Một vài suy nghĩ về nghệ thuật công cộng tại các trung tâm đô thị

Bắt đầu từ khái niệm

Nghệ thuật công cộng với các quần thể tượng đài, tượng trang trí, phù điêu… ngoài trời, hiển nhiên không thể thiếu trong không gian đô thị có mối tương tác mật thiết và tất yếu với cảnh quan kiến trúc môi trường. Một đô thị càng văn minh, hiện đại càng cần đến sự điều chỉnh hài hòa trong một quy hoạch thống nhất. Hiển nhiên, nghệ thuật công cộng đóng vai trò quan trọng, làm nên đẳng cấp và dấu ấn riêng cho mỗi tỉnh, thành phố. Nghệ thuật công cộng thường phô diễn và phát huy công năng nơi không gian ngoài trời, đồng thời hình thái, phương thức thể hiện cũng khá phong phú, bởi nó có thể trở thành tổ hợp hoặc nhóm tổ hợp tương tác, đan xen và hợp thành từ nhiều loại hình khác nhau, thậm chí không còn giữ nguyên dạng đúng như đặc điểm, tính chất đặc trưng riêng như ban đầu vốn có. Theo đó, nghệ thuật công cộng có thể dung nạp, tổng hợp, tương tác, hòa quyện, đan xen nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: nghệ thuật sắp đặt (Installation); nghệ thuật địa hình (Land art); nghệ thuật điêu khắc ngoài trời; hội họa hoành tráng/ tranh tường; nghệ thuật đường phố (Graffiti), phun vẽ (hình hoặc chữ) trên các bờ tường, hàng rào; nghệ thuật thiết kế đồ họa – quảng cáo; thiết kế trang trí nội – ngoại thất; nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan môi trường; nghệ thuật động hình/điện ảnh (Cine-matism art); nghệ thuật chiếu sáng (Lighting art); nghệ thuật âm nhạc; nghệ thuật biểu diễn…

 Thực trạng về thẩm mỹ đô thị ở Việt Nam hiện nay

Ở nước ta, không thiếu những đô thị đẹp, mà đô thị cổ Hội An là một thí dụ điển hình về tính hài hòa giữa giá trị di sản và chủ trương bảo tồn, phát huy giá trị vật chất tinh thần. Chính không gian kiến trúc cảnh quan môi trường cùng những giá trị mỹ thuật hiển hiện từ dòng sông, đường sá, kiến trúc kiểu loại nhà, tường, cầu, hàng hiên, giếng trời, bờ tường hoa dây leo… và sự góp mặt của mỹ thuật ứng dụng với những đồ lưu niệm, đồ may mặc phong phú, vui mắt nơi các cửa hàng, cửa hiệu với đủ loại đèn lồng treo cao, thấp…, tạo nên không gian nội/ngoại thất đầy tính Á Đông, đã làm cho phố cổ trở thành viên ngọc sáng đầy ấn tượng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Cảnh quan không gian đô thị Đà Lạt – Ảnh: Hùng Tú

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng là một điểm sáng về sự hài hòa đồng bộ giữa không gian kiến trúc và môi trường chung. Với gam màu tổng thể trang nhã, sang trọng, có sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc công cộng và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, Phú Mỹ Hưng đã trở thành một khu đô thị hiện đại ngang tầm với nhiều nước trong khu vực, tạo được ấn tượng vượt trội khi so sánh với bất cứ khu dân cư nào trong thành phố.

Tuy nhiên, tại nhiều thành phố ở Việt Nam, mối tương tác giữa cảnh quan kiến trúc và môi trường với nghệ thuật công cộng làm đẹp đô thị vẫn chưa thật sự được xem trọng. “Nếu như cục bộ các công trình kiến trúc thường khá tốt, thì sự tổng hợp các công trình này tại các đô thị thường hỗn độn hoặc chưa đẹp. Một trong những lý do chính của của tình trạng đó là công tác quy hoạch yếu kém và thiếu sự tham gia của ngành kiến trúc cảnh quan” (1).

Tình trạng tự ý xây dựng, cơi nới trái phép, thiếu quy hoạch đã làm cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lem nhem. Có rất nhiều ngôi nhà siêu mỏng mọc lên hai bên con đường mới mở rộng. Trừ một số khu biệt thự hoặc căn hộ cao cấp được xây dựng sau này, còn lại, vì thiếu quy hoạch tổng thể nên các ngôi nhà cao, thấp đua nhau mọc chen chúc. Mái nhọn, mái bằng, mái tôn… nhấp nhô, lổn nhổn. Màu sắc, vật liệu, kiểu loại kiến trúc, quy mô xây dựng… đều được lựa chọn theo ý cá nhân chủ công trình, hoàn toàn tự phát – là hệ quả của sự vô tổ chức đã và đang hiện hữu trong đô thị, tạo nên nhiều khu phố không nhất quán về phong cách tạo hình. Không những thế, vật liệu xây dựng rơi vãi, chất đống ngổn ngang tại nhiều phố sá, ngõ hẻm, vừa gây bụi bẩn, lại còn cản trở giao thông.

Tình trạng ngập úng kết hợp triều cường đã gây nên cảnh ngập lụt, kẹt xe tại nhiều nơi, khiến tuổi thọ đường sá, cầu cống nhanh hư hỏng, xuống cấp. Mỹ quan kém và mất an toàn luôn treo lơ lửng trên đầu. Các hàng cột điện phải “cõng” rất nhiều những búi dây điện, dây điện thoại, cáp truyền hình… được giăng mắc vô tội vạ. Nhiều lúc, những sợi dây đứt lòng thòng, chạm cả xuống đầu người đi đường. Tại nhiều góc phố, những bảng, biển quảng cáo lộn xộn. Trên thân cây, cột điện, mảng tường quanh các điểm giao cắt, ngã ba, ngã tư đường phố… bị viết vẽ bậy, nhiều tờ thông tin quảng cáo bị dán chồng lên nhau và bong tróc từng mảng, vừa phản cảm vừa mất vệ sinh.

Với thói quen thực dụng, nhiều hộ tìm cách đua nhau lao ra mặt tiền để kinh doanh, buôn bán vừa và nhỏ, làm cho thành phố càng trở nên hỗn tạp. Hầu khắp các nẻo đường, ngõ hẻm… nơi đâu cũng nhan nhản quán nhậu, cà phê giải khát… mà trong đó có rất nhiều quán ăn tối tăm, ẩm thấp, thiếu vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị chung. Chưa kể, tại nhiều khu công viên, vườn hoa, không gian công cộng bị tận chiếm làm nơi buôn bán hàng rong, thậm chí nhiều người vô gia cư còn dựng lều, trải chiếu tá túc, nấu nướng, tắm, giặt, phơi phóng quần, áo, chăn, màn… ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Có nhiều người cởi trần, nằm ngủ trên ghế đá, người lang thang, bụi đời nương náu dưới gầm cầu, góc khuất… đã làm cho bộ mặt đô thị ngày càng xuống cấp cả về văn hóa và thẩm mỹ.

Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến thẩm mỹ đô thị

Một là, nhiều cấp quản lý đô thị lúng túng trước các yếu tố tác động trực tiếp đến mỹ quan đô thị, như kinh tế, hội nhập mở cửa và văn hóa truyền thống, dân trí, nên chậm có quyết sách điều chỉnh, thay đổi.

Hai là, bức tranh tổng thể về đô thị còn nhiều phản cảm do thiếu một nhạc trưởng chung đủ tầm và quyền lực về quản lý đô thị.

Ba là, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu hoàn chỉnh, kéo theo nhiều hệ lụy.

Bốn là, kiểu loại, phong cách kiến trúc lai căng, chắp vá, thiếu bản sắc, phát triển thiếu kiểm soát do bị buông lỏng quản lý suốt một thời gian dài.

Năm là, nhiều hành vi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mặc nhiên tồn tại quá lâu và trở thành nếp sống vụ lợi, thiếu tự giác của một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị.

Đề xuất giải pháp cải thiện bộ mặt đô thị ở Việt Nam

Thứ nhất, phải khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của các cấp quản lý đô thị. Quản lý một đô thị tựa như quản lý một quốc gia thu nhỏ. Vai trò của các cấp quản lý thông qua tác động từ chính sách của nhà nước, việc thực thi quyền lực của chính quyền từ Trung ương đến địa phương rất cần sự đồng bộ, nhất quán; đây chính là điều kiện tiên quyết để quản lý, chỉnh trang, cải thiện bộ mặt đô thị. Khi nhà lãnh đạo “có tầm” và “có tâm”, đặc biệt quan tâm đến thẩm mỹ đô thị, biết lắng nghe và ghi nhận những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ các nhà chuyên môn, khi các cấp chính quyền liêm chính cùng thống nhất thực thi các biện pháp, chế tài, xử phạt nghiêm với mọi hành vi làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nếp sống văn minh đô thị như những tồn tại xấu trong hiện trạng đô thị Việt Nam, tình hình sẽ được cải thiện.

Về quản lý quy hoạch, cần có chiến lược tổng thể đi trước thực tế nhiều năm. Các nhà quy hoạch đô thị cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện về phát triển và quản lý toàn bộ các thành phố và khu vực. Cần có biện pháp mở rộng đô thị, giãn dân khỏi các khu trung tâm. Các khu dịch vụ cao cấp phối hợp phân luồng giao thông một cách hợp lý để giải quyết nạn ùn tắc giao thông.

Về quản lý xây dựng, tuân thủ nghiêm quy hoạch trong xây dựng, kiên quyết tháo dỡ, đập bỏ những công trình xây sai phép, không phép; xây dựng các công trình ngầm, nhằm giảm tải cho mặt bằng lộ thiên; xây dựng các công trình đồng bộ với hệ thống biển báo, hướng dẫn nơi đậu xe, lối lên, lối xuống; không để những công trình xây mới làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và thẩm mỹ đô thị. Việc kiến trúc theo kiểu tự phát, mạnh ai người ấy làm, lai căng, chắp vá, không mang bản sắc chính là “kẻ thù” của cái đẹp đô thị.

Thẩm mỹ nằm trong chính quy mô khoa học tổng thể, không gian nghỉ dưỡng (công viên, rừng nhân tạo…), nơi sinh hoạt cộng đồng như giao lộ, quảng trường lớn có sức chứa nhiều ngàn người, các tượng đài lớn, tạo ấn tượng thị giác mạnh, góp phần tạo được điểm nhấn cho bộ mặt mỗi đô thị. Cần đánh giá được hiện trạng về các công trình điêu khắc và đề xuất được một số giải pháp có tính khả thi, cung cấp được cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp cơ quan quản lý trong việc quy hoạch và xây dựng các công trình điêu khắc phù hợp với điều kiện phát triển xã hội hiện nay (2). Tại trung tâm đông đúc ở các đô thị, thường có xu hướng phát triển chiều cao nhằm tiết kiệm đất thì phương thức tương tác của mỹ thuật ứng dụng lại cần được xử lý khác với các khu ngoại vi thành phố, nơi luôn có nhiều hơn khoảng không gian thiên nhiên cho mỗi căn nhà, công trình xây dựng…

Về quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, cần nêu cao ý thức giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên; tạo lập xen kẽ trong các các kết cấu đô thị bên cạnh những công trình kiến trúc, đài phun nước, tạo thêm nhiều con đường cây xanh, những vườn hoa, mặt hồ nước trong, thảm cỏ, cây, lá, hoa, trái… và rừng nhân tạo như lá phổi điều tiết môi trường… trong sự điều tiết ứng xử thân thiện với môi trường thiên nhiên.

Thứ hai, nâng cao vai trò của các nhà chuyên môn: kiến trúc sư/ họa sĩ mỹ thuật/ nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng. Các nhà chuyên môn, như kiến trúc sư (KTS), họa sĩ tạo hình, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng… là lực lượng chính trong việc tổ chức thực hiện và triển khai các giải pháp cụ thể cho việc nâng cấp thẩm mỹ đô thị. Tuy nhiên, điều đáng buồn là “hầu hết các hợp đồng lớn về kiến trúc cảnh quan hiện nay thường giao cho các công ty tư vấn cảnh quan nước ngoài như Deso Defrain, Souquet associates (Pháp), SWA và Sasaki Associates (Mỹ)…” (3), vì còn hiếm KTS cảnh quan người Việt nổi bật về tư duy sáng tạo… Rất cần sự liên kết nhóm giữa các thể nhân, pháp nhân, các hội nghề nghiệp để tập hợp lợi thế của liên ngành – đa ngành, tổng hợp thêm được nhiều nguồn lực từ kinh nghiệm, kết nối cộng hưởng sự sáng tạo từ nhiều nhà chuyên môn giỏi trong nước và quốc tế ở nhiều lĩnh vực. Theo hai KTS. Ngô Viết Nam Sơn và Nguyễn Hữu Thái, rất cần thiết kế và quản lý việc sử dụng không gian ngoài trời, bao gồm mặt đất, mặt nước, không gian giữa các công trình và các công trình kiến trúc nhỏ, giúp tăng giá trị cho cảnh quan hoặc tạo điểm nhấn; cũng cần nghiên cứu về quy trình thiết kế từ ý tưởng đến thi công, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ ba, tổng hòa các hiệu quả thẩm mỹ trên cơ sở gia tăng hàm lượng sáng tạo mỹ thuật ứng dụng và thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại. Về bề nổi, việc kết hợp kiến trúc và mỹ thuật là điều kiện cần có tất yếu trong quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị. Những tác động dễ nhìn thấy rõ trong không gian cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị như hệ thống tượng đài, tượng trang trí, phù điêu, tranh hoành tráng ngoài trời (thường được đặt để tại các quảng trường rộng, công viên, vườn hoa, giao lộ…); bên các khu nhà chọc trời cao vút cũng vẫn luôn cần đến những không gian nghỉ mắt, thoáng đãng. Ngay cả khi xén, tỉa khống chế độ cao cây xanh nhằm tránh gãy đổ, vướng đứt dây điện, gây nguy hiểm khi mưa bão, cũng cần cân nhắc đến vẻ đẹp thẩm mỹ tự nhiên. Các biểu tượng tạo hình được trình bày, sắp đặt làm điểm nhấn, hệ thống biển hiệu quảng cáo, cờ, hoa, tranh cổ động, tuyên truyền, những màn hình trình chiếu quảng cáo, các biển hiệu, ghế ngồi thư giãn, thùng rác được lắp đặt… trên đường phố, nơi các tiểu đảo giao thông, bến xe buýt, cột điện, đồng hồ, đèn chiếu sáng, đèn hiệu công cộng nơi các nút giao thông… tạo thêm sự rực rỡ, bắt mắt cho cảnh quan đô thị.

Rất nhiều đô thị trên thế giới vẫn có ác cảm với nghệ thuật đường phố (Graffiti) và coi nó là kẻ bôi bẩn đô thị bằng các kiểu chữ và hình vẽ nguệch ngoạc, vội vã, được phun, vẽ, sơn, xịt lên những bề mặt phẳng rộng nơi đường phố, ngõ, hẻm, hay trên hàng rào các công trường xây dựng… Song, ngày nay, người ta đã dần dần từng bước phải thay đổi suy nghĩ. Nếu được khuyến khích và đầu tư thích đáng, bằng khả năng sáng tạo và kỹ năng thể hiện điêu luyện, những nghệ sĩ đường phố có thể làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật Graffiti 3D chất lượng cao, gây thú vị đến kinh ngạc với cả những người khó tính nhất.

Sự sáng tạo mang mục đích vì nhân sinh cùng nghệ thuật được thể hiện một cách chất lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, sẽ tạo nên những tác phẩm xứng tầm, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị theo hướng tích cực, tạo nên sự thích thú cho người thưởng ngoạn, góp phần giới thiệu điểm đến độc đáo cho tham quan, du lịch.

Hiệu quả thị giác còn phụ thuộc vào yếu tố chất liệu, kiểu dáng, các loại đèn màu chuyên dụng và nghệ thuật xử lý ánh sáng. Trong trang trí kiến trúc, ánh sáng là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng. Trước đây, ánh sáng chỉ đơn thuần đảm nhiệm chức năng chiếu sáng, nhưng dần dần, khi thiết bị chiếu sáng ngày càng được hoàn thiện và công nghệ tin học của kỷ nguyên số ngày càng phát triển như vũ bão, đã làm cho vai trò ánh sáng không còn đơn thuần như trước mà trở thành nghệ thuật tạo hình ứng dụng bằng ánh sáng (hay còn gọi là chiếu sáng tạo hình mỹ thuật/ lighting art). Ánh sáng màu phong phú, khởi đầu từ vai trò trung gian tạo sự hòa hợp giữa công trình kiến trúc với môi trường xung quanh, đã trở thành phương thức hữu hiệu làm gia tăng hiệu quả thị giác. Khi các thiết bị kỹ thuật được điều khiển một cách chủ động để đảm bảo được cường độ sáng, giới hạn tỏa sáng sẽ không chỉ tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao mà còn thể hiện “cái hồn” của công trình kiến trúc đang được chiếu sáng và môi trường cảnh quan xung quanh.

Trong cảnh quan kiến trúc môi trường đô thị, sự tổng hòa của vạn vật giữa không gian thiên nhiên với các công trình nhân tạo sẽ làm nên vẻ đẹp khác nhau giữa đô thị này với đô thị khác. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, những yếu tố mang lại giá trị thẩm mỹ cho đô thị bao gồm: Nguyên tắc hài hòa; Đối xứng và phi đối xứng; Thẩm mỹ và phản cảm; Thực và ảo; Mảng, miếng và hình khối; Âm thanh và màu sắc; Nhịp độ và tiết tấu; Quá khứ và hiện tại; Truyền thống và hiện đại. Các mối quan hệ tương tác tạo nên cái đẹp (hoặc ngược lại) lại cho mỗi đô thị chính là: Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng… (4). Vì vậy, sẽ thật là vô lý nếu nghệ thuật công cộng lại đứng ngoài cuộc.

Kết luận

Thực tế, nghệ thuật công cộng trong đó có mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng trong đô thị, không phải là yếu tố cộng sinh mà là những thành tố không thể thiếu trong một chỉnh thể hài hòa và không chỉ làm đẹp hơn cho công trình kiến trúc, mà còn góp phần thể hiện sự văn minh, đẳng cấp của một không gian đô thị. Khuynh hướng chung của nhiều nước trên thế giới, phù hợp với xu thế thời đại là gia tăng ứng dụng mỹ thuật vào không gian kiến trúc.

Tại Việt Nam, còn thiếu nhiều những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mang giá trị thẩm mỹ và dấu ấn, bản sắc truyền thống được bày đặt trong không gian đô thị. Trong khi kiến trúc thường gắn với những giá trị thực dụng, quan tâm nhiều đến công năng sử dụng không gian, cả bên trong lẫn bên ngoài, mỹ thuật/ mỹ thuật ứng dụng trong đô thị lại hướng tới những giá trị tinh thần thông qua việc tổ chức môi trường sống cho con người một cách thẩm mỹ. Khi tính kỹ thuật và tính thẩm mỹ được kết hợp hài hòa, chặt chẽ và cấu thành tồn tại trong nhau, cùng thống nhất trong một chỉnh thể, sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà còn thỏa mãn nhu cầu cảm thụ cái đẹp từ công trình kiến trúc được xây dựng. Giá trị thật sự lâu bền của mỗi công trình đô thị đã và sẽ được nâng cao hơn chính là nhờ khi “nó cõng trên lưng” những giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật công cộng. Giá trị vật chất và tinh thần trong không gian đô thị phải thỏa mãn các yếu tố thiên nhiên, lịch sử, địa lý, chế độ xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tâm lý và sở thích, phong tục tập quán, ứng xử văn hóa của từng dân tộc và cộng đồng dân cư, vì thế mỹ thuật đô thị hay rộng hơn là các nghệ thuật công cộng luôn mang dấu ấn đậm nét tính đặc thù vùng, miền, quốc gia và con người.

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và “đô thị thông minh” đã và đang trở thành vấn đề thời đại được đặt ra với toàn nhân loại. Nó đòi hỏi mỗi nhà quản lý, nhà thiết kế đô thị, hay ngay cả mỗi cư dân thường trú hoặc du khách từ nơi khác tới… cần có những tính toán và ứng xử phù hợp trên cơ sở những vấn đề đặc thù để xây dựng nên “những chiến lược đô thị thông minh đặc thù”, đáp ứng tốt nhất những yếu tố về mật độ dân cư, kích thước đô thị, và những “con người thông minh” có thể “nghiên cứu kỹ sự tương tác phức tạp để thích ứng với nó” … (5).

Chỉ khi nào ý thức thẩm mỹ, tư duy thẩm mỹ của mỗi cá nhân được phát huy sâu rộng trong cộng đồng và bao trùm ảnh hưởng rộng lớn tới đời sống xã hội, cái Đẹp mới thực sự lên ngôi.

________________

1, 3. KTS Ngô Viết Nam Sơn và KTS Nguyễn Hữu Thái, Nhìn về tương lai ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tháng 6-2016.

2. Nguyễn Xuân Tiên, Điêu khắc trong môi trường văn hóa đô thị ở Nam Bộ, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2004.

4. Nguyễn Minh Hòa, Vùng đô thị châu Á và Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2008; Nguyễn Minh Hòa, Đô thị học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2012.

5. Phó Đức Tùng, Cách mạng 4.0 và đô thị thông minh – Thực tế triển khai đô thị thông minh trên thế giới, Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tháng 7-2017.

Tác giả: Đỗ Lệnh Hùng Tú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *