Thanh Hóa hiện có 6 dân tộc thiểu số cùng
sinh sống, gồm: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao,
Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa
riêng biệt, phong phú và đa dạng được thể hiện
rõ nhất qua những nếp nhà sàn, phong tục tập
quán, trang phục, ngôn ngữ giao tiếp hay các
hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian… Thực tế
minh chứng, di sản văn hóa tạo ra sức hấp dẫn
vô cùng lớn cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa
là động cơ, là mục đích thôi thúc chuyến đi, là
môi trường tương tác và là những trải nghiệm
đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài
nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du
lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn
hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch
di sản, du lịch văn hóa… Vấn đề đặt ra hiện nay
là cần có những biện pháp kiểm soát thích đáng
để bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản
văn hóa trong phát triển du lịch
1. Những bản sắc văn hóa cần được giữ gìn và phát triển làm cơ sở cho sự phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng
Dân tộc Dao
Người Dao tại Thanh Hóa gồm có hai nhóm chính, đó là: Dao Quần Chẹt và Dao Đỏ, họ có mối quan hệ bền chặt với xóm giềng và anh em trong dòng họ. Người Dao có nhiều họ, nhưng phổ biến nhất là họ Bàn, Đặng, Triệu. Các dòng họ, chi họ thường có gia phả riêng và có hệ thống tên đệm để phân biệt giữa những người thuộc các thế hệ khác nhau.
Người Dao canh tác chủ yếu trên nương, rẫy, thổ canh hốc đá, ruộng. Cây lương thực chính là lúa, ngô và các loại rau màu khác. Nhóm Dao Đỏ có nghề làm giấy bản, giấy bản dùng để chép sách cúng, sách truyện, sách hát hay dùng cho các lễ cúng như viết sớ, tiền ma… Người Dao chủ yếu ăn cơm, tuy nhiên ở một số nơi lại ăn ngô hoặc ăn cháo nhiều hơn ăn cơm. Khi ăn xong người ta kiêng để đũa ngang miệng bát vì đó là dấu hiệu trong nhà có người chết. Đàn ông Dao thường để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn. Phụ nữ ăn mặc đa dạng hơn, nhiều màu sắc sặc sỡ, thường là áo dài yếm, váy hoặc quần. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà các gia đình người Dao ở nhà trệt, nhà sàn hay nửa nhà sàn, nửa đất. Khi muốn làm nhà mới phải xem tuổi các thành viên trong gia đình, nhất là tuổi của chủ nhà. Buổi tối, người ta đào một hố to bằng miệng bát, xếp một số gạo tượng trưng cho người, trâu bò, tiền bạc… rồi úp bát lên. Sáng hôm sau ra xem hố, các hạt gạo vẫn giữ nguyên là làm được.
Phong tục đặc biệt trong sinh đẻ của người Dao là phụ nữ đẻ ngồi ngay trong phòng ngủ, nhà có người ở cữ người ta treo cành lá xanh hay cài hoa chuối trước cửa nhà để làm dấu, không cho người lạ vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng tới sức khoẻ đứa trẻ. Ngày nay, khi muốn cưới nhau, các cô gái chàng trai Dao vẫn phải so tuổi, bói chân gà xem có hợp nhau không. Có tục chăng dây, hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái. Lúc đón dâu, cô dâu được cõng ra khỏi nhà gái và bước qua cái kéo mà thày cúng đã làm phép mới được phép vào nhà trai.
Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Bàn vương được coi là thủy tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống, đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc. Một nghi lễ vừa mang tính chất của Đạo giáo vừa mang những vết của lễ thành đinh xa xưa.
Dân tộc Khơ Mú
Người Khơ Mú cư trú ở vùng rừng núi cao, hoạt động kinh tế chủ yếu là canh tác nương rãy, du canh du cư, nên còn được gọi là “người Xá ăn lửa” để chỉ việc đốt nương, làm rãy đã trở thành tập quán sản xuất của người Khơ Mú. Ngoài trồng lúa, ngô họ còn trồng thêm bầu, bí, đậu và các loại cây có củ: sắn, khoai sọ… Phương thức canh tác lạc hậu, hái lượm và săn bắn được duy trì; chăn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ tín ngưỡng thờ cúng, ma chay, cưới hỏi, lễ tết và sinh hoạt gia đình; đan lát là nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của dân tộc Khơ Mú.
Người Khơ Mú vẫn còn vết tích tín ngưỡng tô tem (vật tổ) nguyên thủy, điều này được thể hiện ở tên dòng họ và các quy định trong dòng họ. Mỗi dòng họ mang tên một loài chim, thú hoặc cây cỏ nào đó trong rừng. Các dòng họ kiêng kỵ việc săn bắt, ăn thịt các loại chim, thú, chặt hái các loại cây thuộc dòng họ mình. Đồng bào quan niệm nếu ai vi phạm vào điều cấm kỵ đó sẽ bị thần linh trừng phạt.
Ngoài lễ cúng mường, người Khơ Mú còn có lễ cúng bản, đặc biệt là lễ cúng ma nhà trong dịp lễ, tết và khi con, cháu ốm đau. Bàn thờ ma nhà đặt trên gác bếp, còn ông, bà thờ một gian riêng, kín đáo và rất kiêng kỵ đối với người ngoài; về văn nghệ, làn điệu dân ca quen thuộc rất được nhiều ngời ưa thích là Tơm…
Dân tộc Mông
Người Mông ở Thanh Hóa chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa trên nương rẫy, các loại cây trồng chủ yếu: lúa, ngô, khoai, sắn, đậu tương… một số ít làm nghề thủ công, đan lát và nghề chăn nuôi với hình thức chăn thả. Trước đây, dân tộc Mông chăn nuôi chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã dần hình thành lối chăn nuôi và xuất thành hàng hóa trao đổi. Dân tộc Mông nổi tiếng với nghề rèn, đúc, đan lát, dệt vải và họ còn có thể khoan và tự làm nòng súng; nghề làm đồ trang sức như vòng đeo cổ, khuyên tai, nhẫn của người Mông cũng đạt đến mức kỹ thuật cao. Đi săn không những là thói quen mà còn là một nghề xưa nay của người Mông. Nghề đi săn phần nào giải quyết được vấn đề thực phẩm cho gia đình cũng như bảo vệ mùa màng khỏi sự tàn phá của thú rừng.
Ngoài các tổ chức hành chính, trong cộng đồng người Mông, người già, người có uy tín trong bản, làng có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng đạo đức xã hội cũng như giải quyết tất cả những việc liên quan đến bản, làng và dòng họ. Gia đình người Mông có truyền thống hòa thuận, yêu thương, ít có trường hợp vợ chồng ly dị, bỏ nhau. Trong dòng họ, ông trưởng họ là người quyết định tất cả mọi việc, là người đại diện cho tiếng nói của dòng họ hoặc một gia đình nào đó trong dòng họ khi có việc lớn.
Bố mẹ người Mông khá tiến bộ, họ không áp đặt việc cưới xin của con cái. Nếu ưng nhau, đôi trái gái tự tìm hiểu và đến một đêm đẹp trời, người con trai đến “bắt” người con gái về nhà mình, 3 ngày sau mới đem rượu, thịt đến nhà gái để làm lễ cưới lần một. Lễ cưới lần hai tùy theo điều kiện từng gia đình, nếu có điều kiện có thể cưới lần hai sau cưới lần một từ 1 đến 3 năm, nếu chưa có điều kiện có thể lâu hơn.
Văn học dân gian người Mông chủ yếu là những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gắn với dân ca có các nhạc cụ như kèn lá, sáo, đàn môi cùng với những điệu múa khèn, múa xoè làm say đắm lòng người. Trong năm, người Mông có ít ngày lễ, Tết. Ngoài Tết nguyên đán, dân tộc Mông có một số lễ như: lễ tết dành cho thày cúng của người Mông Đen, lễ cúng cơm mới.
Dân tộc Mường
Tuy không có chữ viết riêng, song người Mường ở Thanh Hóa có kho tàng văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc. Bên cạnh sử thi Đẻ đất, đẻ nước (Té tấc, té đạc) là các thể loại thơ ca tục ngữ, truyện dân gian, hát ru em, hát đố, đồng dao… Đặc biệt, lễ hội Pồn Poông của người Mường Thanh Hóa có thể nói vừa ấn tượng, sâu sắc, vừa phản ánh được tổng hòa các nét văn hóa đầy tính triết lý của cuộc sống.
Trang phục người Mường ngày nay cũng có sự biến đổi do sự di cư và giao thoa văn hóa với các dân tộc khác. Tuy nhiên những bản sắc riêng vẫn còn lưu giữ. Nam mặc áo xẻ ngực, cổ trần, hai túi dưới hoặc túi trên ngực trái. Nữ mặc yếm chui đầu, gấu lượn, khi mặc cho vào trong cạp váy và cao lên đến ngực. Trong dịp lễ Tết, chiếc áo dài xẻ ngực thường không cài, khoác ngoài bộ trang phục hằng ngày vừa trang trọng vừa khoe được hoa văn cạp váy kín đáo bên trong. Yếm áo này cơ bản giống áo yếm của phụ nữ Kinh, chỉ khác là ngắn hơn.
Dân tộc Thái
Từ xa xưa, người Thái có kinh nghiệm lập mường, lập bản dọc theo các con sông, suối thuận lợi cho nghề canh nông phát triển. Điều đó chứng tỏ, họ là những cư dân nông nghiệp canh tác cây lúa nước từ lâu đời. Tuy nhiên, lúa nếp luôn là lương thực chính trong các bữa ăn hằng ngày của người Thái. Ngoài trồng lúa, họ cũng trồng ngô, khoai, sắn, rau màu các loại… Nghề rừng, nghề dệt thủ công lâu nay đã tạo thêm nhiều nguồn lợi sống quan trọng cho người Thái.
Cũng như nhiều vùng khác, người Thái Thanh Hóa thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Vốn có chữ viết riêng rất sớm, nên người Thái Thanh Hóa đã lưu trữ được kho tàng văn hóa bao gồm nhiều truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ khá phong phú như: Xống trụ xôn xao, Khun lú, Nàng ửa, Khâm panh, chuyện tình Pha dua… Đặc biệt, trong đời sống tinh thần người Thái, bất cứ ở đâu cũng không thể thiếu: hát khặp, khua luống, ném còn. Những nét văn hóa đặc trưng của người Thái Thanh Hóa đến nay cơ bản vẫn còn được lưu giữ, phát huy ở nhiều khu vực làng bản, vùng cao Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước.
Dân tộc Thổ
Người Thổ sống chủ yếu dựa vào làm nương, rẫy và một số nhỏ làm ruộng nước. Dù làm ruộng hay làm nương thì trình độ canh tác của đồng bào đã phát triển khá cao, biểu hiện ở kỹ thuật làm đất, thâm canh cây trồng. Cây lương thực trồng chủ yếu là lúa, sắn và ngô.
Đàn ông Thổ mặc tương tự như người Việt với chiếc quần trắng cạp vấn, áo dài lương đen và đầu đội khăn nhiễu tím. Phụ nữ mặc chiếc váy ngắn đến đầu gối có cạp váy quấn ngang nách thay yếm, mặc chiếc áo dài năm thân có ống tay hẹp độ khăn vuông trắng bịt đầu. Nhìn chung trang phụ nữ Thổ là sản phẩm của pha tạp về kiểu dáng và hoa văn, ban đầu với người Mường, Thái, sau này với người Kinh. Ngày xưa, người Thổ ở nhà sàn được che xung quanh bằng lếp nứa hoặc gỗ. Ngày nay nhà ở của họ cũng đang trong quá trình chuyển từ nhà sàn sang nhà đất như của người Kinh.
Hôn lễ của người Thổ phải trải qua nhiều bước. Khi cưới, nhà trai phải dẫn sang nhà gái một con trâu, 100 đồng bạc trắng, 30 vuông vải, 6 thúng xôi, một con lợn. Nhiều vùng còn có tục ở rể. Đặc biệt còn có tục ngủ mái, ngủ thăm.
2. Vai trò của văn hóa với phát triển du lịch
Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, đây được xem là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động thu thập, nghiên cứu di sản, bảo vệ, tu sửa, tôn tạo… bên cạnh những yêu cầu về kinh nghiệm, về đội ngũ, trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hóa. Do đó, nguồn thu từ du lịch sẽ là đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo tồn của chính những giá trị văn hóa.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hóa cao, vì vậy hoạt động phát triển du lịch có thể thu hút và cần được sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội. Đây được xem là một trong những điểm mạnh của du lịch so với các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy, một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho phát triển du lịch bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng động đồng, trong đó các giá trị truyền thống và vai trò của cộng đồng được phát huy đầy đủ nhất.
3. Một số giải pháp giữ gìn các bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch
Để thực hiện tốt chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại Thanh Hóa, có thể thực hiện tốt một số điều sau:
Khai thác có hiệu quả các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch
Hiện nay, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Thanh Hóa là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn tới cần phải ưu tiên khai thác các di sản văn hóa đặc biệt của các dân tộc ít người. Vấn đề là cần có quy hoạch và đầu tư hợp lý để biến những giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch.
Phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với phát triển cộng đồng
Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, thậm chí, cộng đồng còn chính là linh hồn, là tâm điểm của disản. Chính vì vậy, phát triển du lịch di sản không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản và lợi ích có được từ du lịch di sản phải được chia sẻ với cộng đồng. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ.
Bên cạnh ý nghĩa trên, phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng sẽ còn khai thác được những giá trị văn hóa bản địa, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch của điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.
Phát triển du lịch văn hóa, phải gắn với phát triển du lịch quốc gia và khu vực
Để phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới, hoạt động xúc tiến du lịch văn hóa thông qua sự hợp tác với các nước trong khu vực sẽ có ý nghĩa quan trọng. Để các ý tưởng gắn kết du lịch di sản văn hóa thành hiện thực, cần thiết phải có liên kết phát triển du lịch giữa các vùng du lịch; giữa du lịch Thanh Hóa với các nước trong khu vực thông qua một số chương trình giao lưu văn hóa cụ thể. Việc quảng bá và phát triển các chương trình này chính là phương thức phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở Thanh Hóa.
Phát triển nguồn nhân lực
Dựa vào thực trạng và nhu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng mà đưa ra kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm và trình độ phù hợp là việc làm đặc biệt quan trọng. Để chương trình đào tạo thu được kết quả tốt, phải có sự liên kết của nhiều tổ chức như: sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn và các tổ chức phi chính phủ, cơ sở đào tạo, công ty lữ hành… Nội dung chương trình đào tạo nhân lực cần có ba phần: kỹ năng cơ bản (giao tiếp, ứng xử,…); nghiệp vụ chuyên ngành (nghiệp vụ buồng, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ hướng dẫn, nghiệp vụ đón tiếp khách, nghiệp vụ chế biến món ăn…); cuối cùng là ngoại ngữ, trong đó ưu tiên tiếng Anh và tiếng Pháp.
Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương
Cần có sự hỗ trợ vật chất từ thu nhập du lịch để cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng được tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch. Điều này sẽ góp phần hạn chế đáng kể “sức ép” của cộng đồng lên các giá trị di sản văn hóa, đồng thời sẽ khuyến khích họ trở thành chủ nhân thực sự đóng góp vào nỗ lực chung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở địa phương.
Khai thác kết hợp với bảo tồn tài nguyên du lịch
Du lịch phát triển mạnh, số lượng khách du lịch tăng lên, trong khi không có kế hoạch bảo vệ tài nguyên sẽ để lại hậu quả khó lường. Để tránh tình trạng này xảy ra cần phải thực hiện một số biện pháp: Cấm chặt phá rừng bừa bãi, cấm săn bắt động thực vật quý hiếm. Thực hiện trồng rừng và quản lý rừng; Bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn nước, tránh xả rác và các chất thải sinh hoạt, sản xuất ra suối, ao, hồ; Xem xét, nghiên cứu, thực thi và tôn trọng sức chứa của vùng và từ đó đưa ra kế hoạch đón khách phù hợp nhằm phát triển bền vững. Sức chứa tối đa nên là 2 khách/1 người dân; Giáo dục khách du lịch và cộng đồng ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường. Chương trình tuyên truyền giáo dục phải được thực hiện liên tục, có hệ thống đến từng nhà, từng người; Nghiên cứu, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…; Phục dựng các ngôi nhà sàn cổ của các dân tộc với vật liệu phù hợp cảnh quan, môi trường; Khôi phục lại các sinh hoạt văn nghệ truyền thống hằng ngày, các lời ca, điệu múa cổ của các dân tộc; Sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; Giáo dục cộng đồng địa phương có ý thức xây dựng và giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc mình; Giáo dục du khách tôn trọng văn hóa truyền thống của cộng đồng.
4. Kết luận
Du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch cộng đồng hiện nay đang là những loại hình du lịch được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn khi đến với Thanh Hóa, đặc biệt là các điểm du lịch tại các huyện miền núi phía Tây, bởi nơi đây có sự đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người, có thế mạnh về những loại hình du lịch văn hóa cộng đồng. Đây là hình thức du lịch rất tiềm năng, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, nhất thiết phải bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, không để du lịch làm mất đi bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Nhận thức được giá trị và cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa, chúng ta sẽ có định hướng đúng đắn nhằm quy hoạch một cách phù hợp trên nguyên tắc vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được các nhu cầu của du khách. Việc làm đó vừa phát huy được những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần phát triển du lịch, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
Tác giả: Lê Bá Thành
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng