Một số vấn đề về chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Việt Nam


Vấn đề chính sách dân tộc và hiệu quả của
chính sách dân tộc hiện nay đang là vấn đề hết
sức nhạy cảm và dành được nhiều sự quan tâm
của Đảng và Nhà nước. Trong đó, việc phát triển
kinh tế, xã hội vùng đồng bào các dân tộc ít
người, trong đó có người Khmer ở Nam Bộ, luôn
được ưu tiên chú trọng. Có thể nói, đây là nhiệm
vụ quan trọng, gắn liền với chiến lược phát triển
lâu dài vùng đồng bằng sông Cửu Long và là một
nhu cầu cấp bách trong bối cảnh kinh tế, xã hội
nước ta có nhiều chuyển biến phức tạp. Với các
phương pháp phân tích, tổng hợp và thống kê,
tác giả chỉ ra chính sách dân tộc và hiệu quả
chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở
Việt Nam hiện nay, góp phần xây dựng bức tranh
toàn diện về đồng bào và chỉ ra những giải pháp
nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách dân
tộc đối với dân tộc Khmer ở Nam Bộ.

1. Đặc điểm cơ bản về dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam

Một là, có sự chênh lệch về số dân giữa các tộc người. Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam là quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh có hơn 82 triệu người chiếm 85,3% dân số cả nước; 53 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,7 % dân số cả nước, cư trú chủ yếu ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới (1). Tỷ lệ số dân giữa các dân tộc cũng không đồng đều, có dân tộc với số dân lớn hơn 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông, Nùng), nhưng có dân tộc với số dân chỉ vài ba trăm người (Si la, Pu péo, Rơ măm, Brâu, Ơ đu…). Thực tế cho thấy, nếu một dân tộc chỉ có vài trăm người sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức cuộc sống, bảo tồn tiếng nói và văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển giống nòi. Do vậy, việc phát triển số dân hợp lý cho các DTTS, đặc biệt với các DTTS đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam có những chính sách quan tâm đặc biệt.

Hai là, cộng đồng các dân tộc Việt Nam chung sống đoàn kết, hòa hợp. Các dân tộc cư trú xen kẽ nhau, do có điều kiện sống khác nhau nên có trình độ phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều, nhưng không có sự phân chia lãnh thổ và chế độ xã hội riêng. Bởi lẽ, Việt Nam vốn là nơi chuyển cư của nhiều dân tộc khu vực Đông Nam Á, vì vậy đã tạo nên bản đồ cư trú của các dân tộc trở nên phát tán, xen kẽ. Không dân tộc nào ở Việt Nam cư trú tập trung và duy nhất trên một địa bàn. Đặc điểm này một mặt tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu hợp tác cùng phát triển; mặt khác, dễ nảy sinh mâu thuẫn, xung đột, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc phá hoại an ninh chính trị. Thêm nữa, có thể thấy trình độ phát triển kinh tế, xã hội của vùng, miền dân tộc không đồng đều, do địa bàn cư trú, phong tục tập quán, tâm lý, lối sống của các dân tộc khác nhau.

Ba là, các DTTS cư trú tại các địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Mặc dù chỉ chiếm 14,7% dân số, nhưng 53 DTTS Việt Nam lại cư trú trên 3/4 diện tích lãnh thổ và ở những vị trí trọng yếu. Nhiều đồng bào sống ở dọc tuyến biên giới phía Bắc, Tây và Tây Nam, có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Địa bàn này có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, quan trọng đó là hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước và bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Chính vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng trình độ dân trí thấp cùng với những khó khăn về đời sống của đồng bào và những sai sót của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để phá hoại truyền thống đoàn kết và thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, gây mất ổn định chính trị.

Bốn là, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú mà thống nhất. Mỗi dân tộc đều có những sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc được tạo nên từ những phong tục, tập quán, tâm lý, lối sống, tín ngưỡng tôn giáo mang tính đặc thù, cùng tồn tại và phát triển trong tính đa dạng và thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là văn hóa của đồng bào DTTS như văn hóa dân tộc Thái, Mông, Mường, Tày, Khmer, Ê đê…

Xuất phát từ đặc điểm cơ bản của dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách dân tộc, xem đó là vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn và toàn diện, gắn liền với các mục tiêu trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các chính sách dân tộc được cụ thể vào các vấn đề sau:

Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các DTTS, trọng tâm là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Giúp đồng bào các dân tộc khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, nhà ở tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt, nâng cấp cơ sở hạ tầng, định canh, định cư, xây dựng khu kinh tế mới ở khu vực biên giới, xóa nghèo nhanh và bền vững.

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, đẩy mạnh phát triển đảng viên; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp, vai trò tập hợp quần chúng của mặt trận và các đoàn thể. Kiên quyết khắc phục tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân, thực hiện tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng các DTTS, phát huy sức mạnh tại chỗ, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động lợi dụng dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm; thực hiện tốt chủ trương xây dựng phát triển các khu kinh tế – quốc phòng ở khu vực biên giới.

Thông qua các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xây dựng đời sống ở khu dân cư, xây dựng bản làng văn hóa.

2. Chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Việt Nam

Người Khmer ở Việt Nam

Ở Việt Nam, người Khmer sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, chủng Nam Á. Từ cuối TK VI đến đầu TK VII, một bộ phận cư dân người Khmer đã di chuyển từ phía Tây và Tây Bắc vào vùng đất Nam Bộ. Nhưng từ cuối TK XIII – XVI, dưới sức ép của xã hội phong kiến thời Ang Kor, những dòng di dân người Khmer nhập cư đã bị đẩy vào vùng đất Nam Bộ, định cư, lập nghiệp chủ yếu ở Tây Nam Bộ. Quá trình thích nghi và định cư, cộng cư với người Việt, Hoa, Chăm đã làm cho người Khmer Nam Bộ có những điểm khác biệt văn hóa so với người Khmer ở Campuchia (2).

Đồng bào Khmer Nam Bộ có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, với nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu có thể kể đến 2 lễ lớn trong năm là Tết Chol Chnam Thmay và Lễ hội Ok-ang Bok. Tín ngưỡng chính của người Khmer Nam Bộ là Phật giáo, hệ phái Nam Tông. Ngoài ra, một trong những di sản đặc sắc của văn hóa Khmer cũng chính là nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp. Người Khmer lớn lên được tu dưỡng trong tinh thần Phật pháp, học giáo lý Phật và học văn hóa tại chùa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành.

Hiệu quả chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Việt Nam

Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất nhiều đến việc phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào các dân tộc ít người, trong đó có người Khmer ở Nam Bộ. Sự quan tâm này được thể hiện thông qua hàng loạt các chỉ thị như: Chỉ thị số 117-CT/TƯ ngày 29-9-1981 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 122-CT ngày 12-5-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về Công tác đối với đồng bào Khmer, Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 10-1-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 19)… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đặc biệt, trong Chỉ thị 12CT/TW ngày 16-4-2014 của Bộ Chính trị, vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ được chỉ rõ: “Đồng bào Tây Nam Bộ nói chung, đồng bào Khmer và đồng bào Chăm nói riêng là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Phải thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước, phát huy tinh thần bình đẳng đoàn kết, tương thân tương ái giữa đồng bào các dân tộc trong vùng. Đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ để đồng bào các DTTS, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, đồng bào Chăm có điều kiện sản xuất và làm việc ngày càng ổn định, có kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất văn hóa ngày càng được cải thiện, nâng cao trình độ bản lĩnh và trình độ nhận thức của đồng bào làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình” (3). Nhờ có sự quan tâm, đầu tư kịp thời của Đảng và Nhà nước về phát triển cơ sở hạ tầng, mà các địa phương xây dựng được trường học các cấp, đào tạo nghề, thành lập các trạm y tế và xây dựng bệnh viện mới, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, đặc biệt là các chính sách xã hội cho các đối tượng nghèo khó dễ bị tổn thương. Vì vậy, vùng đồng bào Khmer ở các địa phương trên cả nước đã và đang tiếp tục phát triển mạnh trên các lĩnh vực của đời sống, bà con ngày càng có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không ngừng phấn đấu làm kinh tế gia đình, đưa đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày một đi lên.

Không dừng lại ở đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại nhằm phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách cụ thể như: năm 2008 tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra Nghị quyết số 26-NQTW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-Ttg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới đang được nhân rộng trên cả nước và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nước ta ngày một khang trang hơn, đời sống của người dân được cải thiện, trong đó có bà con người Khmer ở Nam Bộ. Vấn đề dân tộc cũng là một vấn đề được Đảng và nhà nước hết sức chú ý. Chỉ thị số 1971/CT-TTG năm 2010 về Tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi, tổng kết các chính sách, chương trình, dự án kết thúc năm 2010. Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, cho đối tượng là người DTTS, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án; chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Chỉ thị 49-CT/TW năm 2015 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS do Ban chấp hành Trung ương ban hành. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và các chiến lược về phát triển vùng đồng bào DTTS có tính khả thi cao. Rà soát, bổ sung và cân đối các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS. Chỉ thị 19 đã tạo ra một động lực mới để thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, trọng tâm là tăng nguồn lực đầu tư thực hiện các đề án phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc Khmer còn một số tồn tại, bất cập như: việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn chậm; một số chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer còn bất cập, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao, tái mù chữ có chiều hướng gia tăng; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khmer vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cơ sở hạ tầng, tư liệu sản xuất còn thiếu và yếu, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, nhất là nghề phi nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả cao, công tác chuyển đổi ngành nghề còn rất hạn chế, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và cuộc sống người dân trên nhiều phương diện, nhất là đối tượng nông dân nghèo (chủ yếu là người Khmer) là những người chịu tác động nhiều nhất. Qua nhiều năm thực hiện chính sách, nội dung đất ở cho hộ DTTS nghèo vẫn chưa giải quyết được triệt để. Qua rà soát, trong vùng hiện còn 9.322 hộ DTTS nghèo chưa có đất ở; 48.384 hộ thiếu đất sản xuất, trong đó có 7.026 hộ cần hỗ trợ về đất sản xuất, 37.671 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề, 3.687 hộ cần hỗ trợ học nghề, 2.078 hộ có đất sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, 73.339 lao động cần hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ, 2.480 lao động cần hỗ trợ giải quyết việc làm tại các địa phương khác; 11.959 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, 21.823 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nhu cầu hỗ trợ đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung để cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 30.000 hộ có khó khăn về nước sinh hoạt (4).

Giải pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Việt Nam

Để những chính sách dân tộc trong vùng đông bào Khmer được phát huy hiệu quả hơn nữa, Đảng và Nhà nước cần chú ý các vấn đề sau khi xây dựng và đề ra các chủ trương chính sách.

Trước tiên, cần tập trung vào các vấn đề đất đai, giải quyết nghèo đói, lao động việc làm và nâng cao dân trí cho người dân. Thực hiện những giải pháp này song song với nhau để vừa phát triển kinh tế và vừa thực thi tiến bộ, công bằng xã hội. Cần tập trung giải quyết những điểm nóng về đất đai, nghèo đói. Xây dựng và nhân rộng những mô hình xóa đói giảm nghèo, các cá nhân thành công về kinh tế, phát triển các nhà máy công nghiệp phù hợp với thực tiễn địa phương để giải quyết lao động việc làm tại chỗ, hạn chế di dân, cần có chính sách vay vốn hợp lý và hỗ trợ đất đai.

Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và đặc thù của người Khmer để thanh niên có điều kiện lập nghiệp và phát triển. Cần trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và thông tin để người dân Khmer vùng sâu vùng xa được tiếp cận. Cần có sự hướng nghiệp đúng với nhu cầu xã hội để sinh viên người Khmer ở các trường cao đẳng, đại học không rơi vào tình trạng thất nghiệp cao sau khi tốt nghiệp.

Hơn nữa, cần tập trung vào chính sách an sinh xã hội cho đồng bào Khmer. Đó là chính sách miễn giảm học phí, khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền cho các đối tượng xã hội, giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương,… Nâng cấp hệ thống bệnh viện và trường học để phục vụ nhu cầu người dân. Đào tạo và nâng cao trình độ, kiến thức quản lý cho cán bộ vùng đồng bào Khmer ở các tỉnh Nam Bộ, gắn với phát triển bền vững xã hội là các ngành học. Tăng cường đội ngũ cán bộ am tường về nông nghiệp, thú y, chăn nuôi, tin học và kinh tế về vùng đồng bào Khmer để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Cuối cùng, cần có cơ chế và chính sách, phương pháp để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng người Khmer, tầng lớp sư sãi để cùng với chính quyền tham gia phát triển kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội gắn với phát triển nông thôn. Đó chính là phát triển dựa vào nội lực bản thân cộng đồng, để cộng đồng là người tự giải quyết vấn đề của bản thân, tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Đây nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với chiến lược phát triển lâu dài vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một nhu cầu cấp bách trong bối cảnh kinh tế, xã hội nước ta có nhiều chuyển biến phức tạp, đặc biệt đối với vùng đồng bào Khmer.

_________________

1. Các dân tộc tại Việt Nam, wikipedia.org, cập nhật 28-04-2021.

2. Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM, Nhân học và cuộc sống, tập 1, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014, tr.48.

3. Võ Văn Sen (chủ biên), Một số vấn đề cấp bách trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2010, tr.31.

4. Tuệ Văn, Đề xuất chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long, baochinhphu.vn, 17-04-2019.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Vương Xuân Tình, Trần Hồng Hạnh, Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông Bắc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012

Tác giả: Ths Đặng Thị Kim Dung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *