tông màu đậm sáng cho cảm giác kích thước lớn hơn các màu tối bởi: Những màu sáng không hấp thụ ánh sáng mà chúng phản chiếu lại khiến cho căn phòng trở nên sáng hơn và rộng hơn, ngược lại các màu tối hấp thụ ánh sáng nên căn phòng có cảm giác tối hơn và cho cảm nhận hẹp hơn. Các màu có bề mặt thô cho cảm giác đậm và làm tăng kích thước thực tế và cảm giác nặng, ngược lại các màu có bề mặt bóng, mịn có bề mặt phản chiếu lại tạo cảm giác nhẹ nhàng và rộng rãi.

Đối với những căn phòng quá rộng, hoặc những căn phòng có trần nhà thấp, việc áp dụng những gam màu tối cho các bức tường bên sẽ giúp chúng lại gần nhau hơn khiến căn phòng có vẻ hẹp hơn và cao hơn. Phối màu cho trần nhà tối hơn tạo cảm giác trần nhà thấp hơn, điều này cũng có thể có tác dụng làm cho căn phòng trông rộng hơn. Kết hợp một bức tường và trần nhà tối màu, không gian có vẻ ngắn hơn và rộng hơn, điều này rất hữu ích cho các hành lang hẹp, cầu thang hoặc các phòng dài không cân đối.

Sự ảo giác về cảm nhận khiến cho việc nhìn nhận chính xác kích thước thật của chúng trở nên khó khăn. Nắm bắt được đặc điểm này, những nhà thiết kế đã tận dụng tối đa để vận dụng cho những thiết kế trong thực tế.

Phối màu theo chức năng của không gian nội thất

Phối màu theo các chức năng và đối tượng sử dụng của công trình là cách tiếp cận rất phổ biến của các nhà thiết kế nội thất hiện nay. Với một không gian nội thất dùng để ở thường có những không gian chức năng cơ bản và không gian tiện ích sau: Không gian cơ bản: phòng ăn, bếp, phòng ngủ, vệ sinh, ban công, học tập và nghiên cứu, trưng bày, thờ cúng, phòng khác, sảnh… Không gian tiện ích: tập thiền – yoga, xem phim, thưởng trà, nghệ thuật, xông hơi…

Trên cơ sở các không gian với chức năng khác nhau, mỗi chức năng có những đặc điểm riêng. Nhà thiết kế nội thất cần đảm bảo sự hài hòa chung cho cả không gian tổng thể, đồng thời có những chuyển biến riêng cho từng không gian cụ thể, đây là một công việc đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng.

Ngoài chức năng của không gian thì tuổi tác, sức khỏe và tính chất công việc của những người tham gia hưởng thụ không gian đó cũng được tính đến để tìm giải pháp về màu sắc cho phù hợp.

Dưới đây là một số phân tích ví dụ khi dùng màu có các không gian trong nội thất: Phối màu cho không gian phòng khách: là không gian quan trọng thể hiện tính cách và gia thế của gia chủ. Vì vậy, màu sắc trong không gian này thường được các nhà thiết kế nội thất sử dụng với những tông màu và sự kết hợp tươi tắn, khích thích thị giác để tạo nên sự năng động, năng lượng và vui vẻ cho gia chủ và khách hoặc phối những màu lịch lãm, sang trọng tùy theo gia thế và mong muốn của gia chủ. Phối màu trong không gian thờ cúng: màu sắc cần có sự trang nghiêm, nhã nhặn khơi gợi cảm giác tâm linh. Phối màu cho không gian phòng ngủ: thường được lựa chọn với những màu lạnh, màu ghi xám để tạo cảm giác yên tĩnh và nghỉ ngơi. Phối màu ở không gian vệ sinh: thường được sử dụng với những màu lạnh hay những màu trung tính để tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Phối màu ở các không gian bếp và phòng ăn: màu sắc ấm, tạo cảm giác kích thích ăn uống, tăng năng lượng và tạo bầu không khí vui vẻ. Phối màu theo thuyết phong thủy: dựa trên thuyết phong thủy có nguồn gốc từ Trung Quốc được phát triển cách đây khoảng 3.500 năm, thuyết nghiên cứu về cấu trúc của trái đất, hướng của gió và nước để xây dựng nơi ở tốt nhất cho sự sinh tồn.

Những kiến thức cơ bản sau đây là những gợi ý để chúng ta mở rộng tìm hiểu sâu sắc hơn về màu sắc, cách phối màu sao cho hợp lý. Thứ nhất, phối màu dựa vào Ngũ hành: hành Kim (kim loại), hành Mộc (cây gỗ), hành Thủy (nước), hành Hỏa (lửa), hành Thổ (đất). Đây là năm nguyên tố cấu thành nên sự sống của trái đất. Mỗi hành có những màu đại diện: hành Kim – màu trắng, vàng; hành Mộc – màu xanh lục đất; hành Thủy – màu xanh lam, màu đen; hành Hỏa – màu đỏ; hành Thổ – màu vàng đất, màu nâu.

Thứ hai, phối màu dựa vào mối quan hệ tương sinh, suy kiệt, tương khắc của ngũ hành: tương sinh (Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim); suy kiệt (Hỏa làm suy yếu Mộc, Mộc làm suy yếu Thủy, Thủy làm suy yếu Kim, Kim làm suy yếu Thổ, Thổ làm suy yếu Hỏa); tương khắc (Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim).

Thứ ba, phối màu dựa vào phương vị (hướng phòng): bốn phương, tám hướng tương ứng với ngũ hành, mỗi hướng có những màu chủ đạo tương ứng: Hướng chính Đông, hành Mộc, màu chủ đạo: Xanh lục; Hướng chính Bắc, hành Thủy, màu chủ đạo: xanh lam, đen; Hướng chính Nam, hành Hỏa, màu chủ đạo: màu đỏ; Hướng chính Tây, hành Kim: màu chủ đạo: trắng, vàng đồng, bạc; Hướng Đông Bắc: hành Thổ, màu chủ đạo: nâu, vàng, hồng; Hướng Đông Nam: hành Mộc, màu chủ đạo: xanh lục; Hướng Tây Nam: hành Hỏa, màu chủ đạo: đỏ; Hướng Tây Bắc: hành Kim, màu chủ đạo: trắng, vàng đồng, bạc.

Thứ tư, dựa vào ý nghĩa sâu sa của ngũ hành được lý giải như sau: màu vàng, trắng (Kim) ngụ ý vắng vẻ, sức khỏe và sự độc lập; màu xanh lục (Mộc) ngụ ý luôn vui vẻ, hòa thuận, sự tăng trưởng, phát triển; màu đen, lam (Thủy) ngụ ý phá hoại, trầm tĩnh, nghỉ ngơi, kích thích trí tuệ; màu đỏ (Hỏa) ngụ ý hạnh phúc, vui vẻ, đam mê, cảm xúc mạnh; màu nâu, vàng đất (Thổ) ngụ ý sức mạnh, giàu có, sự ổn định.

Trên thực tế, việc sử dụng màu sắc theo thuyết phong thủy, người dùng cần có kiến thức để có thể hiểu được những vấn đề về mệnh, hợp tuổi, trường khí, năng lượng… từ đó hình thành bảng phối màu cho các công trình nội thất, vừa thỏa mãn được những vấn đề phong thủy lại mang lại giá trị thẩm mỹ về màu sắc.

Một ý tưởng sử dụng màu của một nhà thiết kế nội thất đến từ rất nhiều hướng khác nhau, điều này đã làm cho việc sử dụng màu sắc trong thiết kế nội thất trở nên vô cùng phức tạp, khó tiếp cận, dẫn đến việc né tránh sử dụng nhiều màu trong không gian nội thất. Tuy nhiên, nếu chúng ta nắm bắt được những hiểu biết cơ bản của màu sắc sẽ giúp cho việc sử dụng màu trong thiết kế nội thất một cách linh hoạt và có hiệu quả tốt hơn đối với con người sống trong không gian đó.

____________________

Tài liệu tham khảo

1.  Uyên Huy, Màu sắc và phương pháp sử dụng, Nxb Lao động – Xã hội, 2009.

2. Nguyễn Hồng Hưng, Nguyên lý Design thị giác, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2012.

3. Hoàng Yến, Thanh Long, Ứng dụng hài hòa màu sắc cho nhà ở, Nxb Lao động, 2007.

4. William F. Powell, Color Mixing Recipes (Công thức pha trộn màu), Quartoknows – USA, 2018.

Tác giả: Trịnh Ngọc Liên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *