Sức nóng của Xưởng văn hóa


Xưởng Văn hóa (Culture Lab) là một sáng kiến hỗ
trợ các nghệ sĩ và nghệ thuật của Viện Goethe tại
Việt Nam, ra đời trong cuộc khủng hoảng đại dịch
COVID-19. Thông qua Xưởng Văn hóa, Viện Goethe
khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo, đưa ra những ý
tưởng nghệ thuật mới, đồng thời hỗ trợ, giới thiệu
tác phẩm đến với công chúng, giúp người làm nghệ
thuật và công chúng yêu nghệ thuật đến gần nhau
hơn. Các sự kiện của Xưởng Văn hóa diễn ra từ tháng
7 tới tháng 12-2020 luôn trong tình trạng cháy vé
đăng ký là minh chứng cho thấy đại dịch COVID-19
có thể khiến nhiều sự kiện phải đóng băng nhưng
không thể ngăn được sức nóng lan tỏa của các hoạt
động nghệ thuật, giao lưu văn hóa tại Xưởng văn hóa.

1. Ý tưởng ra đời Xưởng Văn hóa

Viện Goethe đã thành lập Xưởng Văn hóa vào tháng 6-2020, do chị Đặng Thu Hà làm điều phối viên. Đây là một sáng kiến của Viện Goethe tại Hà Nội nhằm cung cấp cho các nghệ sĩ một không gian nghệ thuật để giới thiệu các ý tưởng và ý niệm mới tới công chúng, dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Dự án Xưởng Văn hóa được thực hiện dưới dạng kêu gọi mở (open call) dành cho các dự án nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực trình diễn đa phương tiện, âm nhạc và múa, diễn ra vào tối thứ hai hằng tuần, từ tháng 7 đến tháng 12-2020. Các dự án được Viện Goethe hỗ trợ địa điểm biểu diễn, chi phí sản xuất, kỹ thuật, truyền thông, sắp đặt và tổ chức. Viện Goethe không chỉ hỗ trợ các ý tưởng mới mà còn góp phần gắn kết các nghệ sĩ, những người làm văn hóa với cộng đồng yêu văn hóa, nghệ thuật. Các ý tưởng hòa nhạc, trình diễn, thảo luận của các nghệ sĩ và những người làm văn hóa tại Hà Nội luôn được chào đón tại đây. Thực tế, nhiều ý tưởng mới đã ra đời trong giai đoạn giãn cách xã hội. Vào 6 tháng cuối năm 2020, khi đại dịch đã phần nào được kiểm soát, cuộc sống trở lại với trạng thái bình thường mới, thì cũng chính là lúc những thử nghiệm mới mẻ được thăng hoa.

Thư viện trở thành nơi trình diễn của nhóm Baroque (tiền cổ điển) – Ảnh: Liên Hương

Cho đến nay, Xưởng Văn hóa đã hỗ trợ hơn 20 sự kiện văn hóa nghệ thuật… đến được với công chúng. Đồng thời hỗ trợ một nhóm tứ tấu nhạc thính phòng mới – Glanz String Quartet, cung cấp các phòng tập cho ban nhạc mới thành lập Brass Community…

Khán giả tham dự chương trình bằng hình thức đăng ký trực tuyến. Các buổi biểu diễn đều miễn phí vé vào cửa và yêu cầu khán giả sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, đảm bảo sự giãn cách. Số lượng khán giả tham gia vào từng chương trình phụ thuộc vào quy định hiện hành của nhà nước và phụ thuộc vào hình thức sắp đặt sân khấu.

2. Một số sự kiện ấn tượng

Sân khấu

Vào tháng 7, nhóm kịch Những quả nho thối đã có một đêm trình diễn hài kịch ứng tác khá mới mẻ, thu hút cả người diễn lẫn người xem vì tính chất “chỉ một lần duy nhất”. Các diễn viên không hề có sự chuẩn bị trước, chỉ bằng những gợi ý ngẫu hứng từ khán giả đã tạo nên những cảnh diễn thông minh, dí dỏm. Vở diễn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật sân khấu những trải nghiệm hài kịch độc đáo và có tính tương tác cao. Dù không dựa vào kịch bản, không có đạo cụ, thậm chí không có trang phục diễn hỗ trợ, nhóm Những quả nho thối vẫn mang lại yếu tố bất ngờ trong từng cảnh diễn, thể hiện khả năng thích ứng nhanh và nguồn năng lượng nghệ thuật sung mãn của các nghệ sĩ.

Ấn tượng hơn cả là dự án sân khấu Happy at Home – chương trình hợp tác giữa Viện Goethe và Nhà hát Tuổi trẻ diễn ra vào ngày 10-8-2020, tại 4 không gian của Viện Goethe với chủ đề rất thời sự: cuộc sống của con người trong thời đại dịch. Ngôi nhà của chúng ta đang thay đổi thế nào? Điều gì đang diễn ra dưới áp lực của đại dịch và với van áp suất của mạng internet? Chúng ta đối diện với cuộc khủng hoảng này như thế nào và mạng internet có ý nghĩa ra sao là chủ đề mà 4 vở kịch xoay quanh. Dự án mang đến hướng đi mới cho sân khấu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng mang thông điệp đánh thức mối quan tâm, sự chia sẻ của những thành viên ở mỗi gia đình trong mùa COVID-19, song 4 vở kịch của 4 biên kịch nữ lại mang những màu sắc khác nhau.

Đối thoại xanh của tác giả Maik Cây là hình ảnh của 4 thế hệ phụ nữ trong một gia đình, ở góc hiểu khác là 4 giai đoạn khác nhau của người phụ nữ với những suy nghĩ đặc trưng của lứa tuổi mà chỉ trong khoảng thời gian sống chậm mới bộc lộ ra để thấu hiểu nhau hơn. Tầng tum của Hoàng Trang và Trên trời cao bầy chim đang hót của Nguyễn Mỹ Linh là những câu chuyện khi dịch bệnh đến, con người đối diện với quãng thời gian tưởng như vô nghĩa, song kỳ thực chính lúc ấy người ta mới có thời gian nhận ra nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Tầng tum kể về câu chuyện một gia đình có cô con gái trẻ trước đây chỉ coi nhà là nơi để về ngủ, vì COVID-19 mới ở nhà. Rồi một ngày, cô nhớ ra căn phòng tầng tum có view đẹp bao năm bị bỏ hoang và quyết xắn tay cải tạo thành không gian ấm cúng cho cả gia đình. Trên trời cao bầy chim vẫn hót là cuộc đối thoại giữa mẹ và con gái trong một ngày giãn cách xã hội. Dịch bệnh đến, cô con gái phải đối diện với quãng thời gian dài vô tận khi chỉ được quanh quẩn ở nhà với mẹ, nhưng cô bắt đầu nghe thấy tiếng chim hót, phát hiện ra chậu hoa cô mua cho mẹ từ lâu vẫn được mẹ chăm sóc tươi tốt. Còn cô lâu nay chỉ mải mê chạy theo lối sống ton hót, xu nịnh ở văn phòng để tìm kiếm thành công. Câu chuyện hài hước Hạnh phúc giản đơn của nữ tác giả Huệ Ninh khiến ta nhận ra rằng tiền rất cần nhưng tình yêu trong cuộc sống những lúc dịch bệnh còn cần hơn. Những vở kịch ngắn như những lát cắt của hiện thực cuộc sống, khiến mỗi khán giả có thể tìm thấy chính mình đâu đó trong vở diễn.

 “Vì dịch bệnh, vì COVID, chúng tôi đã phải set up 4 địa điểm biểu diễn khác nhau. Ở đây, chúng tôi diễn ở tầng tum của phòng đa năng, thư viện, nhà bếp và khoảng vườn tại Viện Goethe. Mỗi địa điểm ấy, chúng tôi giới hạn là dưới 25 khán giả. Như vậy, 4 địa điểm khác nhau, chúng tôi có tối đa khoảng 100 khán giả. Mỗi vở có khoảng 10 phút để diễn. Sau đó khán giả sẽ di chuyển từ sân khấu này sang sân khấu khác và tất cả 4 sân khấu cùng đồng loạt di chuyển như hành khách đi 4 tuyến xe buýt khác nhau. Như vậy, diễn viên của chúng tôi sẽ phải diễn 4 lần trong một buổi tối”- Chia sẻ của NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tại đêm diễn ngày 10-8-2020. Như vậy, đêm diễn đó, người xem được trải nghiệm theo tour qua 4 sân khấu để cảm nhận thông điệp từ những màn kịch, màn trình diễn rất gần gũi. Việc thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của ngành y tế giúp khán giả vẫn có thể xem kịch… giãn cách. Đó cũng là một cách thưởng thức nghệ thuật thú vị, phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay. Các nghệ sĩ đã mang đến một không gian kịch nghệ thuật gần gũi nhất với khán giả, sân khấu tối giản, tận dụng mọi không gian trong Viện Goethe để thể hiện những câu chuyện mang tính nhân văn, đánh thức mối quan tâm, sự sẻ chia trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng khi dịch bệnh xuất hiện.

Âm nhạc

Đêm nhạc hòa tấu thính phòng viola và piano với chủ đề về tình yêu được trình diễn bởi 2 nữ nghệ sĩ trẻ: Trà My và Ngọc Hà với các tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc: J.S.Bach, Max Bruch, Christian Sinding, Sergei Rachmaninoff và Cecil Forsyth. Điểm nhấn của buổi hòa nhạc là các tác phẩm được chọn lựa từ tuyển tập Swan songs của Schubert. Chương trình diễn ra vào ngày 3-8, khi đợt dịch thứ hai tái bùng phát. Chính vì vậy, số lượng khán giả giới hạn không quá 30 người, mỗi người ngồi cách nhau 1m, cùng với việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt trước khi vào thính phòng. Chương trình được phát live stream trên facebook để đông đảo khán thính giả được đón xem.

Vào ngày 31-8, khán giả Thủ đô được thưởng thức một chương trình hòa nhạc tứ tấu đặc biệt do nhóm Glanz String Quartet thể hiện nhằm giới thiệu tới thính giả 2 thế giới âm nhạc khác biệt: cảnh đồng quê của nước Mỹ cuối TK XIX qua nét phác họa bằng âm nhạc của nhạc sĩ người Cộng hòa Séc – Antonin Dvořák; và một bức tranh hiện đại đầu TK XX, với sự hòa trộn giữa các yếu tố dân gian của Hungary và các kỹ thuật sáng tác mới. Bản tứ tấu gồm 4 chương, mỗi chương có những âm hưởng riêng lấy từ âm nhạc dân gian và thiên nhiên Mỹ. Tứ tấu dây Glanz String Quartet do bốn nghệ sĩ: Hojin Kim, Nguyễn Mỹ Hương, Patcharaphan và Phan Đỗ Phúc thể hiện.

Vào ngày 15, 16-11-2020, khán giả được tham gia một hành trình âm nhạc đặc biệt: Evolution – Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc. Buổi hòa nhạc diễn ra tại bốn không gian khác nhau của Viện Goethe: phòng đa năng, thư viện, quán café và phòng học. Các nghệ sĩ từ Maestoso (một tổ chức hòa nhạc cổ điển) cùng các giảng viên tại Trung tâm đào tạo và Phát triển âm nhạc Inspirito hợp tác biểu diễn. Khán giả đã được tham gia vào hành trình của ký ức từ kỷ nguyên âm nhạc này tới kỷ nguyên âm nhạc khác, cùng thưởng thức phong cách âm nhạc riêng biệt ở mỗi thời kỳ tại những không gian khác nhau. Phòng đa năng là địa điểm diễn của nhóm lãng mạn. Phòng thư viện là địa điểm diễn của nhóm Baroque (tiền cổ điển). Nhóm cổ điển diễn tại một phòng học. Nhóm hiện đại diễn tại không gian quán cafe. Đặc biệt, các nghệ sĩ tham gia đều là những nghệ sĩ trẻ tài năng như: nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc (sinh năm 1990, tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ biểu diễn Cello tại Đại học Stony Brook, Mỹ); nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh (sinh năm 1993, tốt nghiệp đại học và cao học tại Nhạc viện Hoàng gia Lìege, Bỉ và chương trình nâng cao tại Học viện Âm nhạc Malmo, Thụy Điển); nghệ sĩ piano và soạn nhạc: Phó Đức Hoàng (sinh năm 1990 được ví là viên ngọc sáng của nhạc cổ điển Việt Nam, đang là nghiên cứu sinh ngành sáng tác và là trợ giảng tại Nhạc viện Boston, Mỹ)…

Múa đương đại và trình diễn nhạc

Cái tổ ra đời trong bối cảnh loài người phải học cách chấp nhận mọi kế hoạch đều có thể phải thay đổi vì đại dịch. Không còn những giao thương xuyên lục địa, thế giới to lớn bỗng thu nhỏ lại trong một ngôi nhà. Chúng ta buộc phải sống chậm, giảm bớt sự bận rộn để ở bên nhau, hồi hộp chờ điều kỳ diệu xảy ra. Buổi diễn múa đương đại ngày 19-10 thực hiện bởi biên đạo múa, diễn viên Vũ Ngọc Khải, kết hợp với trình diễn viola Trần Thị Ngọc Thủy, trình diễn nhạc điện tử Trí Minh, đã mang đến cho khán giả một lát cắt về khát vọng tìm kiếm chốn an trú của mỗi con người, mỗi gia đình trong hành trình sống hài hòa với sự biến đổi khôn lường của thế giới hiện đại.

Vào ngày 30-11, trình diễn múa L’ego: những mảnh ghép của khoảnh khắc là màn trình diễn đồng sáng tạo giữa múa đương đại, hip hop, theatre jazz. Giống như miếng ghép hình L’ego, mỗi cá nhân mang vẻ đẹp riêng. Khi các cá nhân gặp nhau giống như những mảnh ghép riêng lẻ ghép vào nhau, tạo nên một bức tranh đa màu sắc. Buổi trình diễn là sự tổng hòa những câu chuyện riêng của từng cá nhân, những rung động tinh tế, những mối giao cảm, đan dệt nên những câu chuyện chung, những sắc màu đa dạng của cuộc sống. Sân khấu của vở diễn ứng tác và biến hóa theo từng địa điểm trình diễn. Khán giả bị cuốn theo những chuyển động, dẫn dắt của diễn viên, bị cuốn hút, rồi di chuyển theo các hướng, từ vị trí cổng, hành lang của Viện Goethe tới trung tâm của sân khấu chính – vị trí sân vườn.

Trình diễn đa phương tiện

Trình diễn nhạc điện tử và sắp đặt video Sinh cảnh được thực hiện bởi nhạc sĩ và nghệ sĩ trình diễn Nhung Nguyễn và nhóm nhạc Ngầm (Đỗ Nguyễn Hoàng Vũ, Hà Đăng Tùng, Hồ Trâm Anh, Cao Lê Hoàng). Sinh cảnh được thai nghén trong bối cảnh dịch bệnh và cách ly xã hội, cảm hứng được khơi gợi từ việc giãn cách xã hội đã thay đổi cách làm việc và thực hành âm nhạc của các nghệ sĩ. Với bối cảnh thử thách đó, Sinh cảnh là cơ hội để các nghệ sĩ phản ánh sinh động đời sống nghệ thuật và các phương thức biểu đạt cá nhân vượt lên trước thách thức của đô thị ở thời hậu hiện đại và khoảng cách không thể tránh khỏi giữa người với người. Với Sinh cảnh, mỗi nghệ sĩ được đặt ở một góc riêng biệt trong một không gian khép kín, vị trí của họ tương ứng với sự sắp đặt ánh sáng và nghệ thuật thị giác. Các sáng tác gợi mở không gian, được hỗ trợ bởi nghệ thuật thị giác sử dụng công nghệ visual mapping. Các hình đồ họa được chiếu lên, hô ứng mô phỏng chuyển động và bối cảnh xung quanh của nghệ sĩ trong thời gian thực. Nghệ thuật thị giác được tạo ra khi ánh sáng chiếu xuống sàn của phòng diễn, trong khi các đèn khác trong phòng được tắt đi (trừ các đèn rọi trực tiếp xuống từng nghệ sĩ), để tối đa hóa và tập trung trải nghiệm âm thanh – hình ảnh của khán giả trong thế giới nghệ thuật kỳ ảo.

Kết thúc chuỗi sự kiện của Xưởng Văn hóa năm 2020 là buổi hòa nhạc và sắp đặt thị giác Đại tượng do nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, Ngô Thu Hương, nghệ sĩ violin Nguyễn Ngọc Đức, nghệ sĩ piano Trần Thu Thảo, nghệ sĩ cello Bùi Hà Miên thực hiện nhằm truy vấn những ý niệm phổ quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam trong dòng chảy của ý thức hệ phong kiến.

3. Ý nghĩa của chuỗi sự kiện

Xưởng Văn hóa 2020 là nơi các nghệ sĩ được khuyến khích thể hiện, phát triển những ý tưởng nghệ thuật mới và giới thiệu tác phẩm của họ tới công chúng. Đặt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, vừa chấp hành nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội của Nhà nước, các chỉ thị phòng chống dịch của ngành Y tế, vừa phát triển nghệ thuật, đây thực sự là một thách thức đối với các nghệ sĩ, cũng như ban tổ chức khi tổ chức chuỗi sự kiện này. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tất cả nghệ sĩ, khán giá cùng có những trải nghiệm mới. Có thể ví đây như những sự kiện nghệ thuật phi sân khấu bởi mọi không gian của Viện Goethe được sử dụng một cách tối đa. Có lúc phòng đa năng trở thành sàn cat walk trong buổi diễn thời trang sưu tập Miên của Kilomet 109 (ngày 26-10); có lúc chính căn bếp ăn lại trở thành sân khấu để biểu diễn nhạc hiện đại (Evolution – Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc); nhưng có lúc một góc sân vườn lại chính là sân khấu của vở kịch Hạnh phúc giản đơn (ngày 10-8)…

Tính đến nay, đại dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết, các chuyến bay quốc tế vẫn đang bị hạn chế. Hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục đang đứng trước không ít những thách thức. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc những quy định về phòng chống dịch bệnh, việc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… cũng đặt ra vấn đề cấp thiết. Với những hoạt động đồng sáng tạo của Xưởng Văn hóa do Viện Goethe tại Việt Nam tổ chức đã gợi ý một hướng đi mới cho việc duy trì và phát triển nghệ thuật trong hoàn cảnh hiện nay. Người nghệ sĩ luôn cháy bỏng khát vọng sáng tạo, cống hiến, mong được sự đón nhận từ công chúng yêu nghệ thuật, đời sống tinh thần của xã hội luôn khao khát những tác phẩm nghệ thuật mới có giá trị. Mô hình những sân khấu nhỏ, với số lượng khán giả không quá lớn, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến như Viện Goethe đã làm trong thời gian qua là những gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ về những hình thức thể hiện nghệ thuật trong thời đại dịch hiện nay. Các sự kiện của Xưởng Văn hóa đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của công chúng, tìm ra hướng đi mới trong việc phát huy giá trị của nhiều loại hình nghệ thuật, đã phần nào gắn kết các nghệ sĩ với những người yêu nghệ thuật và khoảng thời gian còn lại của năm 2020 thành cơ hội truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *