Trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học hiện
nay, việc phát triển nguồn lực thông tin để đáp ứng
nhu cầu của người học trở thành một nhiệm vụ
trọng tâm của thư viện các trường đại học nước ta
hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu trên, việc nghiên cứu
thực trạng sử dụng và nhu cầu tiếp cận nguồn tài
liệu là một hoạt động được hầu hết các thư viện
tiến hành để có cơ sở khoa học phát triển nguồn
lực thông tin, tổ chức hình thức tra cứu thông tin
và phục vụ người học một cách có hiệu quả. Bài
viết phân tích tình hình tiếp cận và nhu cầu sử dụng
các nguồn tài liệu của người học để từ đó có cơ sở
đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng
cao chất lượng nguồn lực thông tin phục vụ người
học ở các trường và cơ sở giáo dục đại học.
Bạn đọc tại Thư viện Đại học Kinh tế, Đại học Huế – Ảnh: Thư viện
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên cơ sở tổng hợp thông tin thứ cấp từ Thư viện Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Thông tin sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát 120 người học tại Đại học Kinh tế Huế bằng bảng câu hỏi bán cấu trúc được thực hiện trong năm 2020 để thu thập các thông tin về tình hình tiếp cận, mức độ sử dụng các nguồn tài liệu, đánh giá, phản hồi của người học về các nguồn tài liệu và nhu cầu sử dụng các nguồn tài liệu của người đọc.
1. Thực trạng tiếp cận và sử dụng tài liệu của người học
Tình hình tiếp cận và sử dụng các nguồn tài liệu của người học
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhu cầu sử dụng về loại tài liệu của người hoc. Cụ thể, người học tiếp cận và sử dụng các tài liệu thuộc lĩnh vực: Quản trị kinh doanh chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm trên 50%, tài liệu về Kế toán chiếm tỷ lệ 44,2%, tài liệu Kinh tế chung chiếm 40%. Bên cạnh đó tỷ lệ tiếp cận và sử dụng các nguồn tài liệu bổ trợ như tin học và ngoại ngữ cũng chiếm tỷ lệ khoảng 25% số lượng khảo sát. Trong khi đó, nhu cầu tài liệu về các lĩnh vực khác như chính trị, luật có tỷ lệ tiếp cận và sử dụng thấp hơn lần lượt là 15,8% và 13,3% số người học được khảo sát. Như vậy có thể thấy rằng người học có nhu cầu tiếp cận và sử dụng các loại tài liệu chuyên ngành nhiều hơn so với các loại tài liệu bổ trợ. Đây là cơ sở để cập nhật và bổ sung nguồn tài liệu một cách hợp lý, cân đối và phù hợp với nhu cầu thực tế của người học.
Thực trạng sử dụng theo loại hình và ngôn ngữ tài liệu
Kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng tài liệu theo loại hình tài liệu cho thấy có 2 loại hình tài liệu được người học tiếp cận và sử dụng nhiều nhất là giáo trình và sách tham khảo. Cụ thể, loại hình giáo trình và sách tham khảo được người học đánh giả sử dụng ở mức thường xuyên chiếm tỷ lệ lần lượt là 42,5% và 22,5%. Điều này cũng phù hợp với thực tế tại thư viện, vì hiện nay nguồn tài liệu được bổ sung vào thư viện chủ yếu là sách giáo trình, phần lớn sinh viên chính quy cũng có thói quen sử dụng các dạng tài liệu in ấn. Bên cạnh đó loại hình tài liệu trên Internet cũng được người học sử dụng nhiều chiếm tỷ lệ 28,3% sử dụng ở mức thường xuyên. Điều này là do sự tiện dụng của loại hình tài liệu dưới dạng điện tử và khả năng tiếp cận dễ dàng thông qua internet nên người học có thể dễ dàng tìm kiếm và sử dụng. Ngược lại, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người học ít sử dụng tài liệu báo – tạp chí. Tỷ lệ sinh viên chưa bao giờ sử dụng nguồn tài liệu này chiếm 68,3%. Vì nguồn tài liệu này hiện nay phần lớn sinh viên sử dụng loại hình báo mạng là chủ yếu.
Về ngôn ngữ tài liệu, có đến 97% người dùng tin sử tài liệu tiếng Việt trong khi đó chỉ khoảng 3% người học có nhu cầu sử dụng tài liệu bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Điều này phản ánh khả năng sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong sinh viên rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận các nguồn tài liệu ngoại văn hiện có ở thư viện.
Hình 1: Tỷ lệ người học sử dụng tài liệu theo loại hình ngôn ngữ
(Nguồn: Khảo sát người học tại trường Đại học Kinh tế Huế năm 2020)
2. Mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn tài liệu và dịch vụ phục vụ người học
Mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn tài liệu cho người học
Về mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn tài liệu của người học có 97,5% người dùng tin đánh giá ở mức đầy đủ và độ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên vẫn có 2,5% số người học đánh giá nguồn tài liệu chưa đầy đủ. Về tính cập nhật của tài liệu, kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 91,7% người học đánh giá ở mức độ cập nhật và tương đối cập nhật. Có 98,3% người học cho rằng tài liệu phù hợp và tương đối phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, vẫn có 1,7% người học đánh giá tài liệu chưa phù hợp. Qua đó cho thấy, nguồn tài liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu cho người học cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng tài liệu của người học. Ở một số khía cạnh như tính cập nhật và số lượng tài liệu còn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người học. Điều này đòi hỏi nhà trường và thư viện cần bổ sung tài liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phục vụ học tập và nghiên cứu trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thông tin của người học ngày càng thay đổi.
Mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ phục vụ người học của thư viện
Với mức độ đáp ứng về chất lượng các dịch vụ phục vụ người học của thư viện, phần lớn (85,5%) người học sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ. Chất lượng dịch vụ này được đa số người học đánh giá tốt (67,5%), trung bình (15%) và chưa tốt (3,3%). Dịch vụ này đã mang lại rất nhiều tiện ích với người học, người học được trực tiếp vào kho lựa chọn tài liệu và đọc ngay tại chỗ, tạo cảm giác thoải mái khi lựa chọn tài liệu. Dịch vụ mượn tài liệu về nhà có 77,5% người học sử dụng. Trong đó có 63,3% người đánh giá chất lượng dịch vụ mượn tài liệu ở mức tốt, 10,8% đánh giá ở mức trung bình và 3,3% vẫn cho rằng dịch vụ này chưa tốt. Các dịch vụ hỏi đáp thông tin, dịch vụ khai thác CSDL và internet, dịch vụ đào tạo, hướng dẫn người học có tỷ lệ sử dụng thấp lần lượt là 35%, 36,7% và 22,5%. Phần lớn người học (trên 63%) đánh giá các dịch vụ này ở mức chưa tốt. Điều này là do chưa được thực hiện thường xuyên mà chỉ triển khai vào những thời điểm nhất định trong năm như đầu năm học và đầu khóa học khi sinh viên nhập học nên chưa thu hút được nhiều người học tham gia sử dụng.
3. Nhu cầu của người học về hoạt động tăng cường hiệu quả tiếp cận và sử dụng tài liệu
Nhu cầu của người học về nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn tài liệu
Nguồn tài liệu phục vụ người học phần lớn được đề cập trong các đề cương môn học. Để đạt được tiêu chí này, quá trình bổ sung và phát triển nguồn học liệu cần dựa trên danh sách các tài liệu tham khảo trong đề cương mỗi môn học. Vì vậy, Thư viện cần bám sát khung chương trình đào tạo của Nhà trường để xây dựng chiến lược bổ sung hợp lý trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, khoảng 90% người học có nhu cầu mở rộng không gian học tập và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người học tại thư viện. Cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện.
Nhu cầu của người học về nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thư viện
Trong số người học sử dụng thư viện, có 78,3% người học cho rằng dịch vụ đào tạo, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tài liệu phục vụ học tập và nghiên cứu là cần thiết. Điều này cũng giải thích tỷ lệ người học có đề xuất tổ chức lại hệ thống dịch vụ tra cứu tìm kiếm tài liệu tại Thư viện khá cao với hơn 66,7% người học đánh giá ở mức cần thiết. Bên cạnh đó có khoảng 62,5% người học cho rằng cần thiết phải đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thư viện để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu của người học. Trong khi đó, việc thay đổi giờ phục vụ nhìn chung là chưa cần thiết. Như vậy, để nâng cao hiệu quả phục vụ người học, ngoài việc chú trọng bổ sung nguồn tài liệu, cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin, Thư viện cần mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ người học để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay.
4. Một số hạn chế trong quá trình hoạt động phục vụ của thư viện
Kết quả nghiên cứu và phân tích ở trên cho thấy, hoạt động của thư viện đã đáp ứng tốt được nhu cầu tiếp cận và sử dụng tài liệu phục vụ và nghiên cứu khoa học cho người học. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự đa dạng của các loại hình tài liệu và nhu cầu sử dụng tài liệu của người học ngày càng đa dạng thì hoạt động phục vụ nguồn tài liệu cho người học cũng còn có những điểm hạn chế:
Nguồn lực thông tin còn hạn chế về tính đầy đủ, tính cân đối của vốn tài liệu. Với nhu cầu tiếp cận và sử dụng tài liệu ngày càng đa dạng thì nguồn lực thông tin phục vụ người học cũng phải thường xuyên được bổ sung cập nhật. Kết quả nghiên cứu phân tích ở trên cho thấy vẫn còn có 8,3% người học đánh giá nguồn lực thông tin chưa đáp ứng tốt được nhu cầu của người học về tính đầy đủ và tính cập nhật của nguồn tài liệu.
Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin. Mặc dù đã có nhiều đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho người học, nhưng diện tích của Thư viện còn hẹp, các phòng bố trí không tập trung, đặc biệt Thư viện của trường bố trí ở tầng 6 nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút người học sử dụng nguồn lực thông tin tại Thư viện. Hệ thống mạng và wifi còn yếu, đường truyền truy cập chậm, gây khó khăn cho người học trong việc truy cập. Phần mềm Verbrary 3.0 được trang bị từ năm 2010 cho đến nay chưa được nâng cấp, đã bộc lộ những hạn chế trong quá trình hoạt động.
Chất lượng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người học chưa cao: Các dịch vụ phục vụ người học chưa phong phú và đa dạng, chủ yếu cung cấp tài liệu đọc tại chỗ, cho mượn về nhà… Các dịch vụ thông tin – thư viện khác như cung cấp thông tin theo yêu cầu, triển lãm – giới thiệu sách, hội nghị người học và dịch vụ mượn liên thư viện chưa được Thư viện triển khai. Các dịch vụ thư viện hiện đại như: Dịch vụ khai thác CSDL và internet đã được triển khai, song chất lượng còn thấp, chưa lôi cuốn đông đảo bạn đọc đến sử dụng, nguyên nhân do máy tính, nguồn tài liệu điện tử chưa phong phú, không được bổ sung thường xuyên, khiến dịch vụ này không mang lại hiệu quả cao.
5. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ và sử dụng nguồn tài liệu cho người học
Để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động phục vụ người học trong việc tiếp cận, sử dụng nguồn tài liệu và thông tin cho quá trình học tập, nghiên cứu khoa học cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng chính sách bổ sung nguồn học liệu hợp lý và liên kết với các nguồn học liệu khác trong nước. Cụ thể, việc bổ sung nguồn tài liệu cần đảm bảo các tiêu chí cơ bản như số lượng đủ lớn, phong phú về loại hình, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với nhu cầu người dùng tin. Nguồn tài liệu phục vụ người học phần lớn được đề cập trong các đề cương môn học. Vì vậy, cần bám sát khung chương trình đào tạo của Nhà trường để xây dựng chiến lược bổ sung hợp lý trong từng giai đoạn. Đối với tài liệu số, việc mua quyền sở hữu, quyền truy cập hoặc tham gia các mô hình liên kết chia sẻ dữ liệu của các CSDL mang tính học thuật là điều quan trọng và cần được chú trọng triển khai. Bên cạnh đó, cần tăng cường giải pháp tài liệu số hóa sẽ giúp cho người học có thêm nhiều lựa chọn để phục vụ cho kế hoạch học tập của cá nhân.
Thứ hai, liên kết với các nguồn học liệu khác: là một trong những hình thức hợp tác chia sẻ dữ liệu giúp cho nguồn học liệu thư viện trở nên đầy đủ và hoạt động có hiệu quả hơn. Một trong những hình thức liên kết phổ biến và hiệu quả là sự hợp tác, liên kết giữa các cơ quan thông tin – thư viện của các trường đại học với nhau, đặc biệt là các trường có chung nhiều ngành đào tạo theo mô hình tín chỉ như hiện nay. Một hình thức khác được nhiều thư viện đại học trong cả nước lựa chọn đó là hình thức liên kết với nhiều cơ sở dữ liệu khoa học trên thế giới như: Emerald, Sage, Proquest, Science Direct…
Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin. Cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của một thư viện ở trường đại học. Do đó, chất lượng hoạt động của Thư viện phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật thích đáng.
Thứ tư, tăng cường đào tạo phương pháp tra cứu, kỹ năng tìm kiếm thông tin cho người học. Trong điều kiện công nghệ xử lý, khai thác thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, phạm vi thông tin ngày càng được mở rộng, người dùng tin cần biết cách khai thác thông tin hiệu quả, do đó cần tăng cường hoạt động tập huấn, hướng dẫn người học về kiến thức và kỹ năng khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn thông tin phục vụ học tập và nghiên cứu đặc biệt là đối với sinh viên đầu khóa.
Kết luận
Phần lớn người học sử dụng và khai thác các tài liệu chuyên ngành để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học, ngoài ra họ còn sử dụng một số bổ trợ như tin học và ngoại ngữ. Tỷ lệ người học tiếp cận và sử dụng tài liệu về các lĩnh vực khác như chính trị, luật với tỷ lệ thấp.
Để xây dựng nguồn học liệu tốt đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhà trường cần chú trọng đến việc bổ sung tài liệu phù hợp với môn học, cung cấp tài liệu ở nhiều dạng khác nhau, tăng cường liên kết chia sẻ nguồn học liệu giữa các thư viện trong các khối ngành kinh tế và trong Đại học Huế với nhau để làm tăng số lượng và chất lượng nguồn tài liệu phục vụ người học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin thư viện, đẩy mạnh mở rộng và phát triển các dịch vụ thư viện hiện đại.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế đào tạo số 43/2007/QĐ-BGDĐT, 15-8-2007.
2. Bùi Thị Ánh Tuyết, Nhu cầu tin của người dùng tin và khả năng đáp ứng của Thư viện các trường Đại học ở Hà Nội: Luận văn thạc sĩ, Hà Nội, 2014.
3. Chính phủ, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, 2014.
4. Đoàn Phan Tân, Thông tin học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006.
Tác giả: Lâm Hoàng My – Đặng Xuân Trí – Trần Thị Thanh Tâm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng