Sắc phong thần là văn bản của triều đình ban phong cho các vị thần được thờ trong đình làng nói riêng, cũng như trong các không gian tín ngưỡng khác, như đền, miếu, am phủ… Trong văn bản học, một đạo sắc phong có giá trị nghiên cứu ở nhiều phương diện. Nếu nội dung của sắc phong ghi nhận công trạng, chứa đựng những mỹ tự ban phong, đồng thời cho thấy ý nghĩa cùng thời gian ra đời văn bản thì hình thức của sắc phong, bao gồm các đồ án hoa văn, thể thức văn bản, chất liệu, màu sắc lại mang đến những cảm nhận thẩm mỹ. Trong một chừng mực nhất định, những giá trị thẩm mỹ lưu giữ trên những đạo sắc còn phản ánh đặc trưng, phong cách nghệ thuật của thời đại.
Cho đến thời điểm hiện tại, có ba đạo sắc sớm nhất ở Việt Nam được phát hiện, cùng niên đại cuối TK XV. Hai đạo sắc có niên hiệu Hồng Đức thứ 23 (năm 1492) và Hồng Đức thứ 28 (năm 1497), tại đền Quang Lang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã được tác giả Thùy Vinh công bố trên Tạp chí Hán Nôm số 2 (47), năm 2001, với tiêu đề Tìm thấy hai đạo sắc thời Hồng Đức. Đạo sắc thứ ba, cùng niên hiệu Hồng Đức thứ 28, được tác giả Nguyễn Thị Tuấn Tú công bố trên Tạp chí Di sản văn hóa số 3, năm 2015, với tiêu đề Về bản sắc phong ghi niên hiệu Hồng Đức ở đền Thanh Tu (Thái Bình).
Cả hai tác giả đều đã khảo cứu khá công phu, toàn diện về hình thức và nội dung văn bản, khẳng định, đây là ba đạo sắc phong bằng giấy vào loại “cổ nhất Việt Nam”. Tuy nhiên, hình thức văn bản đạo sắc này vẫn tạo ra lực hấp dẫn đáng kể đối với giới nghiên cứu vì miêu tả của hai tác giả trên chưa có sự tương đồng. Bên cạnh đó, những đề cập về nghệ thuật hay hoa văn trên các đạo sắc, bao gồm các hình rồng, chỉ dừng lại ở mức miêu tả, thật khó có thể chuyển tải và giúp người đọc cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ từ những đồ án đó. Bài viết này, bên cạnh việc kế thừa nghiên cứu của hai tác giả, có bổ sung thêm một số kiến giải nhằm xác thực về tính chân, ngụy của những đạo sắc trên (1).
Bản đồ lại hoa văn của ba đạo sắc phong (2) cho thấy có sự tương đồng về họa tiết hoa văn, gồm: một hình rồng được đặt ở chính giữa đạo sắc. Phía trước đầu rồng là một quả cầu lửa, bốn góc có bốn hình dạng đám mây, phía dưới mỗi đám mây có một đao lửa bay ra. Tác giả Nguyễn Thị Tuấn Tú đã khảo tả khá chính xác.
Đầu rồng ngẩng, trên có sừng, mắt mở to, mồm há rộng lộ rõ lưỡi, mũi nở, ria mép hai bên dài thành hình đao bay ra, dưới cằm có hai túm râu, bờm tạo thành ba túm bay ngược lên trên. Đầu hướng về phía khối tròn được bao bọc bởi một quầng lửa. Cổ rồng uốn cong ra phía sau, trong khi ngực ưỡn thoải ra phía trước trong thế nằm dựa lưng. Đoạn từ cổ cho đến hai chân sau của rồng có sự thay đổi lớn, thể hiện qua sự biến chuyển của thân rồng, từ thế đi của hai chân sau (bụng úp xuống dưới), dần vặn mình ngửa bụng lên với ngực ưỡn ra phía trước (ngược với chiều đi của hai chân sau). Đuôi rồng uốn cong lên xuống bốn nhịp, thuôn nhỏ dần về phía sau; toàn thân rồng có vảy, mỗi chân đều 5 móng. Chân phải chống xuống phía sau, chân trái giơ ra phía trước. Hai chân sau trong thế sải bước. Chân phải trước, chân trái sau. Vị trí của khuỷu chân có ba xoáy hình cầu, từ đó phát ra ba đao lửa được thể hiện bởi những nét vẽ mềm mại. Bốn góc của đạo sắc phong là bốn đồ án có đặc điểm giống nhau, tượng trưng cho bốn đám mây. Phía dưới mỗi đám mây có một đao nhọn bay ra cùng chiều với đuôi rồng (từ cuối về đầu sắc phong).
Cho đến trước khi nghiên cứu của tác giả Thùy Vinh công bố, đạo sắc có niên hiệu Sùng Khang thứ chín (1574) ở đình Tử Dương, Thường Tín, Hà Nội được cho là có niên đại sớm nhất (3). Qua khảo cứu các nguồn tư liệu về sắc phong cho thấy, từ đạo sắc thời Mạc, TK XVI trải dài đến thời Nguyễn, đầu TK XX, càng về sau, trên mặt trước những đạo sắc phong thần, chỉ vẽ duy nhất một hình rồng lớn ở chính giữa. Hình những đám mây, phía dưới có đao lửa bay ra, khá phổ biến trên đồ gốm ngự dụng, tìm thấy tại khu khảo cổ học thuộc phạm vi Hoàng Thành, Thăng Long xưa, nay là số 18, đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hình rồng trên đạo sắc có niên hiệu Hồng Đức 28 (năm 1497) nói riêng và trên những đạo sắc TK XV đề cập ở trên nói chung, mang đặc trưng của những hình rồng thời Lê sơ. Có thể nhận ra nét tương đồng giữa chúng khi đối sánh hình rồng trên đạo sắc phong với hình rồng trên những di vật chất liệu khác, có niên đại cùng thời, như bia đá, khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa và những đồ ngự dụng tìm thấy tại khu khai quật 18 – Hoàng Diệu, bao gồm bát, ngói, gạch thông gió bằng gốm… Tính quan phương, chuẩn mực, sự mạnh mẽ, uy quyền toát lên qua cử chỉ, điệu bộ của thân, cùng năm móng vuốt sắc nhọn xuất hiện ở mỗi bàn chân rồng.
Ở dạng thức tượng tròn như đôi rồng đá điện Kính Thiên, thuộc khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, có thể thấy hình rồng được bố cục theo một khối thẳng. Đầu ngẩng, mắt mở, mũi nở, sừng chia thành ngạnh, ria mép dài hình đao lửa. Thân tròn, dài, dẻo theo nhịp doãng, lên xuống thoăn thoắt, thuôn dần về đuôi cùng với chi tiết đao lửa, bờm, sống lưng bay ngược ra sau, tạo cho rồng như đang trong thế chuyển động.
Ở dạng thức phù điêu, hình rồng có phần đa dạng hơn. Chỉ riêng trên trán bia Lam Sơn Vĩnh Lăng, khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa, đã có đến ba dạng thức hình rồng được bố cục ở chính giữa, hai bên và diềm phía trên. Ở hai bên, có đôi rồng trong thế sải bước chầu vào, diềm bia trên trán và hai bên là những hình rồng bố cục trong nửa lá đề. Nếu hình rồng diềm trên trán bia có dáng điệu giống như đôi rồng chầu giữa trán thì những hình rồng ở hai bên diềm trong thế bò từ trên xuống, rồi ngóc đầu lên. Tạo hình này gần giống với rồng trên trán bia chùa Kim Liên có niên đại 1445. Cách bố cục đăng đối cho thấy khi ghép hai bên lại, chúng trở thành một lá đề hoàn chỉnh. Nhịp điệu hình rồng và lá đề ở đây dường như mang lại sự liên tưởng đến nhịp điệu của hình rồng xuất hiện từ thời Lý – Trần. Cũng ở dạng thức phù điêu hay in, vẽ, bên cạnh những hình rồng đã đề cập, còn những hình rồng có lưng võng “yên ngựa” như trên đồ gốm ngự dụng trong khu khai quật khảo cổ 18 Hoàng Diệu, trên bệ đá chùa Khám Lạng, Bắc Giang… Đặc điểm này, theo một số nhà nghiên cứu, mang phong cách thời Mạc, vào TK XVI trở về sau. Nhưng hiện tượng rồng có lưng võng hình yên ngựa đã thấy xuất hiện trên di vật có niên đại thời Trần, TK XIII – XIV.
Trở lại với tạo hình rồng dạng trên đạo sắc phong niên hiệu Hồng Đức năm thứ 28, chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng với hình rồng trên trán bia Vĩnh Lăng niên đại 1433, hay trên gạch thông gió tìm thấy ở khu Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội). Hình rồng bố cục trong một ô tròn, nếu trên bia Vĩnh Lăng, mặt rồng được khắc họa chính diện thì trên viên gạch thông gió, hình rồng là một lớp cắt theo lối nhìn ngang. Với bố cục này, nhịp điệu của thân rồng uốn lượn/ lên xuống doãng và sâu hơn so với hình rồng trên đạo sắc, nhưng dáng điệu cùng cử chỉ giống nhau.
Toàn bộ đạo sắc phong từ hình thức đến nội dung được bố cục rất chặt chẽ đồng thời bao hàm ý nghĩa sâu sắc. Ở đây, bố cục nửa thân trên của hình rồng mang dáng điệu cử chỉ một con người, sải bước đi ra từ đầu đạo sắc khi về cuối đạo sắc thì vặn mình (hồi long), phun ngọc châu – quả cầu bọc trong quầng lửa chính là lời vàng ý ngọc của vua ban và cũng chính là từng chữ, từng câu tạo nên nội dung của đạo sắc.
Hội họa là nghệ thuật biểu hiện không gian trên mặt phẳng, là lối tư duy được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam trong những năm đầu TK XX mà hẳn là “họa sĩ” vẽ phôi những đạo sắc phong TK XV nói trên chưa biết đến. Nếu chỉ được vẽ theo một chiều cắt dọc hoặc ngang thân, theo lối đạc họa của nhà khảo cổ hay kiến trúc (bao gồm các mặt cắt: dọc, ngang và bằng) thì hình rồng chỉ là hình hai chiều, có phần tĩnh và khô cứng. Nhưng người xưa đã làm được nhiều hơn thế, cho dù tính ước lệ vẫn là chủ đạo. Hình rồng như đang chuyển động trong không gian đa chiều dù không nhờ vào kỹ thuật vờn nét, tạo khối mà chỉ do cách tạo hình khéo léo, tinh tế. Hai chân sau sải bước, đầu quay 1800 so với hướng chuyển động của chân, còn được gọi là thế hồi long. Để có tạo hình như vậy, những chuyển đổi của thân đã bắt đầu được thể hiện từ phần bụng, khi đến hai chân trước thì lật hẳn. Một tạo hình rất sinh động, cho thấy các nghệ sĩ xưa đã có những quan sát/ cách “giải phẫu” tỉ mỉ, thuần thục trong bút pháp thể hiện.
Bên cạnh đó, chi tiết các đao lửa thanh, dài, sắc nhọn trên những hình rồng cùng niên đại cũng khá tương đồng với đao lửa trên đạo sắc phong niên hiệu Hồng Đức. Đặc điểm này xuất hiện khá phổ biến trên những linh vật TK XV, kéo dài sang đầu TK XVI, như hình rồng trên trán bia lăng vua Lê Hiển Tông, khu di tích Lam Sơn, Thanh Hóa. Thậm chí, các chi tiết này còn được sử dụng trên một số di vật có niên hiệu thời Mạc, như những đầu dư chạm rồng tại đình Tây Đằng, cánh cửa Khám thờ Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy, Hà Nội…
Từ những so sánh, phân tích về sự tương đồng trong phong cách tạo hình rồng trên những đạo sắc phong có niên hiệu Hồng Đức và trên những di vật khác có niên đại TK XV, XVI, cùng với những luận giải của hai tác giả Thùy Vinh và Nguyễn Thị Tuấn Tú, cho thấy giữa nội dung và hình thức của văn bản sắc phong có sự tương xứng về niên đại, có thể khẳng định: hai đạo sắc có niên hiệu Hồng Đức 23 (1492) và Hồng Đức 28 (1497), lưu giữ tại đền Quang Lang và đạo sắc niên hiệu Hồng Đức 28, lưu giữ tại đền Thanh Tu, là những bản sắc gốc. Chính vì vậy, các đạo sắc phong này cần được bảo quản đặc biệt, nhằm lưu giữ được dài lâu.
______________
1. Ghi nhận của tác giả bài viết: Sau khi hai tác giả nói trên chính thức công bố các nghiên cứu về ba đạo sắc này, trong giới nghiên cứu lịch sử và Hán Nôm, vẫn còn không ít các trao đổi bên lề bày tỏ sự hoài nghi về sự chân thực của cả ba đạo sắc phong này cũng như của những đạo sắc phong có cùng niên đại Hồng Đức.
2. Ghi nhận của tác giả bài viết: Trong số ba bản đồ lại (bản thể hiện lại) họa tiết hoa văn, bản đầy đủ hơn cả là bản ở đền Thanh Tu, hai bản còn lại bị mờ và rách khá nhiều song khá thống nhất vì hình họa cơ bản với bản đồ lại ở đền Thanh Tu.
3. Cung Khắc Lược, Chu Quang Trứ, Về đạo sắc “Tử Dương thần từ” sớm nhất hiện còn, Tạp chí Hán Nôm, số 1(22), 1995.
Tài liệu tham khảo
1. Bản rập họa tiết mỹ thuật cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
2. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời Tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội – Viện Mỹ thuật, năm 2003.
3. Nguyễn Xuân Diện, Một số vấn đề về sắc phong, Tạp chí Văn hóa dân gian số 5 (89)/ 2003), tr.75-77.
4. Nguyễn Thị Tuấn Tú, Về bản sắc phong ghi niên hiệu Hồng Đức ở đền Thanh Tu (Thái Bình), Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (52), 2015.
5. Thùy Vinh, Tìm thấy hai đạo sắc thời Hồng Đức, Tạp chí Hán Nôm, số 2(47), 2001.
6. Viện Nghệ thuật (Bộ Văn hóa), Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam (qua các bản rập), 1975.
Tác giả: Nguyễn Doãn Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn