Để văn hóa luôn là hồn cốt, nền tảng tinh thần và sức mạnh nội sinh của dân tộc


(Lược ghi ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận buổi làm việc của Đoàn công tác của Quốc hội tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 1-9-2020)

Qua nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý kiến phát biểu của các đồng chí trong Đoàn công tác và ý kiến giải trình của Bộ, Đoàn công tác của Quốc hội nhận thấy:

Trong 5 năm qua (2016-2020), nhất là năm 2020, khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, về nguồn lực và những tác động của môi trường, dịch bệnh nhưng ngành đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng văn hóa một cách toàn diện, ở mọi cấp độ, lĩnh vực, từ trung ương đến cơ sở. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cả về văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất, văn hóa cộng đồng và văn hóa gia đình; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, mỹ thuật, hội nhập quốc tế đều gặt hái được thành tựu đáng khích lệ, được nhân dân ghi nhận. Vì vậy, có thể nói, các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Văn hóa đều cơ bản đạt được.

Trên lĩnh vực thể dục – thể thao, bao gồm cả thể thao thành tích cao và thể dục, thể thao quần chúng, đều đạt được những kết quả ấn tượng, nhất là thể thao thành tích cao đã đạt được kết quả, thành tích ở cấp độ khu vực, châu lục và thế giới. Việt Nam luôn duy trì vị thế top 3 quốc gia dẫn đầu trong các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng trong các tầng lớp nhân dân, trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đều được đẩy mạnh và phát triển sâu rộng. Niềm tự hào dân tộc đã được thể thao nâng lên một tầm mới chưa từng có trong những năm qua.

Trên lĩnh vực du lịch, 5 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Du lịch đã phát triển rất nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng bình quân 2016 – 2019 là 15%/năm, đóng góp khoảng 10% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 4 triệu lao động. Số lượng khách quốc tế đã tăng gần 4 lần so với năm 2010, khách trong nước tăng liên tục qua các năm. Với các sản phẩm du lịch rất đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao dựa trên lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu văn hóa, cuộc sống sôi động, giá cả hợp lý, Việt Nam luôn được lựa chọn là điểm đến hàng đầu của nhiều du khách quốc tế.

Mặc dù năm 2020 do đại dịch COVID-19, do thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội phòng, chống dịch nên dù lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng về tổng thể, hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch vẫn đạt được những thành tựu khả quan, được đánh giá cao trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở nước ta được kiểm soát tốt.

Trong lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chấp hành tốt các quy định trong quản lý và sử dụng ngân sách, qua kiểm toán, thanh tra, không phát hiện các sai sót lớn, cơ bản thực hiện tốt kỷ luật tài chính.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển phát biểu tại

buổi làm việc với Bộ VHTTDL ngày 1-9-2020 – Ảnh tư liệu

Bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như trong báo cáo của Bộ đã nêu, cũng như ý kiến phát biểu của các đồng chí trong Đoàn công tác, tôi xin không nhắc lại và cũng đồng tình với các nguyên nhân của các hạn chế đã được chỉ ra. Theo tôi, vấn đề tồn tại, hạn chế lớn nhất của văn hóa chính là tình trạng vi phạm chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong xã hội. Văn hóa nghệ thuật gặt hái được nhiều quả ngọt, nhưng cũng không ít trái đắng. Thể dục thể thao cũng có những hạn chế nhất định. Trong lĩnh vực du lịch là vấn đề sản phẩm và chất lượng du lịch. Nguyên nhân chủ yếu, bao trùm là do trình độ phát triển kinh tế của đất nước, khi cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, do những mặt trái của kinh tế thị trường chậm được khắc phục. Như một nhà hiền triết đã nói: “khi đồng tiền là chúa tể thì thị trường là nhà nguyện”. Theo đó, cũng có thể suy ra “khi các ca từ của bài thánh ca ca ngợi đồng tiền, thì dàn đồng ca sẽ hát theo sự chỉ huy của quy luật giá trị”. Đó là sự méo mó do mặt trái của kinh tế thị trường đem lại mà chúng ta phải ngăn chặn, điều chỉnh và hạn chế nó bằng sức mạnh văn hóa, bằng giá trị văn hóa của cộng đồng, của dân tộc và sự quản lý của nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngành văn hóa là lực lượng chủ lực, đóng vai trò nòng cốt. Tất nhiên cũng không nên đổ tội tất cả cho kinh tế thị trường. Có những vấn đề thuộc về ý thức, nhận thức, về chủ quan của chúng ta chưa đi trước, chưa mạnh mẽ và quyết tâm cao.

Vậy mục tiêu tới của chúng ta là gì? Quan điểm, giải pháp thế nào trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới và đến 2045. Mục tiêu tổng quát đã được nêu trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trước đó, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có các nghị quyết, kết luận về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tôi xin không nhắc lại. Nhưng theo tôi thì: mục tiêu chính của ngành văn hóa là phải giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam. Lấy xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. “Phải chăng, chúng ta phải giữ cho được bản chất con người Việt Nam đồng thời phấn đấu có năng lực trình độ là công dân toàn cầu”. Giữ cho được bảy giá trị tinh thần của con người Việt Nam như giáo sư Trần Văn Giàu đã chỉ ra: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người và vì nghĩa”. Tôi thiển nghĩ, phải chăng đây cũng là hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam.

Chúng ta cần phấn đấu đưa thể dục, thể thao lên ngang tầm châu lục, có một số môn đạt tầm cỡ thế giới bằng cách dần khắc phục những hạn chế về thể lực, sức vóc, sức dẻo dai của con người Việt Nam. Tiếp tục phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng du lịch, sản phẩm du lịch và tỷ trọng du lịch trong nền kinh tế từ 10% hiện nay lên ít nhất 20% GDP trong 10 năm tới.

Muốn vậy, quan điểm bao trùm là phải thật sự coi trọng văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng, một trong những nguồn lực quan trọng của sự phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Thậm chí, văn hóa phải đi trước, phải kết hợp văn hóa với kinh tế vì văn hóa mang nội hàm rất rộng, là đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một cộng đồng, một xã hội, một dân tộc. Ngoài văn học nghệ thuật, văn hóa còn bao hàm cả hệ thống giá trị, truyền thống, đức tin, tâm hồn, tình cảm, cách sống và phương thức sống của con người Việt Nam. Nếu văn hóa tụt hậu thì đừng nói đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội, giữ vững được quốc phòng, an ninh.

Chúng tôi đồng tình với các giải pháp mà Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đề ra và xin nhấn mạnh mấy ý sau:

– Phải xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, từ luật đến các nghị quyết của Quốc hội. Đây không chỉ là hành lang pháp lý mà còn tạo điểm tỳ pháp lý cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và Bộ cần sớm đề xuất để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, giai đoạn 2021 – 2025.

– Phải thay đổi tư duy, nhận thức, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, thể thao và kinh tế du lịch trong cộng đồng, các tầng lớp nhân dân và cả trong hệ thống chính trị.

– Phải chú trọng đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch bằng các nguồn lực tổng hợp, bao gồm ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ của nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức và gia đình nhưng nguồn lực từ NSNN là rất quan trọng. Từng bước điều chỉnh các quy định về tiêu chí, định mức chi cho văn hóa, thể thao gắn với xác định chế độ lương, thưởng, chế độ bảo hiểm đặc thù cho ngành văn hóa, thể thao đối với huấn luyện viên, vận động viên, các văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực truyển thống có trình độ cao. Rất cần sự tham mưu cụ thể của Bộ trong chuyển đổi cơ chế, đổi mới về chính sách tài chính, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao.

– Phải thực sự coi văn hóa, thể thao là một ngành kinh tế, ngành dịch vụ, tiến tới xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa, thể thao, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch… Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa và kinh tế để tạo nên một nền kinh tế tri thức, dựa trên nguồn tài nguyên tri thức chứ không chỉ vào tiền, vốn và tài nguyên khác. Bước đầu hình thành thị trường văn hóa gắn với chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa.

– Phấn đấu làm tốt công tác quy hoạch văn hóa, thể thao và du lịch để từ đó tổ chức lại, cơ cấu lại, bố trí lại nội bộ ngành. Xác định rõ những lĩnh vực nào có thể chuyển sang cơ chế thị trường, lĩnh vực nào thì do Nhà nước đặt hàng, bảo đảm bằng ngân sách, Ví dụ như nghệ thuật tuồng, chèo, dàn nhạc giao hưởng, thính phòng, opera, ba-lê,… Cần hết sức chú ý đến văn hóa, thể thao cơ sở, cũng phải kết hợp giữa xã hội hóa và đầu tư của ngân sách song phải chống lãng phí, chống cách làm theo phong trào. Như trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vừa qua, đã thấy có hiện tượng một số nhà văn hóa thôn, xã ít hoặc không được sử dụng, gây lãng phí không ít tiền của.

– Phải “có xây, có chống”, tiếp tục đầu tư xây dựng các sản phẩm văn hóa, thể thao và du lịch do người Việt Nam sáng tạo ra, do người Việt Nam tổ chức thực hiện, mang thương hiệu Việt Nam, mang văn hóa Việt Nam; cố gắng chống sự xâm lăng văn hóa, sự lai căng sống sượng, thiếu văn hóa ở bên ngoài. Văn học nghệ thuật là phản ánh thời cuộc nhưng cũng đừng đem tất cả đống rác của xã hội “tiền, tài, tình, tù, tự tử, đâm chém…” vào văn đàn, sách báo, phim ảnh để mọi người phải hứng chịu. Phải tăng cường khâu quản lý, kiểm duyệt trước khi đưa ra công chúng. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, trồng cây nào, chăm sóc nó thế nào thì chúng ta sẽ hưởng quả đó. Nói thật, nhiều vụ án nghiêm trọng, những hành động vô văn hóa, học tập thói xấu của lớp trẻ vừa qua có phần nào chịu ảnh hưởng từ phim ảnh, sách báo.

– Thực hiện phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành, giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch từ Trung ương đến địa phương đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt.

Đoàn công tác của Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và giao cho các cơ quan tương ứng của Quốc hội nghiên cứu để đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội.

Khi có dịp đi thăm và làm việc với một số nước bạn, tôi thấy họ không khoe giàu, thu nhập bình quân đầu người là bao nhiêu, mà họ khoe các thiết chế văn hóa, thư viện, bảo tàng, các tác phẩm nghệ thuật, văn học, các giải thi đấu thể thao và các vận động viên, nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng. Tôi kể lại như vậy để thấy xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị, để văn hóa luôn là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tác giả: Trần Văn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *